Đừng quản trị quốc gia theo từ ngữ!Ngô Huy Cương
1-6-2025
Tiengdan
02/06/2025
Trong mục điểm báo sáng nay trên VTV1, tôi nghe được thông tin người ta đặt ra mục tiêu nước ta phải có được khoảng hai triệu doanh nghiệp cho đến năm 2030, trong khi đó hiện nay nước ta có khoảng trên sáu triệu hộ kinh doanh.
Tôi vô cùng ngạc nhiên vì người ta đã dựa vào từ ngữ để đặt ra mục tiêu phấn đấu cho quốc gia.
Về bản chất, “hộ kinh doanh” và “doanh nghiệp tư nhân” đều là cá nhân kinh doanh.
Hai (02) cái gọi là “hình thức kinh doanh” này được phân biệt với “công ty” bởi khi nói tới công ty là người ta nói tới pháp nhân kinh doanh.
Vì vậy xét ở quy hoạch cấp quốc gia về pháp lý liên quan tới thương mại (mà nay ta quen gọi là kinh doanh), câu hỏi lớn nhất cần phải trả lời là ai được hưởng quyền lợi gì về thương mại.
Trả lời cho câu hỏi này trước kia ta có được nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp cao độ, mà tại đó chỉ có Nhà nước thông qua các “xí nghiệp công nghiệp quốc doanh” tự mình tiến hành các hoạt động kinh tế (bởi xí nghiệp công nghiệp quốc doanh chỉ có quyền quản lý nghiệp vụ đối với tài sản xã hội chủ nghĩa theo học thuyết của Lê Nin) trong công nghiệp, và tập thể thông qua các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Tóm lại chỉ có “xí nghiệp công nghiệp quốc doanh” và “hợp tác xã” là chủ thể của các quan hệ kinh tế theo mô hình này.
Đói gần chết, ta “đổi mới”, thực chất là ta trả lời lại cho câu hỏi trên.
Thế là tư nhân bắt đầu có quyền mang của cải dành dụm được vô cùng ít ỏi để xây dựng “nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần”, rồi “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Trong hầu hết các nền kinh tế thị trường, trả lời cho câu hỏi trên về mặt pháp lý, người ta dựa vào vấn đề ai là chủ thể của quyền nói chung (tức là chủ thể của pháp luật).
Xét toàn diện nhất, chỉ có hai loại chủ thể chính yếu của pháp luật – đó là thể nhân (tự nhiên nhân hay cá nhân) và pháp nhân.
Vì vậy luật thương mại của hầu hết các nước đều chia chủ thể của luật thương mại (hay còn gọi là chủ thể kinh doanh theo nhiều giáo trình mất gốc) thành 02 loại – đó là thương nhân thể nhân và thương nhân pháp nhân. Cách phân loại này thể hiện rõ nét trong luật thương mại của các chế độ cũ của Việt Nam. Những người bán hàng rong, quà vặt, không có cơ sở kinh doanh cố định, doanh thu rất thấp, được xếp vào loại thương nhân khuyết tư cách.
Lưu ý: Các nguyên tắc và quy tắc của luật thương mại phát triển qua các hội chợ ở Tây Âu từ thời Trung Cổ, rồi lan rộng ra thế giới, sang cả Anh Quốc để sau này hợp nhất với common law.
Về mặt pháp lý, thương nhân thể nhân là cá nhân chuyên tiến hành các hành vi thương mại (mà giờ đây ta gọi thông tục là hoạt động thương mại hay kinh doanh) và có đăng ký thương mại (mà giờ đây ta gọi thiếu tính hệ thống là đăng ký kinh doanh). Chuyên tiến hành các hành vi thương mại là điều kiện cần, còn đăng ký thương mại là điều kiện đủ, để được coi là thương nhân. Giấy chứng nhận đăng ký trong trường hợp này, về mặt pháp lý, chỉ là bằng chứng đầu tiên của việc xem người đi đăng ký là thương nhân và còn phụ thuộc vào chứng minh ngược lại. Vậy đăng ký như vậy là hành vi hành chính tư pháp chứ không phải là vấn đề quản lý Nhà nước như được tán, nên nhẽ ra phải thuộc quyền của Bộ Tư pháp.
Cá nhân kinh doanh (thương nhân thể nhân) là con người bằng xương thịt kinh doanh. Còn pháp nhân kinh doanh (thương nhân pháp nhân) là con người tinh thần (không có cơ thể sinh lý) kinh doanh. Vì vậy đối với thương nhân pháp nhân, người ta chỉ có thể nhận ra nó thông qua các kết cấu vật chất mà chính là các hình thức công ty (hợp danh, hợp vốn đơn giản, cổ phần, trách nhiệm hữu hạn…).
“Hộ kinh doanh” hay “hộ kinh doanh cá thể” và “doanh nghiệp” là những tên gọi không chuẩn xác về mặt pháp lý cũng như thực tiễn kinh doanh phát triển qua từng giai đoạn trong thời kỳ mà chúng ta đang mầy mò để trả lời đầy đủ câu hỏi lớn nêu trên (tức là đang ném đá dò đường).
“Hộ kinh doanh” có điều kiện dễ dãi hơn về thuế (do chính Nhà nước quy định một cách phi suy tính lâu dài) là chủ yếu so với cái gọi là “doanh nghiệp”. Vì vậy pháp luật đòi hỏi họ chuyển đổi thành “doanh nghiệp” khi phạm vi và quy mô kinh doanh của họ tăng lên, họ không thích và không làm.
Tuy nhiên phải thấy cả cái ấm ớ của pháp luật. Hộ kinh doanh chuyển thành hình thức doanh nghiệp nào? Nếu nó chuyển thành cái gọi là “doanh nghiệp tư nhân” thì hơi buồn cười vì bản chất của cái gọi là hai “hình thức” này giống nhau. Nhưng “hộ kinh doanh” mà được thành lập bởi một hộ gia đình, tức là có sự liên kết nhưng không tạo thành một pháp nhân, chưa kể lại còn bị chi phối bởi các quy định về hộ gia đình của Bộ luật Dân sự năm 2015, thì chuyển đổi như thế nào?
Vậy mà Nhà nước cứ loay hoay mãi với những cái thiếu sót trong quá trình phát triển và không chịu nghiên cứu giải pháp tổng thể lại cứ bàn những chuyện “cò con”, “từ ngữ”.
No comments:
Post a Comment