Tuesday, July 22, 2025

Phải ưu tiên công vụ và đạo lý trách nhiệm
Thái Hạo
22-7-2025
Tiengdan

Nguồn: Xuân Hoa

Liên quan đến cách chính quyền xử lý trong các tình huống khẩn cấp – đặc biệt là các thảm họa công cộng như cháy chung cư, sập công trình, tai nạn chìm tàu…, theo tôi, nguyên tắc là phải ưu tiên công vụ và đạo lý trách nhiệm. Những việc cần làm ngay và theo thứ tự là: Cứu người, Điều tra nguyên nhân, Khắc phục hậu quả.

Mọi hành động khai thác các tình tiết đau thương để mua nước mắt; giả lả thăm hỏi để làm truyền thông; hay đổ lỗi một cách dễ dãi cho thiên nhiên, đều không được phép – vì “trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”.

1. Cứu người là tối thượng

Việc tối quan trọng là cứu người. Không chỉ cứu người còn sống, mà còn tìm kiếm người mất tích, giữ liên lạc với gia đình, huy động mọi lực lượng chuyên nghiệp. Đây là nguyên tắc nhân đạo phổ quát, mọi quốc gia văn minh đều coi sinh mạng là ưu tiên số 1.

Với thảm họa của tàu Vịnh Xanh 58, việc chậm trễ trong cứu nạn khi phải mất tới 3 giờ đồng hồ lực lượng chức năng mới có mặt và cứu được người, trong khi quãng đường từ đất liền tới vị trí tàu lật chỉ khoảng 10 phút, là điều rất khó hiểu và khó mà biện minh, dù có nêu ra bất cứ lý do gì.

2. Điều tra nguyên nhân là bắt buộc

Phải có một ủy ban độc lập hoặc điều tra viên chuyên trách, không chỉ thuộc cơ quan hành chính (vì có thể liên quan trách nhiệm của chính họ). Việc điều tra cần được thông báo tiến độ, chứng cứ, và kết luận tạm thời rõ ràng. Cấm mọi hình thức đổ lỗi sớm hoặc đánh tráo nguyên nhân (ví dụ như nói do “thời tiết bất thường” hay “sơ suất cá nhân”).

Trong vụ lật tàu nói trên, “Theo ông Nguyễn Văn Công [Phó chủ tịch Quảng Ninh], hôm qua 19-7, trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh, thành xảy ra dông lốc hết sức phức tạp. Dông lốc khiến tàu Vịnh Xanh bị lật trên vịnh Hạ Long, thiệt hại hết sức nặng nề về người”. “Đại tá Hoàng Văn Thuyết, chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh, nhận định tàu bị lật do lốc lớn đột ngột”. Đây phải chăng là kết luận chính thức về nguyên nhân vụ tai nạn, và coi như xong? Tôi không nghĩ là có thể vội vàng như thế được.

3. Khắc phục hậu quả là yêu cầu

Danh sách nạn nhân, chính sách hỗ trợ, trách nhiệm bồi thường của chủ tàu, bảo hiểm, nhà nước… cần được thông tin sớm. Không để người nhà hoang mang, chạy vạy lo thủ tục hành chính hoặc bị chối bỏ trách nhiệm.

***

Trong hoàn cảnh đau thương tang tóc, nạn nhân vừa từ cõi chết trở về, mất vợ, mất chồng, mất con cái, tinh thần còn hoang mang tột độ, mọi sự khai thác, phỏng vấn, màu mè phông bạt, đưa hình ảnh nạn nhân, đào bới các tình tiết giật gân li kỳ, câu kéo tương tác…, đều bất nhẫn và tồi tàn. Báo chí cần chủ động tham gia “điều tra độc lập”, chứ không phải chỉ đưa tin hoặc kể chuyện.

Tôi vẫn cho rằng, vì đây là một vụ tai nạn thảm khốc có hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và có những biểu hiện cùng dấu hiệu bất thường liên quan đến nhiều khâu, nhiều chủ thể trong an toàn chạy tàu của cả một vùng du lịch biển nổi tiếng nhất nước, nên cần phải khởi tố vụ án để điều tra. Xin xem các câu hỏi và băn khoăn mà tôi đã nêu ra trong bài “Công tác quản lý nhà nước về an toàn có vấn đề?”.

No comments:

Post a Comment