Sunday, June 1, 2025

Dỡ bỏ giới hạn tầm bắn sang Nga : Quyết định quá muộn để phát huy lợi thế cho Ukraina
Thùy Dương
Đăng ngày: 29/05/2025 - 14:14
RFI

Trong bối cảnh suốt ba ngày, từ cuối tuần qua sang đầu tuần này, Ukraina liên tục bị Nga không kích với cường độ cao chưa từng có tính từ khi nổ ra chiến tranh, với hơn 900 drone và hàng chục tên lửa, thủ tướng Đức Friedrich Merz hôm 26/05/2025 tuyên bố là Đức và các đồng minh phương Tây chủ chốt của Ukraina, trong đó Mỹ, Anh, Pháp, từ nay không giới hạn tầm bắn của các vũ khí phương Tây viện trợ cho Kiev để chống quân Nga xâm lược.

Storm Shadow cùng với những tên lửa khác được trưng bày tại Triển lãm hàng không không gian Paris ở Le Bourget, Pháp, ngày 20/06/2023. AP - Lewis Joly

Liệu việc không còn bị giới hạn sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây để tấn công vào các vị trí quân sự trên lãnh thổ Nga có giúp ích nhiều cho Ukraina ?

Trả lời phỏng vấn trang mạng Public Senat của Thượng Viện Pháp, cựu tướng Olivier Kempf, từng là giám đốc cơ quan nghiên cứu chiến lược La Vigie, nay là nhà nghiên cứu cộng tác với Quỹ Nghiên cứu Chiến lược FRS của Pháp, nhận định, tuy đây là tin tốt cho Kiev, lực lượng Ukraina bớt bị trói buộc khi đối phó với Nga, nhưng điều này dĩ nhiên sẽ không làm thay đổi cục diện của cuộc xung đột hoặc đảo ngược hoàn toàn tương quan lực lượng hiện vẫn đang có lợi cho Nga.

Trước tiên, theo chuyên gia Olivier Kempf, dĩ nhiên là khi nhắm vào các tuyến đường sắt, các cơ sở công nghiệp của Nga, Ukraina có thể cản trở và làm suy yếu phần nào hệ thống của Nga, nhưng sử dụng những tên lửa tầm xa để bắn vào những mục tiêu quân sự quan trọng của Nga là không hề đơn giản. Để những tên lửa này có hiệu quả, Ukraina phải sử dụng thông tin tình báo để xác định chính xác mục tiêu, sử dụng mồi nhử hiệu quả, những việc không phải là dễ. Hơn nữa, Ukraina cũng khó mà đưa được những tên lửa này đến gần biên giới với Nga, nên khả năng phóng sâu vào lãnh thổ đối phương cũng bị giảm đi.

Còn theo trang mạng GEO, số lượng tên lửa phương Tây cấp cho Ukraina là quá ít và việc dỡ bỏ giới hạn thì lại được đưa ra quá muộn, nên khó có thể giúp quân đội Ukraina đạt những kết quả cụ thể trên chiến trường. Nói cách khác, số tên lửa tầm xa trong kho còn rất ít, nên Ukraina càng không có khả năng tấn công sâu vào lãnh thổ Nga .

Trên thực tế, Hoa Kỳ chỉ cấp theo kiểu « nhỏ giọt » tên lửa chiến thuật tầm xa ATACMS cho Ukraina, trong khi Kiev từ giữa năm 2023 tới nay mới chỉ nhận được vài trăm tên lửa Storm Shadow do Pháp - Anh sản xuất, theo số liệu của Forbes, được trang mạng GEO hôm 28/05 trích dẫn. Chính quyền của thủ tướng Đức Friedrich Metz dẫu có tỏ ra cởi mở hơn người tiền nhiệm Olaf Scholz, nhưng đến nay vẫn không rõ ràng về việc cấp tên lửa tầm xa Taurus cho Kiev.

Hơn nữa, chắc chắn Matxcơva sẽ không đứng yên, vì các cuộc tấn công của Ukraina vào kho đạn, trung tâm hậu cần, trung tâm chỉ huy và cơ sở hạ tầng của Nga có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến nỗ lực chiến tranh của Matxcơva. Điện Kremlin trên thực tế đã có sự chuẩn bị từ nhiều tháng nay. GEO, trích dẫn kênh truyền thông độc lập Insider của Nga, cho biết đến tháng 12/2024, Nga đã dịch chuyển xa biên giới hầu hết các địa điểm có nguy cơ nằm trong tầm bắn của các tên lửa ATACMS và Storm Shadow.

Liệu việc Đức tuyên bố dỡ bỏ các hạn chế có phải là để gia tăng áp lực thúc đẩy Nga đàm phán ngừng bắn với Ukraina ? Nhà nghiên cứu về chiến lược, Olivier Kempf, trên trang tin của Thượng Viện Pháp, nhắc lại Nga không hề muốn châu Âu tham gia vào các cuộc đàm phán hiện giờ chỉ mang tính song phương giữa Nga và Ukraina, nên quyết định lần này của Berlin sẽ không có ảnh hưởng gì.

Vậy nếu không thật mang lại nhiều lợi thế cho Ukraina cả trên chiến trường và bàn đàm phán, thì tại sao tuyên bố của thủ tướng Đức lại được đưa ra vào thời điểm này ? Theo chuyên gia Olivier Kempf, đây là quyết định mang tính chính trị nhiều hơn, trước hết là ngay trên chính trường Đức. Thủ tướng Friedrich Merz muốn tỏ lập trường khác biệt với đường lối « chủ hòa » của người tiền nhiệm Olaf Scholz. Về đối ngoại, trên sân khấu chính trị châu Âu, chính phủ Đức đang cố tìm lại vị trí trung tâm trong cuộc chơi, tránh để mất vị thế lãnh đạo vào tay Paris và Luân Đôn. 

No comments:

Post a Comment