Khoa học, khi hội đồng… hội thảoNguyễn Hoàng Văn
3-6-2025
Tiengdan
Một anh nghiện xông vào điện Thái Hòa của Triều đình Huế quậy phá, bẻ gãy bộ phận gác tay của ngai vàng và, thế là, sau những thủ tục quan liêu lòng vòng, một “Hội đồng khoa học” lại ra đời.
Tin trên báo Tuổi Trẻ: “Sáng 30-5, ông Phan Thanh Hải, giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Huế, cho biết Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản chấp thuận cho UBND TP Huế lập hội đồng khoa học để đánh giá tình trạng và đề xuất phương án bảo quản, phục chế bảo vật quốc gia ngai vàng triều Nguyễn bị bẻ gãy” [1].
Hẳn nhiên, như bao lần, bây giờ để “đánh giá tình trạng và đề xuất phương án bảo quản, phục chế”, “Hội đồng khoa học” này sẽ liên miên tổ chức “hội thảo khoa học”.
Nhưng ít ra thì lần “hội thảo khoa học” này cũng có mục tiêu cụ thể, một công việc cụ thể và hữu ích là phục chế phần gác tay của cái ghế vua ngồi. Hơn hẳn loại “hội thảo khoa học” vô bổ, thậm chí phi hay phản khoa học.
Tôi thử Google với cụm từ “hội thảo khoa học” thì phát hiện vô số chuyện cười ra nước mắt và tàm tạm rút ra kết luật rằng, nếu giận nhau, muốn hại nhau, hạ bệ nhau, họ gấp rút tổ chức “Hội nghị trung ương bất thường”; còn như buồn nhân thế hay sợ đời lãng quên, họ sẽ tiến hành tổ chức “hội thảo khoa học”.
Vô số hội thảo để cười, ở đây chỉ nhắc lại một số ít đáng chú ý.
Đầu tiên là “Hội thảo khoa học: Tố Hữu với văn hóa dân tộc”, được nhà báo Dương Phương Vinh tường thuật trên báo Tiền Phong trong bài: “Nhớ Tố Hữu – nhà thơ 95 tuổi” [2].
Đầu tiên là tính “khoa học” trong “quy trình” tính tuổi: Nếu tính kiểu này thì, bây giờ, Hồ Chí Minh phải “thọ” 135 tuổi!
Tố Hữu sinh năm 1920, chết năm 2002, tuổi ta là 83, tuổi Tây là 82. Nhưng đến cuộc hội thảo năm 2015 thì cộng thêm 13 năm chết, lấy 2015 trừ cho 2002 thành 95 tuổi.
Bây giờ mà “hội thảo khoa học” tiếp, Tố Hữu sẽ lên 105 tuổi!
Nhưng cái chính là nội dung của cuộc hội thảo, trích từ bài báo trên:
“Hôm qua, tại Hội thảo khoa học “Tố Hữu với văn hóa dân tộc”, các đại biểu đều đánh giá nhà thơ rất cao, không có sự nói ngược nào. Tố Hữu là nhà văn hóa lớn, nhà thơ kỳ tài, nhân cách cộng sản mẫu mực cao quý dù ai nói ngả nói nghiêng. Đó là nhận định của nhiều đại biểu tại hội thảo Tố Hữu nhân 95 năm sinh của ông.
[…]
“Sau khi Tố Hữu mất, có lần GS Hà Minh Đức nói với bà Thanh, phu nhân nhà thơ: ‘Trước đây người ta đánh giá thơ anh 10 giờ còn 7, có người đánh giá 5’. Bà Thanh hỏi: ‘Ai, người nào thế?’. Ông Đức nói chị không cần biết, người ta có quyền, đúng sai thời gian sẽ điều chỉnh. Ngay ông Đức viết nhiều về Tố Hữu, bị cho là bảo thủ. Bà Thanh buồn bã: ‘Dây vào Tố Hữu giờ ngang dây vào địa chủ’”. TS Nguyễn Minh San đã kể câu chuyện trên (dẫn từ sách của Hà Minh Đức) tại hội thảo khoa học Tố Hữu với văn hóa dân tộc sáng 16.10 ở Bộ VH-TT&DL. Để nói với hương hồn bà Thanh rằng “Bằng chứng đây, hội thảo này, quý vị có mặt tại đây vẫn dây vào Tố Hữu, khẳng định Tố Hữu là danh nhân văn hóa, nhiều cống hiến cho văn hóa dân tộc”.
Tại sao phải lướt qua, phủ định?
Đã gọi là “Hội thảo khoa học” thì phải có ý kiến ngược xuôi, có ý kiến thẳng băng và nghiêng ngả, phải phân tích những đánh giá 10, 7, 5, phải phân tích tại sao Tố Hữu lại “ngang” với “địa chủ” chứ?
Cứ đều đều một giọng 10 thì là tuyên truyền chứ sao là khoa học?
Tính tuyên truyền, phản khoa học này thể hiện rất rõ ràng trong hội thảo, qua lời nhà báo:
“Trong lời đề dẫn, người của ban tổ chức hay gọi “đồng chí Tố Hữu” mà ít gọi “nhà thơ”. [… ] Mở đầu, một cô gái xinh xắn lên ngâm Từ ấy, Bác ơi trong tiếng sáo dìu dặt. Thơ hay, nhạc đẹp mỗi tội thơ tấu lên bị sai bốn lần (cô cầm giấy đọc thơ). Người đẹp ngâm thơ, một diễn viên chèo, về sau có thanh minh rằng cô chỉ ngâm sai một chỗ – câu đầu bài Bác ơi còn thì thể hiện đúng bản thảo ban tổ chức đưa cho. Nghĩa là lỗi sai ba lần không thuộc về cô.
Một tham luận khác đọc lên, phần dẫn thơ Tố Hữu cũng sai hai lần, chưa kể cách viết kiểu học trò (ban tổ chức phi lộ tác giả chuẩn bị làm luận án tiến sĩ ở nước ngoài). Nói chung, hơi hiếm tham luận mang tính khoa học trong buổi sáng 16.10, hoặc do thời gian ngắn quá chưa kịp cảm nhận đầy đủ. Sáu tham luận đã không được vang lên cũng bởi yếu tố thời gian”.
“Hội thảo khoa học” về di sản của nhà thơ mà có hai bài thơ quan trọng cũng viết sai, còn nghiên cứu sinh tiến sĩ thì viết như học trò trung học!
“Hội thảo khoa học” kiểu này thì dẫu có nói trời nói đất, Tố Hữu vẫn là Tố Hữu. Nó chẳng chứng minh rằng thơ Tố Hữu hay hơn, Tố Hữu có nhân cách đẹp hơn, đóng góp của Tố Hữu với văn hóa lớn hơn!
Mà chỉ có tác dụng ngược lại!
“Sau khi Hữu Thỉnh kể câu chuyện Tố Hữu từng cư xử ân tình thế nào với gia đình họa sĩ Tô Ngọc Vân và những người dân quê bình thường khác, GS Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc Việt Nam – đơn vị phối hợp với Hội thơ Đường luật Việt Nam tổ chức cuộc này, chốt hạ: “Nếu đúng Tố Hữu như vậy (lời Hữu Thỉnh kể) thì còn kẻ nào dám xuyên tạc, còn kẻ nào dám phủ định nữa. Con người sống vì dân được dân yêu như thế..”..
Nếu là khoa học thì chữ “NẾU” chỉ được dùng trong lối biện luận loại suy, nhưng những “khoa học viên” trong cuộc “hội thảo khoa học” này thì chỉ “loại” chứ không “suy”. Họ loại bỏ hoàn toàn chứ không chịu suy nghiệm rằng tại sao người ta lại phủ định Tố Hữu, về tài thơ và về cả nhân cách.
Nội dung đã vậy, hình thức tổ chức càng nhếch nhác hơn:
“Ông Chương cũng tỏ hài lòng vì các đại biểu đã chúng khẩu đồng từ đánh giá rất cao về Tố Hữu, không có sự nói ngược nào. Tuy nhiên, chính điều này làm cho không khí của một cuộc được gọi là hội thảo khoa học kém sôi nổi”.
GS Vũ Khiêu, hơn Tố Hữu tới 4 tuổi nên sự hoài niệm, hồi ức không tránh khỏi lan man. Một đại diện gia đình, con trai Tố Hữu, xuề xòa thế nào mà nhầm lẫn danh hiệu, học vị của các vị chủ tọa khiến mọi người cười ồ, chưa kể những nhận xét có phần khó hiểu về sự nghiệp của cha mình.
Khán phòng khoảng gần trăm người, hầu hết đứng tuổi. Không khí phẳng lặng thỉnh thoảng lại xôn xao lên một tẹo khi thơ Tố Hữu bị trích dẫn sai (chứng tỏ người thuộc thơ Tố Hữu luôn không hiếm); hoặc chủ tọa Hoàng Chương kêu gọi “chịu khó tập trung, đừng nói chuyện, đừng bỏ ra về, bỏ về là có tội với tiền nhân. Tôi sức khỏe như thế này không bao giờ đau ốm vì tôi thờ các vị tiền nhân hết mình, các vị tiền nhân luôn phù hộ tôi”.
“Hội thảo khoa học” mà nói cái gì ra tham dự viên cũng đồng ý thì có khác nào buổi họp phổ biến nghị quyết mà không ai dám nói ngược?
Thậm chí, “Hội thảo khoa học về Tố Hữu” mà lại mang hương hồn Tố Hữu ra trù ẻo, rằng bỏ về sớm là “có tội” với “tiền nhân”, sẽ bị “tiền nhân” hành cho đau ốm. Nó không phải là “hội thảo khoa học” mà là “hội thảo phi khoa học” hay “hội thảo phản khoa học”.
Hai năm sau thì nổi lên cuộc “Hội thảo khoa học quốc gia” với đề tài “Một số vấn đề lý luận – thực tiễn về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua tổ chức đảng và đảng viên”; do Hội đồng Lý luận Trung ương cùng Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp tổ chức [3].
Cũng là một thứ “hội thảo phi khoa học”.
Phi khoa học vì có đảng nào mà không có “tổ chức đảng” và “đảng viên”? Nếu lúc này đảng muốn “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua tổ chức đảng và đảng viên” thì, trước đây, đảng được lãnh đạo thông qua cái gì?
Cũng giống như cháo gà có hai thành phần chính ngoài nước là gạo và thịt gà. Nói “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua tổ chức đảng và đảng viên” thì có khác gì bảo phải “Đổi mới phương thức nấu cháo gà bằng gạo và thịt gà”?
Hết sức vô nghĩa, vô duyên, thế mà cũng gọi là “Hội thảo khoa học quốc gia”.
Vẫn chưa hết, hai năm sau, lại có “Hội thảo khoa học toàn quốc” do “Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương” tổ chức, với đề tài “Vai trò định hướng của phê bình trong hoạt động thực tiễn và sáng tạo văn học, nghệ thuật hiện nay” [4].
Hội thảo diễn ra ở Vĩnh Phúc, quy tụ gần 180 “nhà khoa học”, “nhà nghiên cứu”, “nhà lý luận phê bình” và “văn nghệ sĩ”. Đích thân Trưởng ban Tuyên giáo Võ Văn Thưởng đến “đọc diễn văn chỉ đạo”.
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phan Trọng Thưởng được giao trọng trách đọc “Báo cáo đề dẫn”, bài này sau đó được ông hiệu đính, đăng lại trên báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh ngày 19-2-2018 với nhan đề “Vận động là quy luật phổ biến của Văn học, nghệ thuật”.
Hết sức vô bổ vì nói những điều hiển nhiên, chẳng ai có thể cãi lại!
Nếu đã đề cập đến “quy luật” thì phải nói rõ quan hệ, tác động qua lại và nhất là chu kỳ và tần số xuất hiện. Thí dụ có áp bức có đấu tranh. Hay “quy luật cung cầu”: Cung giảm thì giá tăng, cung tăng giá giảm, cầu tăng giá tăng, cầu giả giá giảm v.v… Hay quy luật phun trào của núi lửa nào đó, sau 70, 100 hay 200 năm thì nó phun trào một lần.
Còn nếu chỉ là “vận động” khơi khơi thì, để tồn tại, có bất cứ thứ gì trên đời mà không vận động?
Nhà sư ngồi thiền tưởng là im lặng như mà không, tim ông ta vận động, phổi ông ta vận động, bộ máy tiêu hóa ông ta cũng vận động. Con cá đứng yên một chỗ nhưng bộ vây và đuôi cá vẫn phải họat động để giữ thăng bằng.
Một tổ chức xã hội hay chính trị nếu muốn tồn tại thì phải hoạt động, không chỉ họat động với đời và hoạt động nội bộ giữa các thành viên với nhau. Thành lập một tổ chức cho có tên rồi không hoạt động gì cả thì tổ chức đó sẽ chết.
Dân ta phải đổ ra bao nhiêu mồ hôi để đóng thuế mà nuôi đám quan chức và “trí thức” toàn làm chuyện vô bổ này?
_________
Chú thích:
2. https://tienphong.vn/nho-to-huu-nha-tho-95-tuoi-post820019.tpo
No comments:
Post a Comment