Thursday, August 1, 2024

Kiev lần đầu nhận chiến đấu cơ F-16 : Hy vọng và thách thức trên chiến trường Ukraina
Thùy Dương
Đăng ngày: 01/08/2024 - 15:56
RFI

Chỉ ít giờ sau khi báo Mỹ The Wall Street Journal hôm 30/07/2024 loan báo Washington chấp nhận trang bị các loại vũ khí tối tân, trong đó có tên lửa do Mỹ chế tạo và nhiều loại vũ khí hiện đại khác, cho các chiến đấu cơ F-16 mà phương Tây viện trợ cho Ukraina, các hãng tin quốc tế uy tín như AP, Reuters, AFP, báo Mỹ Bloomberg… hôm 31/07 - 01/08 đều đưa tin là Ukraina đã nhận được những chiếc F-16 đầu tiên từ một số nước thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO.

Ảnh minh họa: Các chiến đấu cơ F-16 của Hà Lan bay trên một căn cứ không quân ở Volkel, Hà Lan, ngày 09/06/2023. REUTERS - Piroschka Van De Wouw

Như vậy là sau một năm chờ đợi và nhiều lần hối thúc đồng minh, cuối cùng Kiev cũng đã được trang bị những chiếc chiến đấu cơ tối tân do Mỹ chế tạo để có thể cải thiện năng lực phòng không, đối phó với các tên lửa, drone và phi cơ của Nga. Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky hy vọng những chiếc F-16 sẽ có vai trò then chốt giúp quân đội Ukraina đẩy lùi sự thống trị trên không của Nga và « giải tỏa không phận » Ukraina. Như vậy cũng có nghĩa là trong bối cảnh hiện nay, mục tiêu của quân đội Ukraina chưa phải là triển khai phi đội F-16 để oanh tạc các lực lượng trên mặt đất của đối phương hay các nguồn lực quân sự khác của Nga gần mặt trận.

Trước đây, giới lãnh đạo Ukraina cũng như phương Tây từng kỳ vọng là chiến đấu cơ F-16 tối tân do Mỹ chế tạo có thể giúp Kiev xoay chuyển cục diện chiến tranh, nhưng nay dựa trên tình hình thực tế, các nhà quan sát nhận định là các tác động trên chiến trường sẽ khó được trông thấy ngay, do số chiến đấu cơ F-16 giao cho Ukraina đợt này không nhiều. Số lượng cụ thể hiện vẫn chưa được công bố chính thức.

Le Monde ngày 29/07 cho biết thêm là cũng mới chỉ có 6 phi công Ukraina đang được huấn luyện với  F-16. Các nhà quan sát vẫn đang đặt câu hỏi về khả năng các phi công Ukraina điều khiển loại chiến đấu cơ tối tân này trên thực địa.

Chưa nói đến việc triển khai phi đội F-16 là một thách thức lớn, có thể xem là quan trọng nhất đối với Ukraina hiện nay: Làm sao bảo vệ được những chiến đấu cơ có giá trị này, trong khi Nga đã đề phòng, chuẩn bị đối đầu từ nhiều tháng qua. Cuộc chơi « trốn - tìm » giữa phe bảo vệ và phe tìm diệt F-16 chắc chắn không thể tránh khỏi. 

Ngày càng có nhiều người lo ngại là những chiếc F-16 đó sẽ bị Nga tấn công và triệt hạ ngay từ khi mới được Ukraina tiếp nhận. Quả thực, mối lo này không phải là không có cơ sở. Những tháng gần đây, quân Nga đã đánh vào một số sân bay quân sự của Ukraina. Chỉ riêng trong tháng Bảy này, có ít nhất 3 sân bay của Ukraina đã bị đối phương tấn công : sân bay Myrhorod và Kryvyi Rih ở miền trung và một sân bay ở vùng Odessa, miền nam Ukraina. Phía Matxcơva khẳng định đã phá hủy ít nhất 6 chiến đấu cơ của Ukraina. Kiev không phủ nhận nhưng cố tìm cách giảm thiểu thiệt hại. Không quân Ukraina nhấn mạnh trên mạng xã hội là những máy bay và hệ thống phòng không bị Nga phá hủy thực chất chỉ là mồi nhử khiến Matxcơva phải tốn nhiều tên lửa Iskander đắt tiền.

Giáo sư Justin Bronk, chuyên gia chính về sức mạnh hàng không và công nghệ, thuộc Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (Royal United Services Institute - RUSI), lưu ý là cho đến nay, không quân Ukraina chủ yếu dựa vào « các hoạt động phân tán », thường xuyên di chuyển các máy bay và thiết bị bên trong hoặc giữa các căn cứ, để bảo đảm chiến đấu cơ không bị bắn trúng khi đang đậu ở mặt đất. Thế nhưng, đối với phi cơ F-16, Ukraina không thể áp dụng mãi chiến thuật này, bởi cần có đường băng hoàn toàn bằng phẳng, không có những mảnh đá hoặc các mảnh vụn nhỏ khác, nếu không thì có nguy cơ động cơ F-16 bị hư hại.

Nhưng theo giáo sư Bronk, bất cứ nỗ lực nào của Ukraina để cải thiện cơ sở hạ tầng các căn cứ không quân cũng sẽ bị máy bay trinh sát hay các vệ tinh của Nga phát hiện. Hiện nay quân Nga đã được trang bị nhiều drone trinh sát tinh vi như Zala, Supercam và Orlans, có khả năng truyền hình ảnh trực tiếp theo thời gian thực từ bên trong lãnh thổ Ukraina, có khả năng bay lâu mà không bị các hệ thống điện tử của Ukraina phát hiện và gây nhiễu.

Thêm vào đó, từ tháng 05 đến nay, Nga đã không ngừng cải tiến các phi cơ. Chẳng hạn chiến đấu cơ Su-30 đã có khả năng mang tên lửa tầm xa R-37, thậm chí phiên bản tân tiến hơn là R-37M. Trước Su-30, chỉ có máy bay tiêm kích Su-57, Su-35, Mig-35 và Mig-31 có khả năng mang loại tên lửa tầm xa này.

Loại bom bay đời mới của Nga FAB – UMPK, với thiết bị dẫn đường, cũng là một mối nguy khó lường cho phi đội F-16 của Ukraina. Chính thiết bị dẫn đường UMPK giúp bom FAB khó bị phát hiện và đánh chặn. Sức công phá của bom bay FAB - UMPK là rất lớn, chẳng hạn bom FAB-1500 có thể chứa đến 675kg chất nổ TNT, bom FAB-3000 có khả năng mang tới 1,4 tấn thuốc nổ. Hồi tháng 03/2024, bộ trưởng Quốc Phòng Nga thông báo sản xuất hàng loạt bom FAB-3000. Thực hư như thế nào thì chưa rõ, nhưng những bước chuẩn bị của Nga trong thời gian qua cho thấy có lẽ việc bảo vệ những chiếc F-16 của Ukraina sẽ không hề dễ dàng.

No comments:

Post a Comment