Thursday, June 12, 2025

Nguyễn Quốc Chính – Vì đâu nên nỗi
jeudi 12 juin 2025
Thuymy


(Chuyện kinh tế vỉa hè – chợ truyền thống và sự chết dần của tầng lớp tiểu thương. Viết từ một buổi sáng ảm đạm nơi chợ Tân Định)

Mùi cá khô không còn nồng như trước. Tiếng rao “rau răm mười ngàn ba bó” cũng không còn chen nhau trong sớm mai. Quầy vải hoa của dì Năm đã đóng cửa hơn một tháng. Mấy chị bán giày dép dọn đi, để lại dãy số 22–24 trống hoác, trơ trọi bảng “sang gấp – giá rẻ – liên hệ chính chủ”. Bên trong, sàn bụi mù. Một con mèo già nằm ngủ lặng lẽ, cũng tội nghiệp.

Đi giữa chợ mà thấy như đi qua ký ức

Chợ – không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa. Nó từng là một thế giới – nơi người ta sống, yêu, ghen, cãi nhau, rồi lại cười với nhau. Ở đó, bà bán chè biết thằng bé nhà chị Tư thích ăn chè bắp không bỏ nước cốt dừa. Ở đó, bác sửa khóa quen tay mở giỏ dùm mấy bà già. Ở đó, những “mối ruột” là cả một mối quan hệ được gầy dựng bằng chữ tín hơn là giá rẻ.

Bây giờ thì sao ? 

Chợ chết. Tiểu thương lụi. Vỉa hè bị xua đuổi như tội phạm.

Người ta dựng lên những trung tâm thương mại lạnh ngắt, có máy lạnh mà không có tình người. Người ta ưu ái siêu thị tiện lợi vốn chỉ biết thu tiền, chứ không biết bán rổ hành với nụ cười. Người ta làm chiến dịch “giải tỏa vỉa hè” như đi đánh trận, dẹp sạch cả cái bếp nhỏ nuôi ba đứa con ăn học, như dẹp một cái tội.

Rồi người ta ngồi họp – phát biểu rằng : “Cần hỗ trợ tiểu thương chuyển đổi mô hình kinh doanh.” Mô hình gì ? Chuyển đi đâu ? Làm sao chuyển ? Không ai trả lời. Vì họ đâu cần nghe câu trả lời.

Tiểu thương – vốn là lớp người sống bằng chữ “tự lực” – đang chế.t dần trong sự vô cảm của những chính sách nửa vời.

Một cái kiosk bây giờ thuê giá vài chục triệu mỗi tháng. Nhưng khách thì không tới. Vì khách đã trôi lên sàn online – hoặc bị cuốn vào các trung tâm lạnh lẽo. Người ta bây giờ không cần nói chuyện, không cần mặc cả, chỉ cần “thêm vào giỏ hàng”. Nhưng đời sống không thể chỉ là “click để mua”. Cái mà chợ có – là tình người. Và cái đó, đang mất.

Vì sao nên nỗi ?

Vì trong khi người nghèo gồng gánh để mưu sinh, thì một số người giàu ung dung kê bàn vạch quy hoạch – toàn siêu thị, mall, cao ốc. Vì đất vàng không dành cho người bán rau. Vì đôi khi, quyền lực nhìn người bán vé số như “thứ cần phải dẹp”.

Vì sự phát triển mà không giữ lại phần người, thì cũng chỉ là một cuộc chạy đua vô nghĩa.

Chỉ thấy đau.

Đau khi đi qua những con hẻm từng náo nhiệt tiếng rao, giờ im lặng như nghĩa địa giữa ban ngày. Đau khi thấy những người từng nuôi con, nuôi cháu bằng đôi tay bán từng con cá, trái cà, giờ ngồi co ro bên vỉa hè, bị đuổi như kẻ ăn mày.

Chợ không chỉ là nơi buôn bán. Đó là ký ức, là nhân tình, là cách mà một thành phố thể hiện sự bao dung. Nếu đánh mất nó, thì dù có thêm bao nhiêu cao ốc, Sài Gòn cũng không còn là Sài Gòn nữa.

NGUYỄN QUỐC CHÍNH 11.06.2025

Ảnh trên mạng

No comments:

Post a Comment