Kiev đẩy mạnh những cuộc oanh tạc sâu vào lãnh thổ Nga, « sỉ nhục » Matxcơva
Thùy Dương
Đăng ngày: 07/06/2025 - 12:00
RFI
Matxcơva trả đũa sau đợt tấn công ồ ạt của Ukraina sâu vào lãnh thổ Nga. Tân tổng thống Ba Lan phải chăng là nhân tố gây bất ổn mới cho Liên Hiệp Châu Âu và Liên Minh Bắc Đại Tây Dương ? Chiếc khăn burqa trùm kín mặ t của phụ nữ Hồi giáo và những tranh cãi về giá trị truyền thống Anh. Trên đây là những chủ đề chính trong tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.
Một tuần sau khi dồn dập không kích Ukraina trong ba ngày với cường độ cao chưa từng có tính từ khi nổ ra chiến tranh, với hơn 900 drone và vài chục tên lửa, gây nhiều thiệt hại nhân mạng cho đối phương, tuần này đến lượt Nga liên tiếp hứng chịu tổn thất vật chất khi bị Ukraina tấn công trên nhiều mặt trận, từ các căn cứ không quân sau trong lãnh thổ, cầu Kerch nối sang Crimée, cho đến hãng chế tạo máy bay danh tiếng Tupolev.
Sau 1 năm rưỡi bí mật chuẩn bị, Ukraina hôm 01/06/2025 đã tiến hành chiến dịch táo bạo « Mạng nhện », phóng hơn 100 drone tiêu diệt 1/3 số chiến đấu cơ mang tên lửa hành trình của Nga đang đậu tại nhiều căn cứ quân sự xa xôi của Nga, từ vùng Mourmansk, gần Bắc Cực, cho đến tận miền đông Siberie. Đây được xem là chiến dịch tấn công sâu nhất của Kiev vào lãnh thổ của kẻ thù từ khi Ukraina bị Nga xâm lược.
Chỉ hai ngày sau, đến lượt cầu Kerch nối từ Nga sang bán đảo Crimée bị Ukraina tấn công với khoảng 1,1 tấn thuốc nổ cài dưới một trụ cầu. Dẫu cầu không sập, nhưng vụ tấn công vào cây cầu không chỉ là biểu tượng cho sự thâu tóm Crimée của Nga, mà còn là tuyến đường chiến lược của Matxcơva, một lần nữa cho thấy quân đội Ukraina có khả năng và nguồn lực để tiến hành các hoạt động làm suy yếu kẻ thù. Trả lời báo Pháp Le Monde qua điện thoại, dân biểu Oleksandr Merezhko, người đứng đầu Ủy ban đối ngoại của Quốc Hội Ukraina, khẳng định đây là một thông điệp Kiev gửi tới Putin, rằng Nga đang ở trong tình thế dễ bị tổn thương hơn họ nghĩ, nhằm gây áp lực khiến Matxcơva phải đàm phán nghiêm túc hơn với Kiev.
Từ Kiev, thông tín viên Emmanuelle Chaze ngày 03/06 giải thích thêm về ý nghĩa vụ tấn công cầu Kerch :
« Đây không phải là lần đầu tiên các lực lượng của Ukraina tìm cách phá hủy cây cầu này, mà là lần thứ 3 kể từ năm 2022. Tình báo Ukraina cho biết lần này hơn một tấn thuốc nổ TNT đã được đặt và kích nổ phía dưới trụ cầu.
Thách thức đặt ra cho Ukraina là rất lớn, bởi vì cây cầu này cho phép Matxcơva chuyển quân, thiết bị hạng nặng và đạn dược từ Nga đến bán đảo Crimée và sau đó đi dọc theo đường chiến tuyến tại vùng bị chiếm đóng ở miền đông lãnh thổ Ukraina. Phá hỏng cầu Crimée sẽ ngăn chặn việc vận chuyển này của quân Nga và khiến các đội quân Nga ở miền đông giảm các cuộc tấn công chống quân đội Ukraina.
Trong khi Nga mô tả hành động phá cầu là khủng bố, Kiev khẳng định đã hoạt động đúng theo khuôn khổ luật của luật chiến tranh, không gây ra thương vong cho dân thường.
Cây cầu vẫn còn đó, nhưng vụ tấn công này của Ukraina cho Nga và các đồng minh của Ukraina thấy rằng, kể cả sau hơn 3 năm chống chọi với cuộc chiến xâm lược trên mọi mặt trận và đang phải chịu áp lực rất lớn dọc theo chiến tuyến, Kiev vẫn có thể chứng tỏ họ có nhiều sáng kiến về quân sự ».
Chưa dừng ở đó, hôm 04/06, tình báo Ukraina lại thông báo đã tấn công tin tặc vào hãng chế tạo máy bay nổi tiếng Tupolev của Nga và lấy được nhiều dữ liệu quan trọng của nhà sản xuất này. Hãng Tupolev đặc biệt nổi tiếng với các oanh tạc cơ tầm xa có thể mang theo vũ khí hạt nhân, ví dụ Tupolev-95 và Tupolev-160, thuộc lực lượng răn đe hạt nhân trên không của Nga. Nhiều thông tin mật của Tupolev đã bị Kiev đăng tải lên các mạng xã hội.
Đến ngày 06/06, quân đội Ukraina khẳng định trong đêm đã oanh tạc thành công 2 căn cứ không quân của Nga, nhắm trúng ít nhất 3 kho nhiên liệu của đối thủ.
Có lẽ khi có những hành động tấn công táo bạo làm Nga « mất mặt » như vậy, Kiev cũng hiểu sẽ sớm phải hứng chịu đòn trả đũa gay gắt của đối phương. Quả thực, không phải chờ lâu, trong đêm 05 rạng sáng 06/06, Nga đã ồ ạt oanh tạc Ukraina bằng drone và tên lửa đạn đạo. AFP cho biết tại Kiev, ít nhất 4 người thiệt mạng. Ngoài thủ đô Kiev, có 9 vùng khác trên cả nước bị Nga tấn công (Volyn, Lviv, Ternopil, Kiev, Soumy, Poltava, Tcherkassy, Tcherniguiv, Khmelnytsky). Tổng cộng, theo Phòng không Ukraina, Nga đã phóng 407 drone tấn công và drone mồi bẫy, cùng 45 tên lửa.
Sau 3 năm điều quân đi xâm lược nước láng giềng, giờ đây chính quyền Nga xem chiến tranh Ukraina là « một vấn đề liên quan đến sự tồn vong, một vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia, an ninh, tương lai của chúng tôi và con cháu chúng tôi ».
Tân tổng thống Ba Lan : Nhân tố gây bất ổn mới cho Liên Hiệp Châu Âu
Điều mà cả Liên Hiệp Châu Âu, NATO và Ukraina không mong muốn đã xảy ra ở Ba Lan : Người đắc cử tổng thống Ba Lan là sử gia theo chủ nghĩa dân tộc Karol Nawrocki, 42 tuổi … Với khẩu hiệu « Nước Ba Lan, người Ba Lan trước tiên », Karol Nawrocki, hoài nghi châu Âu, đòi quyền tự quyết cao hơn cho đất nước trong Liên Âu, ngưỡng mộ tổng thống Mỹ Donald Trump, phản đối việc để Ukraina gia nhập NATO, dĩ nhiên khiến Liên Âu và Liên Minh Bắc Đại Tây Dương phải đề phòng.
Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet ngày 02/06 tóm lược phản ứng của các lãnh đạo nước ngoài sau khi Karol Nawrocki đắc cử tổng thống Ba Lan :
« Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết bà tin tưởng là một sự hợp tác tốt đẹp với Ba Lan sẽ vẫn được duy trì, nhưng phản ứng của thủ tướng Hungary Viktor Orbán và lãnh đạo đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc của Pháp, bà Marine Le Pen, thì lại cho thấy rõ ràng là mối quan hệ giữa Vacxava và Bruxelles sẽ trở nên phức tạp hơn.
Tổng thống Đức kêu gọi tân tổng thống Ba Lan Karol Nawrocki tôn trọng Nhà nước pháp quyền, điều này phản ánh những lo ngại của các nước châu Âu đang dè chừng nỗ lực của tổng thống Mỹ Donald Trump. Họ muốn Ba Lan trở lại phù hợp với các giá trị châu Âu.
Về phần mình, tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO chỉ ra rằng cần phải tiếp tục hỗ trợ Ukraina. Mark Rutte phát biểu : « Tất nhiên là tôi đã theo dõi cuộc bầu cử tổng thống Ba Lan. Tôi xin chúc mừng người thắng cử và mong muốn chúng ta sẽ hợp tác với nhau về mọi vấn đề, để rồi cùng với Ba Lan, NATO sẽ trở nên mạnh mẽ hơn hiện giờ. Quý vị biết đấy, liên quan đến Ukraina, 32 nước đồng minh đã cam kết rõ ràng về việc Ukraina sẽ gia nhập NATO và điều này là không thể đảo ngược. Đây là cam kết dài hạn của 32 nước đồng minh của Kiev ».
Tổng thống Ukraina, Volodymyr Zelensky, hy vọng có « một sự hợp tác hiệu quả » với Ba Lan, thế nhưng vị tân tổng thống Ba Lan lại khiến mọi người hoài nghi về thiện chí hỗ trợ người tị nạn Ukraina. Karol Nawrocki tự nhận mình là người ngưỡng mộ tổng thống Mỹ Donald Trump, và hiện giờ các nước châu Âu chỉ có thể hy vọng là Ba Lan vẫn sẽ đi đầu trong các nỗ lực để đối phó với Nga ».
Chiếc khăn burqa trùm kín mặt của phụ nữ Hồi giáo và những tranh cãi về giá trị truyền thống Anh
Tuần qua ở Anh lại nổ ra cuộc tranh cãi về « giá trị truyền thống Anh » và sự phân hóa của phe hữu, nhân câu chuyện về chiếc khăn burqa trùm kín mặt của phụ nữ Hồi giáo. Chủ tịch đảng cánh hữu dân túy Reform, triệu phú Muhammad Zia Yusuf, tuyên bố từ chức và phê phán đảng của mình sau khi nữ dân biểu Quốc Hội đầu tiên của đảng yêu cầu chính phủ ra luật cấm loại khăn đó.
Thông tín viên Nguyễn Giang tường thuật từ Luân Đôn :
« Triệu phú 38 tuổi của đảng này, ông Zia Yusuf, một người Hồi giáo gốc Sri Lanka nhưng sinh ra và lớn lên ở Scotland, đã tuyên bố từ chức và phê phán đảng của mình là “ngu dốt” ngay sau khi nữ dân biểu Quốc Hội đầu tiên của đảng Reform, một người Anh da trắng, bà Sarah Pochin, đòi chính phủ cấm khăn trùm kín mặt của phụ nữ Hồi giáo.
Diễn biến mới nhất làm phân hóa đảng Reform, vốn có chiến thuật tuyển các thành viên từ cộng đồng sắc tộc không phải Ki Tô giáo để tỏ ra là “không phân biệt chủng tộc”.
Thế nhưng, trên mạng xã hội và ở phần bình luận của nhiều tờ báo cánh hữu tại Anh, đã có hàng trăm hàng nghìn lời bình luận hả hê trước việc ông Zia Yusuf từ chức. Họ nói “giờ thì ông ta lộ mặt là không đủ chất Anh", rằng “thích khăn burqa thì hãy biến khỏi đây”. Lãnh đạo đảng Reform, ông Nigel Farage chỉ tỏ ra lấy làm tiếc về vụ ông Yusuf từ chức, nhưng không ít cử tri Anh chính gốc nói đảng này cần nhân đây “dọn sạch cỏ dại” và bầu người công khai chống di dân làm tân chủ tịch. Những người phản đối Reform thì nói đảng này không nghiêm túc, “để xảy ra nội chiến” và "lộ diện bài ngoại" hoàn toàn.
Đây không phải là lần đầu tiên chủ đề chiếc khăn choàng kín mặt của phụ nữ Hồi giáo, tức burqa (và phiên bản cổ điển hơn là niqab với khăn và mũ, áo gắn liền nhau, chỉ hở mắt người phụ nữ mang trang phục) đã gây ra tranh cãi nghiêm trọng ở Anh.
Năm 2014, một số nghị sĩ Anh muốn làm theo Pháp, đề xuất luật cấm đeo khăn burqa nơi công cộng, nhưng không được Quốc Hội thông qua. Câu chuyện nay bùng trở lại sau hơn 10 năm yên ắng. Trang The Spectator của phe trung hữu có bài hôm 06/06 nói rằng “cấm khăn trùm mặt Hồi giáo không phải là phân biệt đối xử”.
Có các ý kiến nói đừng nhầm lẫn giữa tự do tôn giáo (và yêu sách đòi quyền tự do mang trang phục của đạo Hồi ở Anh) với nhu cầu bảo vệ phụ nữ theo tiêu chuẩn văn hóa hiện đại.
Chính phủ Anh, qua lời thủ tướng Keir Starmer, đang cố gắng hàn gắn các xu hướng tiềm ẩn xung khắc, để làm sao các công dân với nhau “không thành kẻ xa lạ” (strangers). Nhưng vụ khăn Hồi giáo làm lộ ra các chia rẽ vẫn rất sâu sắc trong lòng xã hội Anh. Đà phân hóa chắc sẽ còn gia tăng, khi mà gần như tất cả các chính trị gia nổi tiếng đều nghiêng về phía dân túy, chống di dân và đề cao văn hóa Anh trong mấy năm vừa qua ».
Tại Pháp, năm nay là năm thứ 15 luật cấm trùm khăn toàn thân của người Hồi giáo tại các nơi công cộng có hiệu lực. Theo đạo luật được thông qua vào ngày 11/10/2010, có hiệu lực từ 11/04/2011, Pháp trở thành nước đầu tiên ở châu Âu cấm phụ nữ trùm khăn choàng kín mặt (burqa và niqab) tại nơi công cộng (như trường học, công viên, thư viện, tòa thị chính, nhà ga, trung tâm thương mại, rạp phim …). Những ai vi phạm có thể phải nộp phạt tới 150 euro, hoặc phải tham gia khóa học công dân, ép người khác trùm khăn toàn thân cũng có thể bị tù hay nộp phạt nặng.
Gần đây, chủ đề mạng che mặt lại gây tranh cãi trở lại, khi Gabriel Attal, tổng thư ký đảng Phục Hưng (Renaissance), của tổng thống Emmanuel Macron, cũng là người đứng đầu nhóm dân biểu Đồng Hành Vì nền Cộng Hòa (Ensemble pour la République/EPR tại Hạ Viện, muốn Pháp cấm trẻ dưới 15 tuổi đeo mạng che mặt tại nơi công cộng. Theo vị cựu thủ tướng, cựu bộ trưởng Giáo Dục Pháp, Gabriel Attal, việc đeo mạng che mặt « làm suy yếu nghiêm trọng sự bình đẳng giữa nam và nữ cũng như việc bảo vệ trẻ em ».
No comments:
Post a Comment