Wednesday, August 14, 2024

Tân TBT Tô Lâm sẽ tiếp tục di sản 'dở dang' của người tiền nhiệm thế nào? (Phần ba)
Bài bình luận của blogger Huỳnh Trần
13-8-2024
RFA

Ông Tô Lâm và hàng ngũ lạnh đạo cộng sản Việt Nam viếng ông Nguyễn Phú Trọng hôm 25/7/2024
AFP

Chống tham nhũng “tới cùng” là tới khi nào?

Trong cuộc họp báo sau khi được Hội nghị BCHTƯ Đảng bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Tô Lâm nhấn mạnh: "Chúng ta sẽ tiếp tục công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, với tinh thần xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng"[1] và khẳng định, thời gian tới, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ được triển khai mạnh mẽ với phương châm, giải pháp như thời gian qua. Đảng khẳng định chống tham nhũng “tới cùng” nhưng công luận băn khoăn “tới cùng” là tới khi nào?

Di sản chống tham nhũng của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể được khái quát:

Trước hết, thừa nhận thực trạng tham nhũng là nghiêm trọng, mang tính hệ thống và tinh thần “quyết tâm” chống tham nhũng. Giới lãnh đạo đảng thừa nhận rằng ‘tham nhũng quyền lực là dạng tham nhũng phổ biến nhất, ở nhiều tầng nấc nhất’ và “quyết tâm” dùng quyền lực đảng ở “đỉnh tháp” để chống tham nhũng quyền lực của hệ thống. Những diễn ngôn thể hiện quyền lực “đao to búa lớn” của các lãnh đạo được thấy trên ở nhiều nơi, trong các hội nghị đảng hay nghị trường quốc hội và được truyền thông nhà nước đưa tin. Chẳng hạn, nhân Kỳ họp ngày 23/4/2018 Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, một tờ báo nhà nước đã giật tít “Chống tham nhũng tới cùng”.[2] Tuy nhiên, trong bài này không thể tìm thấy câu trả lời cho vấn đề chống tham nhũng “tới cùng” là tới khi nào?

Hai là, những con số kết quả chống tham nhũng. Sau hơn 10 năm khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng ban vào tháng 2/2013 Đảng đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 13 năm 2021 Đảng đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Và “đột phá” trong năm cuối cùng cho đến khi ông Trọng qua đời vào tháng 7/2024, đã có 7 ủy viên Bộ Chính trị, và nhiều cán bộ cao cấp khác bị kỷ luật, cách chức, và thậm chí bị xử lý hình sự… Tuy nhiên, những con số chỉ là ‘phần nổi của tảng băng trôi’ mà phía chìm ở dưới là nhiều ‘cá bự’ không thế bắt được hoặc không được bắt vì những ‘bí mật cung đình.’

Ba là, công tác chống tham nhũng được viết thành sách, được tóm lược thành những điểm sau: Thứ nhất, tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức; Thứ hai, xây dựng, hoàn thiện thể chế để “không thể”, “không dám” tham nhũng; Thứ ba, kiên quyết xử lý tham nhũng không có “vùng cấm”, không có “ngoại lệ”, không có “hạ cánh an toàn”; Thứ tư, phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên; Thứ năm, xây dựng đội ngũ cán bộ ngành thanh tra, kiểm tra đảng có đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu được giao; Thứ sáu, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Người ta gọi đây là “Di sản lý luận nhìn từ công tác chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”.[3] Tuy nhiên, dường như lý luận đi trước “xa” thực tế, những sự kiện, hiện tượng, chứng cứ cho thấy trong bất cứ luận điểm nào nêu trên cũng thấy còn “dở dang.”

Thí dụ, về nội dung thứ hai xây dựng, hoàn thiện thể chế chống tham nhũng có tầm quan trọng thiết yếu của nó là không bàn cãi, nhưng khi triển khai trong thực tế đã “bế tắc”. Sau khi nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chấp nhận “thoả thuận” về hưu làm “người tử tế”, chiến dịch “đốt lò” do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trong phát động, được tăng cường. Học tập kinh nghiệm của Đảng CS Trung Quốc, năm 2017 ông Trọng đã nhấn mạnh cần phải “nhốt quyền lực vào lồng thể chế”.[4] Theo tinh thần này, Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 (số ký hiệu: 36/2018/QH14)[5] được ban hành năm 2018 bởi Quốc hội Việt Nam khóa 14 đặt ra toàn bộ quy định về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng, xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật ở lĩnh vực này. Tuy nhiên, các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư hoặc chưa được ban hành hoặc có nhiều khiếm khuyết khi áp dụng vào thực tế, chẳng hạn, về việc kê khai tài sản của quan chức. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là cơ chế Đảng đứng trên, lãnh đạo Nhà nước” đã huỷ hoại nỗ lực xây dựng, cải cách thể chế pháp quyền theo hướng công khai minh bạch.

Công cuộc chống tham nhũng bởi Đảng CS toàn trị ở Việt Nam với nền kinh tế đang phát triển và chuyển đổi sẽ tiếp tục đứng trước những thách thức lớn bởi ba nghịch lý chủ yếu. Một là, việc mở cửa nền kinh tế, hội nhập với khu vực và thế giới để thu hút “ồ ạt” đầu tư nước ngoài và mở rộng thương mại đã thúc đẩy tăng trưởng nhanh. Trong quá trình này với các thể chế “lỏng lẻo” tiền được luân chuyển rất nhiều và nhanh trong tầng lớp tinh hoa, các quan chức của chế độ, với sự kiểm soát quyền lực nội bộ kém hiệu quả khiến cho các trường hợp, vụ việc tham nhũng được nhân lên gấp bội và mang tính hệ thống;

Hai là, chống tham nhũng với phương châm “đập chuột nhưng không làm vỡ bình”, nó không chỉ nhằm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những mặt trái của việc mở cửa nền kinh tế với những khó khăn xây dựng thể chế pháp quyền mà Đảng còn phải đặt nhiệm vụ  kiểm soát bộ máy chính trị, hạn chế sự thao túng hay chống đối của các đối thủ chính trị, mà theo thời gian mầm mống nguy cơ lớn dần và họ không bỏ lỡ cơ hội để khẳng định vị thế. Đây là lý do khiến tân Tổng bí thư Tô Lâm không thể không tiếp tục chiến dịch “đốt lò”, thậm chí giới quan sát suy đoán rằng nó sẽ được tiến hành khốc liệt hơn, thực dụng và ít “đạo đức” hơn thời ông Trọng. Tuy nhiên, những hiệu ứng ngược đang rất mạnh, gây trì trệ trên diện rộng bộ máy hành chính và làm sụt giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế do “gián đoạn, đứt gãy” các động lực thúc đẩy;

Ba là, chiến dịch chống tham nhũng được người dân ủng hộ. Đây cũng là lý do mà nhiều người dân kính trọng cố TBT Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu đảng đã “dũng cảm” đối diện với “giặc nội xâm”, luôn thể hiện chống tham nhũng tới cùng. Họ tỏ ra “thích thú” khi biết có những quan chức cấp cao, những «con cá lớn» bị sa lưới, họ cũng có vẻ “hả hê” khi những chủ doanh nghiệp lớn, những nhà tư bản một thời bị coi là “kẻ bóc lột” bị phanh phui và bị bỏ tù.

Hiện nay đang lan truyền nhanh chóng tin đồn về cái chết “đột ngột” của ông Vũ Tiến Lộc,[6] đương kim Đại biểu Quốc hội khoá 15, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, nguyên Chủ tịch Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), qua đời không rõ nguyên nhân vào sáng 5/8/2024, được cho là có liên quan với tư cách “người môi giới hối lộ” cho một vị quan chức được cho là “trùm cuối” của các vụ đại án tham nhũng Việt Á và Vạn Thịnh Phát. Dư luận “háo hức” chờ đợi vụ việc được “đưa ra ánh sáng”, mong muốn Đảng thực hiện cam kết chống tham nhũng “không vùng cấm” sao cho mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Điều đó chứng tỏ rằng Đảng, dù không có tính chính danh, nhưng “được tiếng” là bảo vệ nhân dân.

Tóm lại, tham nhũng đang huỷ hoại chế độ, vì vậy chống tham nhũng không thể không tiếp tục. Tuy nhiên, công cuộc chống tham nhũng khi người dân “đứng ngoài cuộc”, như những khán giả “thưởng thức” những trận đấu, thậm chí “trò chơi vương quyền”, không những chỉ phơi bày gót chân Asin của chế độ mà còn cho thấy không thể có câu trả lời thuyết phục cho câu hỏi liệu chống tham nhũng đến cùng là đến khi nảo?

 Cội nguồn tham nhũng là do lỗi hệ thống. Bởi vậy, di sản dở dang này đang là gánh nặng không chỉ đối với cải cách chế độ mà còn đối với cá nhân Tổng bí thư Tô Lâm trong thời khắc chuyển giao quyền lực và những năm cầm quyền sắp tới.

(Còn tiếp)

* Bài viết không phản ánh quan điểm của Đài Á châu Tự do

Tham khảo:

https://plo.vn/dbqh-vu-tien-loc-nguyen-chu-tich-vcci-dot-ngot-qua-doi-post803702.html

No comments:

Post a Comment