Monday, June 2, 2025

Cái dở Thúy Kiều của Thủ tướng và của Tổng Bí thư
Nguyễn Hoàng Văn
1-6-2025
Tiengdan

Rằng: Trăm năm cũng từ đây,

Của tin gọi một chút này làm ghi

Sẵn tay khăn gấm quạt quỳ,

Với cành thoa ấy tức thì đổi trao

Đó là cảnh Thúy Kiều đính ước, trao quà với Kim Trọng và, mới đây, khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chính thức viếng thăm Việt Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng “Của tin gọi một chút này làm ghi” bằng chính cô nàng ấy, một tác phẩm điêu khắc.

Việc Tô Lâm tặng “Nàng Kiều” cho nguyên thủ của một quốc gia, mà là một cường quốc, lại khiến chúng ta, nếu có một chút xíu hiểu biết và một tấm lòng với nước non, đều lắc đầu ngao ngán, cảm thấy hổ thẹn, thấy nhục [1].

Mà đó không phải là một thí dụ riêng lẻ, với hàng loạt lãnh tụ ngô nghê, vụng về và, có thể nói, hoàn toàn ngu dốt.

Ngu như Phạm Quang Nghị khi công du nước Mỹ vào năm 2014 trong vai trò ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, mang theo món quà “đặc biệt” tặng cho Thượng nghị sĩ John McCain [2].

Ông McCain vốn là phi công của Hải quân Mỹ, bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội, nhảy dù xuống Hồ Trúc Bạch và bị bắt. Món quà ông Nghị mang đến cho ông McCain là tấm hình chụp “bia chứng tích” mà đảng và nhà nước dựng lên để đánh dấu chiến công “bắt sống tên giặc lái McCain”.

Ý nghĩa đã ngu, ngu cực kỳ, ngu thượng hạng, ngu vô cùng tận và, để cân xứng, hình thức của món quà lại cực kỳ nhếch nhác, nhếch nhác đến mức không thể nhếch nhác thêm. Nếu xem món quà là quý thì ít ra cũng phải lộng kiếng, đóng khung, đằng này chỉ là chỉ là tấm hình bọc nhựa!

Tiểu sử chính thức cho biết ông Nghị có bằng tiến sĩ triết học. Trước khi làm Bí thư Hà Nội, Nghị từng làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin, Phó Trưởng ban thường trực Ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương đảng.

Trình độ như thế, đảm nhiệm một vai trò như thế, mà chỉ việc tặng quà thôi lại cực kỳ i tờ và, thậm chí, chỉ thua hay bằng chứ không thể nào hơn nổi các thí sinh hoa hậu thường bị họ chê bai.

Chẳng là năm đó (2014) ông Dương Xuân Nam – cựu Tổng biên tập báo Tiền Phong, người từng 11 năm là Trưởng Ban Giám khảo các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam – nhận xét rằng người đẹp Việt ứng xử rất kém:

“Khi đại diện cho Việt Nam đi thi các cuộc thi quốc tế, thí sinh của chúng ta mắc phải 3 yếu điểm (sic) sau: Thứ nhất là về ngoại hình, chiều cao; Thứ hai là ngoại ngữ; và nhược điểm lớn nhất là khả năng ứng xử, hội nhập. Trong khi thí sinh các nước khác rất tự tin, thoải mái, nghĩ gì sẽ nói đấy thì thí sinh của chúng ta thường có thói quen học thuộc lòng các câu trả lời, điều đó khiến thí sinh không được tự nhiên khi giao tiếp với BGK và bạn bè quốc tế” [3].

Thì họ, hoa hậu và quan chức cấp cao, đều giống nhau ở những “điểm yếu” – không phải là “yếu điểm” – là nói như máy, không bao giờ đi chệch khỏi bài bản thuộc lòng, thế nhưng, ít ra về khoản tặng quà, các cô mơ làm hoa hậu này có thể khá hơn.

Đến năm 2021, giữa mùa đại dịch, cả nước lại chứng kiến cảnh “khôi hài đen” khi Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà cho giới y học. Ngày 1/9/2021 Phạm Minh Chính mời hơn 70 nhà khoa học trong lĩnh vực y học đến trụ sở chính phủ nói chuyện, thăm hỏi và sau đó tặng quà. Mỗi người một phần quà mà, gọi “lọ” cũng xong, gọi “độc bình” cũng được, nhưng ngay giữa thời điểm nhạy cảm của đại dịch, nó không thể không khiến người ta nghĩ đến những hũ tro cốt [4].

Người chết la liệt, lò thiêu quá tải, hình ảnh shipper giao hũ tro cốt lan tràn trên mạng nên thứ quà này chẳng khác gì trù ẻo và không một thiên tài tâm lý học nào có thể giải thích tại sao ông Thủ tướng có thể chọn một món quà hoàn toàn không đúng nơi,  đúng lúc như vậy.

Bây giờ thì đến “Nàng Kiều”. Khi Thúy Kiều đã được sử dụng như một biểu tượng quốc gia thì phải nhắc đến hành trạng chính trị của cô. Mà càng nhìn kỹ những gì cô ta làm về mặt này sẽ càng thấy bất ý, nếu không nói là bực mình, phát giận.

Trong tiểu luận “Phải học Tú bà”, tôi viết:

Đừng cứng nhắc nghe những gì Nguyễn Du nói mà hãy nhìn thật kỹ những gì Tú bà đã làm rồi nhìn kỹ những nhân vật tạm gọi là thành phần tinh hoa của xã hội thời ấy – từ Thúy Kiều đến Kim Trọng hay Vương Quan. Họ cũng thua xa bà. Tú bà đáng để học nhưng mấy nhân vật này chẳng có gì để học.

Đầu tiên là Thúy Kiều. Có thể nàng vẹn toàn tài sắc nhưng cái chuyện văn chương đàn địch này, nếu không học được từ Kiều sẽ có khối thầy khác và vấn đề ở đây là cách sống ở đời. Cái tệ nhất của Kiều, có lẽ là cách nhận diện kẻ thù. Không ai máy móc bám theo sách giáo khoa chính thống, hằng dạy dỗ lớp trẻ rằng cái “xã hội phong kiến thối nát” chính là thủ phạm đẩy Kiều vào cảnh đoạn trường”, để rồi đòi hỏi nàng, lẽ ra, phải thúc Từ Hải làm cách mạng nhằm… quét sạch nó đi. Có nhìn vào cảnh Kiều báo ân báo oán sẽ thấy cái khiếm khuyết lớn nhất là triết lý về kẻ thù.

Trước hết, việc báo ân báo oán này là lỗi của Nguyễn Du, trong triết lý về kẻ thù. Nếu sự thể là do cái số, là do “mệnh “Trời” – “Mới hay muôn sự là tại Trời/ Trời kia đã bắt làm người có thân” – thì nguyên do là tại Trời, và những kẻ bị báo thù kia cũng là tay sai của Trời, tại sao phải dàn dựng cảnh trả thù?

Mà trong việc báo thù thì Kiều lại sai. Có người trách Kiều nhỏ nhen, trả thù hai tên tôi tớ Khuyển, Ưng là hạng sai vặt nhưng chưa có ai trách nàng không nhìn ra cái thù to tát, cái mối thù gốc. Thảm cảnh của gia đình Kiều xuất phát từ thằng bán tơ “xưng xuất” và quyền quyết định nằm trong tay tên tham quan “Có ba trăm lạng việc này mới xong”, lẽ ra nàng phải nhìn lại từ đây để truy ra tận gốc, thế nhưng nàng lại không thấy, nói chi là làm!

Thúy Kiều đã vậy, hai nhân vật thuộc hàng Nho gia là Kim Trọng và Vương Quan cũng là thứ không ra gì, là hạng người chỉ biết học để đi thi, để làm quan.

[…]

Hẳn nhiên không ai có thể bắt nhân vật này phải hành động thế này hay thế kia nhưng vấn đề là “văn hoá ân oán”, đề tài muôn thuở của nhân loại. Thúy Kiều không nhìn ra đầu mối của cái oán trong khi Vương Quan không nhìn được cái ân. “Theo chữ nối dòng Nho gia” nhưng “Nho” đã không dạy Vương nhìn cho đúng cái ân và cũng không dạy Vương cùng Kim Trọng một triết lý hành động. Họ chỉ đau đớn suông, chỉ yên lặng chờ thời chứ không hề chủ động dấn thân, không thể hiện sự quyết đoán nào.

Đó có phải là nền tảng của những “Nho gia” thời nay, thứ “tân Nho gia” làm nên cái guồng máy nhân sự ăm ắp bằng cấp và cao ngất năng lực lý luận chính trị? Cũng na ná một thứ triết lý về ân oán, cũng mù mờ trong việc xác định kẻ thù, cũng lơ ngơ trong những giềng mối ân nghĩa nhưng lại kém xa Tú bà trong khía cạnh quản trị và thông tin hay ứng xử với pháp luật. Nhìn từ Truyện Kiều, nó có thừa những cái dở của mấy nhân vật hay mà lại thiếu cái hay của nhân vật dở…” [5]

Mà, xét ra, “tân Nho gia” ngày nay không chỉ “mù mờ trong việc xác định kẻ thù” và “lơ ngơ trong những giềng mối ân nghĩa”. Trong đề tài đang bàn thì, nếu tình trạng lơ ngơ trong việc chọn lựa những thứ khả dĩ là “Của tin gọi một chút này làm ghi” chỉ là sự non kém, thiếu tế nhị trong ứng xử, thí dụ như những hũ tro cốt của ông Thủ tướng thì việc ông Tổng Bí thư chọn “Nàng Kiều” như một món quà quốc gia lại là sự mù mờ khi xác định căn cước hay nhận diện chính mình.

Trong Truyện Kiều, nếu Sở Khanh ba hoa:

Nàng đà biết đến ta chăng

Bể trầm luân lấp cho bằng mới thôi

Thì, ở đây, phải chăng ông Tổng Bí thư, trước Tổng thống Pháp, đã thực lòng nhận diện:

Người đà biết đến ta chăng

“Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”?

Dân tộc Việt Nam gánh chịu nhiều bất hạnh, đã đành. Nhưng sự bất hạnh còn trầm trọng hơn khi phải đội lên đầu những đám người không hề hiểu được những khía cạnh tế nhị nhất của sự bất hạnh đó…

Tham khảo: 

1.https://vnexpress.net/ba-ngay-tong-thong-phap-macron-o-viet-nam-4891311.html

2. https://vietnamnet.vn/ong-pham-quang-nghi-va-mon-qua-dac-biet-tang-tns-john-mccain-473414.html

3. https://infonet.vietnamnet.vn/nguoi-dep-viet-nam-chi-kem-ve-ngoai-hinh-ngoai-ngu-kha-nang-ung-xu-191299.html

4. https://baodantoc.vn/phat-huy-cao-nhat-nguon-luc-tri-tue-cua-cac-nha-khoa-hoc-quyet-tam-cung-ca-nuoc-chien-thang-dai-dich-1630550456957.htm

5. https://vanviet.info/van-de-hom-nay/phai-hoc-t-b/

No comments:

Post a Comment