Monday, June 9, 2025

Lê Đăng Minh – Tư bản đỏ và tư bản thân hữu
lundi 9 juin 2025
Thuymy

Khái niệm “tư bản đỏ” (red capitalists) được phát triển trong các nghiên cứu về Trung Quốc và Việt Nam (Dickson, 2003 ; Gainsborough, 2009), dùng để chỉ các cá nhân từng nắm giữ vị trí trong chính quyền hoặc khu vực công, sau đó chuyển hóa thành doanh nhân tư nhân nhờ các cải cách kinh tế.

Đây là đặc điểm riêng biệt của các nền kinh tế chuyển đổi từ hệ thống kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nơi mối quan hệ giữa quyền lực chính trị và quyền lực kinh tế mang tính kế thừa và thể chế hóa cao.

Ngược lại, khái niệm “tư bản thân hữu” (crony capitalists) được sử dụng rộng rãi hơn để mô tả các doanh nghiệp tích lũy đặc quyền kinh tế nhờ quan hệ cá nhân, thân tộc hoặc hối lộ với giới cầm quyền, mà không nhất thiết xuất phát từ vị thế chính trị hay nhà nước.

Tư bản thân hữu có thể xuất hiện trong nhiều loại hình thể chế chính trị, bao gồm cả các nước dân chủ lẫn phi dân chủ, và thường gắn liền với tình trạng tham nhũng, cấu kết chính trị – doanh nghiệp, và méo mó thể chế thị trường.

Việc phân biệt hai khái niệm này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong các nền kinh tế đang chuyển đổi như Việt Nam, nơi mà sự giao thoa giữa quyền lực nhà nước và hoạt động kinh doanh tư nhân diễn ra rất phức tạp.

Không phải mọi doanh nghiệp tư nhân có quan hệ với chính quyền đều có thể xem là tư bản đỏ. Chỉ khi cá nhân/doanh nghiệp đó có nguồn gốc từ hệ thống công quyền (như cán bộ cấp cao trong chính quyền, doanh nghiệp nhà nước) và tích lũy tài sản nhờ các đặc quyền thể chế thì mới được xếp vào nhóm tư bản đỏ.

Trong khi đó, doanh nghiệp tư nhân hình thành trên thị trường nhưng tìm cách trục lợi thông qua mối quan hệ mật thiết với các nhóm quyền lực thì phù hợp hơn với khái niệm tư bản thân hữu.

Từ góc nhìn chính sách, việc phân biệt tư bản đỏ và tư bản thân hữu giúp không đánh đồng toàn bộ khu vực kinh tế tư nhân với các hiện tượng tiêu cực, từ đó xác lập ranh giới giữa hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân lành mạnh và kiểm soát sự cấu kết quyền lực.

Điều này được nhấn mạnh rõ trong Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị, theo đó “kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân ; là lực lượng tiên phong trong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia”. Đây là cơ sở chính trị – pháp lý quan trọng để phân biệt giữa việc “tạo điều kiện” phát triển tư nhân và “tiếp tay” cho hình thức tư bản đỏ hoặc thân hữu.

LÊ ĐĂNG MINH 09.06.2025

No comments:

Post a Comment