Tuesday, July 22, 2025

VNTB – Bộ trưởng bộ GD&ĐT lại đổ lỗi cho xã hội
Cảnh Chân
22.07.2025 5:22
VNThoibao

(VNTB) – Nguyễn Kim Sơn nói: “Người lớn không còn đánh nhau thì hết bạo lực học đường”

 Trả lời Quốc hội về vấn đề bạo lực học đường, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng “một sự thực là trường học không phải bộ phận tách rời khỏi xã hội. Bức tường vây quanh trường học ngày càng mong manh, khoảng cách bên trong trường học và bên ngoài trường học dần bị xóa nhòa bởi internet, mạng xã hội và các phương tiện truyền thông hiện đại”.

“Nếu như nói một ngày nào đó trong trường học không còn bạo lực thì tôi có thể nói được, đó là ngày mà người lớn không còn đánh nhau nữa. Ngày đó, trẻ con sẽ nhìn nhau bằng ánh mắt yêu thương thuần túy mà thôi”. Ông Bộ trưởng nói.

Câu nói này không sai nếu xét trên góc độ xã hội học, trẻ em học từ người lớn. Nếu xã hội đầy rẫy cảnh cha mẹ cãi nhau, hàng xóm chửi bới, người đi đường đánh nhau, thậm chí cán bộ công quyền hành xử thô bạo, thì việc trẻ em bắt chước theo là điều dễ hiểu.

Nhưng trong vai trò Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì đây lời đổ lỗi cho toàn xã hội thay vì nhìn nhận rõ trách nhiệm của ngành giáo dục. Thử hỏi những “người lớn” đó ở đâu mà ra? Bản chất là người lớn ra ngoài đường đánh nhau do hồi nhỏ thích đánh nhau, trẻ em thích đánh nhau do giáo dục không dạy con người tính nhân văn. Những người lớn bây giờ cũng được giáo dục và đào tạo trong mái nhà trường rồi mới lớn lên, 50 năm qua ngành giáo dục đã đào tạo hàng chục triệu người dân Việt Nam. Những người làm giáo dục phải chịu trách nhiệm chứ đâu phải Bộ GD&ĐT mới xuất hiện mà bây giờ lại đổ lỗi cho xã hội!

Xã hội là một tổng thể, trong đó giáo dục là trụ cột. Chính giáo dục mới có thể điều chỉnh xã hội, chứ không phải là bị động chạy theo. Nếu xã hội tràn lan bạo lực, đạo đức xuống cấp thì giáo dục phải chịu trách nhiệm, phải càng quyết liệt hơn trong việc xây dựng một môi trường học đường lành mạnh, nơi học sinh không bị ảnh hưởng bởi những hành vi xấu từ bên ngoài. Một người làm giáo dục mà phát biểu theo kiểu “trách nhiệm là của toàn xã hội”, “trẻ em hư là do người lớn xấu” thì khác gì khi học trò thi rớt thầy giáo lại nói: “Lỗi tại phụ huynh không kèm con học bài”?

Cả xã hội đều biết vấn nạn bạo lực học đường hiện nay đã rất trầm trọng, không chỉ là đánh nhau cá nhân bằng vài cái tát, mà là đánh hội đồng, cô lập bạn học, thậm chí học sinh đánh giáo viên, giáo viên đánh học sinh. Và nghiêm trọng nhất là các hành vi bạo lực theo kiểu đe dọa, khủng bố tinh thần trên mạng xã hội… Nhiều vụ việc đã gây tổn thương nghiêm trọng cả thể xác lẫn tinh thần cho nạn nhân, thậm chí dẫn tới tử vong.

Trong khi đó, thay vì đặt trọng tâm vào cải cách đạo đức học đường, ngành giáo dục lại liên tục đưa ra những thay đổi về thi cử, sách giáo khoa… Những thứ làm học sinh thêm áp lực mà lại không giúp các em trở thành con người tốt hơn. Càng ngày chương trình giáo dục vẫn nặng về lý thuyết, nhẹ về kỹ năng sống và giáo dục đạo đức. Giáo viên bị áp lực thành tích, chạy theo điểm số, không có thời gian để quan tâm tới tâm lý, mối quan hệ giữa học sinh. Hệ thống tư vấn học đường còn yếu kém, thiếu nhân lực, thiếu chuyên môn, thiếu niềm tin. Cơ chế xử lý các vụ bạo lực học đường còn lỏng lẻo, mang tính “hòa giải cho xong chuyện” thay vì giáo dục nghiêm túc và có tính răn đe.

Bạo lực học đường là hệ quả của nhiều nguyên nhân, nhưng ngành giáo dục là người đang cầm lái con thuyền chở thế hệ tương lai. Chính ngành giáo dục phải chịu trách nhiệm đầu tiên và lớn nhất, không thể đổ cho xã hội. Người đứng đầu ngành giáo dục không thể chỉ ngồi đổ lỗi của người khác, mà cần coi lại trách nhiệm của mình, để thay đổi từ chính mình và chính ngành của mình. Còn nếu người đứng đầu không tự thay đổi được thì phải đổi người đứng đầu!

___________________

Tham khảo:

https://vietnamnet.vn/bo-truong-gd-dt-nguoi-lon-khong-con-danh-nhau-thi-het-bao-luc-hoc-duong-2413287.html

 

No comments:

Post a Comment