Friday, August 9, 2024

Đài lửa Olympic : Ngôi sao mới nổi tại Kinh đô Ánh sáng Paris
Thùy Dương
Đăng ngày: 09/08/2024 - 15:19
RFI

Vòng lửa không cháy mà chỉ tỏa sáng, ngọn lửa vàng rực không được tạo ra từ chất đốt hóa thạch mà từ nước và điện tái tạo, đó là « đài lửa bay » độc nhất vô nhị trong lịch sử Olympic nhờ khinh khí cầu. Tỏa hơi nước mờ ảo như làn khói, hai tuần qua, từ sau lễ khai mạc Thế Vận Hội, đài lửa Olympic bập bùng bay lơ lửng trên bầu trời đêm Paris, đã trở thành « ngôi sao mới nổi » thu hút mọi ánh nhìn ở Kinh đô Ánh sáng Paris.

Vạc lửa Olympic 2024 trên bầu trời Paris, Pháp, đêm 29/07/2024. REUTERS - Benoit Tessier

Đài lửa Olympic thậm chí được kỳ vọng sẽ trở thành công trình hiện diện lâu dài tại Paris chứ không chỉ trong thời gian ngắn ngủi diễn ra Thế Vận Hội, như tháp Eiffel theo dự kiến ban đầu chỉ được dựng lên tại thủ đô nước Pháp cho Triển lãm Hoàn cầu 1889, nhưng sau hơn 135 năm vẫn sừng sững giữa lòng Paris, là biểu tượng của Paris hoa lệ và là một trong những công trình được thăm quan nhiều nhất thế giới.

Cũng như các tiết mục biểu diễn trong lễ khai mạc Thế Vận Hội, màn rước đuốc và châm vạc lửa Olympic được giữ bí mật đến phút chót. Hình ảnh mãn nhãn về đài lửa lơ lửng trên bầu trời Paris rực rỡ, phía dưới là các công trình biểu tượng đẹp lung linh của Paris đã khép lại chương trình khai mạc Thế Vận Hội. Và ngay sau đó là những ngày thu hút hàng trăm ngàn lượt khách đến chiêm ngưỡng đài lửa - khinh khí cầu tại vườn Thượng Uyển (Tuileries). Cùng với không khí háo hức, sôi nổi mỗi tối ở thủ đô Paris khi hoàng hôn buông xuống, là vô vàn bức ảnh đẹp như trong cổ tích lan truyền trên các kênh truyền thông và mạng xã hội.

Vào ban ngày, đài lửa được đặt tại Vườn Tuileries, mỗi hôm cả chục ngàn người đến tham quan. Chỉ trong 48 giờ đầu tiên phân phát vé miễn phí, đã có 100.000 người đăng ký. Nhiều người nói đến hiệu ứng Vasque Olympique (Chảo lửa Thế Vận Hội). Buổi tối khi mặt trời lặn, khinh khí cầu được đưa lên độ cao 60m, cho đến nửa đêm, đung đưa theo gió, phun hơi nước mờ ảo như làn khói mỏng tỏa ra từ ngọn lửa.
Vạc lửa Olympic 2024 tại Vườn Tuileries, Pháp, ngày 29/07/2024. AP - Rebecca Blackwell
Kỳ tích công nghệ Pháp

Nghe thì đơn giản, nhưng đài lửa Olympic xứng đáng được gọi là một kỳ tích công nghệ mới của Pháp, được lấy cảm hứng từ ngành chế tạo hàng không, bởi phải bảo đảm đồng thời tính thẩm mỹ mà an toàn, nhẹ mà chắc chắn, nhất là khi khinh khí cầu, cao 30m, với bề ngang 22m, được đưa lên độ cao 60m và đung đưa trong gió vài tiếng đồng hồ trong khi hệ thống dẫn điện - nước vẫn phải hoạt động liên tục qua đường dây cáp đặc biệt bằng nhôm nhẹ mà vững chắc, dẫn từ mặt đất lên độ cao 60m.

Riêng về vòng lửa, với đường kính 7m, vòng lửa được tạo thành nhờ 40 máy chiếu công suất cực mạnh với độ sáng 4 triệu lumen và 200 vòi phun sương cao áp, do công ty điện lực Pháp EDF và các đối tác chế tạo. Khi đứng yên một chỗ trên mặt đất, vạc lửa tiêu thụ 2m3 nước/giờ, còn khi lên cao thì 3m3 nước/giờ.

Cũng như đuốc Olympic Paris 2024, đài lửa do Mathieu Lehanneur thiết kế. Nhà thiết kế táo bạo này là người sáng lập xưởng thiết kế Factory tại Ivry-sur-Seine, ngoại ô Paris. Trên đài RFI Pháp ngữ, nhà thiết kế Lehanneur giải thích về ý nghĩa của đài lửa :

« Điều đầu tiên đến (trong suy nghĩ) là chúng tôi sẽ làm được, bất luận thế nào thì chúng tôi cũng phải làm mọi thứ để đạt được điều đó. Như vậy, chúng tôi đã triển khai mọi việc, cả về mặt kỹ thuật, về vật liệu và về không gian, để tìm ra vị trí thích hợp và công nghệ thích hợp. Chúng tôi đã có thể làm cho chiếc đài lửa trở nên sống động nhờ các ê-kíp của Tập đoàn Điện lực Pháp EDF đã tạo ra được một ngọn lửa mà không cần dùng tới chất đốt. Quả thực, ngọn lửa được tạo ra từ ánh sáng và nước đã cho phép chúng tôi biến ý tưởng về đài lửa bay trở thành hiện thực. Chính điều này đã thực sự cho phép chúng tôi biến những giấc mơ điên rồ nhất thành hiện thực.

Ý nghĩa biểu tượng của đài lửa này là ở chỗ càng đông công chúng tiếp cận được thì càng tốt. Vào ban ngày, đài lửa được đặt trên mặt đất tại một nơi công cộng, để tất cả mọi người có thể đến chiêm ngưỡng. Và vào buổi tối, đài lửa sẽ bay lên theo chiều gió, có thể lên đến độ cao 60m để càng nhiều người chiêm ngưỡng thì càng tốt. Như vậy, trên hết đài lửa khiến tâm hồn người xem bay bổng. Đây cũng là cách kể với mọi người về lịch sử các phát minh của Pháp, câu chuyện về anh em nhà Montgolfier (những người đã chế tạo ra khinh khí cầu đầu tiên), các khinh khí cầu, khinh khí cầu vận hành với khí đốt, tức là toàn bộ lộ trình sáng chế của Pháp. Như vậy là đài lửa này cũng được in dấu trong dòng chảy lịch sử này, nhưng theo cách thức mới mẻ ».
Vạc lửa Olympic được thắp sáng trong thời gian diễn ra Thế Vận Hội Paris 2024. AFP - NATALIA KOLESNIKOVA
Ngọn lửa bừng sáng lúc hoàng hôn

Suốt gần 2 tuần qua, khu vườn nổi tiếng gần sông Seine, cạnh bảo tàng Louvre, trở thành điểm thu hút biết bao du khách, không chỉ du khách trong nước và quốc tế mà ngay cả nhiều người dân Paris cũng háo hức đến đây để được tận mắt ngắm nhìn một « kỳ quan » mới mùa Thế Vận Hội.

Chị Minh Phương, sống tại vùng Paris, cùng với một nhóm bạn người Việt Nam, hôm đầu tuần này cũng đến Vườn Tuileries để chiêm ngưỡng vạc lửa - khinh khí cầu. Đây là lần thứ hai chị đi xem đài lửa. Hào hứng khi thấy khinh khí cầu bắt đầu bay lên, lung linh trên bầu trời đêm Paris, chị Minh Phương chia sẻ với RFI Tiếng Việt :

01:38


Phỏng vấn chị Minh Phương (1)

Không xa chỗ chị Phương đứng, ở ngay đầu cầu Pont Royal, bà Emilie Bourdenx và con trai là Mathis Mahongo đang say sưa bàn tán rất sôi nổi về đài lửa. Bà Emilie Bourdenx không tiếc lời khen ngợi :

« Đây là lần đầu tiên tôi thấy nó (đài lửa) bay lên vì những lần trước thời tiết xấu. Tôi thấy thật phi thường, rất đẹp. Thật là kỳ diệu ! Đây là một khoảnh khắc kỳ ảo. Quả là tuyệt vời ! Mọi người rất vui khi được đến đây. Bầu không khí ở đây rất thích, mọi người đến từ nhiều quốc gia. Thực sự là rất tuyệt vời ! Công ty điện lực Pháp đã tạo ra ngọn lửa này, nhưng thực ra không hề có lửa cháy, mà ngọn lửa được tạo ra bằng hơi nước và ánh sáng. Nhưng chúng ta có thể nói là nó giống y ngọn lửa thật và tôi nghĩ chính điều đó khiến nó trở nên kỳ ảo ».

Anh Mathis Mahongo hào hứng tiếp lời mẹ :

« Tôi đã từng trông thấy nó, không phải ngoài đời thực mà là trên truyền hình và trông có vẻ tuyệt vời. Nhưng được chiêm ngưỡng tận mắt thế này thì thực sự là rất đẹp. Và cách (ngọn lửa) được tạo ra với hơi nước cũng được thực hiện rất tốt. Nên tôi thích ngọn lửa như vậy, lửa mà lại không phải lửa thật. Điều này chẳng có gì là không hay. Tôi thậm chí còn thấy rằng hiệu ứng mà nước mang lại còn tốt hơn là từ ngọn lửa thật. Tôi nghĩ rằng tôi thích ngọn lửa được tạo ra từ hơi nước thế này hơn ».

Cách đó vài bước chân có hai người phụ nữ trẻ, hiện đang sống tại Paris, đi xem đài lửa cùng nhau. Một người đã từng chiêm ngưỡng, cô vui vẻ chia sẻ cảm xúc ngay trước khi đài lửa bay lên : « Tôi đến đây chiêm ngưỡng đài lửa Olympic cùng với người bạn trọ cùng nhà với tôi. Ngày thứ Bảy, sau hôm xem lễ khai mạc Thế Vận Hội, tôi đã đến đây và tôi thấy (đài lửa) rất đẹp. Mọi người đến xem mà không cần phải mua vé, tôi thấy là rất tuyệt. Có thể nói là khá độc đáo và hầu như đứng chỗ nào ở Paris cũng có thể ngắm được, như trên đồi Montmartre chẳng hạn. Điều này mang lại không khí hào hứng trong suốt mùa Thế Vận Hội ».

Bạn cô thì nói : « Sẽ thật tuyệt nếu đài lửa được duy trì ở đây. Tại sao lại không nhỉ ? Nó thực sự rất đẹp. Hiện tại tôi chưa có cơ hội ngắm. Tôi đang chờ xem đây. Có đông người, trời đang là mùa hè, thời tiết đẹp, đài lửa đưa người mọi người đến đây, tạo ra một bầu không khí hào hứng, sôi nổi. Chúng tôi đánh giá cao điều đó ».


Lửa Olympic trong vườn Tuileries - thắp sáng Kim tự tháp kính của bảo tàng Louvre và Paris, đêm 26/07/2024. AP - Francisco Seco
Biểu tượng mới của Paris ?

Truyền thông Pháp thậm chí đặt câu hỏi về khả năng đài lửa bay liệu có trở thành một biểu tượng mới của Paris, thậm chí liệu có thể soán ngôi biểu tượng tháp Eiffel của Paris hay không. Về điều này, có nhiều ý kiến trái chiều. Những chia sẻ của các du khách mà RFI Tiếng Việt phỏng vấn cũng cho thấy điều đó. Chị Minh Phương bày tỏ :

00:22


Phỏng vấn chị Minh Phương (2)

Bà Emilie Bourdenx và con trai là Mathis Mahongo : « Ồ! Tôi không rõ, chúng tôi không phải người Paris nên tôi không biết, nhưng đúng là điều đó có thể sẽ rất thú vị. Nhưng thường thì sau Olympic thì người ta sẽ tắt lửa. Có thể là đây chỉ là khoảnh khắc kỳ diệu ngắn ngủi, trong vài ngày thôi. Nó sẽ không thể soán ngôi tháp Eiffel được. Tháp Eiffel ở ngay kia kìa. Mọi người vẫn thấy tháp Eiffel sáng lấp lánh ngay cả khi đài lửa bay lên. Tháp Eiffel sẽ không thể bị soán ngôi đâu, nó hùng vĩ thế kia cơ mà » ; « Tôi nghĩ rằng biểu tượng của Paris sẽ luôn là tháp Eiffel. Đài lửa thì tôi không chắc là sẽ được như vậy. Tôi nghĩ là nó sẽ chỉ thoáng qua. Đó sẽ là một khoảnh khắc kỳ diệu trong lịch sử Paris, nhưng sẽ chỉ là tức thời, là một hiệu ứng thoáng qua ».

Sự thành công ngoài sức tưởng tượng của đài lửa Olympic ngay từ khi ra mắt tại lễ khai mạc Thế Vận Hội đã khiến đô trưởng Paris, Anne Hidalgo, đã viết thư gửi tổng thống Pháp Emmanuel Macron để đề nghị giữ lại đài lửa ở vườn Tuileries sau khi Olympic kết thúc. Do đây là khu vườn thuộc quản lý của Nhà nước nên chính quyền thành phố không thể tự quyết.

Vườn Tuileries cũng chính là nơi cách nay gần 2 thế kỷ rưỡi khinh khí cầu vận hành bằng nhiên liệu hóa thạch, do anh em nhà Montgolfier chế tạo, trở thành phương tiện « biết bay » đầu tiên của nhân loại. Hơn nữa, đây cũng là một điểm nằm trên trục thẳng nối những điểm biểu tượng của Paris, từ Kim tự tháp kính ở sân bảo tàng Louvre, cột đá Ai Cập obélisque có từ thế kỷ 13 trước công nguyên tại quảng trường Concorde, Khải Hoàn Môn, cho đến La Défense, trung tâm văn phòng, tài chính lớn nhất châu Âu, đặt tại ngoại ô Paris.

Theo Le Figaro ngày 02/08, tổng thống Macron đã đề nghị chính phủ phối hợp với Công ty điện lực Pháp, chính quyền thành phố Paris và các cơ quan có liên quan nghiên cứu về khả năng duy trì lâu dài đài lửa Olympic tại Paris.

No comments:

Post a Comment