Friday, June 13, 2025

Bố về?
Bùi Anh Thư
13-6-2025
Tiengdan(Viết cho ngày Father’s Day 2025)

Ngày đó, cách đây 50 năm khi bố bước đi “trình diện học tập”, với chiếc túi vải trên vai, đôi mắt bố nhìn tôi, nhưng không nói một lời. Bố nắm tay tôi thật chặt, chỉ một câu ngắn gọn thay lời từ biệt: “Con thay Bố lo cho các em…”. Từ lúc đó, tôi không thể nghĩ được gì khác ngoài một câu hỏi mà cứ lẩn quẩn trong đầu, như một nỗi ám ảnh không thể thoát ra: “Bố về???”.

Ngày qua ngày, tôi không thể thoát khỏi câu hỏi ấy. Vì hàng ngày, tôi cứ mãi chứng kiến những khoảnh khắc khắc nghiệt nhất của những gia đình có người bị công an ruồng bắt. Những người công an đột ngột xông vào, kéo người cha đi một cách tàn nhẫn, chẳng chút thương xót. Cảnh tượng đó cứ quay cuồng trong tâm trí tôi, cùng ánh mắt ngơ ngác, đầy hoảng sợ của những đứa con khi nhìn cha mình bị còng tay, bị lôi đi trước mặt.

Chúng không thể hiểu nổi.

Tôi cũng vậy: Không thể hiểu nổi.

Sự xung đột giữa các thế lực chính trị, thay vì đem lại những giải pháp công bằng và bền vững cho xã hội, lại vô tình vùi lấp đi lòng nhân ái – thứ cảm xúc sâu thẳm nhất, cốt lõi nhất của con người.

Trong khi những chính sách và cuộc đấu tranh quyền lực ngày càng trở nên gay gắt, thì những đứa con mất cha, những gia đình rạn nứt lại trở thành những nạn nhân vô danh, không tiếng nói, những nỗi đau không thể nào vơi đi.

Mỗi lần nghe một câu chuyện về những đứa trẻ bị tách rời khỏi cha vì những quyết định có tính chính trị, trái tim tôi như vỡ vụn. Những đứa trẻ ấy, giống như tôi ngày xưa, chẳng thể hiểu tại sao cha mình bị bắt, bị đẩy ra khỏi vòng tay gia đình, mãi không thể nắm lấy tay cha trong những khoảnh khắc quan trọng nhất của đời mình. Chúng không thể hiểu được rằng, người cha yêu thương đã phải rời xa chúng chỉ vì những mưu đồ mà chúng chẳng thể lý giải nổi, chỉ vì những cuộc đấu tranh mà chúng không hề biết.

Tuần này, cảnh tượng người bố bị còng tay, bị đẩy lên chiếc xe của ICE, trước những cặp mắt ngơ ngác của những đứa con ông, tương tự như những gì mà tôi đã trải qua gần 50 năm trước.

Đó là giây phút tàn nhẫn mà gia đình đã phải chứng kiến, khi mà sự bình yên bị tước đoạt chỉ trong nháy mắt. Những đứa con đứng đó, mắt mở to, lòng hoang mang, không hiểu tại sao cha chúng, người đã luôn bảo vệ và chăm sóc chúng, giờ lại bị lôi đi một cách tàn nhẫn như vậy. Những tiếng kêu vô vọng vang lên, những tiếng khóc nghẹn ngào cũng chẳng thể thay đổi được gì. Đó là một khoảnh khắc không thể nào quên trong đời của những đứa trẻ ấy.

Và trong lúc đó, cha của chúng cũng cảm nhận được sự vô vọng và sợ hãi tột cùng. Cánh tay bị còng lại, một chiếc xe tải của ICE đang đợi sẵn, chỉ cần một cái gật đầu, cuộc đời của ông sẽ rẽ sang một con đường khác. Không phải là một con đường về nhà, mà là một nhà tù xa lạ, nơi ông không biết có thể trở về hay không.

Đôi mắt của ông, trong khoảnh khắc ấy, đầy tuyệt vọng. Ông nhìn vào mắt những đứa con nhỏ, dường như muốn nói điều gì, nhưng không thể thốt nên lời. Tất cả những gì ông có thể làm là nhắm mắt lại và thở dài, biết rằng mình sẽ không thể bảo vệ được những đứa con của mình nữa.

ICE, với những cuộc đột kích bất ngờ, chẳng khác gì những con sói hoang, đã xé nát sự yên bình của những gia đình di dân da màu. Họ không chờ đợi, không thông báo trước, chỉ đơn giản xuất hiện như một cơn sóng dữ. Các cơ sở thương mại, các nơi mà những người lao động mưu sinh bằng những công việc khó khăn, trở thành mục tiêu của cuộc săn đuổi.

Những di dân không hợp pháp, vốn đã chịu đựng quá nhiều, giờ phải đối mặt với nỗi lo sợ tột cùng: Chỉ cần một sơ hở, họ có thể mất đi gia đình, mất đi quyền sống trong cộng đồng mà họ đã gắn bó bao năm.

Và giữa tất cả, sự bất nhân của chính quyền lộ rõ. Họ không thấy những gia đình tan vỡ, không cảm nhận được nỗi đau vô hình đang thấm dần trong trái tim của những đứa trẻ không có cha, không có mẹ.

Với ICE, chỉ có lệnh hành động, chỉ có một cuộc truy bắt không khoan nhượng. Họ quên rằng, sau những con số thống kê, sau những quyết định hành chính khô khan, vẫn còn đó những mảnh đời nhỏ bé, những nỗi sợ hãi thầm lặng, những cuộc sống bị vùi dập chỉ vì sự thiếu lòng nhân ái.

Việc bắt giữ di dân không giấy tờ bằng hình thức bạo lực không chỉ là một hành động vi phạm nhân quyền, mà còn là sự lạm dụng quyền lực một cách thô bạo và vô nhân đạo. Mặc dù vấn đề di dân và những bất cập trong hệ thống nhập cư là điều không thể phủ nhận, nhưng không thể vì lý do chính trị hay mong muốn trả thù đối thủ mà dùng bạo lực để đối phó với những người yếu thế, những con người không có quyền lên tiếng, những người không có tiếng nói trong xã hội.

Những gương mặt sợ hãi của những đứa trẻ, đôi mắt khắc khoải của những người mẹ, sự bất lực của những người cha bị còng tay… tất cả như một bức tranh thê lương về sự tàn nhẫn của một chế độ chính trị, khi mà quyền lực bị lạm dụng đến mức khiến con người ta quên mất rằng, mỗi cá nhân đều có một câu chuyện, một gia đình, và một quyền được sống trong tình yêu thương.

Lòng tôi đau nhói khi nghĩ về những đứa trẻ ấy, những đứa trẻ không có cha bên cạnh, phải sống trong nỗi lo lắng, trong sự hoang mang, chẳng thể hiểu nổi rằng bố đã phải rời xa, và không biết đến bao giờ chúng sẽ được gặp lại cha.

Chờ đợi đã trở thành một phần cuộc sống của những đứa con không cha bên cạnh. Từ sáng đến tối, từ năm này sang năm khác, với trái tim nặng trĩu, với niềm hy vọng mong manh: BỐ VỀ.

Liệu có ngày đó không?

Những câu hỏi cứ vây kín tâm trí và câu trả lời là những khắc khoải ngày đêm.

_____________

Một số hình ảnh:

Video Player
00:00
01:53
Bình Luận từ Facebook

No comments:

Post a Comment