Wednesday, August 14, 2024

Châu Âu khó cưỡng lại được làn sóng ô tô điện Trung Quốc
Anh Vũ
Đăng ngày: 14/08/2024 - 15:36
RFI

Các biện pháp bảo vệ ngành công nghiệp ô tô của châu Âu khó có thể cản được ô tô điện Trung Quốc. Áp thuế cao chỉ có thể là giải pháp tạm thời để các nhà chế tạo xe châu Âu và các quốc gia có thời gian chuẩn bị, thích ứng cạnh tranh với xe Trung Quốc.

Xe ô tô điện của hãng Trung Quốc BYD tại cảng containeur ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô, ngày 08/02/2024. AFP - STR

Đầu năm nay, hình ảnh hàng ngàn chiếc xe ô tô điện Trung Quốc tràn ngập các bến cảng của Bỉ đã dấy lên nhiều lo ngại trong các giới chức Liên Hiệp Châu Âu. Thực tế, trong quý đầu năm 2024, số lượng bán ra của các nhãn hiệu xe Trung Quốc đã chiếm hơn 10% doanh số bán ô tô điện mới của Liên Âu. Đây là bước đột phá ấn tượng nếu như biết rằng hầu như không có chiếc ô tô điện Trung Quốc nào tiêu thụ được tại tại châu Âu trong năm 2019. Mọi người đều hiểu, xe ô tô điện Trung Quốc bán chạy ở châu Âu là vì giá rẻ.

Để đối phó nguy cơ xe Trung Quốc ngập tràn, trong khi mà Liên Hiệp Châu Âu đã có chủ trương đến năm 2035 cấm bán hoàn toàn xe động cơ nhiệt mới, Bruxelles hôm 04/07 đã quyết định áp thuế nhập khẩu bổ sung, có thể tới 38% đối với các loại xe ô tô điện Trung Quốc, cộng với mức 10% đang áp dụng. Một biện pháp phòng vệ trước việc chính phủ Trung Quốc trợ giá mạnh mẽ cho các nhà chế tạo xe điện của họ mà cuộc điều tra của Ủy Ban Châu Âu đã kết luận là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Châu Âu hy vọng ngăn chặn làn sóng ô tô điện Trung Quốc sẽ bảo vệ ngành công nghiệp ô tô tập trung tới 14,6 triệu lao động  của mình. Trung Quốc, hôm 09/08, đã kiện quyết định tăng thuế của Liên Âu ra trước Tổ Chức Thương Mại Thế Giới.

Các biện pháp mạnh của Liên Âu có làm xe ô tô điện Trung Quốc cài số lùi hay không ? Theo Elvire Fabry, nhà nghiên cứu địa chính trị thương mại thuộc Viện Jacques-Delors, được nhật báo La Croix trích dẫn,  nhận định « Người Trung Quốc nhận ra rằng thị trường châu Âu sẽ kém hứa hẹn hơn mong đợi ». Quả thực, doanh số bán ô tô điện đã bắt đầu hụt hơi từ đầu năm. Tuy vậy, các nhà chế tạo ô tô điện Trung Quốc không có ý định lùi bước. Bởi vì Mỹ đã đóng cửa thị trường với họ  bằng mức thuế hải quan rất cao, châu Âu dường như vẫn là một lối thoát đặc biệt mang tính chiến lược.

Các nhà chế tạo ô tô điện Trung Quốc đã tính trước, đang thay đổi chiến thuật để vượt rào cản thuế quan và để dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng bản địa bằng cách sản xuất tại chỗ, ngay trên đất châu Âu. Anthony Morlet-Lavidalie, kinh tế gia thuộc văn phòng tư vấn Rexecode, nhận xét: “Chúng ta đang ở trong một lĩnh vực có sự cạnh tranh cực kỳ mạnh mẽ, không còn giải pháp nào để châu Âu giành chiến thắng”.

Trong lĩnh vực ô tô điện, các nhà chế tạo Trung Quốc thực sự đang chiếm nhiều ưu thế về cải tiến công nghệ, đặc biệt về khả năng cạnh tranh giá thành. Theo nhiều nhà phân tích, Trung Quốc còn có thế mạnh nữa là họ chủ động được nguồn nguyên liệu chế tạo bình điện, trong khi châu Âu bị phụ thuộc. Nếu bị đánh thuế nhập khẩu xe quá cao, Trung Quốc có thể trả đũa cắt nguồn khoáng sản chiến lược.  

Theo nhà nghiên cứu Elvire Fabry, các loại thuế của châu Âu không nhằm cấm hẳn, « mục đích là giúp các nhà chế tạo xe châu Âu có thời gian để có thể thích nghi, đồng thời khuyến khích người Trung Quốc đến sản xuất ở châu Âu thay vì xuất khẩu”.  

Về phần mình, các nhà sản xuất xe châu Âu đang cố gắng giành thị phần ô tô điện bằng cách liên doanh với các tập đoàn Trung Quốc, chẳng hạn như Stellantis ( Ý) với Leapmotor và Renault (Pháp) với Geely. Xu thế chế tạo tại chỗ của các hãng xe Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng trong một năm trở lại đây. Tập đoàn khổng lồ Trung Quốc BYD đã có tại Hungary nhiều  nhà máy sản xuất bình điện, một nhà máy sản xuất xe bus điện và một nhà máy sản xuất ô tô điện đang trong quá trình xây dựng. Vào tháng 7, BYD đã thông báo xây dựng một nhà máy ở Thổ Nhĩ Kỳ, nước cũng giống như Liên Hiệp Châu Âu , từng đe dọa áp thuế cao với xe Trung Quốc. Hay hãng xe Trung Quốc Chery sẽ lắp ráp xe của họ tại Tây Ban Nha, còn Ý thì đang thương lượng với hãng Đông Phong (Dongfeng). Nhiều nước châu Âu đang vồn vã mời đón MG Motor, một nhãn hiệu xe có gốc của Anh Quốc nhưng đã được tập đoàn SAIC Motor của Trung Quốc mua lại. Hiện MG Motor đang dẫn đầu doanh số bán xe ô tô điện Trung Quốc tại châu Âu.

No comments:

Post a Comment