Tuesday, June 10, 2025

Đại dương trước các thách thức về kinh tế và bảo tồn
Chi Phương
Đăng ngày: 10/06/2025 - 15:43Sửa đổi ngày: 10/06/2025 - 16:33
RFI

Từ ngày 9 đến 13/6/2025, Hội nghị Đại dương Liên Hiệp Quốc UNOC lần thứ ba diễn ra tại Nice, Pháp, thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế trong bối cảnh đại dương ngày càng đối mặt với khủng hoảng sinh thái do tình trạng khai thác quá mức, ô nhiễm và biến đổi khí hậu. Hội nghị tại Nice năm nay sẽ là thời điểm quyết định liệu thế giới có dành ưu tiên cho lợi ích chung và bảo vệ đại dương hay không ?

Ảnh minh họa: Đại dương đang đối diện với nhiều mối đe dọa. © iris-france.org

Đại dương đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu toàn cầu, tạo 50 % lượng oxy cần thiết cho sự sống, hấp thụ 30 % lượng khí phát thải CO2 và 90 % lượng nhiệt phát thải từ carbon.

Hội nghị về đại dương của Liên Hiệp Quốc lần thứ ba diễn ra trong bối cảnh chỉ có 2,7 % đại dương được bảo vệ khỏi các hoạt động khai thác mang tính phá hủy, như đánh bắt cá công nghiệp và khai thác mỏ biển sâu, theo số liệu từ Viện bảo vệ môi trường biển (Marine Conservation). Con số này thấp hơn nhiều so với mục tiêu bảo tồn 30 % đất liền và biển vào năm 2030.

Các quốc gia phải đối mặt với áp lực biến những hứa hẹn trong nhiều thập kỷ thành hành động thực thụ. Một trong những tham vọng tại hội nghị lần này là về Hiệp ước về Biển, được thông qua vào năm 2023, cho phép các nước thành lập các khu bảo tồn biển ở vùng biển quốc tế, bao phủ hai phần ba diện tích đại dương, phần lớn không được quản lý.

Đọc thêmGần 70 quốc gia ký kết Hiệp định về biển cả

Tuy nhiên, việc triển khai hiệp ước này còn chậm do quy trình phê chuẩn phức tạp. Do đó, trên thực tế, các tập đoàn lớn vẫn vận động mạnh mẽ cho quyền khai thác, trong khi các tổ chức môi trường cảnh báo nguy cơ phá hủy sinh thái biển sâu khi nào mà chưa có khung pháp lý chặt chẽ.

Nhân dịp này, RFI Tiếng Việt đã trao đổi với ông André Abreu, giám đốc phụ trách về chính sách quốc tế tại hiệp hội Pháp Tara Océan, thu thập dữ liệu khoa học về biển từ hàng chục năm qua.


Xin cảm ơn ông André Abreu đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn. Hiệp hội Tara Ocean ra đời cách nay hơn 20 năm, đã thu thập hàng triệu mẫu gen sinh vật biển. Các kết quả mà tổ chức thu được liệu có tác động gì đến hiểu biết chung về đại dương hay không ?

Trong 20 năm qua, chúng tôi đã chuyển từ cách tiếp cận theo loài, ví dụ như cá voi, cá mập, rùa và cá, sang các nghiên cứu phức tạp hơn, để thu thập dữ liệu về hệ vi sinh vật đại dương. Đó là chuyên môn của Tara Ocean. Chúng tôi nghiên cứu không chỉ các loài sinh vật biển, mà cả hệ sinh thái biển. Chúng tôi đã khám phá ra hàng triệu gen biển, qua việc giải trình tự ADN của các sinh vật biển. Ví dụ, trong 1 lít nước có 10 tỷ vi rút, 10 triệu vi khuẩn, và 1 triệu tế bào của các loại động vật phù du… Đó là một thế giới vô hình, trông có vẻ yên ắng của đại dương, đang dần được hé lộ… Không chỉ Tara Ocean mà nhiều tổ chức khác cũng đang chuyển sang nghiên cứu về hệ sinh thái biển, để hiểu được toàn bộ sự sống trong đại dương, để hiểu được những vai trò của biển cả, cung cấp, sản xuất oxy, hay những kết nối trong gen di truyền.

Tara Ocean còn là một quan sát viên tại Liên Hiệp Quốc, điều này đóng vai trò như thế nào trong các cuộc thảo luận và đàm phán quốc tế về bảo vệ đại dương?

Kể từ năm 2014, với tư cách quan sát viên đặc biệt tại Liên Hiệp Quốc, chúng tôi tham gia vào tất cả các sự kiện như UNOC, cũng như các cuộc đàm phán về biển cả, đàm phán về khai thác quặng mỏ đáy biển, đàm phán về các khu bảo tồn biển trong khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu được định nghĩa trong Công ước Đa dạng Sinh học năm 2022. Là một quan sát viên, chúng tôi có thể đề xuất các sửa đổi cho văn bản và tiếp cận tất cả các cuộc thảo luận tại Liên Hiệp Quốc. Chúng tôi đóng góp bằng cách tổng hợp các mạng lưới khoa học để thông báo cho những người ra quyết định về những cách tốt nhất để bảo vệ đại dương.

Tại hội nghị Nice do Pháp chủ trì, tổng thống Emmanuel Macron đã thông báo các biện pháp chống lại việc đánh cá lưới đáy. Ông đánh giá thế nào về thông báo này ?

Giống như nhiều hiệp hội khác, chúng tôi thất vọng. Chúng tôi mong muốn có các biện pháp rõ ràng hơn. Vì thông báo này hạn chế hoạt động đánh bắt bằng lưới kéo đáy tại 4 % khu vực biển của Pháp, vốn đã được bảo vệ, và không có hoạt động đánh bắt bằng lưới kéo đáy...

Tuy nhiên, chúng tôi cũng hoan nghênh vai trò đầu tàu của Pháp tại hội nghị quy tụ khoảng 60 lãnh đạo, nguyên thủ các nước. Đây là lần đầu tiên một hội nghị về đại dương của Liên Hiệp Quốc mang sắc thái chính trị lớn đến vậy. 

Việc đánh bắt quá đà là một trong những đe dọa với đại dương. Một trong những tham vọng được đưa ra tại hội nghị là tiến trình chuyển đổi sang đánh cá bền vững. Ông đánh giá thế nào về việc này ?

Ngành đánh bắt công nghiệp đã được Liên Hiệp Châu Âu trợ cấp mạnh mẽ trong 30 năm qua. Những khoản trợ cấp này, được Tổ chức Thương mại Thế giới WTO phê duyệt, đang dần được loại bỏ đối với các hoạt động đánh bắt gây phá hoại. Đây cũng là một phần trong các mục tiêu Phát triển Bền vững được đề cập tại hội nghị Nice.

Vấn đề đánh cá bền vững khá phức tạp, cần thời gian, không chỉ liên quan đến cách thức đánh cá, như bằng bằng lưới kéo đáy, hay bằng lưới rê lớn, dài đến 3 km… Phải kể đến vấn đề phân bổ hạn ngạch sản lượng cá được đánh bắt. Mỗi chủ tàu cá đều có một hạn ngạch đánh cá mỗi năm, được phân bổ dựa trên thâm niên, chủ tàu, trọng tải và sản lượng đánh bắt.

Trên thực tế, tại Pháp, tồn tại một hệ thống khá bất công, có lợi cho các nhà công nghiệp lớn và bất lợi đối với các hoạt động đánh bắt cá nhỏ. Chúng tôi kêu gọi thiết lập một hệ thống phân bổ hạn ngạch và trợ cấp công, dành cho các hoạt động đánh cá quy mô nhỏ. 

Liên quan đến việc khai thác mỏ tại đáy biển, tâm điểm của tranh luận quốc tế, giữa cơ hội chiến lược để cung cấp kim loại quan trọng, phát triển kinh tế và nguy cơ rủi ro cho hệ sinh thái. Tổng thống Pháp đã kêu gọi ngừng hoạt động này, trong khi tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump lại chủ trương “khoan” sâu hơn nữa. Ông đánh giá thế nào về căng thẳng chính trị giữa lợi ích công nghiệp và việc bảo tồn ?

Chúng tôi hoan nghênh lời kêu gọi dừng khai thác đáy biển. Tara Ocean là thành viên của liên minh Deepsea Conservation Coalition, thúc đẩy việc thông qua các lệnh cấm khai thác tài nguyên dưới đáy biển này vào tháng 7 tới. Các dữ liệu khoa học cho thấy các tác động rõ ràng của các hoạt động khai thác này. Khi khai thác khoáng sản ở đáy biển, tất cả các trầm tích bị xáo trộn và gây ra những hậu quả mà chúng ta không lường trước được. Đó là lý do tại sao chúng tôi yêu cầu hoãn lại ít nhất 10 năm để nghiên cứu sâu hơn, để có các sơ sở khoa học vững chắc về tác động của các hoạt động này.

Những xáo trộn từ các thông báo của tổng thống Hoa Kỳ cho thấy chúng ta càng phải có những phản ứng mạnh hơn đối với hành tinh của chúng ta và đại dương. Tôi cho rằng cần có ngoại giao về môi trường, để đối phó với những cám dỗ “quay lưng với khoa học”, phớt lờ những bằng chứng về biến đổi khí hậu, hay lời kêu gọi “khoan khắp nơi”, của ông Trump. Tôi hy vọng châu Âu có phản ứng mạnh,  tài trợ thêm cho khoa học, cho nghiên cứu, vào lúc hành tinh của chúng ta và đại dương đều có dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng sinh thái lớn.

Ông mong đợi gì từ hội nghị này ?

Tôi nghĩ rằng sự kiện này truyền tải một thông điệp mạnh mẽ về tình trạng khẩn cấp của đại dương hiện nay, cũng như tầm quan trọng của việc xác nhận những bằng chứng khoa học về biến đổi khí hậu và khủng hoảng hệ sinh thái, cũng như nhu cầu huy động hơn bao giờ hết cho đại dương.

Ngoài ra, tôi cũng muốn đề cập đến việc phê chuẩn Hiệp ước về Biển cả. Chúng tôi đã làm việc với văn bản này từ năm 2012, kể từ hội nghị Rio+20, nên chúng tôi rất vui khi biết tin có khoảng 20 quốc gia sẵn sàng phê chuẩn hiệp ước về đa dạng sinh học và khoảng 15 quốc gia khác cho biết sẽ phê chuẩn hiệp ước này trước ngày 15/12. Như vậy hiệp ước có thể sẽ có hiệu lực vào đầu năm sau và đây sẽ là một tin tốt cho đại dương.

No comments:

Post a Comment