Saturday, June 21, 2025

Nguyễn Thông - Dùng từ
samedi 21 juin 202
Thuymy


(Đôi dòng nhân ngày của các nhà báo mậu dịch)

Không chỉ người làm báo, mà bất kỳ ai, nhất là nhà lãnh đạo, phải chú ý mỗi câu, mỗi từ, mỗi chữ khi dùng phải thật chính xác. Từ ngữ phải thể hiện được đúng điều người dùng định nói ra, và điều định thể hiện phải được tải bằng từ ngữ phù hợp, chính xác.

Đó là sự bình thường đối với người có chữ, cũng giống như nông dân cày ruộng thì sá cày phải thẳng, người lính biết thạo dùng khẩu súng vậy.

Tôi thấy rất nhiều nhà báo (cả những già lõi đời lẫn trẻ non mới vào nghề), thậm chí ông to bà lớn như tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng, ông này bà nọ... rất khoái ăn nói văn vẻ, dùng từ/chữ ấn tượng, độc đáo, chẳng hạn họ hay nói/viết : "giặc nội xâm".

"Giặc" ai cũng rõ rồi, nghĩa là kẻ thù ; "nội" cũng rõ nghĩa, chả có gì khó hiểu, là bên trong (ngành y có chuyên khoa nội và chuyên khoa ngoại, nội cho uống thuốc điều trị từ bên trong, ngoại thì mổ xẻ, phẫu thuật từ bên ngoài). "Xâm" là xâm lấn, chiếm đoạt, cướp lấy, nhập vào, tấn công, đem binh chiếm bờ cõi nước khác/vùng khác (nói chung, đã dùng xâm thì hàm nghĩa bên này sang bên kia). Xâm hại trẻ vị thành niên nghĩa là có hành động xấu xa với đứa trẻ chưa trưởng thành.

"Ngoại xâm" lâu nay khá rõ nghĩa, được dùng chính xác ; chẳng hạn giặc ngoại xâm là giặc từ bên ngoài (ngoại) và chiếm cướp (xâm). Dân gian còn gọi giản dị là giặc ngoài.

Tuy nhiên, đám giặc, đám phá hoại, cướp bóc, giặc phát sinh từ bên trong (nội tại, nội địa) thì chả ai gọi là "nội xâm" cả. Nếu coi của cải vật chất là đối tượng chính của hành động "xâm" thì dù đứa bên trong cướp hay đứa bên ngoài cướp đều gọi là giặc, không cần phân biệt kẻ cướp từ trong hay ngoài. Khi dùng "ngoại xâm", mặc nhiên đối tượng của hành động "xâm" ấy là đất nước/quốc gia.

Vậy thì đừng tự tiện đặt thêm vế nữa "nội xâm" thành cặp từ cho có vẻ chơi chữ, bởi đám nội thì chỉ phá nước chứ không xâm. Nó đã nằm bên trong (nội) rồi, làm sao còn "xâm" chính nơi nó được.

Chẳng qua do bệnh hay nói chữ mà vậy. Các cụ xưa đã có cách diễn đạt rất chính xác, giản dị, dễ hiểu, sâu sắc... về nội dung ấy, là "thù trong, giặc ngoài", sao các ngài không chịu dùng, mà cứ thích nhí nhố này nọ.

Đám lãnh đạo mà vậy, tôi không trách bởi họ khôn/giỏi nhưng ít chữ lại thích ra vẻ ta đây ; còn đám nhà báo vốn sống bằng chữ nghĩa mà dùng liều vậy, quả thật rất đáng bị coi thường.

NGUYỄN THÔNG 21.06.2025

No comments:

Post a Comment