Phúc Lai - Về cuộc chiến tranh của Putox ở Ukraine ngày 09.08.2024
vendredi 9 août 2024
Thuymy
1. Hôm kia nghe ông KOL, cái ông hồi tháng Năm tung tin bi quan (cho Ukraine) về chiến dịch tấn công Kharkiv của Nga viết là “Putox tuyên bố hành động của Ukraine là xâm lược”, và tôi đi tìm khắp nơi không thấy chỗ nào như thế. Biết ngay lại lớp bớp cái mồm rồi. Nhưng chắc hẳn quý vị cũng nhận ra: tại sao tôi lại mở đầu bằng chuyện này?
Vì chiến dịch của người Ukraine đã khẳng định cho toàn thế giới rằng, cuộc chiến tranh này của họ chống Nga Putox là một cuộc chiến tranh tự vệ chống lại sự xâm lược trắng trợn của Putox. Vì vậy nó (cuộc chiến tranh) cần phải được thi hành theo tất cả những cách tốt nhất để giảm thiểu thương vong cho cả hai bên.
Thông thường có một lý luận mà những người Pro-Nga “shit Putox thơm” hay nói: “Nga đánh Ukraine như bố được đánh con” – tôi chưa thấy luận điệu nào láo và mất dậy đến như vậy. Nếu chúng ta nói “Việt Nam tấn công Campuchia như bố đánh con” thì trước khi đánh chết được họ, chúng ta cũng bị họ đánh lại cho tét đầu, tòe mỏ.
Ukraine tấn công lại Nga, thẳng vào lãnh thổ Nga chứng minh cho toàn thế giới thấy rằng: đây là một cuộc chiến công bằng cho cả hai bên. Mở đầu bằng những cuộc tấn công sâu vào Nga bằng UAV, drone, FPV gì đó… và bây giờ là lực lượng quy ước. Nếu như có ai đó lên tiếng, chỉ là bọn Nga cuồng chiến, vừa tức tối, vừa hoảng loạn gào thét.
2. Bây giờ xin sang chuyện thứ hai
Thằng Apti Alaudinov, chỉ huy của Akhmat, đưa ra một tuyên bố vào ngày 8 tháng 8 rằng quân của hắn đã “bỏ lỡ” (cơ hội) tao ngộ chiến với quân Ukraine. Hắn cáo buộc rằng lực lượng Ukraine “chỉ đơn giản là đi qua” các vị trí do Chechnya đang đóng giữ mà không tham chiến. Thế mới tức.
Hãng truyền thông Nga The Insider lưu ý rằng “phóng viên chiến trường” người Nga Yuri Kotenok trước đó đã đưa tin về một câu chuyện khác: lực lượng Akhmat thực sự đã được triển khai tại các khu vực của Kursk Oblast, nơi đang diễn ra giao tranh. Nhưng đồng thời Kênh Telegram VChK-OGPU đưa tin rằng “lực lượng đặc nhiệm Kadyrovites đóng tại quận Korenivsky đã ‘tan rã’ sau những cuộc không kích đầu tiên của lực lượng Ukraine – tức là họ đã bỏ chạy”.
Để nhắc quý vị nhớ lại xem thằng TikToker này là ai, thì đây, bài tôi viết hôm 29/06 có nhắc đến nó. Hôm 27/06, nó trả lời phỏng vấn của con trùm “shit Putox thơm” Olga Skabeyeva giải thích về tiến độ tiến quân của quân Nga ở khu vực Kharkiv tại sao lại chậm như vậy, thì hắn biện bạch như sau: các lực lượng Nga đã “thực hiện một bước đột phá rất quan trọng” và “giải phóng khá nhiều lãnh thổ,” – từ đó chứng minh rằng Nga đã và đang giành được thắng lợi.
Đến tận thời điểm chiến dịch Kursk của người Ukraine được tiến hành được 3 ngày, chúng ta mới dần hiểu câu chuyện nếu nhìn lại phỏng vấn của Skabeyeva với Alaudinov: đó là về mục đích của chiến dịch Kharkiv của chúng. Trong bài hôm nay tôi sẽ viết hai thông tin mà tôi nghe được từ hôm vừa diễn ra chiến dịch Kursk của người Ukraine.
Thông tin thứ nhất, tôi còn nghe từ trước đó, tức là khi chiến dịch Kharkiv diễn ra được khoảng 1 tháng, cỡ giữa tháng Sáu, rằng Gerasimov tin rằng Ukraine không còn lực lượng dự bị, không hình thành được lực lượng dự bị mới, do đó với những lực lượng hiện có, hắn có thể tiến hành chiến dịch để “hút” nốt những đơn vị còn lại của Ukraine về hướng Kharkiv.
Nếu giả định này là đúng, và với những “kết quả” vẫn được mô tả từ bản tin của Bộ Quốc phòng Nga rằng “mỗi ngày tiêu diệt được của quân Ukraine 2.000 người” thì chỉ trong khoảng 1 đến 2 tháng, có thể đánh quỵ nhóm dự bị đó của Ukraine. Kế hoạch này được đặt trong bối cảnh chiến dịch tấn công của Nga ở vùng Donbas vẫn gia tăng đến mức căng thẳng, cũng như những vùng khác mặc dù không hy vọng đem lại những kết quả đáng kể về mặt chiến lược, nhưng làm cho quân Ukraine căng ra, dàn mỏng và không có khả năng chuyển quân đi ứng cứu khu vực khác.
Như vậy, chúng ta đã phần nào hình dung ra được “tại sao trong khoảng 2 tuần đầu tiên chống trả chiến dịch tấn công của Nga vào bắc Kharkiv lại khó khăn như vậy”. Đó là do yêu cầu nặng nề đặt lên vai các đơn vị Ukraine ở đây, chủ yếu là Bộ đội biên phòng, Vệ binh quốc gia và Lực lượng phòng vệ lãnh thổ; không có nhiều bộ đội chính quy của Bộ Quốc phòng. Những con số cụ thể, chúng ta không biết được bao nhiêu (sau này hy vọng sẽ có cách biết được) nhưng chắc chắn lại một “câu chuyện Malinovsky” lại diễn ra ở đây. Tôi nghĩ cũng may nó diễn ra vào giai đoạn các gói viện trợ được khai thông, Ukraine lại có đạn pháo nên những nỗ lực của Nga dần trở nên vô vọng.
Hóa ra, chúng, tức bọn Gerasimov tin rằng chúng có thể kết thúc được chiến tranh bằng chiến dịch này. Vì thế mà Alaudinov mới nói rằng “Ukraine đã di chuyển rất nhiều lực lượng đến đó, hầu hết các đơn vị của họ. Đây sẽ là một trận chiến quyết định đối với chúng ta, trong đó chúng ta sẽ tiêu diệt những lực lượng và phương tiện còn lại. Sau đó, tôi tin, như tôi đã nói trước đó, chúng ta sẽ kết thúc chiến dịch quân sự đặc biệt trong năm nay.”
Để thêm sức nặng, hắn nói thêm một lần nữa câu “chúng tôi (chúng ta cũng được) sẽ chấm dứt nó.” Hắn nhấn mạnh rằng “mọi thứ đang diễn ra như bình thường” và “Rốt cuộc, chúng ta sẽ kết thúc tất cả bằng trận chiến quyết định cuối cùng mà tôi tin rằng chúng ta sẽ chiến thắng.”
Bằng niềm tin vào cảm nhận của mình, tôi cho rằng những gì mình hình dung về suy tính của hai bên là đúng. Tổng kết lại: Gerasimov tin rằng Ukraine đã kiệt quệ, đặc biệt về nhân lực và đạn pháo; viện trợ có đến được cũng sang năm mới là những gói đầu tiên, và kể cả là ATACMS rất mạnh nhưng không được bắn vào đất Nga, thì thi hành chiến dịch Kharkiv sẽ làm Ukraine không chống đỡ được.
3. Đến phần tôi bị giục giã nhất: Những cảm nhận cá nhân của tôi về chiến dịch Kursk của người Ukraine
3.1. Người Ukraine có “sẽ (vội vàng) rút về hay không?”
Rút là rút thế nào chứ? Nếu thuận lợi thì sao phải rút. Không đưa thêm quân vào thì thôi chứ rút làm gì. Đi kèm với câu hỏi này, bao giờ cũng là một câu hỏi rằng vấn đề hậu cần như thế nào, bảo dưỡng xe bọc thép ra sao (đồ quân sự phải được bảo dưỡng liên tục chỉ sau vài ngày chiến đấu, thua xa… xe tăng Nga, he he).
3.2. Người Ukraine có định chiếm thành phố Kursk hay không?
3.3. Người Ukraine có định chiếm nhà máy điện hạt nhân Kursk hay không?
Cả ba câu hỏi trên đều phụ thuộc việc Nga sẽ phản ứng như thế nào. Lại có những câu hỏi khác, hoặc nói chính xác là những nhận định khác, ví dụ như (1) Chiến dịch này của Ukraine sẽ đặt ra yêu cầu Nga rút quân từ hướng Kharkiv sang để khắc phục (2) Nếu không Nga sẽ phải rút ở Donbas hoặc chiến trường miền Nam về.
Tôi nghĩ, chúng ta có thể khẳng định được rằng Nga sẽ không rút quân ở đâu đi đâu cả. Điều này có thể thực hiện được, như tháng trước chúng rút bớt ở hướng Kreminna về tham chiến ở Kharkiv nhưng đó là trong giai đoạn tấn công của chúng, chúng còn đang duy trì động lực. Khi đang bị tấn công, việc rút quân ở bất cứ hướng nào cũng tạo cơ hội cho đối phương tấn công, đặc biệt là với các diễn biến ở khu vực Kursk hiện nay, Bộ chỉ huy Nga bắt đầu nhân ra rằng “không đùa được với quân Ukraine” – tức là không thể nắm được lực lượng dự trữ của phía Ukraine còn bao nhiêu, sức mạnh của họ như thế nào.
Đến giữa ngày hôm qua thì có các thông tin bổ sung (a) diện tích làm chủ của quân Ukraine trên tỉnh Kursk đạt tới 350 ki-lô-mét vuông và cuối ngày thì có thể hơn (b) Quân số Ukraine tham gia chiến dịch có thể là 10.000 người.
Đây, sẽ là lúc cho hai câu hỏi là (*) Người ta giấu quân như thế nào (sáng nay có một bạn trẻ vừa hỏi) và (**) Hậu cần ra sao nếu đông như thế?
Tôi cần phải trình bày dông dài một chút về chiến thuật “đâm và bắn” trong thời kỳ các cuộc chiến tranh của thế kỷ XV đến XVII – tiếng Anh là “pike and shot” (pike là cái giáo), đó là sự kết hợp giữa các sắc lính sử dụng giáo để đâm với sắc lính sử dụng súng hỏa mai (musket). Sau này khi lưỡi lê ra đời, người ta loại bỏ giáo và sử dụng kết hợp súng bắn và lưỡi lê ngay trong lực lượng súng trường.
Sau đó là thời kỳ chuyển hẳn sang sử dụng chiến thuật của lính súng hỏa mai – musket tactic hay “chiến thuật Napoleon.” Do tốc độ nạp lại đạn của súng chậm, nên phải có các đội hình luân phiên hỗ trợ nhau, đội này bắn trước, rồi nạp đạn khi quỳ xuống, đội đứng tiếp tục bắn, rồi nạp đạn và đội bắn trước bắn tiếp…
Nếu quân Ukraine áp dụng chiến thuật này trong chiến tranh hiện đại, sẽ là một chiến thuật cơ động và luân chuyển liên tục. Nếu như trước đây chiến thuật của Hồng quân khi tấn công trong chiến tranh thế giới lần thứ hai được áp dụng là các đơn vị xe tăng có bộ binh đi kèm, tấn công với tốc độ nhanh nhất có thể. Và chỉ dừng lại khi bắt đầu cạn nguồn lực, chuyển sang phòng ngự tại chỗ trong khi các đơn vị đi sau sẽ tiến dần, giải quyết các hỏa điểm còn sót và bắt kịp đội tiên phong. Các đội tiếp tục duy trì thế tấn công sẽ là các đơn vị mới, đi tiếp những quãng đường mới.
Với chiến thuật Xô-viết, Hồng quân có thể tiến rất nhanh, như tôi đã trích dẫn Zhukov nhiều lần là có một số lần cá biệt quân đội Liên Xô tiến được 150 ki-lô-mét trong một ngày đêm, phần lớn là vài chục ki-lô-mét đến dưới 100 ki-lô-mét. “Thần tốc” như vậy thì chấp nhận rủi ro cao, tổn thương cho các đơn vị thiết giáp cũng là rất lớn. Không hiếm trường hợp các đơn vị thiết giáp của Liên Xô tiến nhanh để chiếm một chiếc cầu quan trọng nào đó rồi phải tử thủ, cho đến khi các dơn vị đi sau đến nơi có thể đơn vị đã bị tiêu diệt gần hết, thậm chí chỉ còn… 1 chiếc xe tăng. Nôm na, họ sẵn sàng hy sinh cả đơn vị, miễn là còn được một vài người, 1 chiếc xe tăng là đơn vị chưa xóa sổ.
Với quân Ukraine lần này có thể sẽ có khác biệt. Số lượng đơn vị được sử dụng phải là nhiều, và thực hiện thay chân nhau liên tục. Các đơn vị tiến trước sẽ thực hiện lùi về (nhưng không lùi hẳn về hậu phương, mà có thể chỉ tuyến sau thôi), cho hai đơn vị khác. Một thay thế để củng cố tình hình, giải quyết nốt các hậu quả râu ria, một tiếp tục tiếp tục tiến. Để thi hành chiến thuật này, quân đội phải sử dụng rất nhiều xe bọc thép để cơ động liên tục. Nhược điểm của nó là khó tiến hành thực hiện được chiến dịch tấn công lớn thọc sâu theo kiểu Xô-viết thời Thế chiến hai.
Yêu cầu đầu tiên của nó là phải làm chủ được bầu trời, nếu để không quân địch tự do hoạt động thì các đơn vị cơ động sẽ bị đánh thiệt hại nặng từ trên không. Yêu cầu thứ hai của nó, là phải chọn được một khu vực phòng thủ của địch đủ yếu để thi hành chiến dịch. Ưu điểm của nó là giảm nặng gánh nặng hậu cần, quân đội tham gia tấn công được nghỉ thường xuyên nên luôn sung sức cho cả người và phương tiện, đồng thời giấu được lực lượng không để quân địch đoán được ý đồ chính.
Như vậy, quý bạn đọc đã phần nào trả lời được câu hỏi “giấu quân như thế nào” – việc làm chủ bầu trời hiện nay Nga không thực hiện được, các thông tin do Ukraine khống chế, toàn thế giới không ai nắm được các đơn vị Ukraine tiến như thế nào và đến đâu ngoài các thông tin được cho lên mạng một cách có chủ đích.
Tiếp theo, là câu hỏi về hậu cần. Hôm qua một anh người Ukraine nói với tôi: Bạn để ý, chúng ta tiến như vậy là chậm – tức là cố tình không tiến nhanh. Đó là yêu cầu đảm bảo hậu cần, và chiến thuật “súng hỏa mai hiện đại” trên đây cũng không cho phép tiến nhanh. Nếu chúng ta thấy chiến dịch diễn ra “có vẻ nhanh” chẳng qua là nó cũng đang có những thuận lợi nhất định, lực lượng phòng thủ của Nga mỏng và yếu cả về trang bị và tinh thần, chứ không phải là cái sự cố tình tiến nhanh “thần tốc” như kiểu Hồng quân hồi cách đây 80 năm.
Với câu hỏi rằng, vậy quân Ukraine có rút sớm hay không? Tôi không biết – nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chủ yếu là khả năng phản ứng của Nga như thế nào. Nếu Nga đủ sức mạnh cử khoảng vài sư đoàn đến cả… Tập đoàn quân đến để khôi phục tình hình, thì phải rút chứ. Cho đến nay, sau 3 ngày mới có những hành động rục rịch đầu tiên của Nga, nhưng bọn kéo đến này trông như… dân quân tự vệ với đầy xe dân sự, trang bị, thiết bị trông khá chán với lèo tèo vài khẩu pháo (ảnh).
Để giải thích cho tình trạng chậm trễ này, có hai lý do chính. Một là, tính quan liêu của tổ chức quân đội Nga vốn chỉ huy theo chiều dọc, cấp dưới chờ lệnh cấp trên nên các quan hệ ngang và chéo gần như bị thủ tiêu: tiểu đoàn trưởng bên này không thể điều động một đại đội (hoặc thấp hơn, trung đội, tiểu đội) của tiểu đoàn bên cạnh trong cùng trung đoàn. Thứ hai, là chính Nga cũng đang gặp khó khăn về lực lượng. Nếu kết hợp cả hai điều này lại thì còn là sự kẹt cứng: việc gom quân theo chiều ngang để hình thành đơn vị lớn hơn, cực kỳ khó.
Hôm qua tôi có bình luận dưới ý kiến của một bác rằng: Nga phải rút quân bên Kharkiv về để bịt lỗ thủng – tôi viết: nên bỏ ý này. Thực chất bác này cũng có sai có đúng và tôi cũng vậy. Nga sẽ không rút quân từ Kharkiv về, nếu ai hiểu cái “Ruzzian Style” cũng sẽ hiểu luôn điều này, chúng cực kỳ ngoan cố. Nếu rút ở Kharkiv, tức là bọn tuyến sau của nhóm đang tấn công tiền duyên, thì vỡ trận và sập bẫy của người Ukraine, mặt trận Belgorod sẽ được mở, người Ukraine chỉ chờ có thế. Họ sẽ đi từ chính khu vực Kursk sang Belgorod, chứ không phải là tấn công trực diện sang. Thứ hai, là chính bọn bị rút khỏi tuyến sau của mặt trận Kharkiv này sẽ bị tấn công, theo kiểu gì ta sẽ nói sau.
Vì vậy, mục đích của chiến dịch Kursk của Ukraine có yếu tố giải vây cho Kharkiv, nhưng nó là “mục đích nhỏ.” Một mục đích khác cũng có, là giải vây cho Niu-York và Pokrovsk, cũng có: Nga sẽ phải cân đối lại lực lượng, những đơn vị chuẩn bị bị bơm tiếp vào Donetsk sẽ được hãm lại và có thể nhận lệnh di chuyển sang Kursk. Trận tấn công của Nga ở Donetsk sẽ sớm đạt đỉnh ngay lúc này và nhanh chóng đi xuống.
Cuối cùng, về câu hỏi nhà máy điện hạt nhân Kursk. Tôi không biết họ có định chiếm hay không, vì để bảo vệ nó thì chúng ta cần giả định nó được bảo vệ bởi một lực lượng kha khá của Nga, bản thân nó chỉ cách thành phố Kursk là thủ phủ của tỉnh cùng tên khoảng trên dưới 60 ki-lô-mét tùy thuộc việc đi đường nào, do vậy cần khẳng định nhà máy này nằm trong vành đai bảo vệ thành phố Kursk. Đến đây sẽ có điều khó suy đoán, rằng tại sao Nga không điều chính lực lượng bảo vệ thành phố Kursk và cả bảo vệ nhà máy ra khôi phục tình hình? Tất nhiên, khả năng cao là không đủ: chúng chỉ đủ lực lượng để bảo vệ tại chỗ, chứ không thể thi hành các hoạt động tấn công bằng các nhóm quân đó được.
Tùy thuộc tình hình phản ứng của Nga với khả năng điều động về bao nhiêu quân và từ những chỗ nào, mà người Ukraine sẽ liệu cơm gắp mắm. Cho đến nay đã có những thông tin cho biết người Ukraine mở hướng tấn công thứ hai. Mũi trước xoay sang hướng Tây Bắc về phía Korenevo và thêm mũi từ Tây Bắc xuống Đông Nam, tức là từ Popovka tới Rylsk. Vị trí của Rylsk giống như Sudzha ở phía bắc, nhưng không quan trọng bằng (xin xem bản đồ).
4. Phần cuối – tạm kết luận
4.1. Hiện nay tất cả còn đang ở phía trước, bất kỳ ai trong số chúng ta cũng chỉ đưa ra các suy đoán cá nhân. Nhưng một số điều đã có trong quá khứ, một số sự kiện đã diễn ra cũng cho phép chúng ta đoán được phần nào những gì sẽ diễn ra trong tương lai.
- Thứ nhất. Người Ukraine nắm được rõ việc Nga khó khăn về nhân lực. Chuyện này mạng xã hội Nga cũng nói ầm lên và những sắc lệnh do Putox ký gần đây, cũng góp phần để rút ra được nhận định đó khá chính xác. Vì vậy, việc chậm phản ứng từ phía Nga, là có thể dự đoán được, vì một trong những nguyên nhân của nó là quá trình “rút ruột” cho đến rỗng các đơn vị đồn trú của chúng ở các vùng của đất nước.
Chắc chắn hiện tại Bộ chỉ huy Nga phải cân nhắc gom quân như thế nào từ các vùng đông nam đất nước (Altay, Tuva, Irkutsk, Buryat…) hoặc Viễn Đông (Amur, Khabarovsk…) là những vùng có số dân còn đông. Các vùng như Maga Buryatdan hay Chukot, Kamchaka… người sống còn chẳng đủ lấy đâu ra bộ đội. Cái quá trình này Bộ chỉ huy Nga đã làm suốt 2 năm nay, tức là lấy của tiểu đoàn này gần hết số đại đội, lấy của trung đoàn kia vài tiểu đoàn… và lôi ra chiến trường, ghép chúng vào các đơn vị khác đang chiến đấu.
- Thứ hai. Vẫn liên quan đến nhân lực nhưng nó được đặt trong thế trận: Do không đủ quân, nên Nga không thể rút ở bất cứ hướng nào về để khắc phục hướng Kursk.
- Thứ ba. Về nguồn lực. Quá trình bào mòn xe tăng và pháo binh Nga của người Ukraine đã đạt những kết quả đáng kể. Bất cứ hành động nào của Nga lúc này cũng cần sự mãnh liệt nhất định, mới có kết quả nếu không thì chỉ có thiệt hại, không thực hiện còn hơn. Không quân không có. Xe tăng không đủ. Pháo binh cũng không ra làm sao. Hôm qua đến nhà bà chị họ bán linh kiện điện tử xin ít điện trở, tụ… về sửa cái ampli, ông anh rể còn tuyên bố: Nga nó để cho vào sâu nó dập một trận chết hết. Muốn thế thì quần của lính không được thủng đít chứ.
Thứ tư. Về thời điểm. Giai đoạn phổng mũi lại quay trở lại, tất cả đoán định của tôi về tương lai từ đầu năm đến nay, đều trông chờ tháng Tám này. Những phân tích dưới đây sẽ cho thấy đây là thời điểm bắt đầu một câu chuyện lớn.
4.2. Trước đây có một số lần tôi viết: Đảng Dân chủ (Hoa Kỳ) đặt cược vào kết quả của cuộc chiến Nga – Ukraine mà tỉ số nghiêng về phía Ukraine. Nhưng nếu mạnh dạn hỗ trợ Ukraine sớm quá, có thể đối mặt với những cáo buộc “dân chủ mà hiếu chiến” hoặc chưa lường trước được khả năng leo thang chiến tranh.
Mặt khác, cách tiếp cận của Donanld Trump luôn là: Chê bai cách hành xử của ông Biden và đảng Dân chủ, theo tôi nhận thấy là nói ngược lại bất chấp đúng sai. Ví dụ, có thể là chỉ trích “viện trợ nhiều quá, nhiều vũ khí bí mật quốc gia quá…” nhưng cũng có lúc lại theo hướng… “như vậy vẫn còn ít.” Nhìn chung không biết đằng nào mà lần. Nếu ông Trump trúng cử, thì ông ta sẽ tìm cách kết thúc cuộc chiến tranh theo kiểu của ông ta, chắc chắn là rất riêng, có lợi cho Ukraine hay cho Nga thì chưa ai biết (bố thằng nào mà đoán được ông này!)
Vì vậy, cuộc chiến cần phải được kết thúc trước bầu cử Hoa Kỳ, với nghĩa “kết thúc” là nhìn thấy được kết quả rõ rệt. Nga phải rút, coi như thất bại trên phần lớn các khu vực của mặt trận và mất khả năng kéo dài chiến tranh, bên trong nội bộ đất nước có biến động… và cái sự “chính thức kết thúc” chỉ còn là vấn đề kỹ thuật.
Đó là những suy đoán cho thấy rằng, thời điểm tốt nhất cho các hành động của Ukraine là vào tháng Tám, các sự kiện sẽ diễn ra chủ yếu trong hai tháng Tám và Chín, là thời gian thuận lợi cho các hành động tấn công. Suốt trong thời gian qua, quá trình chuẩn bị cho nó đã diễn ra mà tôi không dám viết: Tấn công có hệ thống tất cả lực lượng phòng không của Nga, lôi chỗ khác đến, lại tấn công tiếp… cứ thế.
Sau đó là vấn đề hậu cần: Tập trung đường sắt, xe tải, xe bồn… kết hợp với… vòng bi, à nhầm, lệnh trừng phạt làm cho thiếu vòng bi, xe hỏng hàng loạt, tàu đổ hàng loạt… dẫn đến sức mạnh tổng thể của quân đội Nga suy giảm. Putox sẽ nghe báo cáo về số lượng quân có trên chiến trường, có bao nhiêu xe tăng, bao nhiêu pháo… chứ hắn không bao giờ nghe về vòng bi, về xe tăng có chạy được hay không, có đủ xăng dầu hay không và nòng pháo bây giờ có bắn được hay không. Thất bại của hắn ở chỗ đó.
Cách đây nửa tháng khi đọc tin Ukraine nhận tiếp xe tăng và rất nhiều xe bọc thép – xe chiến đấu bộ binh, tôi hỏi bác NTT: Bác thấy họ nhận nhiều xe tăng và nhất là lắm xe bọc thép như vậy để làm gì? Bác ta trả lời: Phòng thủ cũng cần nhiều xe tăng và bọc thép. Tôi chỉ đùa: Sao bác có thể ngây thơ đến vậy.
Qua 2 năm rưỡi chiến tranh, chúng ta đã nhận thấy để phòng thủ, người Ukraine cần pháo binh và UAV. Xe tăng và bọc thép chỉ dùng để tấn công cục bộ khôi phục tình hình khi cần. Vậy quá trình tích trữ xe tăng và xe chiến đấu bộ binh trong thời gian qua, chỉ có thể cho chiến dịch tấn công. Nếu quý vị độc giả nào tinh tế khi đọc tôi, sẽ nhận ra ý đó, từ cái mốc tháng Tám cho đến câu hỏi “nhận về nhiều để làm gì?”
4.3. Tạm hình dung về chiến dịch Kursk của người Ukraine
Các giai đoạn của nó có thể là:
- Đột phá/ thọc sâu, củng cố/mở rộng
- Diệt viện – tiêu diệt quân tiếp viện được cử tới
- Phát triển kết quả, tiếp tục đột phá và mở rộng
+ Hiện nay đang diễn ra giai đoạn thứ nhất, và người Ukraine không vội, và cũng không cần phải cố đi thật xa (dùi thật sâu vào lãnh thổ Kursk), làm như vậy chỉ nghe sướng tai tên các báo cáo chiến sự mà thôi. Vẫn tiến nếu tình hình cho phép nhưng phải làm song song với nhiệm vụ củng cố hai bên sườn chống bị phản kích.
+ Giai đoạn tiếp theo, theo tôi là quan trọng hơn và tôi thực sự rất muốn viết bài này từ hôm qua để nói về nó “cho sớm”, nhưng tôi đã kiềm chế cái ham muốn đó lại, không chạy theo cái gọi là “đưa tin sớm” như một số KOL đang mắc phải. Dù khó khăn, nhưng chắc chắn Nga sẽ cố gắng gom được một số quân nhất định để đưa về đây. Và cái kết quả mong muốn là Gerasimov báo cáo lên Putox “chúng ta đã đánh bật quân địch về đất của chúng…”
Cách tiếp cận của Ukraine chắc chắn sẽ là “đánh địch trên đường tốt hơn là đánh chúng trong vị trí”, tức là bây giờ mới là câu hỏi “tại sao người Ukraine nói ra nói vào về tên lửa tầm xa tự sản xuất, mà mãi không thấy đem ra dùng.” Câu chuyện này nó ám ảnh tôi đến mức, tôi đang tự hỏi vào hôm qua, bao giờ thì có tin các sân bay, các trại lính, các đầu mối đường sắt trong phạm vi bán kính 600 ki-lô-mét lấy Kursk làm tâm tính về phía đông, bị tập kích đây.
Và sáng nay thì có tin cháy nổ ở sân bay Lipest, thủ phủ tỉnh Lipetsk của Nga, cách thành phố Kursk 250 ki-lô-mét về phía đông. Nếu ai đó nói với tôi rằng, ngoài máy bay, bom, xăng dầu… thì còn có nhân lực lớn bị thiệt hại sau cú tấn công, tôi cũng không nghi ngờ đâu. Lúc này cách nhanh nhất để cứu vãn tình hình, là đưa quân đến bằng đường hàng không, tập trung cách điểm nóng khoảng 300 ki-lô-mét đổ lại, rồi từ đó làm các công tác chuẩn bị, đưa chúng ra mặt trận bằng các phương tiện trên mặt đất. Và điểm đó chính là… Lipetsk, và chúng ta sẽ còn thấy nhiều nữa, như Voronezh chẳng hạn. Mới nhất, vừa có tin đoàn quân Nga kéo đến đã bị phục kích rồi.
+ Giai đoạn mở rộng tiếp theo còn tùy thuộc tình hình, nhưng tôi muốn viết nó vào mục sau nữa. Tạm thời, chúng ta chỉ dám hình dung nó như thế này: Sẽ có một bãi chiến trường, ở cách biên giới Nga – Ukraine vài chục ki-lô-mét để tiêu diệt bọn chưa giải quyết được trên đường chúng đến. Chiến sự sẽ diễn ra kéo dài khoảng vài tuần phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng tôi hi vọng sẽ không kết thúc bằng sự kiện người Ukraine rút quân. Tuy vậy, cách thức phòng ngự của họ sẽ là phòng ngự từ xa, và đánh trực tiếp – đối đầu với bọn đã bị thương ở gần.
4.4. Kết luận – và tạm nhìn nhận mục đích của chiến dịch Kursk
Trong suốt bài này, quý vị đã nhận thấy được rất nhiều mục đích của chiến dịch, đã được nhiều người nói, nhiều phương tiện truyền thông bình luận, và đều có lý – thực chất là chỉ ra một mục đích nào đó cụ thể và lớn nhất là không thể và không cần thiết. Chẳng hạn, tôi nghĩ cần khẳng định rằng, đây hoàn toàn không phải “vây Ngụy cứu Triệu” nhưng vẫn có yếu tố đó, vì điều thú vị nhất là có thể Nga sẽ không rút quân từ các hướng khác về (như trên đây đã phân tích) mà rút xe tăng, pháo binh và có thể tập trung cả một số đơn vị không quân… để hỗ trợ cho khu vực Kursk.
Có một điều chắc chắn rằng Bộ chỉ huy Nga, tức là Gerasimov sẽ phải hành động, nếu không thì mất đầu. Đó là lý do dẫn tôi đến việc hình dung rằng, sẽ có diệt viện, và sẽ có bãi chiến trường. Nhưng quân Ukraine thì chưa chắc đã rút – sao phải rút khi lực lượng tiếp viện của Nga không đủ mạnh? Đất ở đâu mà chẳng là đất?
Nhưng ở đây sẽ có một mục đích nhỏ của chiến dịch. Có những thông tin cho chúng ta biết, để thi hành chiến dịch tấn công vào phía bắc của tỉnh Kharkiv, Nga đã tập trung được một cụm quân khoảng vài sư đoàn (dưới một Tập đoàn quân, một Tập đoàn quân của Nga lớn hơn cấp Quân đoàn của một số nước, và khoảng 10 sư đoàn với lực lượng đa dạng, trang bị mạnh, chỉ dưới cấp quân khu).
Như vậy cụm quân này có thể có quân số đạt tới 20.000 quân chiến đấu, từ nhiều đơn vị khác nhau, như Quân khu miền Tây, Quân khu trung tâm, Quân khu Mục-tư-khoa, Hạm đội Biển bắc và Hạm đội Baltic (hình như hai hạm đội này đã được biên chế vào quân khu Leningrad, tôi chưa có thời gian kiểm tra). Đây là một con số kha khá. Nếu đánh què được cụm quân này thì cũng là một tác động lớn đối với lực lượng Nga. Thời gian qua do sức mạnh tổng thể của quân đội Nga yếu đi nhiều, nên chiến sự vùng bắc Kharkiv diễn ra rất cò cưa, không đem lại lợi thế rõ rệt cho bên nào.
Tuy nhiên đến đây chúng ta cũng nhận thấy rằng việc xử lý dứt điểm tình hình bắc Kharkiv – Vovchansk với người Ukraine là không cần thiết, vì nếu tiến hành tốt chiến dịch Kursk thì hoàn toàn có thể giải quyết được vấn đề ở bắc Kharkiv. Có một câu hỏi vừa được gửi đến tôi, rằng liệu quân Ukraine có nhân tiện đánh bọc hậu quân Nga không – tôi hiểu là cái cụm quân Nga này, ở tỉnh Belgorod. Nếu tôi hiểu đúng câu hỏi, thì câu trả lời là không ! Vì từ Sudzha đến khu vực đó gần 200 theo đường bộ, và phải qua thành phố Belgorod, vì vậy đây sẽ phải là một hướng riêng.
Nếu có sự kiện gì diễn ra cho cụm quân này, chỉ khi quân Ukraine thanh toán được nguy cơ của bọn tiếp viện được đưa từ những vùng khác của Nga đến Kursk, dẫn đến nhu cầu rút chúng khỏi mặt trận. Tuy nhiên không loại trừ tình huống quá trình mở rộng mà tôi đã viết trên đây theo hướng đông nam, tức là quân Ukraine từ Kursk xâm nhập tỉnh Belgorod, thì cũng chưa biết thế nào. Nhưng tôi cho rằng, chỉ khi chúng thực sự cần cụm quân này để đưa về Kursk, thì mới có sự kiện lớn hơn. Khi đó thì các đơn vị của Ukraine ở giáp ranh hai tỉnh Kursk và Belgorod mới khởi động cùng các vũ khí tầm xa, để đánh địch lúc đang rút, dẫn đến các biến cố “dạng Kursk hiện nay” ở tỉnh Belgorod. Tất cả chỉ là giả định.
Mục đích lớn hơn của chiến dịch – đã đến lúc phải nói đến nó. Người ta cứ nói ra nói vào về việc chiếm thêm chút đất để đàm phán – tôi thấy không thuyết phục: thêm vài xã, chẳng ý nghĩa gì. Cái mang lại lợi thế trên bàn đàm phán, phải là thế thượng phong về chiến lược. Chẳng hạn, Nga kiệt quệ về kinh tế do lệnh trừng phạt, có kéo dài chiến tranh thì cũng không thể có thêm thắng lợi – giai đoạn đó sắp đến khi các nỗ lực của chúng ở Donetsk chững lại và đi xuống.
Tôi cũng đã viết nhiều lần: Không cần thiết phải đánh cho toàn bộ lực lượng của chúng đến 500.000, 600.000 quân lấm lưng trắng bụng hết, mà chỉ cần biến tất cả những mục tiêu của chúng thành vô nghĩa. Hôm nay mới là 09/08, chiến dịch Kursk mới được 3 ngày, nghĩa là nó cần phải được nhìn nhận là sự kiện châm ngòi cho một biến cố lớn lao hơn nhiều. Tôi rất thích động từ tiếng Anh “to ignite” cho trường hợp này – châm ngòi. Mục đích của nó là tạo sự mở màn thuận lợi cho cả một giai đoạn mới của cuộc chiến.
Thế thì, nó sẽ tiếp diễn ở đâu? Vậy bao lâu nay cứ tấn công hết mục tiêu nọ đến mục tiêu kia ở Crimea là để chơi à? Tôi nghĩ là sẽ có đổ bộ không chừng. Nhìn các diễn biến ở Kursk như thế nào thì Crimea cũng dễ vỡ trận lắm. Mà khi vỡ trận ở đó thì Nga không cứu được, nếu kéo bọn miền nam (Kherson, Zaporizhia) về thì lại vỡ trận tiếp. Chúng ta cần hiểu rằng, tất cả đã được Bộ chỉ huy của Syrskyi cân nhắc rất kỹ từ trước.
Còn một mục đích nữa khá mơ hồ, tức là “sương mù” hay chưa rõ ràng, chúng ta có thể vạch ra nhưng chưa nên bàn tới, là tác động lên nội bộ, xã hội Nga, lúc này là hơi sớm, nhưng trong hai tháng tới thì cũng là… chưa biết thế nào.
Chúng ta đang sống trong những thời khắc lịch sử. Xin hết ạ. À, hết làm sao được mà hết.
Có một yếu tố phần 2 tôi chưa viết, tức là khả năng đánh lừa lẫn nhau. Khả năng rất cao là tình báo của Gerasimov không nắm được việc Ukraine hình thành nên được bao nhiêu lữ đoàn dự bị trong thời gian vừa qua. Trong khi truyền thông liên tục lên những bài về khó khăn của Ukraine trong tuyển quân, làm cho ngay cả các kênh Nga cũng hào hứng hùa theo chuyện đó. Chuyện gây bi quan đến mức mà thần kinh thép như tôi cũng muốn điên cả đầu lên vì những lo lắng của bác NTT. Tôi cũng chỉ nói rằng: Nếu có thiếu thật hay không thiếu, hoặc thừa quân thì cũng chẳng ai nói ra cả. Việc quân sự đánh nhau là phải yếm trá, thế thôi.
Đến đây tôi cũng viết nốt thông tin thứ hai mà phần đầu tôi bỏ dở, tôi nghe được hôm 06/08: Gerasimov biết trước về chiến dịch này của Ukraine, nhưng hắn giấu không báo cáo Putox. Để giải thích cho việc này có hai lý do:
Thứ nhất có thể hắn vẫn tin rằng Ukraine không đủ lực để thi hành một chiến dịch lớn, táo bạo mà chỉ như hai lần trước vào tháng Năm năm 2023 và tháng Ba năm 2024 với những nhóm quân của lực lượng nước Nga tự do. Trong trường hợp đó hắn, với những lực lượng tại chỗ có thể xử lý được tình huống và rồi thì các đơn vị xâm nhập sẽ lại vòng về vì những lý do về hậu cần.
Thứ hai, chính hắn cũng không còn lực lượng nữa. Do không đánh giá được quy mô chiến dịch của người Ukraine, Gerasimov đã không thể có hành động nào để chủ động “đón tiếp” quân Ukraine cho ra hồn. Nhưng nhìn chung Gerasimov đã là con gà mắc tóc rồi. Thời gian nhảy vào làm “văn tế nghĩa sĩ Gà Luộc” chắc cũng sớm thôi.
PHÚC LAI 09.08.2024
No comments:
Post a Comment