Nguyễn Thông - Góp ý với phóng viên và biên tập viên : Đầu năm, cuối năm
vendredi 11 juillet 2025
Thuymy
Ta thường đọc/nghe các phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên, cán bộ lãnh đạo viết/đọc về tháng trong năm, chẳng hạn “8 tháng đầu năm, 10 tháng đầu năm”… Trường hợp sai này thường xảy ra khi có sự sơ kết, tổng kết của các cơ quan, đơn vị về hoạt động đã đạt được. Thế là sai.
Một năm 12 tháng, chia làm đôi thì mỗi nửa là 6 tháng, gồm 6 tháng đầu năm và 6 tháng cuối năm. Cái “vĩ tuyến” vô hình ấy nằm ở giữa hai nửa, nghĩa là kết thúc tháng 6, sang đầu tháng 7. Nó cũng như giây phút giao thừa từ năm cũ sang năm mới.
Đầu và cuối rõ ràng hai phần, vì vậy từ tháng 1 tới tháng 6 là những tháng đầu năm, từ tháng 7 tới tháng 12 là những tháng cuối năm. Ta nói/viết/diễn đạt chuẩn là: 2 tháng đầu năm, 4 tháng đầu năm, 6 tháng đầu năm; 3 tháng cuối năm, 6 tháng cuối năm… Làm quái gì có 7 tháng đầu năm, 10 tháng đầu năm… Tới tháng 10 sắp hết năm rồi, còn đầu điếc gì.
Tất nhiên, nếu muốn nói kết quả của nhiều tháng trong năm nào đó, cần diễn đạt cụ thể, tuy dài dòng hơn nhưng chính xác, giữ gìn được sự trong sáng của tiếng Việt, ví dụ “kinh tế - xã hội 9 tháng từ đầu năm đạt…”.
Vậy mà không ít quan chức, nhà báo, người soạn văn bản tổng kết, sơ kết (bằng cấp đầy mình, nhất là cao cấp chính trị) cứ phang kiểu “7 tháng đầu năm, 9 tháng đầu năm”, không cần biết đúng sai.
Ông hàng xóm nhà tôi bắt chước GS Hoàng Ngọc Hiến, cười bảo “cái kiến thức à ơi thời nay nó thế”.
NGUYỄN THÔNG 11.07.2025
No comments:
Post a Comment