10/08/1993: Ruth Bader Ginsburg nhậm chức thẩm phán Tối cao Pháp viện Mỹ
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
10/08/2024
Vào ngày này năm 1993, Ruth Bader Ginsburg trở thành người phụ nữ thứ hai – và là người phụ nữ Do Thái đầu tiên – phục vụ tại Tối cao Pháp viện Mỹ. Là một nhà đấu tranh cho quyền của phụ nữ, Ginsburg đã trở thành biểu tượng văn hóa đại chúng trong suốt 27 năm phục vụ tại tòa.
Khi Tổng thống Bill Clinton đề cử Ginsburg vào Tối cao Pháp viện vào tháng 6/1993, bà đã là một nhân vật quen thuộc tại tòa án. Là con của những người nhập cư sinh ra ở Brooklyn, bà tốt nghiệp Đại học Cornell và Trường Luật Columbia trong khi nuôi dạy hai đứa con với người chồng là Marty Ginsburg.
Sau khi tốt nghiệp trường luật, Ginsburg làm thư ký cho thẩm phán liên bang Edmund L. Palmieri, tập trung nghiên cứu hệ thống pháp luật Thụy Điển, và bắt đầu làm việc cho Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU), nơi bà thành lập dự án quyền công dân của phụ nữ. Trong vai trò luật sư của ACLU, từ năm 1973 đến năm 1978, bà đã tranh luận sáu vụ án trước Tối cao Pháp viện và đã thắng năm vụ.
Ginsburg là nữ giáo sư thứ hai tại Đại học Rutgers và là nữ giáo sư vào biên chế lâu dài (tenure) đầu tiên tại Đại học Columbia, trước khi Tổng thống Jimmy Carter bổ nhiệm bà vào Tòa Phúc thẩm Mỹ của khu vực D.C. vào năm 1980. Sau khi được Bill Clinton đề cử, bà đã được Thượng viện phê chuẩn trong một cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ 96-3 và chính thức nhậm chức tại Tối cao Pháp viện vào ngày 10/08/1993.
Bài đang hot
Sự nghiệp luật sư và thẩm phán của Ginsburg đã dẫn đến những thay đổi mạnh mẽ trong luật pháp Mỹ và những tiến bộ về quyền phụ nữ. Là một luật sư của ACLU vào những năm 1970, bà đã nỗ lực thuyết phục các thẩm phán nam giới của Tối cao Pháp viện Mỹ rằng luật dân quyền – và điều khoản bảo vệ bình đẳng của Tu chính án 14 – cũng nên được áp dụng cho phụ nữ, bên cạnh các nhóm thiểu số về chủng tộc và dân tộc. Năm 1971, bà đã thành công trong vụ Reed v Reed, trong đó tòa tuyên bố luật của tiểu bang là vô hiệu trên cơ sở phân biệt đối xử giới tính bất hợp pháp. Đây là lần đầu tiên phân biệt đối xử trên cơ sở giới tính được coi là một chủ đề có liên quan đến luật hiến pháp. Công việc của Ginsburg vào những năm 1970 đã mở ra những thay đổi sâu rộng đối với luật thuế và luật gia đình của Mỹ, bãi bỏ nhiều luật hiện hành vì lý do phân biệt đối xử. Mục tiêu, như một trong những cựu thư ký của Ginsburg mô tả, là “quyền công dân bình đẳng” cho cả nam và nữ theo luật pháp Mỹ.
Khi Ginsburg lần đầu tiên gia nhập Tối cao Pháp viện vào năm 1993, một số nhà nữ quyền và tự do lo ngại bà sẽ quá trung dung khi lên làm thẩm phán. Ginsburg đã chỉ trích lý luận pháp lý đằng sau vụ Roe v. Wade, và Bill Clinton ca ngợi bà là “lực lượng xây dựng sự đồng thuận” trong hệ thống tòa án. Tuy nhiên, khi tòa án trở nên bảo thủ hơn vào những năm 2000, Ginsburg dần trở nên nổi tiếng với những ý kiến bất đồng gay gắt của mình. “Một số ý kiến yêu thích của tôi là những ý kiến bất đồng,” Ginsburg nói với NPR. “Tôi sẽ không sống để chứng kiến điều gì sẽ xảy ra với chúng, nhưng tôi vẫn hy vọng.”
Ginsburg qua đời vào ngày 18/09/2020 và Amy Coney Barrett, người được Trump bổ nhiệm, đã kế nhiệm vị trí của bà ở Tối cao Pháp viện.
Có thể bạn quan tâm:
10/08/1949: Truman ký ban hành Dự luật An ninh Quốc gia Mỹ
No comments:
Post a Comment