Saturday, August 3, 2024

VNTB – Tuyên giáo coi mạng xã hội là chiến trường và tuyên chiến với tự do ngôn luận
Cảnh Chân
03.08.2024 3:20
VNThoibao



(VNTB) – Trên không gian mạng, những lời góp ý, phản biện của người dân được cho là âm mưu lật đổ chính quyền

 Trong hội thảo mới đây về bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng cộng sản, thứ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm đã đưa ra lời kêu gọi lực lượng tuyên giáo phải tăng cường đấu tranh chống tin giả, tin phản động. Ông Lâm xác định đó không gian mạng là mặt trận quan trọng cần tập trung hàng đầu.

Thứ trưởng Lâm nói: “Tin giả, tin đưa với ý đồ xấu gây khủng hoảng truyền thông, ảnh hưởng an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội đã diễn ra ở mức đáng báo động và ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ các giá trị văn hóa của đất nước, của dân tộc giờ đây khó khăn nhất là trên không gian mạng. Internet là “trận địa” chính của công tác tuyên truyền tư tưởng hiện nay. Chúng ta không chiếm lĩnh trận địa này, người khác sẽ chiếm. Chúng ta không đoàn kết những người dân trên internet, người khác sẽ lôi kéo”. (1)

Theo các báo cáo mà tuyên giáo đưa ra thì mọi tỉnh thành, quận huyện, xã phường đều có người “nằm vùng”, vừa xây dựng kênh facebook tuyên truyền tư tưởng, vừa theo dõi quan điểm tư tưởng của từng người dân tại địa phương. Ví dụ một tỉnh nhỏ như Quảng Trị mà tuyên giáo đã xây dựng tới 1.923 trang Facebook, fanpage, kênh YouTube… tại các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến xã. Tuyên giáo tỉnh này đã lập ra hơn 200 nhóm (group) thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, chia sẻ thông tin tích cực, tham gia định hướng dư luận, chuyên bình luận phản bác các quan điểm bất đồng chính kiến của người dân.

Với việc coi tự do ngôn luận là thế lực thù địch này thì ban tuyên giáo đã thành lập nhiều trang mạng để “chiến đấu” với người dân và biến mạng xã hội thành một “chiến trường” mới. Lực lượng dư luận viên tại địa phương này chẳng khác nào “lực lượng an ninh trật tự cơ sở” mà ông Tô Lâm mới thành lập gần đây. Như vậy, về đời sống xã hội thì người dân sẽ bị công an kiểm soát và theo dõi chặt chẽ; còn trên không gian mạng xã hội thì người dân cũng sẽ bị tuyên giáo và an ninh mạng theo dõi từng bài viết, bình luận, thậm chí là từng cái like cả ngày lẫn đêm.

Trước đây người ta vẫn nghĩ chiến trường là nơi khó lửa mù mịt, tên bay đạn lạc. Nhưng bây giờ nhà cầm quyền Việt Nam đã đưa chiến tranh lên trên không gian mạng, coi mạng xã hội là trận địa, coi những lời góp ý, phản biện của người dân là âm mưu lật đổ chính quyền, coi quyền tự do ngôn luận là kẻ thù. Giờ đây những cuộc chiến sẽ không còn khói lửa, đạn bom nữa, nhưng thiệt hại mà mang lại vẫn sẽ vô cùng nặng nề.

Trong một xã hội mà tòa án, công an và quốc hội đều nằm trong tay một đảng độc tài thì quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí là nơi duy nhất mà người dân có thể bám víu khi có xảy ra bất công. Coi quyền tự do ngôn luận là kẻ thù chính, coi người dân là kẻ thù, và khi có bất công xảy ra, người dân yếu thế chắc chắn sẽ là người thua cuộc.

Quyền tự do ngôn luận và ý kiến phản biện của người dân còn là yếu tố giúp nhà nước sửa đổi các sai lầm trong chính sách và xây dựng hệ thống chính trị tốt hơn. Nếu người dân không thể phản biện, lên án các chính sách bất công hoặc những lãnh đạo bất tài thì chính cái hệ thống cầm quyền đó cũng sẽ ngày càng suy yếu. Không ai dám góp ý, chỉ trích thì ngày cái sai sẽ càng lớn, cán bộ càng tha hoá, thì chế độ làm sao bền vững được.

Đó là chưa kể tới lĩnh vực ngoại giao, các quốc gia phát triển sẽ có các biện pháp trừng phạt những nhà nước độc tài, đàn áp người dân. Như vậy sẽ chẳng tốt cho cả người dân lẫn quan chức…

 

_____________

Tham khảo:

https://vietnamnet.vn/nganh-tuyen-giao-day-manh-chuyen-doi-so-lam-chu-tran-dia-moi-2307593.html

 


 

Visited 14 times, 14 visit(s) today

No comments:

Post a Comment