VNTB – Tô Lâm Là Ai? ( Bài 9)Quang Nguyên
03.08.2024 5:20
VNThoibao
Bài 9: Bộ Công an đẩy mạnh chiến dịch xóa sổ các tổ chức tôn giáo không đăng ký
Bài 1: Các chiến công lẫy lừng của nguyên Bộ Trưởng Công An Tô Lâm
Bài 2: Bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức – Tô Lâm lừng danh thế giới
Bài 3: Bắt cóc Trương Duy Nhất trên đất Thái (*)
Bài 4: Tô Lâm có vô can vụ công an giết cụ Lê Đình Kình?
Bài 5: Công an trấn áp người dân sau vụ xử Đồng Tâm
Bài 6: Công an đàn áp tàn bạo những người biểu tình ôn hòa đòi công lý môi trường
Bài 7: Đàn áp người biểu tình phản đối dự luật đặc khu
Bài 8: Chính phủ Việt Nam đàn áp giáo dân người Thượng và người Mông
Trong khi Việt Nam đang cố suy nghĩ cẩn thận về chi tiết trong các điều khoản của hiệp định Quan hệ Đối Tác Chiến Lược Toàn Diện sẽ được chính thức công bố vào chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ngày 10 tháng 9 năm 2023, Bộ Chính trị đã âm thầm ban hành một văn bản mật. Ngày 13 tháng 7 năm 2023, Chỉ thị 24 được đưa ra nhằm hạn chế ảnh hưởng của nước ngoài và hạn chế hơn nữa không gian công dân của người Việt Nam(1) ; văn bản này đặc biệt tập trung vào việc “xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm túc các chính sách, pháp luật về an ninh quốc gia, .. các hội, quỹ xã hội, tổ chức từ thiện, tổ chức tôn giáo, doanh nghiệp xã hội và liên minh, cũng như mối liên kết giữa các nhóm này; …” (2)
Không phải ngẫu nhiên, ngày 10 tháng 11 năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định 1334/QĐ-TTg 33 “thúc đẩy khai thác nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài để phát triển đất nước”. Mục đích thực sự là thâm nhập vào cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tăng cường giám sát những người bảo vệ nhân quyền lưu vong và đàn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến hải ngoại:
“Trong khi lợi dụng nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài, tiếp tục tăng cường cảnh giác và kiên quyết đấu tranh với các âm mưu, hành động kiểm soát cộng đồng và lợi dụng cộng đồng để phá hoại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc..” “Bộ Công an: … Phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi của các thế lực thù địch, phản động ở nước ngoài tuyên truyền, lôi kéo người Việt Nam ở nước ngoài tham gia các hoạt động chống Việt Nam.”
Quyết định 24 được và Quyết định 1334/QĐ-TTg báo trước sự gia tăng đàn áp đối với các nhóm tôn giáo chưa đăng ký và các tôn giáo chưa được công nhận tại Việt Nam, đẩy mạnh đàn áp xuyên quốc gia nhắm vào những người bảo vệ nhân quyền và các nhà lãnh đạo tôn giáo Việt Nam ở nước ngoài.
Đàn áp người Thượng theo đạo Thiên Chúa ở Việt Nam
Hành động đàn áp người Thượng theo đạo Thiên Chúa tại Tây Nguyên diễn ra đằng đẵng nhiều năm đã thừa gió bẻ măng theo vụ nổ súng ở xã Ea Ktur và Ea Tieu thuộc tỉnh Đắk Lắk ngày 11 tháng 6 năm 2023, khiến chín người thiệt mạng, gồm bốn công an và hai viên chức chính quyền xã. Chính quyền địa phương ngay lập tức lợi dụng các vụ nổ súng làm cớ để phát động chiến dịch cưỡng bức cải đạo, đe dọa bắt giữ và bỏ tù tín đồ của các nhóm tôn giáo tại gia của người Thượng nếu họ không tham gia Giáo hội Tin Lành Miền Nam Việt Nam (GHTLMN) -do nhà nước công nhận.
Giáo hội Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên (GHTLĐCTN) ở các tỉnh Đắk Lắk, Kontum và Phú Yên bị nhắm đến nghiêm trọng nhất. Công an đã bắt giữ các tín đồ GHTLĐCTN, thẩm vấn và buộc ký vào bản cam kết từ bỏ nhà thờ tại gia và tham gia GHTLMN. Trong nhiều trường hợp, các cán bộ an ninh đã vu khống các tín đồ GHTLĐCTN có liên quan với những người tham gia vào các vụ nổ súng và/hoặc là người của FULRO. It nhất 7 hội thánh Tin Lành tại gia đã bị công an Việt Nam đánh phá tính đến tháng 7 năm 2023.
Những người lãnh đạo của hai nhóm tôn giáo tại buôn Pưng B, xã Êa Lâm,huyện Sông Hinh, Phú Yên và buôn Cuôr Knia 2, xã Êa Bar, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk đã bị bắt ngay sau vụ xả súng ngày 11 tháng 6 vì không chịu ngừng các hoạt động tôn giáo. Mục sư Nay Y Blang ở huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, đã bị bắt vào ngày 18 tháng 5. Sau khi ông bị bắt, các tín đồ của ông vẫn tiếp tục tụ họp và tham gia các nghi thức tôn giáo. Tuy nhiên, sau vụ xả súng ngày 11 tháng 6, hơn một nửa số tín đồ đã miễn cưỡng gia nhập HTTLMN vì bị đe dọa bỏ tù.
Ngày 26 tháng 1 năm 2024, ông Nay Y Blang bị kết án 4 năm rưỡi tù theo Điều 337 của Bộ luật Hình sự – “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền hợp pháp và lợi ích của các tổ chức và/hoặc công dân”. Đài truyền hình An ninh, cơ quan chính thức của Bộ Công an giải thích rằng ông Nay Y Blang đã bị đưa vào tù vì “tổ chức các cuộc họp và cầu nguyện bất hợp pháp; cung cấp thông tin sai sự thật về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên; vu khống, xuyên tạc chính sách tôn giáo, xâm phạm lợi ích của Nhà nước CHXHCN Việt Nam.”
Tương tự, nhà truyền giáo Y Krếc Byă, lãnh đạo hội thánh GHTLĐCTN ở huyện Buôn Đôn, Tỉnh Đắk Lắk, bị bắt vào tháng 4 năm 2023 theo Điều 116 của Bộ luật Hình sự Việt Nam-phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc. Ngày 28 tháng 3 năm 2024, ông bị kết án 13 năm tù, 5 năm quản thúc tại gia- trước đó ông đã thụ án 8 năm tù. Sau vụ xả súng ngày 11 tháng 6, hơn một nửa số tín đồ của ông đã buộc phải gia nhập HTTLMN của chính quyền.
Nhà truyền giáo Y Būm Byă của GHTLĐCTN ở buôn Kŏ Tam, xã Êa Tu, thành phố Buôn Ma Thuột, Tỉnh Đắk Lắk bị bắt lúc 4 giờ chiều ngày 8 tháng 12 năm 2023 khi đang làm rẫy. Công an hành hạ ông ngay ngoài rẫy và tiếp tục đánh đập tại đồn công an thành phố Buôn Ma Thuột vì ông không chịu bỏ hội thánh của mình. Sau 4 giờ bị đánh đập dã man, ông được thả ra lúc 8 giờ tối, điện thoại di động bị công an tịch thu.
Ngày hôm sau 9 tháng 12, ông Y Būm Byă đã bị đấu tố trước dân làng và buộc phải nói theo ý công an. Tuy nhiên, ông vẫn từ chối rời khỏi hội thánh của mình. Sáng sớm ngày 8 tháng 3 năm 2024, ông và vợ đang làm rẫy thì bị công an yêu cầu về nhà để nhận lại chiếc điện thoại di động. Ông Y Būm Byă sau đó bị công an đưa đến nghĩa trang cách nhà 500m lúc 7:15 sáng. Khoảng một giờ sau, người qua đường phát hiện ông treo cổ ở một ngôi mộ. Vào lúc 3:30 chiều, công an đã phong tỏa toàn bộ khu vực và tuyên bố ông Y Būm Byă đã tự tử. Tự tử là điều tuyệt đối cấm cho người theo Thiên Chúa Giáo. Lễ chôn cất ông, được tổ chức vào ngày 11 tháng 3, do người của HTTLMN chủ trì theo yêu cầu của chính quyền.
Đàn áp người Mông theo đạo Thiên chúa ở Việt Nam
Chính phủ Việt Nam cũng đã tăng cường đàn áp người Mông theo đạo Thiên chúa vì “âm mưu thành lập Vương quốc Mông”.(3)
Đài Tiếng nói Việt Nam(VOV), cơ quan truyền thông chính thức của Chính phủ Việt Nam, ngày 26 tháng 2 năm 2024, loan tin theo bộ công an, đã đánh tan 3 tổ chức phản động [người Mông], bắt và xử lý 107 đối tượng cầm đầu, cốt cán; kiểm điểm, răn đe giáo dục 158 đối tượng; tuyên truyền vận động, cảm hóa 683 đối tượng. Ngoài ra còn 15 đối tượng đang bị truy nã trên địa bàn.Tất cả đều ở tỉnh Điện Biên.(4)
Vào tháng 9 năm 2023, hai anh em Giàng A Chín và Giàng A Quẩy ở huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, bị buộc phải rời khỏi nhà thờ tại gia của họ, phải ngừng thu thập và gửi thông tin về cuộc đàn áp tôn giáo cho các tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại nước ngoài, nộp các báo cáo vi phạm nhân quyền của Việt Nam lên Liên Hợp Quốc. Cả hai đều là ca viên trong hội hát của nhà thờ và bị cấm không được hát các bài Thánh Ca. Hai người này đã trốn sang Thái Lan vào tháng 12 năm 2023 cùng nhóm 15 người bị công an truy nã. Tại Thái Lan họ được tự do truyền bá Tin Lành, được hát Thánh Ca bằng tiếng mẹ đẻ của họ, thu hút sự theo dõi của hơn một trăm ngàn người Mông tại Việt Nam. Họ ngày càng nổi tiếng và trở thành đối tượng theo dõi của Bộ Công an.
Ngay cả các thành viên của Giáo hội Tin Lành Miền Bắc Việt Nam được chính phủ công nhận cũng bị buộc từ bỏ đức tin. Chính quyền huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã tuyên chiến toàn diện với người Mông đã cải sang Cơ đốc giáo. Trường hợp của ba chị em họ Lầu ở huyện này minh họa cho chiến dịch quyết liệt của chính quyền nhằm xóa bỏ đạo Cơ đốc trong cộng đồng người Mông. Ba chị em họ Lầu đã chịu phép rửa, theo đạo Cơ Đốc vào năm 2018, nhưng nhiều năm sau họ bị chính quyền phát hiện đức tin mới của họ.
Người chị cả, Lầu Y Tòng, đã bị chính quyền đuổi ra khỏi nhà và nơi cư trú vào tháng 7 năm 2022 và buộc phải bỏ lại hai đứa con 13 và 17 tuổi. Hai người em gái Lầu Y Lỳ và Lầu Y Hua đã bị đuổi ra khỏi nhà vào tháng 2 năm 2023. Chính quyền đã phạt bổ sung Lầu Y Hua bằng cách không cho phép khai tên cha trên giấy khai sinh của đứa con mói sinh của cô. Cả ba chị em đã trốn sang Thái Lan và được Cao Ủy LHQ (UNHCR) công nhận là người tị nạn.
Vào tháng 2 năm 2024, ban quản lý trường học tại hai trường nội trú dân tộc đã cấm học sinh tham gia các hoạt động tôn giáo. Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Nậm Nhùn, tỉnh Điện Biên phải ký cam kết không tham dự các buổi cầu nguyện của đạo Thiên Chúa trong và ngoài trường.
Theo một đoạn video clip do Liên Minh Nhân Quyền người Mông công bố, vào lúc 9 giờ tối ngày 27 tháng 2 năm 2024, sáu học sinh tại trường phổ thông dân tộc nội trú ở thôn Mường Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa đã bị hai giáo viên đánh gậy vào đầu và tát vào mặt khi phát hiện các em đang hát thánh ca trong phòng ký túc xá. Có mấy em học sinh bị thương đến mức không thể dậy nổi vào ngày hôm sau(5)
Theo số liệu thống kê của chính phủ Việt Nam vào cuối năm 2018, có hơn hai mươi ngàn hộ gia đình người Mông ở Tây Nguyên, tương đương với hơn một trăm ngàn người, không có giấy tờ. Nhiều người trong đã bị đuổi khỏi bản làng tổ tiên ở vùng núi Tây Bắc vì bị kỳ thị tôn giáo và bị tước mất giấy tờ cá nhân. Họ dắt díu nhau trốn vào Tây Nguyên. Tại nơi định cư mới, họ không được cho “đăng ký hộ khẩu” vì không gia nhập các nhà thờ do chính phủ kiểm soát và/hoặc vì chính quyền coi đức tin của họ là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Bị từ chối đăng ký hộ khẩu, những người Mông theo đạo Thiên Chúa trở thành người “vô quốc tịch”. Dưới áp lực không ngừng nghỉ của một số giới chức ngoại giao quốc tế và NGO, như BPSOS người Việt tại Hoa Kỳ, đầu năm 2021, Chính phủ Việt Nam phải đồng ý cấp thẻ căn cước công dân cho cư dân tiểu khu 179 thuộc Huyện Đam Rông, Tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, sau khi cấp một số thẻ căn cước, công an đã ngừng cấp thẻ căn cước cho người dân đồng thời định bắt giam 3 đại diện của tiểu khu 179 là Ma A Dình, Ma A Sính và Ma Seo Cháng. Cả ba người này trốn thoát được sang Thái Lan.(6)
Trong đánh giá mới nhất về Việt Nam vào ngày 27 tháng 12, 2023, Ủy ban Liên hợp quốc về xóa bỏ phân biệt chủng tộc (CERD) đã bày tỏ quan ngại về tình trạng đàn áp tôn giáo ngày càng gia tăng ở nước này:
Ủy ban rất quan ngại về những hạn chế đối với quyền tự do tôn giáo ảnh hưởng không đồng đều đến các thành viên của các nhóm dân tộc thiểu số, cụ thể là:
(a) Các yêu cầu các tổ chức tôn giáo đăng ký với Ủy ban Chính phủ về các vấn đề tôn giáo và việc thiếu thông tin về các khả năng kháng cáo quyết định hoặc khiếu nại lên cơ chế giám sát;
(b) Các báo cáo về việc quấy rối, đe dọa mà các cá nhân thuộc các nhóm dân tộc tôn giáo thiểu số phải đối mặt khi không từ bỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng của mình hoặc không chịu tham gia các tổ chức tôn giáo của Nhà nước;
(c) Các báo cáo về việc sử dụng vũ lực và lạm dụng quyền lực của các cơ quan thực thi pháp luật và các viên chức nhà nước, như tịch thu tài liệu tôn giáo và ngăn chận các hoạt động tôn giáo, hoặc các cuộc tụ họp của các cá nhân và lãnh đạo thuộc các nhóm dân tộc thiểu số;
(d) Các hình thức phân biệt đối xử, không khoan dung tôn giáo được thể chế hóa, như không cho nhập học hoặc điều trị y tế đối với những người thuộc nhóm tôn giáo dân tộc thiểu số chối từ bỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng của họ, hoặc tham gia các hiệp hội tôn giáo do Nhà nước kiểm soát;
(e) Không bảo vệ đầy đủ các nhóm tôn giáo dân tộc thiểu số trước các hình thức tấn công của các cá nhân kỳ thị trên cơ sở tôn giáo.
Bài sau: Công An Việt Nam ngăn chặn người báo cáo chính quyền vi phạm nhân quyền.
_______________
Tham khảo:
(1)https://www.npr.org/2024/03/01/1234582040/as-vietnam-grows-ties-with-u-s-a-secret-directive-seeks- to-gird-the-communist-pa
(2)https://the88project.org/vietnams-leaders-declare-war-on-human-rights/
(3)THÔNGLUẬN-ĐitìmVươngquốcH’Mông-2(thongluan-rdp.org) http://www.vietnamthoibao.org/2018/09/vntb-ky-su-mien-ien-i-tim-anh-em-lac.html
http://www.vietnamthoibao.org/2018/08/vntb-ky-su-mien-ien-i-tim-anh-em-lac.html
http://www.vietnamthoibao.org/2018/08/vntb-ky-su-mien-ien-i-tim-anh-em-lac_11.html
(5) https://www.facebook.com/hmonghrc.org/videos/1122053602307653
(6)https://vietnamthoibao.org/khong-the-chap-nhan-tinh-trang-nguoi-song-vo-quoc-gia-trong-mot-quoc-gia/
(7) CERD/C/VNM/CO/15-17 – Concluding Observations, UN Committee on the Elimination of Racial Discrimination,December 27, 2023, available at
https://tbinternet.ohchr.org/_layouts/15/treatybodyexternal/Download.aspx?symbolno=CERD%2FC%2FVNM%2FC O%2F15-17&Lang=en
No comments:
Post a Comment