VNTB – Tạm đình chỉ nếu công chức nhũng nhiễu người dânTử Long
23.07.2025 12:54
VNThoibao
Tại Quyết định số 727 được ban hành bởi Bộ Nội vụ, có nội dung về thủ tục hành chính liên quan đến việc tạm đình chỉ đối với công chức, viên chức nhằm đảm bảo tính liêm chính và hiệu quả trong thực thi công vụ.
Theo quyết định này, công chức có thể bị tạm đình chỉ công tác nếu có hành vi vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống, gây ảnh hưởng tiêu cực đến dư luận hoặc uy tín tổ chức, cá nhân. Ngoài ra, các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; cố tình trì hoãn, đùn đẩy trách nhiệm hoặc không thực hiện nhiệm vụ được giao cũng thuộc diện xem xét tạm đình chỉ.
Tiêu chuẩn chung về đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật của công chức được quy định rõ theo Điều 5 Nghị định 29/2024/NĐ-CP. Nói một cách tóm gọn, phẩm chất đạo đức và lối sống của công chức bao gồm các yếu tố như trung thực, liêm khiết, chí công vô tư; không tham nhũng, vụ lợi; không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi; có trách nhiệm, tận tụy với công việc, và tuân thủ pháp luật, quy định của cơ quan, tổ chức…
Việc tạm đình chỉ công tác còn có thể được thực hiện theo văn bản đề nghị từ các cơ quan thanh tra, kiểm toán, tố tụng hoặc cơ quan có thẩm quyền khác.
Theo đề xuất trước đó của Bộ Nội vụ, thời hạn tạm đình chỉ công tác không quá 15 ngày làm việc. Trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài thêm thời gian tạm đình chỉ nhưng không quá 15 ngày làm việc.
“Là người dân, tôi không quan tâm nhiều đến vấn đề này, đặc biệt là về luật, quỹ thời gian dành cho gia đình, công việc gần như chiếm hết cả một ngày. Trên thực tế, tôi thấy có phường ở quận Bình Thạnh trước đây, một vài ủy ban, thái độ của người công chức cũng nhiệt tình, đàng hoàng với dân. Bên cạnh đó, cũng có trường hợp này nọ khi người dân đến làm giấy tờ, cho nên, nếu làm “cứng rắn” như vậy, là điều hoan nghênh. Tuy nhiên, là người dân, tôi không rõ sẽ “góp ý” cho ai nếu như phát hiện những trường hợp có hành vi không đúng trong công tác?”, bà Nhiên Trần chia sẻ.
Khác với bà Nhiên Trần, từng gửi thư góp ý, theo chia sẻ đến từ ông Ba Tài thì: “Tôi gặp hai trường hợp đều ở quận Bình Thạnh. Lần đầu tiên là cái nhà đang xây sau lưng tôi, rớt đá và vật liệu xây dựng xuống nhà tôi, tôi góp ý thì họ kêu họ quen ai đó bên xây dựng ở quận 5, kiểu cũng quen biết, rồi hù dọa tôi. Khi tôi gọi điện thoại lại cho người quen khi đó làm bên quản lý đô thị của quận 5, lúc đó họ mới im.
Trường hợp thứ hai là lúc tôi đi mua bảo hiểm ở uỷ ban phường. Khi đó bảo hiểm còn bán ở uỷ ban. Cán bộ bảo hiểm có thái độ không phải với dân. Khi về, tôi viết thư đồng gửi nhiều nơi. Và sau đó thì cán bộ đó bị kỷ luật.
Đó là hai trường hợp cụ thể với tôi, ở ngoài kia, còn bao nhiêu trường hợp tương tự như vậy? Với người dân không biết gì, liệu có cán bộ nào dùng chức vụ, quyền hành của mình để đe doạ dân hay không? Theo tôi, nên làm cứng rắn việc này, đồng thời tuyên truyền hơn nữa cho dân để dân biết, hạn chế những cán bộ có hành vi đi ngược lại với quy định của pháp luật, cùng chung tay góp phần xây dựng đất nước”.
Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý một điều rằng, chỉ là tạm đình chỉ chứ không hoàn toàn là sa thải hay tước chức vụ, điều đó cũng đồng nghĩa là người công chức vi phạm (nếu có) đó, vào “một ngày đẹp trời” cũng có thể trở lại vị trí như ban đầu hoặc chăng sẽ được cho “thôi” ở vị trí này nhưng sẽ cơ cấu sang một chức vụ khác? Điều này ít nhiều cũng gây lo lắng.
“Nếu như người công chức vi phạm trở lại vị trí cũ, thì có tìm người tố cáo để “ghim”, sau đó sẽ có những hành vi “phạt nguội” hay không? Có thể, sẽ có quy định giấu danh tính người tố cáo nhưng liệu với quen biết của anh, anh có cách tìm ra hay không? Rồi sau đó anh có làm khó làm dễ người tố cáo hay gia đình họ hay không? Điều đó là hoàn toàn không ai biết được. Vì sao? Vì nếu anh đàng hoàng, tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật cũng như tiêu chuẩn chung về đạo đức, lối sống, kỷ luật của người công chức thì anh đã không bị tạm đình chỉ. Tạm đình chỉ, dù lớn hay nhỏ, anh vẫn là người có vấn đề”, một độc giả giấu tên chia sẻ.
No comments:
Post a Comment