VNTB – Sau bão vẫn còn nhiều nỗi lo: xả lũ và sạt lởDân Trần
23.07.2025 2:24
VNThoibao
Tuy nhiên, sau khi vào đất liền thì bão Wipha đã nhanh chóng suy yếu và đang gây mưa lớn tại khu vực Nghệ An, Thanh Hoá; với lượng mưa rất lớn, lên tới 300mm. Và đây mới là vấn đề đối với Việt Nam.
Trung bình mỗi năm, Việt Nam phải hứng chịu từ 12 đến 15 cơn bão lớn nhỏ. Dù ngành khí tượng thủy văn ngày càng hiện đại, cảnh báo bão được đưa ra sớm và sát thực tế hơn, nhưng sau mỗi cơn bão đi qua vẫn là hình ảnh nhà cửa tan hoang, người dân vật vã trong cảnh màn trời chiếu đất, thiếu điện, thiếu nước, thiếu lương thực… Bão có thể tan nhanh, nhưng hậu quả của nó thì ở lại dai dẳng và nặng nề.
Thông thường, một trong những nỗi lo lớn nhất sau bão là thiệt hại kinh tế. Đối với những người dân nghèo, một mùa vụ bị mất đi có thể đồng nghĩa với cả năm thiếu đói. Một chiếc ghe đánh cá bị chìm cũng có thể khiến một gia đình rơi vào cảnh nợ nần triền miên. Cùng với đó là việc mưa bão tàn phá môi trường sống. Sau bão là cảnh rác tràn ngập khắp nơi, cây xanh bị bật gốc, hệ thống thoát nước bị tắc nghẽn, bùn đất phủ kín ruộng đồng. Nhiều khu rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn, rạn san hô ven biển bị tổn hại nặng nề.
Tuy nhiên, ở Việt Nam những năm gần đây thì có hai vấn đề lớn hơn sau bão là thuỷ điện xả lũ và sạt lở. Một vấn nạn mà ai cũng biết là CSVN có thói quen “tích nước mùa khô và xả lũ mùa mưa”, mùa khô thì các đập thủy điện tích nước, bỏ mặc cho người dân ở hạ lưu thiếu nước, cây cối hoa màu chết khô. Còn mùa mưa thì xả lũ bất thình lình, không hề có chuyện “điều tiết” như trên lý thuyết. Thiệt hại nhân mạng, tài sản của người dân phần lớn từ những vụ “nhân tai” xả lũ này mà ra, chứ không phải từ giông bão.
Còn sạt lở thì những năm nay càng ngày càng nghiêm trọng. Điển hình là vụ Làng Nủ năm ngoái khiến 1,6 triệu mét khối đất đá sạt trượt, xoá sổ 37/39 căn nhà, 57 người tử vong, 10 người mất tích. Nguyên nhân chủ yếu gây sạt lở là do việc khai thác rừng bừa bãi, chặt phá cây xanh, xây dựng công trình trên sườn đồi, san ủi đất đồi làm đường, làm khu dân cư, thủy điện… đã phá vỡ sự ổn định địa chất của nhiều khu vực. Khi rừng đầu nguồn bị tàn phá, đất không còn cây giữ lại, mưa lớn vài ngày là trượt đất, trôi nhà, chôn vùi người.
Và đây chỉ là cơn bão số 3, tức còn khoảng 10 cơn bão nữa mới hết mùa mưa bão năm nay. Những tháng tới sẽ có thêm nhiều cơn mưa lớn, nước mưa càng nhiều, càng thấm sâu vào đất càng làm mất liên kết đất, một phần không có cây cối, rễ cây giữ đất, giảm độ bền, mất ổn định cấu trúc đất… Tích tụ chừng vài tháng là lại rất dễ có những trận sạt lở nặng, hậu quả khó lường.
Cho nên cái cần làm không chỉ là giải quyết những vấn nạn trước mắt của cơn bão, mà còn là chuẩn bị cho những thiệt hại lâu dài phía sau. Làm sao để xử lý vấn nạn xả lũ mỗi mùa mưa về, quy hoạch lại khu dân cư, kiểm soát các khu có nguy cơ sạt lở, trồng lại rừng…. Các chuyên gia, các nhà khoa học đã nói rất nhiều, người dân cũng biết rõ vấn đề nhưng những lãnh đạo CSVN thì không, mà đó lại chính là những người quyết định vấn đề tại Việt Nam!
No comments:
Post a Comment