Wednesday, August 14, 2024

Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Tô Lâm nói chống tham nhũng phải 'phục vụ kinh tế'
14 tháng 8 2024, 19:00 +07
BBC

Nguồn hình ảnh,BBC/Getty Images

Sáng 14/8, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ông Tô Lâm yêu cầu xử lý dứt điểm các vụ án trọng điểm.

Những vụ án liên quan đến Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), Xuyên Việt Oil, các tập đoàn Phúc Sơn, Thuận An, Vạn Thịnh Phát, dự án Sài Gòn Đại Ninh (Lâm Đồng)... và các vụ án, vụ việc liên quan đến nhân sự đại hội đảng các cấp đã được ông Tô Lâm - Chủ tịch nước, Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - nhấn mạnh trong cuộc họp.

Đặc biệt, ông Tô Lâm còn chủ trương phòng chống tham nhũng phải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, không vì đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực mà ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế, xã hội.

Câu nói của người đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam được đưa ra trong bối cảnh có những lo ngại về việc chiến dịch chống tham nhũng khiến quan chức, cán bộ sợ hãi không dám đưa ra quyết định, phần nào gây tê liệt bộ máy nhà nước và điều này khiến các nhà đầu tư nước ngoài e ngại.

Ngày 13/8, trong cuộc họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội 14, ông Tô Lâm với tư cách là trưởng tiểu ban này đã chủ trương chống tham nhũng, tiêu cực với phương châm "không ngừng", "không nghỉ".

Tân tổng bí thư ví cuộc đốt lò như cuộc chiến chống "giặc nội xâm" để xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh.

Ông bày tỏ quyết tâm đưa cuộc chiến chống tham nhũng tới "thắng lợi hoàn toàn".

Kỷ luật gần 50 cán bộ diện Trung ương quản lý

Tại cuộc họp ngày 14/8, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) cho biết trong 6 tháng đầu năm 2024, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 308 tổ chức đảng, 11.005 đảng viên, tăng 34 tổ chức đảng và 1.055 đảng viên so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ, cho thôi chức 14 lãnh đạo thuộc diện Trung ương quản lý về trách nhiệm người đứng đầu hoặc liên quan các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực.

Tính từ đầu năm 2024 đến nay, đã có 5 ủy viên Bộ Chính trị, trong đó có tới hai nhân vật thuộc Tứ Trụ xin thôi chức và rời chính trường gồm: Trưởng Ban kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai và Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng.

Con số này chưa kể hai ủy viên Bộ Chính trị là Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng xin thôi chức lần lượt vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Như vậy, Bộ Chính trị khóa 13 với con số đầu khóa là 18 đã hao hụt mất bảy ủy viên vì lý do "chịu trách nhiệm chính trị người đứng đầu" hoặc "vi phạm những điều Đảng viên không được làm".

Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, đã có 10 ủy viên Trung ương Đảng xin thôi chức, con số này chưa tính bốn người mới xin thôi vào ngày 3/8 gồm: Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Bí thư Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm.

Bảy ủy viên Bộ Chính trị mất chức. Hàng trên từ trái qua: Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai, Trưởng Ban kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh. Hàng dưới: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng

Theo Ban Chỉ đạo, trong 6 tháng đầu năm 2024 đã phát hiện, xử lý hơn 150 trường hợp do tham nhũng, tiêu cực, trong đó xử lý hình sự hơn 50 trường hợp.

Một số vụ án trọng điểm được Ban Chỉ đạo đốc thúc đã kết thúc điều tra, truy tố và đưa ra xét xử gồm: vụ án xảy ra tại Ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan; vụ FLC, Tân Hoàng Minh. Hiện vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam đang được xét xử.

Về nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2024 và thời gian tới, ông Tô Lâm với cương vị là Trưởng Ban Chỉ đạo đã yêu cầu tập trung điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc liên quan đến Công ty AIC, Xuyên Việt Oil, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Thuận An, Phúc Sơn, Vạn Thịnh Phát, dự án Sài Gòn Đại Ninh (Lâm Đồng),... và các vụ án, vụ việc liên quan đến nhân sự đại hội đảng các cấp.

Các vụ việc nói trên đa phần đều liên quan tới các quan chức, cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (đương nhiệm hoặc đã về hưu) bị khởi tố bắt giam.

Vụ Phúc Sơn có 23 người bị khởi tố, trong đó có 6 cán bộ diện Trung ương quản lý gồm bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan, cựu Bí thư Tỉnh ủy Quãng Ngãi Lê Viết Chữ, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Phạm Hoàng Anh, hai chủ tịch UBND tỉnh là ông Lê Duy Thành (tỉnh Vĩnh Phúc) và ông Đặng Văn Minh (tỉnh Quảng Ngãi) và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Cao Khoa.

Vụ án Tập đoàn Thuận An có ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, và ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý của Chủ tịch Quốc hội, bị khởi tố.

Dự án Đại Ninh cũng đã khiến nhiều quan chức bị bắt, khởi tố, gồm Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp và cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vì liên quan đến Dự án Đại Ninh mà đã bị cho thôi các chức vụ trong Đảng gồm bí thư Trung ương Đảng, ủy viên Trung ương khóa 13 và bị kỷ luật cảnh cáo.

Nguồn hình ảnh,Kioshi Ota/Bloomberg/Getty Image
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa bị kỷ luật cảnh cáo vì có sai phạm liên quan đến Dự án Đại Ninh trong thời gian làm tổng Thanh tra Chính phủ

Trong vụ án tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan (đã bị tuyên tử hình), ngoài những cán bộ thanh tra Ngân hàng Nhà nước đã bị xét xử, chưa có thêm quan chức nào cao hơn bị khởi tố.

Riêng về kỷ luật thì có ông Lê Thanh Hải - người đã về hưu nhưng vẫn bị cách hết tất cả các chức vụ trong Đảng, theo thông cáo của Đảng ngày 16/5. Như vậy, ông Hải không còn là cựu ủy viên Bộ Chính trị, cựu bí thư Thành ủy và cựu chủ tịch UBND TP HCM.

Một ủy viên Bộ Chính trị bị "cho thôi" vì để xảy ra sai phạm tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty AIC là Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng. Ngày 21/6, ông Đinh Tiến Dũng đã được Trung ương Đảng cho thôi giữ chức vụ.

Ông bị Bộ Chính trị kết luận là trong thời gian làm bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã “thực hiện không đúng, không đầy đủ chức năng, nhiệm vụ” liên quan đến việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và liên quan đến quản lý nhà nước về ngân sách của công ty AIC.

Việc ông Dũng chủ động "xin thôi" và về hưu mà không chịu bất kỳ hình thức kỷ luật nào của Đảng thường được công chúng gọi là "rút lui trong danh dự" hay "hạ cánh an toàn".
Play video, "Ông Tô Lâm ‘thế như chẻ tre’ sau khi ông Trọng không còn điều hành?", Thời lượng 12,54

Chụp lại video,                            BBC: Xem video

Ông Tô Lâm ‘thế như chẻ tre’ sau khi ông Trọng không còn điều hành?

Đốt lò phải phục vụ kinh tế

Về nhiệm vụ sáu tháng cuối năm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, nói rằng sẽ kiên quyết, kiên trì đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực theo đúng phương châm "không ngừng, không nghỉ", "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai".

Điểm mới trong chủ trương của ông Tô Lâm là việc nhấn mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực "phải phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, không vì đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế, xã hội".

Đã có những nhận định, đánh giá của các chuyên gia, nhà nghiên cứu chính trị về những hệ quả của công cuộc chống tham nhũng, chẳng hạn việc đốt lò có tác động tiêu cực tới nền kinh tế, gây ra lo ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Giáo sư Jonathan London, nhà nghiên cứu, giảng viên đại học người Mỹ chuyên về giáo dục và chính trị đương đại Việt Nam, bình luận với BBC News Tiếng Việt ngày 8/8:

"Tôi ủng hộ những nỗ lực để chống tham nhũng và tôi cũng chia sẻ lo ngại của những người cho rằng có một bộ phận của bộ máy nắm quá nhiều quyền lực. Tuy nhiên, tôi hy vọng khi Việt Nam vượt qua được giai đoạn chưa ổn định về nhân sự này thì có thể lấy lại đà để giải quyết những vấn đề quan trọng và nâng cao nền kinh tế cũng như nâng cao cuộc sống của người dân," ông London nói.

Play video, "Nguyễn Phú Trọng - 'người cộng sản kiên định cuối cùng' và di sản 'đốt lò'", Thời lượng 13,04
Chụp lại video,                            BBC: Xem video

Nguyễn Phú Trọng - 'người cộng sản kiên định cuối cùng' và di sản 'đốt lò'

Trong bài viết trên trang Fulcrum của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS có trụ sở tại Singapore, ông London chỉ ra rằng, một hệ quả lớn của chiến dịch chống tham nhũng là sự tê liệt chính trị của toàn hệ thống, đặc biệt là, sự trì trệ bao trùm trong lĩnh vực đầu tư công đã có tác động tiêu cực lên tăng trưởng GDP của đất nước.

"Trong năm 2023, chỉ có 63,4% ngân sách thường niên phân bổ cho đầu tư công được sử dụng do các quan chức cảnh giác và lo sợ trước sự kiểm tra, giám sát. Tác động không chỉ đơn thuần là việc làm tiêu tan tăng trưởng. Sự trì trệ của chính phủ đã dẫn tới việc trì hoãn các dự án hạ tầng quan trọng, ảnh hưởng tới công ăn việc làm và dẫn tới sự suy giảm về hiệu quả của cả nền kinh tế," ông London viết.

Giáo sư Alexander L Vuving tại Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye (Mỹ) hôm 19/7 nói với BBC rằng, là một người theo chủ nghĩa thực dụng, Tô Lâm sẽ tiếp tục "đốt lò" nếu việc này trao cho ông một công cụ chính trị uy quyền hơn.

“Phát triển kinh tế là một trong những ưu tiên của ông Tô Lâm nhưng nó chỉ đóng vai trò phụ trợ trong nhu cầu củng cố quyền lực của mình.

"Giới đầu tư có thể đặt cược vào giới lãnh đạo coi lĩnh vực doanh nghiệp là ưu tiên, nhưng họ nên biết ai mới nắm thực quyền trong quốc gia này,” ông nói thêm.

Tin liên quan




No comments:

Post a Comment