Phúc Lai – Về cuộc chiến tranh của Putler ở Ukraine ngày 31/05/2025
samedi 31 mai 2025
Thuymy
Có không ?
Nguy cơ thì bao giờ chẳng có. Ukraine với đặc điểm địa hình chủ yếu là đồng bằng rộng lớn, bằng phẳng, với các dãy núi chủ yếu giới hạn ở các khu vực phía tây và phía nam. Độ cao trung bình khoảng 175 mét. Phần lớn địa hình của Ukraine là một phần của Đồng bằng Đông Âu, có các vùng cao nguyên và vùng đất thấp do nền địa hình không bằng phẳng. Các khu vực miền núi, chẳng hạn như Dãy núi Carpathian ở phía tây và Dãy núi Crimea ở phía nam, chỉ chiếm khoảng 5 % tổng diện tích của đất nước.
Khu vực đông bắc của Ukraine, từ tỉnh Chernihiv đến Kharkiv là chính đông, đều có đặc điểm địa hình chung như thế. Đây là đặc điểm làm cho Ukraine “dễ bị tấn công và khó để phòng thủ.”
Do đặc điểm này mà Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô đã chọn phát triển Chiến dịch Kursk sau khi kế hoạch phòng thủ thắng lợi đánh bại về cơ bản Chiến dịch Thành Trì của Đức : Thi hành chiến dịch Kutuzov, và sau đó là chiến dịch Tả ngạn (sông Dnipro), trận đánh chiếm Kyiv và Chiến dịch Hữu ngạn (Dnipro). Do địa hình khó khăn nên phía bắc hướng Belarus, Hồng quân phải dừng lại trên tuyến Staraya Russia – Demyansk – Kholm – Velikiye Luki – Vitevsk – Orsha – Mogilev – Mozyr – Zhytomir. Phòng tuyến này được ghi nhận từ ngày 31/01/1944, ngày giải phóng thành phố Zhytomir.
Đến mùa hè, Bộ chỉ huy Đức đã rất mong chờ cuộc tấn công của quân đội Xô-viết ở hướng Ukraine, trong bối cảnh vừa kết thúc Chiến dịch Hữu ngạn hay còn gọi là Chiến dịch Dnipro – Karpat đầu tháng Năm năm 1944. Theo giả định này, khi đó ở phía Nam, Hồng quân đã chiếm được bán đảo Crimea, thành phố Odesa, lên trung tâm phòng tuyến được ở Ternopol và áp sát Lviv, cũng như thành phố pháo đài Brest, tạo nên một chỗ lồi ở Brest và áp sát đầm lầy Polesia (là khu vực đầm lầy dọc theo sông Pripyat ở miền nam Belarus và bắc Ukraine), coi như làm chủ được nửa phía nam của đầm lầy này.
Cuối cùng thì nguyên soái G.K. Zhukov và đại tướng K.K. Rokossovsky đã chọn Minsk cho Chiến dịch Bagration, cho quân vượt đầm lầy đánh vu hồi Minsk theo hai hướng : bắc xuyên qua Orsha, nam xuyên qua Bobruisk, tạo thành gọng kìm vây Minsk vào trong. Quân Đức vỡ trận. Sau đó hướng phát triển từ Ukraine thì mở ra chậm hơn một pha, khi quân Đức đã hoàn toàn bị động, hút nhiều lực lượng từ Ukraine sang hướng Belarus rồi. Đoạn trích sau đây của Wikipedia tiếng Anh khá sát tình hình thực tế hồi đó :
Trích : Chiến dịch Bagration đã chuyển hướng lực lượng dự bị cơ động của Đức từ các khu vực Lublin – Brest và Lviv – Sandomierz đến các khu vực trung tâm, cho phép Liên Xô thực hiện Chiến dịch tấn công Lvov–Sandomierz và Chiến dịch tấn công Lublin – Brest. Điều này cho phép Hồng quân tiếp cận Sông Vistula và Warsaw, từ đó đưa lực lượng Liên Xô vào phạm vi tấn công Berlin, phù hợp với khái niệm về các hoạt động sâu của Liên Xô – tấn công vào chiều sâu chiến lược của kẻ thù.
Hồng quân đã sử dụng thành công các chiến lược chiến đấu sâu của Liên Xô và maskirovka (маскировка tức nghi binh) một cách toàn diện lần đầu tiên, mặc dù vẫn tiếp tục chịu tổn thất nặng nề.
Như vậy chúng ta có thể thấy, đã chỗ nào địa hình bằng phẳng khó phòng thủ, chắc chắn sẽ tập trung nhiều công trình xây dựng phòng tuyến, và tập trung luôn cả quân đội của đối phương để bảo vệ hành lang đó. Đầu chiến tranh quân Nga chẳng lao một mạch mấy chục ki-lô-mét xuyên biên giới theo hướng Sumy. Riêng hướng Chernihiv thì chúng thản nhiên đi từ Gomel của Belarus, lợi dụng trò đâm sau lưng của chủ nhiệm hợp tác xã khoai tây Lukashenko, xuống thẳng phía nam áp sát Kyiv, tới tận Brovary luôn. Xin xem bản đồ thứ nhất. Mũi tên đứt đoạn là giả định của báo Bild (Đức) về khả năng tấn công của Nga. Hướng Sumy mãi mãi là giả định, dưới đây là lý do :
Về hướng Sumy, thành tích tốt nhất của quân Nga là đến được Trostianets, một làng có diện tích khoảng non 30 ki-lô-mét vuông và cách biên giới của Ukraine với Nga đâu như 35, 40 ki-lô-mét gì đó, chấm hết. Ngoài ra quân Nga còn chiếm được đâu như 2, 3 làng con con bé hơn Trostianets. Ngược lại, chúng lại có “thành tích” khác thuộc về Sư đoàn xe tăng Cận vệ số 4 “Kantemirovskaya” khi rút chạy tặng lại cho người Ukraine cả trăm xe tăng và xe bọc thép.
Sau đó khi quân Nga bận bịu, tức là trong thời gian diễn ra The Battle of Donbass cho đến tận bây giờ, người Ukraine phải lo… xây dựng hệ thống phòng thủ. Đầu tiên là vành đai biên giới với Belarus (từ tỉnh Chernihiv về phía tây) và sau đó, các tỉnh Sumy và Kharkiv cũng phải tiến hành nhiệm vụ này. Thời gian như vậy là đủ lâu và hiệu quả của nó đến đâu, chỉ cần nhìn “chiến dịch Kharkiv” của Putler diễn ra vào năm ngoái cũng đủ rõ : mãi vẫn lằng nhằng ở Vovchansk, không tiến quá được cái “vùng xám” mà người Ukraine đã thiết lập hộ.
Quay lại với chuyện thông báo của Zelensky rằng “Nga tập trung 125.000 quân để chuẩn bị tấn công Sumy…” có thật hay không, thì tôi phải nói như thế này:
+ Thứ nhất : Trận đánh kho đạn GRAU 51 ngày 06/05/2025, không có tình báo xuất sắc, không làm được.
+ Thứ hai : Trận đánh kho “bỏ hoang” ở Vladyvostok ngay hôm kia hôm kìa (thực chất nó được lôi ra mới đây để chứa vũ khí của Bắc Triều Tiên chuyển sang), không có cả tình báo lẫn đặc nhiệm xuất sắc, không làm được.
+ Thứ ba : Tất cả những thằng có nợ máu, đều lần lượt bị trừ khử, không có tình báo xuất sắc, không làm được. Và rất nhiều những chiến công tương tự như vậy, từ mấy lần cầu Kerch, đến đường hầm trên đường sắt Baikan – Amur bị đốt cháy…
Vì vậy, anh em nhà Oleh Ivashchenko (giám đốc tình báo đối ngoại Ukraine) và Budanov (người đứng đầu tình báo quân sự Ukraine) phải cực kỳ xuất sắc, đặc biệt là Budanov.
Như vậy, sẽ có các giả định :
(1) Nga tập trung một nhóm quân nhất định ở Kursk – Bryansk đối diện Sumy, để Ukraine dồn quân chuẩn bị chống đỡ, sau đó ra đòn ở một hướng khác. Các biện pháp nghi binh sẽ là đưa nhiều mô hình khí tài bơm hơi, đặt nhiều loa phóng thanh… ban đêm sẽ phát ra tiếng xe, máy vận chuyển khí tài… Lập những kho giả, doanh trại giả… làm sao để phía Ukraine tin thật là sẽ có đòn tấn công diễn ra ở hướng này.
(2) Nga tập trung một nhóm quân nhất định ở Kursk – Bryansk đối diện Sumy cùng các biện pháp nghi binh, nhiều khí tài bơm hơi, loa phóng thanh… thật giả lẫn lộn. Nhưng cố tình “căn” vào giờ trinh sát của phía Ukraine, để lộ một vài khí tài bơm hơi, hoặc loa phóng thanh, các cỗ pháo giả, xe tăng giả… sao cho người Ukraine tin rằng, đây là hướng tấn công có tính chất nghi binh, và sau đó thì đòn tấn công thật sẽ diễn ra chính là ở đây.
Trong trường hợp Nga tấn công ở đây thật, thì phải có những giả định cho tình huống xấu nhất : Chẳng hạn sẽ không có chuyện chúng tấn công sang vài ki-lô-mét rồi quặt ngang đi song song với đường biên giới, tương tự đã làm ở Vovchansk (Kharkiv). Mà nếu phát hiện ra những điểm yếu trong hệ thống phòng thủ của người Ukraine đã xây dựng trong thời gian qua, chúng sẽ cố gắng cường tập xuyên qua hàng phòng thủ đó.
Các mũi chủ yếu, chắc chắn sẽ có Sudzha theo đường H-07, và lại là… Trostianets và một ở đâu đó, có thể ở giữa 3 mũi, có nghĩa 120.000 quân phải chia làm 6 cụm (3 mũi mỗi mũi 2 thê đội), thành ra mỗi cụm 20.000 quân… Với kiểu đánh của Nga hiện nay, chiến dịch diễn ra được khoảng 2 tuần thì hết hơi (xin xem bản đồ thứ hai).
Putler thì tuyên bố muốn có vùng đệm sâu… 100 ki-lô-mét. Đúng là đồ hàm chó vó ngựa, sâu 100 ki-lô-mét thì rộng bao nhiêu, cũng 100 ki-lô-mét à ? Vậy lại là chiếm diện tích 10.000 ki-lô-mét vuông ? Và để chiếm được 1 ki-lô-mét vuông lại trả giá 100 lính thương vong ? (Theo BBC, ước tính tử tế nhất cho Nga là 27 lính thiệt mạng, và như vậy sẽ gấp ba số đó là con số bị thương để chiếm 1 ki-lô-mét vuông của Ukraine trong năm 2024).
Túm lại là cần 1 triệu quân nữa để có được cái vùng đệm như Putler tuyên bố. Hiện tại, Nga đang chiếm đất của Sumy khoảng 40 ki-lô-mét vuông, là đất “vùng xám” như bản đồ thứ ba kèm theo đây.
Trong câu chuyện sáng nay tôi nói với bác ở Ukraine đến kia, chúng tôi cùng đồng ý với nhau rằng : Chỗ mà Putler muốn nhất, vẫn là Kostyantynivka, là nơi lâu nay chúng thèm ghê gớm, mà không tiến lên nổi. Quý vị hãy cùng hình dung rằng : Horlivka là nơi chúng tập trung quân, rất mạnh và đông, chỉ cách Kostyantynivka hơn chục ki-lô-mét mà chúng còn không làm gì được. Những khó khăn và sai lầm của thời “hậu Avdiivka” làm vỡ chiến tuyến, hy vọng là không lặp lại. Nếu loại trừ được những chuyện đó, thì chỗ này chắc chắn vẫn sẽ là cối xay thịt chờ bọn lính Nga. Xin xem bản đồ thứ tư.
Như vậy việc Tổng thống Zelenskyy thông báo việc tập trung quân của Nga để tấn công Sumy, hoàn toàn đáng tin cậy, vì còn có một căn cứ nữa : Căn cứ vào tình hình tập kích “phản chuẩn bị” của người Ukraine nhằm vào các cụm quân Nga đang tập trung ở Kursk hoặc Bryansk. Chẳng hạn cách đây 2 ngày, Linh Lê báo cáo đòn đánh bằng HIMARS vào một doanh trại Nga. Dù là nghi binh hay tập trung đánh thật, thì vẫn cứ phải tập trung một nhóm quân thật, và như vậy thì vẫn cứ ăn… HIMARS như bình thường. Tuy nhiên theo nhìn nhận cá nhân của tôi, số lượng tin tức do đồng chí Linh Lê cập nhật như vậy là quá ít.
Câu hỏi đặt ra sẽ là : Liệu quân Nga có khả năng ém ở xa khoảng trên 100 ki-lô-mét rồi đến giờ mới lên đường chạy ra tập trung ở điểm xuất phát tấn công hay không ? Muốn làm như vậy sẽ không tránh khỏi việc tập trung lượng xe cộ rất lớn, và cũng sẽ không có con đường nào khác ngoài đường… quốc lộ, và thời này thì không có gì qua mặt được những con mắt ở trên trời. Đồng thời làm như vậy chỉ theo kiểu thi hành chiến tranh kiểu quân đội Xô-viết ngày xưa, một quân đội cơ động mạnh đúng nghĩa. Quân đội Nga bây giờ không có khả năng làm được việc đó.
Vì vậy nếu chiến dịch này (tấn công Sumy) xảy ra, thì nó sẽ lại diễn ra theo kiểu… Vovchansk (mà hồi đó ông KOL ngốc nghếch của chúng ta hô hoán lên như Nga chiếm thành phố Kharkiv đến nơi).
Một cách “cơ động” khác không thể xảy ra, là Nga có nhiều cụm quân tương tự cụm 125.000 quân này, nằm ở nhiều khu vực khác nhau của mặt trận và tùy cơ ứng biến, điều động từng cụm tấn công ở từng hướng. Đây là điều khó xảy ra hơn so với lên sao Hỏa, vì với số lượng xe tải bị đốt như hiện nay, quân Nga không khác gì chạy gạo ăn từng bữa.
Hôm trước có bác yêu cầu tôi bình luận về vụ “chuyển giao công nghệ” sản xuất tên lửa tầm xa từ Đức cho Ukraine. Tôi là rất ngại bình luận về vũ khí, những cỗ máy giết người đó có gì hay ho mà bàn. Cơ mà, với cái đồ “già đòn non nhẽ” như Putler thì đúng là súng đạn là ngôn ngữ nói chuyện duy nhất. Theo tôi vụ này chỉ để… lách dư luận Đức thôi, rồi Ukraine mua chi tiết về lắp lại. Có khi lại là hàng IKD thì vừa (Incompletely Knocked Down).
Chiến tranh sẽ kết thúc như thế nào nhỉ ?
Nhìn kiểu này thì chỉ cần vài nước châu Âu chống lưng, Ukraine cầm cự tốt đến giữa hoặc hết năm 2026, cho kịch bản kéo dài. Trong thời gian đó thì dân Nga không chỉ bị cấm đi máy bay mà sẽ đến lượt tàu hỏa : vòng bi và các trạm bẻ ghi. Vậy họ có thể thắng được nhanh chóng hơn không ? Chắc chắn có. Với vũ khí tầm xa chính xác, thì nhiều chuyện có thể xảy ra lắm.
Cú knock out dễ hạ gục Putler nhất, cú direct vào quai hàm, là chiếm lại Crimea, mà cầu Kerch chỉ là một đòn có tính chất kỹ thuật. Từ 08/04/1944 đến 12/05/1944, chiến dịch giải phóng Crimea của Hồng quân Liên Xô đã diễn ra. Hồi đó, quân Đức đóng trên bán đảo có 230.000 đến 250.000 quân, gần 2.000 khẩu pháo và hầu như không có xe tăng, hoàn toàn không có máy bay khống chế bầu trời.
Hồng quân có rất nhiều thuận lợi : Khi đó họ đã làm chủ tả ngạn sông Dnipro (tỉnh Kherson) đến sát Armiansk, nghĩa là chỉ phải vượt qua đầm lầy Sivatsh, và vượt qua eo biển Kerch để chiếm bàn đạp tiến hành đổ bộ. Ngược lại để tấn công quân số Đức (và Rumani) trên đây, họ phải dùng gần 500.000 quân.
Theo “bà hàng nước”, quân Nga ở Crimea hiện nay sau khi bị rút nhiều lần ra mặt trận, chỉ còn không được 1/6 quân số của quân Đức phòng thủ bán đảo năm 1944, và sức mạnh chiến đấu thì yếu hơn nhiều, đặc biệt về pháo binh và đạn dược. Bù lại, Nga hiện nay có trên bán đảo nhiều xe tăng, đâu như 1.500 chiếc, mỗi tội có chạy được hay không thì chỉ có Quỷ Xa-tăng mới biết, ha ha. Nghĩa địa xe tăng mà.
Có nhiều điểm tương đồng giữa quân Đức năm 1944 và quân Nga năm 2025 ở Crimea. Cả hai đều gần như không có phòng không, hoặc có nhưng rất yếu, kém hiệu quả. Năm nay, không quân Nga bảo vệ bầu trời Crimea cũng sắp đi đến số zero vì bay lên trời vớ vẩn bị… xuồng không người lái bắn hạ. Năng lực phòng thủ bán đảo Crimea của quân đội và hải quân Nga hiện nay chỉ khoảng 1 đến 2 điểm trên thang điểm 5, “bà hàng nước” của thằng Igor Girkin bảo thế.
Vì vậy nếu người Ukraine dám liều, như trong quân sự Liên Xô cũ người ta có câu “làm cú nhảy cừu” thì vụ nhảy dù, đổ bộ lên Crimea hoàn toàn có thể xảy ra. Nhất là bây giờ có vũ khí tầm xa thì chuyện gì mà chẳng có thể nhỡ Nga chiếm lại thì sao?
Ukraine chiếm Crimea bây giờ khó hơn lên trời, nhưng không phải là không thể làm được, vì tính chất chiến tranh đã khác năm 1944 và họ có thể thực hiện được. Nhưng nếu Ukraine làm nó với mức khó như lên trời, thì Nga chiếm lại sẽ khó gấp 2 lần lên trời. Vậy đấy.
Vấn đề là chỉ có đòn này mới kết quả tính mạng được Putler, và chiến tranh mới có thể chấm dứt được.
PHÚC LAI 31.05.2025
No comments:
Post a Comment