Wednesday, August 14, 2024

Tân Tổng bí thư Tô Lâm sẽ tiếp tục di sản 'dở dang' của người tiền nhiệm thế nào? (Phần một)
Bài bình luận của Huỳnh Trần
13-8-2024
RFA

Ông Tô Lâm bên linh cữu ông Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội hôm 25/7/2024
AFP

Ông Chủ tịch nước Tô Lâm được Đảng chọn làm Tổng bí thư bởi cương vị Bộ trưởng Công an quyền lực đảm trách an ninh bảo vệ chế độ. Điều này đã được dự đoán trước trong bối cảnh khủng hoảng kế vị. Người tiền nhiệm, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mặc dù tuổi cao sức yếu trong những năm tháng cuối đời nhưng vẫn không tìm được người kế vị “xứng đáng.” Trong suốt cuộc đời hoạt động công tác Đảng cộng sản Việt Nam, trong đó có hơn 13 năm (từ tháng1/2011 đến 7/2024) ở cương vị người đứng đầu, ông đã nỗ lực thể hiện triết lý toàn trị vận hành dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hành “đảng trị” kết hợp với “đức trị” với mong muốn xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh.”

Tuy nhiên, “giữa đường đứt gánh” – vì bạo bệnh ông Nguyễn Phú Trọng đã qua đời ngày 19/7/2024 ở tuổi 80. Không ai có thể sống mãi để cai trị theo ý mình, cố TBT Trọng ‘ra đi’ khi vẫn ấp ủ “còn nhiều việc phải làm”, trong đó có hai di sản nổi cộm liên quan đến sự tồn vong chế độ. Đó là chống tham nhũng và bảo vệ tư tưởng đảng. Nhiều người dân đưa tiễn ông về nơi an nghỉ cuối cùng với truyền thống văn hoá trọng tình, đề cao lối sống cá nhân giản dị và nề nếp gia phong trong bối cảnh tham nhũng tràn lan và xuống cấp đạo đức xã hội. Đồng thời, nhiều người dân cũng băn khoăn liệu người kế vị ông Tô Lâm sẽ cai quản họ ra sao? Và, trước mắt là tiếp tục những di sản của người tiền nhiệm thế nào?

Loạt bài viết kỳ này lý giải bốn vấn đề chủ yếu sau: Một, vì sao khủng hoảng kế vị luôn diễn ra dưới chế độ toàn trị; Hai, Tân Tổng bí thư Tô Lâm sẽ bảo vệ chế độ “kiểu Putin”?; Ba, chống tham nhũng vẫn tiếp tục là công cụ lưỡng dụng: niềm tin dân chúng và thanh trừng phe phái; Và, bốn, bảo vệ tư tưởng đảng trong bối cảnh tăng trưởng nhờ thị trường để đảm bảo tính chính danh.

(I)

Khủng hoảng kế vị - đặc tính của chế độ đảng toàn trị

Đối với các chế độ tập quyền cao khủng hoảng kế vị là một “lời nguyền”, trong đó chế độ chính trị hiện nay Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo “tuyệt đối và toàn diện”, thậm chí trong trường hợp vận hành triết lý đảng trị và đức trị này cũng không là ngoại lệ, khủng hoảng kế vị là đặc tính chung, một hình thức biểu hiện tha hoá quyền lực. Thời phong kiến Việt Nam sự kế vị theo huyết thống, cha truyền con nối, vua “thế thiên hành đạo” và truyền ngôi cho con trai. Việc không có con trai hay người kế vị không “anh minh” thường dẫn chế độ đến suy vong và, thậm chí là sự kết thúc của triều đại đó. Lịch sử mười ba triều đại phong kiến Việt Nam cho thấy điều này, hơn thế, những thời khắc kế vị luôn có ý nghĩa quan trọng với sự hưng vong của chế độ.

Chế độ Đảng CS toàn trị được duy trì không chỉ bởi một hệ thống chính trị phức tạp, tinh vi, rộng khắp mà còn giữ tính tập quyền rất cao, chức vụ đứng đầu là tổng bí thư đảng, thường có quyền “tuyệt đối” dưới ông ấy là một Ban bí thư với các chức năng cai trị bao trùm các lĩnh vực với nòng cốt là Bộ Chính trị gồm dưới hai mươi người, trong đó “ngũ trụ”: Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ, Chủ tịch quốc hội và Thường trực Ban bí thư – nhân vật vị trí quan trọng thứ năm điều phối chương trình nghị sự và hoạt động của đảng. Kiểu tổ chức này về cơ bản là mô hình Liên Xô cũ có “cải tiến” cho phù hợp với đặc thù. Lịch sử tồn tại mô hình chính trị này chỉ ra sau sự cầm quyền suốt đời như J. Stalin (1924 -1953) hay L. Brezhnev (1964-82) là sự sùng bái cá nhân, sự khủng hoảng kế vị dẫn đến nguy cơ suy vong chế độ cộng sản.

Cải tiến bước ngoặt là sau khi lãnh tụ ĐCS Trung Quốc, Mao Trạch Đông quan đời 1976. Là người kế vị, Đặng Tiểu Bình, được cho là “tổng kiến trúc sư” của “cải cách và mở cửa”, đã thực hiện sự thay đổi mang tính cách mạng “thầm lặng”, thế chế hoá chuyển giao quyền lực theo các nguyên tắc giới hạn tuổi và hai nhiệm kỳ công tác không quá 10 năm ở một cương vị nhằm kiểm soát xu hướng tuyệt đối hoá quyền lực đảng và sự sùng bái cá nhân lãnh tụ. Bản thân ông Đặng đã “gương mẫu” thực hiện và, sau đó đã “buông rèm nhiếp chính” chỉ với cương vị “Chủ tịch Quân uỷ Trung ương” (Lãnh tụ tối cao của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc). Sau Đặng là ba thế hệ chuyển giao quyền lực khá “êm thấm”, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình… Tuy nhiên, nguyên tắc nêu trên bị phá vỡ dưới thời Tập Cận Bình. Từ khi lên nắm quyền tổng bí thư đảng từ năm 2012, lúc 60 tuổi, đến nay ông Tập tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba (2022 -2027). Hơn thế, ông ấy đã viết lại lịch sử và thay đổi hiến pháp để có thể tại vị suốt đời. Những giới hạn quyền lực đảng đã bị bãi bỏ, “cách mạng thầm lặng” do Đặng khởi xướng và thực thi, cũng như tư tưởng thực dụng của ông ấy đã kết thúc?

Với chế độ chính trị tương đồng, Việt Nam đi theo con đường trên từ khi Đổi mới 1986. Từ đó đến nay, mặc dù có “trục trặc” ở nhiệm kỳ nào đó, nhưng việc chuyển giao quyền lực người đứng đầu Đảng CS VN đã được thực hiện qua năm thế hệ lãnh đạo từ các cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, nguyên TBT Nông Đức Mạnh và cố TBT Nguyễn Phú Trọng. Ông Trọng, nhân vật được chọn năm 2011 tại Đại hội 11của Đảng CS VN làm tổng bí thư dựa trên sự đồng thuận của nhiều bên trong nội bộ đảng ,  đã vận dụng “trường hợp đặc biệt” để vượt quy định của đảng để ở lại nhiệm kỳ thứ ba, nhưng chưa trọn… như đã nêu trên.

Theo quan sát của giới phân tích chính trị, có sự khác biệt rõ rệt giữa hai Đảng CS Trung Quốc và Việt Nam về người kế vị. Ở Trung Quốc khi Tổng bí thư ở nhiệm kỳ công tác thứ hai thường phải “giới thiệu” với Đảng người kế vị. Việc quy hoạch này là khá công khai và được thực hiện đúng cho đến thời Tập. Trái lại, ở Việt Nam người kế vị luôn là “bất ngờ” không chỉ với dân mà với cả tất cả đảng viên cộng sản và, chỉ được quyết định ở “phút 89” trong Đại hội đảng toàn quốc. Đặc thù này cho thấy nhiều điều về quyền lực và kiểm soát quyền lực trong nội bộ đảng. Nguyên tắc tập thể lãnh đạo luôn “tiềm ẩn” các phe phái, điển hình là sự tranh giành ưu thế giữa hai phe “phe đảng” và “phe chính phủ” trong nhiệm kỳ 2011-2016, khi đó cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gặp thách thức, đến mức “căng thẳng” trong Đại hội 12 năm 2016, để giữ quyền lực đảng trước nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng…

Như đã biết, ông Dũng chịu về làm “người tử tế” khi đã có những dàn xếp nội bộ trong bối cảnh cố TBT Nguyễn Phú Trọng không thực sự “làm chủ” mọi nhân sự của Bộ Chính trị và Ban Chấp Hành Trung ương khoá 12. Bài học này đã thúc đẩy ông Trọng quyết tâm theo đuổi và củng cố quyền lực tuyệt đối trong khoá 12. Một trong những cách là làm trong sạch bộ máy nhà nước bằng cách loại trừ những đối tượng “tự diễn biến, tự chuyển hoá” trong nội bộ và chống tham nhũng, tập trung vào các quan chức chính phủ điều hành nền kinh tế, có “nhiều quyền và gần tiền”, coi họ là nguồn cơn làm tổn hại sự thống nhất quyền lực đảng. (Xem phần III)

Cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có thâm niên cao nhất trong đảng về công tác chuyên trách đảng, là nhà lý luận của Đảng, được đào tạo khoa học chính trị ở Viện Khoa học Xã hội trực thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (AON), được nhắc đến như “bậc thầy” về các quy tắc đảng[1], là người trong các phát biểu ‘yêu thích’ trích dẫn câu nói của V. Lênin: ““Hãy cho chúng tôi một tổ chức những người cách mạng, và chúng tôi sẽ đảo lộn nước Nga lên”[2]… Dù khi ở vị trí đứng đầu đảng, nhưng “chiếc nhẫn thần quyền”[3] cũng không thể giúp ông ấy sống mãi để theo đuổi tham vọng của mình. Ông ấy đã “ra đi” và để lại những “ước mơ” về một “đảng – nhà nước trong sạch vững mạnh”, về xã hội chủ nghĩa…, những di sản và dấu ấn, trong đó nổi bật hai chủ đề chống tham nhũng và tư tưởng đảng còn “dở dang”… Ngoài ra, do không “bồi dưỡng” được người kế vị “như ý”  liệu thế hệ kế tiếp sẽ tiếp tục kế thừa những di sản của ông thế nào? Trước hết, hãy xem chân dung người kế vị là ai và như thế nào trong bối cảnh duy trì chế độ đảng tập quyền.

(Còn nữa)

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do

Tham khảo:

No comments:

Post a Comment