VNTB – Hà Nội: Cấm chợ, cửa hàng tiện lợi cung cấp miễn phí túi nilon khó phân hủy
Phú Nhuận
23.07.2025 1:53
VNThoibao
Thực hiện điểm d, khoản 2 Điều 28 Luật Thủ đô 2024, ngày 10/7/2025, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội (HĐND TP Hà Nội) đã có Nghị quyết 22/2025/NQ-HĐND Quy định biện pháp giảm phát thải nhựa trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó, nghị quyết cũng đưa ra lộ trình dừng sản xuất, nhập khẩu cũng như sử dụng những sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân huỷ sinh học (gồm túi nilon khó phân huỷ sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.
Căn cứ theo điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị quyết 22/2025/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội, để giảm phát thải nhựa trong hoạt động kinh doanh, dịch vụ, TP Hà Nội yêu cầu các chợ, cửa hàng tiện lợi sẽ không được cung cấp miễn phí túi nilon khó phân hủy sinh học từ ngày 01/01/2026.
“Không sử dụng túi nilon khó phân huỷ, nhằm mục đích bảo vệ môi trường, đồng ý. Nhưng thế này, túi nilon người ta không chỉ dùng để đựng đồ mua bán ở chợ, siêu thị, mà với những túi còn nguyên, còn được giữ lại để đựng đồ hay làm túi rác, nhằm mục đích tiết kiệm chi phí. Với các túi nilon gọi là thân thiện với môi trường, dù không làm gì, để đó thời gian, nó rã ra, rất dơ và bụi. Sản phẩm nào cũng vậy, cũng có hai mặt của nó”, bà nội trợ Nguyễn Thảo chia sẻ.
Dùng túi khác để thay thế?
Lẽ tất yếu, việc cấm (hoặc hạn chế) sử dụng một đồ vật thông dụng nào đó, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thói quen cũng như sinh hoạt của người tiêu dùng, cần có những giải pháp khác để thay thế. Sử dụng túi phân huỷ sinh học, thân thiện với môi trường, nói như lời bà Thảo, xuôi theo dòng thời gian, nếu không sử dụng, sự phân huỷ, có thể chưa ảnh hưởng đến môi trường nhưng đã “góp phần không nhỏ” vào vấn đề làm cho nhà cửa thêm “bừa bãi” bởi những vụn bao khi phân huỷ.
Một giải pháp khác cũng được đề cập đến, chính là túi giấy. Đây liệu chăng là giải pháp tối ưu?
Túi giấy được làm chủ yếu từ giấy, thường là các loại giấy như giấy Kraft, giấy Couche, giấy Ivory, hoặc giấy tái chế. Trong đó, giấy Kraft (giấy nâu) được sử dụng phổ biến nhất vì độ bền cao và khả năng chống rách tốt.
Túi giấy, về cơ bản, dù bằng chất liệu giấy nào, cũng có thể là lựa chọn tốt, thân thiện với môi trường. Đơn cử, túi giấy Kraft, loại giấy này có độ bền cao, khả năng chống rách tốt và thân thiện với môi trường, thường được dùng cho túi giấy đựng thực phẩm, quần áo, hoặc các sản phẩm khác cần độ bền cao. Giấy Kraft có có tên gọi khác là giấy xi măng, giấy nâu bởi nguyên liệu chính làm ra loại giấy này là bột gỗ của thân cây gỗ mềm khác nhau. Vì vậy, giấy Kraft là một loại giấy tái sinh từ những mẫu gỗ khác nhau.
Xét về yếu tố môi trường, đúng là túi giấy thân thiện hơn so với túi nilon. Tuy nhiên, về cơ bản, túi giấy, chủ yếu vẫn làm từ bột giấy. Bột giấy được hình thành sau khi trải qua những công đoạn như tách vỏ, ép, nghiền và xử lý từ các loại gỗ.
“Mình nhớ mình từng đọc một bài viết về bảo vệ môi trường, trong đó có đề xuất từ Bộ Công Thương là trồng rừng để bù trừ phát thải. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, mình cũng được dạy rừng cản nước, giữ đất nữa. Túi giấy là vật dụng thân thiện với môi trường, nhưng mình có một câu hỏi, việc chặt cây lấy gỗ để tạo ra sản phẩm túi giấy, vô hình trung, có tác động không tốt với môi trường hay không? Nếu mua gỗ từ người dân hay tự trồng tự sản xuất thì còn chấp nhận được. Còn nếu phá rừng cho sản xuất thì liệu rằng, có vi phạm quy định về chống phá rừng hay không?”, An Nguyễn, một cựu sinh viên ở Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra thắc mắc.
Cũng xin được nói thêm, Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) là một bộ quy tắc nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu và xuất khẩu các sản phẩm có liên quan đến phá rừng và suy thoái rừng, yêu cầu sản phẩm như cà phê, hồ tiêu, gỗ, cao su phải có minh chứng rõ ràng không liên quan đến phá rừng từ sau năm 2020, kèm theo dữ liệu GPS và hệ thống truy vết toàn diện.
Và điều này, trong một báo cáo đến từ Bộ Công Thương, đã gây ít nhiều lo ngại cho các nông hộ Việt sản xuất quy mô nhỏ, thiếu thiết bị và kiến thức truy xuất, khiến việc đáp ứng tiêu chuẩn trở nên khó khăn, chi phí tăng cao.
No comments:
Post a Comment