Cuộc chiến chip toàn cầu có thể biến thành cuộc chiến đám mâyNguồn: Chris Miller, “The global chip war could turn into a cloud war,” Financial Times, 30/07/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
03/Aug/2024
NghiencuuQT
Phe diều hâu an ninh ở Washington lo ngại rằng các thỏa thuận cơ sở hạ tầng sẽ gây rủi ro cho tương lai của AI.
Nếu các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) có thể biến đổi nền kinh tế toàn cầu, thì các trung tâm dữ liệu đào tạo chúng sẽ là các nhà máy của tương lai. Các chính phủ trên khắp thế giới coi các trung tâm dữ liệu có khả năng AI là một nguồn lực chiến lược – một nguồn lực mà họ đang chạy đua để kiểm soát.
Ý tưởng về một chiến lược điện toán công suất cao không phải là điều gì mới mẻ. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ chỉ cho phép bán siêu máy tính cho Liên Xô nếu chúng được sử dụng để dự báo thời tiết, chứ không phải để mô phỏng hạt nhân. Các quy tắc này đã được thực thi bằng cách yêu cầu Liên Xô phải chấp nhận các giám sát viên nước ngoài thường trực và thậm chí giao nộp dữ liệu siêu máy tính để tình báo Mỹ phân tích.
Giống như siêu máy tính, các hệ thống AI đang được phát triển ngày nay có cả khả năng dân sự và quân sự. Chúng có thể tối ưu hóa các ứng dụng giao đồ ăn nhưng cũng có thể phân tích ảnh vệ tinh và chỉ huy các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái. Không hề vô lý khi đặt cược rằng việc kiểm soát các trung tâm dữ liệu AI sẽ có ý nghĩa chính trị cũng như kinh tế.
Tất cả các hệ thống AI tiên tiến đều được phát triển trong các trung tâm dữ liệu chứa đầy các chip cao cấp như đơn vị xử lý đồ họa Nvidia và bộ nhớ bán dẫn băng thông cao. Các chip AI tiên tiến hiện đã phải tuân theo các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ và các chip nhớ tiên tiến có thể sớm được thêm vào danh sách. Các đối thủ như Trung Quốc đã trở thành đối tượng của lệnh cấm toàn diện ngăn họ tiếp cận các chip bị hạn chế của Mỹ và đang chuyển hướng sang phát triển các chip của riêng mình.
Do đó, không nên ngạc nhiên khi nhiều quốc gia muốn đảm bảo quyền truy cập vào công nghệ AI thông qua các trung tâm dữ liệu được xây dựng trên chính đất nước của họ.
Ả Rập Saudi và UAE chẳng buồn che giấu tham vọng trở thành trung tâm AI bằng cách đầu tư vào cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu khổng lồ. Kazakhstan muốn xây dựng một trung tâm dữ liệu AI và đào tạo các mô hình ngôn ngữ Kazakh. Malaysia đang trải qua một sự bùng nổ trung tâm dữ liệu, với những khoản đầu tư mới khổng lồ từ các công ty của cả Mỹ và Trung Quốc.
Các công ty điện toán đám mây của Mỹ đã nhìn thấy một cơ hội béo bở. Họ lập luận rằng nếu họ không nhận hợp đồng từ các chính phủ nước ngoài đang đầu tư hàng tỷ đô la vào cơ sở hạ tầng “AI có chủ quyền,” thì Trung Quốc sẽ làm như vậy. Washington hiểu rằng các công ty công nghệ Mỹ cần thị trường quốc tế để duy trì quy mô hỗ trợ lợi thế kinh tế của họ.
Các nhà ngoại giao Mỹ cũng quan tâm đến các trung tâm dữ liệu. Không có cách nào tốt hơn để ngăn chặn công nghệ Trung Quốc hơn là đưa các quốc gia khác vào đám mây của bạn. Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp đón Tổng thống Kenya William Ruto vào tháng 5, Nhà Trắng đã tự hào tuyên bố rằng Microsoft đang xây dựng một trung tâm dữ liệu lớn tại Kenya để cung cấp dịch vụ điện toán đám mây.
Tuy nhiên, điều mà Nhà Trắng không đề cập là Microsoft sẽ phát triển trung tâm dữ liệu Kenya cùng với G42, một công ty công nghệ thuộc sở hữu của UAE vốn có lịch sử hợp tác công nghệ với các công ty Trung Quốc. Đầu năm nay, Microsoft đã thông báo sẽ đầu tư 1,5 tỷ đô la vào G42.
Phe diều hâu an ninh ở Washington lo ngại rằng các thỏa thuận như thế này có nguy cơ làm tổn hại đến quyền kiểm soát của họ đối với công nghệ AI. Họ chỉ ra mối quan hệ lâu dài giữa G42 và các công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei. Kevin Xu của Interconnected Capital nhận định rằng cuộc chiến chip có thể sắp được tiếp nối bằng cuộc chiến đám mây.
Bất kỳ biện pháp bảo vệ nào mà Washington yêu cầu trong thỏa thuận Microsoft-G42 cũng sẽ được xem là khuôn mẫu cho các dự án trung tâm dữ liệu quốc tế trong tương lai. Chính phủ Mỹ sẽ xác minh sự tuân thủ? Họ có thể yêu cầu chia sẻ dữ liệu như đã làm trong Chiến tranh Lạnh không? Những biện pháp bảo vệ như vậy sẽ giải quyết quan ngại an ninh của Mỹ, nhưng sẽ khiến các quốc gia vốn đã cảnh giác với các hạn chế của Mỹ càng trở nên lo lắng hơn.
Đây là điều quan trọng bởi vì Mỹ đã dựa một phần vào vấn đề lòng tin để cạnh tranh công nghệ với Trung Quốc. Các quan chức Mỹ đã hỏi rằng: Các vị sẽ tin tưởng giao lĩnh vực viễn thông của mình cho ai: các công ty châu Âu hay Huawei?
Không phải ngẫu nhiên mà Huawei đang nỗ lực gấp đôi để xây dựng công ty điện toán đám mây của riêng mình cho khách hàng ở Trung Quốc và nước ngoài. Người đứng đầu Huawei Cloud gần đây cho rằng Trung Quốc nên “chuyển đổi nhu cầu sức mạnh tính toán AI từ chip” sang đám mây, nơi Trung Quốc sở hữu quy mô lớn và không gặp khó khăn gì trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng điện mà các trung tâm dữ liệu AI yêu cầu.
Vẫn còn phải chờ xem liệu các công ty như Huawei có thể cạnh tranh mà không cần những con chip tiên tiến nhất hay không. Trên thực tế, Trung Quốc vẫn đang nhập khẩu một lượng lớn chip H20 của Nvidia – được hạ cấp một cách có chủ đích để tuân thủ các hạn chế của Mỹ – theo đó cho thấy rằng họ sẽ không sớm xuất khẩu công nghệ AI của riêng mình.
Chip, đám mây, và trung tâm dữ liệu liên quan chặt chẽ với nhau, chừng nào các chip cao cấp, được kiểm soát xuất khẩu này vẫn mang lại cho các công ty điện toán đám mây khả năng triển khai AI hiệu quả. Cuộc cạnh tranh công nghệ bắt đầu với silicon hiện đang xâm nhập vào một tầng mới của hệ thống máy tính.
Chris Miller là tác giả cuốn “Chip War” (Cuộc chiến vi mạch)
No comments:
Post a Comment