Wednesday, June 4, 2025

Cứ 7 phút có 1 ca tử vong: Nơi tồi tệ nhất cho việc sinh đẻ
Makuochi Okafor
Phóng viên sức khỏe, BBC châu Phi
4 tháng 6 2025

Getty Images

Năm 24 tuổi, Nafisa Salahu đứng trước nguy cơ trở thành một nạn nhân nữa của con số thống kê kinh hoàng ở Nigeria - trung bình cứ bảy phút lại có một phụ nữ tử vong khi sinh.

Khi cô chuyển dạ, các bác sĩ đang đình công, tức là dù đã nhập viện thì cũng không có người có chuyên môn nào túc trực khi biến chứng xảy ra.

Đầu em bé bị kẹt và cô chỉ được yêu cầu nằm yên trong suốt ba ngày chuyển dạ.

Cuối cùng, một ca mổ lấy thai được đề xuất và có một bác sĩ sẵn lòng thực hiện.

"Tôi tạ ơn Chúa vì tôi gần như đã chết. Tôi không còn sức lực, tôi không còn gì cả," từ bang Kano ở miền bắc đất nước, cô Salahu nói với BBC.

Đọc nhiều nhất





Cô đã sống sót, nhưng đáng buồn là em bé đã không qua khỏi.

Mười một năm sau, cô đã trở lại bệnh viện để sinh thêm vài lần với thái độ cam chịu số phận.

"Tôi biết [mỗi lần] mình đều ở giữa lằn ranh sinh tử nhưng tôi không còn sợ hãi nữa," cô nói.

Trải nghiệm của Salahu không phải là bất thường.

Nigeria là quốc gia nguy hiểm nhất thế giới cho việc sinh nở.

Theo ước tính mới nhất của Liên Hợp Quốc cho quốc gia này, được tổng hợp từ số liệu năm 2023, cứ 100 phụ nữ thì có một người tử vong trong quá trình chuyển dạ hoặc những ngày sau đó.

Điều đó khiến Nigeria đứng đầu một bảng xếp hạng mà không quốc gia nào muốn dẫn đầu.

Trong năm 2023, Nigeria chiếm hơn một phần tư – 29% – tổng số ca thai phụ tử vong trên toàn thế giới.

Ước tính có tổng cộng 75.000 phụ nữ tử vong trong quá trình sinh trong một năm, tức là cứ bảy phút lại có một ca tử vong.

Cảnh báo: Bài viết này có chứa hình ảnh trẻ sơ sinh.

Henry Edeh
Chinenye Nweze mất máu đến chết sau khi sinh con tại bệnh viện cách đây 5 năm

Điều khiến nhiều người thất vọng là một lượng lớn các ca tử vong – do những nguyên nhân như chảy máu sau khi sinh (được gọi là xuất huyết sau sinh) – đáng lẽ phòng ngừa được.

Chinenye Nweze qua đời ở tuổi 36 vì mất máu tại một bệnh viện ở thị trấn Onitsha, phía đông nam đất nước, cách đây 5 năm.

"Các bác sĩ cần máu," người em trai của cô, Henry Edeh, nhớ lại.

"Họ không có đủ máu và phải chạy vạy khắp nơi. Mất đi người chị gái và bạn của mình là điều tôi không hề mong muốn ngay cả đối với kẻ thù. Nỗi đau này thật quá sức chịu đựng."

Trong số những nguyên nhân phổ biến khác gây tử vong ở thai phụ là bị cản trở quá trình chuyển dạ, huyết áp cao và phá thai không an toàn.

Tỷ lệ thai phụ tử vong "rất cao" là kết quả của một số yếu tố kết hợp lại, theo Martin Dohlsten từ văn phòng Nigeria của tổ chức Unicef.

Trong số đó, ông nói, có cơ sở hạ tầng y tế kém, thiếu hụt nhân viên y tế, các phương pháp điều trị tốn kém mà nhiều người không đủ khả năng chi trả, các tập tục văn hóa có thể khiến một số người không tin tưởng vào các chuyên gia y tế và cả sự bất an.

"Không có người phụ nữ nào đáng phải chết khi sinh con," Mabel Onwuemena, điều phối viên quốc gia của Quỹ Phát triển Phụ nữ vì Mục đích, bình luận.

Bà giải thích rằng một số phụ nữ, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, tin rằng "việc đến bệnh viện là hoàn toàn lãng phí thời gian" và chọn "các biện pháp truyền thống thay vì tìm kiếm sự trợ giúp y tế - điều mà có thể làm chậm trễ các biện pháp cứu sống".

Đối với một số người, việc đến bệnh viện hoặc phòng khám gần như là không thể vì thiếu phương tiện đi lại, nhưng bà Onwuemena tin rằng ngay cả khi họ cố gắng, vấn đề của họ vẫn sẽ không được giải quyết triệt để.

"Nhiều cơ sở chăm sóc sức khỏe thiếu các thiết bị cơ bản, vật tư và nhân viên được đào tạo, khiến việc cung cấp dịch vụ chất lượng trở nên khó khăn."

Chính phủ liên bang Nigeria hiện chỉ chi 5% ngân sách cho y tế - thấp hơn nhiều so với mục tiêu 15% mà nước này đã cam kết trong hiệp ước Liên minh châu Phi năm 2001.

Năm 2021, có 121.000 nữ hộ sinh cho dân số 218 triệu người và chưa đến một nửa số ca sinh được nhân viên y tế lành nghề giám sát. Theo ước tính, đất nước này cần thêm 700.000 y tá và nữ hộ sinh để đáp ứng tỷ lệ khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Ngoài ra, bác sĩ thiếu trầm trọng.

Việc thiếu nhân viên và cơ sở vật chất khiến một số người không muốn tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp.

"Thành thật mà nói, tôi không tin tưởng bệnh viện lắm vì có quá nhiều câu chuyện về sự cẩu thả, đặc biệt là ở các bệnh viện công," Jamila Ishaq nói.

"Ví dụ, khi tôi sinh đứa con thứ tư, đã có biến chứng trong quá trình chuyển dạ. Người đỡ đẻ tại địa phương khuyên chúng tôi đến bệnh viện, nhưng khi đến đó, không có nhân viên y tế nào có thể giúp tôi. Tôi phải trở về nhà và cuối cùng tôi đã sinh con ở đó," cô kể lại.

Người phụ nữ 28 tuổi đến từ bang Kano hiện đang mong đợi đứa con thứ năm của mình.

Cô nói thêm rằng mình cân nhắc đến việc đến một phòng khám tư nhưng chi phí quá cao.

Chinwendu Obiejesi, người đang mong chờ đứa con thứ ba, có thể chi trả cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân tại một bệnh viện và "sẽ không cân nhắc đến việc sinh con ở bất kỳ nơi nào khác".

Cô kể rằng trong số bạn bè và gia đình mình, hiện nay tình trạng tử vong ở sản phụ rất hiếm, trong khi trước đây cô thường xuyên nghe về những trường hợp như vậy.

Cô sống ở một vùng ngoại ô giàu có của Abuja, nơi dễ tiếp cận bệnh viện hơn, đường sá tốt hơn và có các dịch vụ cấp cứu. Nhiều phụ nữ trong thành phố cũng được giáo dục và biết tầm quan trọng của việc đến bệnh viện.

"Tôi luôn đến phòng khám thai sản… Điều này giúp tôi nói chuyện với bác sĩ thường xuyên, thực hiện các xét nghiệm và siêu âm quan trọng, đồng thời theo dõi sức khỏe của tôi và em bé," cô Obiejesi nói với BBC.

"Ví dụ, trong lần mang thai thứ hai, họ dự báo tôi có thể bị chảy máu nhiều, vì vậy họ đã chuẩn bị thêm máu trong trường hợp cần truyền. Rất may là tôi không cần truyền và mọi thứ diễn ra tốt đẹp."

Tuy nhiên, một người bạn của gia đình cô thì không may mắn như vậy.

Trong lần chuyển dạ thứ hai, "người đỡ đẻ không thể đưa em bé ra ngoài và đã cố gắng dùng sức để đẩy bé ra. Em bé đã tử vong. Đến khi cô ấy được đưa đến bệnh viện thì đã quá muộn. Cô ấy vẫn phải trải qua phẫu thuật để đưa thi thể em bé ra ngoài. Thật đau đớn."

Getty Images
Nigeria thiếu nhân viên y tế được đào tạo

Tiến sĩ Nana Sandah-Abubakar, giám đốc dịch vụ y tế cộng đồng tại Cơ quan Phát triển Chăm sóc Sức khỏe Cơ bản Quốc gia (NPHCDA), thừa nhận rằng tình hình rất tồi tệ, nhưng cho biết một kế hoạch mới đang được đưa ra để giải quyết một số vấn đề.

Tháng 11 năm ngoái, chính phủ Nigeria đã triển khai giai đoạn thí điểm của Sáng kiến ​​Đổi mới Giảm Tử vong Thai phụ (Mamii). Sáng kiến ​​này có mục tiêu tối hậu là sẽ nhắm đến 172 khu vực chính quyền địa phương trên 33 bang, chiếm hơn một nửa số ca tử vong liên quan đến sinh nở trong cả nước.

"Chúng tôi xác định từng phụ nữ mang thai, biết nơi họ sống và hỗ trợ họ trong suốt thai kỳ, sinh nở và sau đó nữa," Tiến sĩ Sandah-Abubakar nói.

Cho đến nay, đã có 400.000 phụ nữ mang thai ở sáu bang được tìm thấy qua khảo sát từng nhà, "với thông tin chi tiết về việc họ có tham gia các lớp học tiền sản hay không".

"Kế hoạch là bắt đầu kết nối họ với các dịch vụ để đảm bảo họ nhận được sự chăm sóc [cần thiết] và sinh nở an toàn."

Mamii sẽ hợp tác với các mạng lưới giao thông địa phương để cố gắng đưa nhiều phụ nữ hơn đến các phòng khám và cũng khuyến khích mọi người đăng ký bảo hiểm y tế công cộng chi phí thấp.

Còn quá sớm để nói liệu điều này đã có tác động nào chưa, nhưng chính quyền hy vọng rằng đất nước sau cùng có thể theo kịp xu hướng của phần còn lại của thế giới.

Trên toàn cầu, tỷ lệ tử vong ở thai phụ đã giảm 40% kể từ năm 2000, nhờ vào việc mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Con số này cũng đã cải thiện ở Nigeria trong cùng kỳ, nhưng chỉ ở mức 13%.

Mặc dù Mamii và các chương trình khác là những sáng kiến ​​được hoan nghênh, một số chuyên gia tin rằng cần phải làm nhiều hơn nữa, bao gồm cả việc đầu tư nhiều hơn.

"Thành công của họ phụ thuộc vào nguồn tài trợ bền vững, sự triển khai hiệu quả và sự giám sát liên tục để đảm bảo đạt được các kết quả mong muốn," ông Dohlsten từ Unicef ​​nhận định.

Trong thời gian chờ đợi thêm các biện pháp đó, việc mất đi mỗi người mẹ ở Nigeria – 200 người mỗi ngày – sẽ tiếp tục là một bi kịch đối với các gia đình liên quan.

Đối với Edeh, nỗi đau về sự ra đi của người chị gái vẫn còn nguyên vẹn.

"Chị ấy đã trở thành chỗ dựa và trụ cột của chúng tôi vì chúng tôi đã mất cha mẹ khi còn nhỏ," anh nói.

"Những lúc một mình, khi nghĩ đến chị ấy, tôi lại khóc nức nở."


Tin liên quan






No comments:

Post a Comment