Friday, September 13, 2024

Mặt trận Tổ quốc công bố sao kê, có bất cập gì?
13 tháng 9 2024, 15:29 +07
BBC

Nguồn hình ảnh,GettyẢnh chụp màn hình
Ngoài tài khoản nói trên, MTTQ có nhận ủng hộ qua một vài tài khoản khác tại Vietinbank, BIDV,... và cả tiền mặt.

Hôm 12/9, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) đã đăng tải 12.028 trang sao kê tiền ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi bão Yagi. Hành động này phần nào thể hiện sự minh bạch trong công tác từ thiện, nhưng đồng thời cũng có một số bất cập.

Danh sách này bao gồm các khoản đóng góp qua số tài khoản Vietcombank 0011001932418 từ ngày 1/9 đến ngày 10/9. Theo MTTQ, bản sao kê này sẽ được cập nhật liên tục.

Ngoài tài khoản nói trên, MTTQ có nhận ủng hộ qua một vài tài khoản khác tại Vietinbank, BIDV,... và cả tiền mặt.

Trả lời BBC News Tiếng Việt vào ngày 13/9, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc Công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, cho rằng việc công khai sao kê có thể ảnh hưởng đến quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân của những người đóng góp theo Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Theo ông Sơn, nếu có dự định công bố sao kê, MTTQ cần phải thông báo điều đó cho người dân từ trước khi bắt đầu nhận tiền quyên góp.

“Để tạo niềm tin cho nhân dân và để nhân dân có điều kiện giám sát, Mặt trận Tổ quốc nên có hai tài khoản quyên góp, một tài khoản sẽ công khai sao kê, một tài khoản sẽ không công khai sao kê. Người ủng hộ tự lựa chọn quyết định nên chuyển vào tài khoản nào,” ông Sơn nói thêm.

Ngay trong tối ngày 12/9, sau khi bản sao kê được công bố, những cuộc "điều tra" đã được "dân mạng" thực hiện để xác định người nào đóng bao nhiêu tiền, đặc biệt là những người nổi tiếng và trước đó đã công khai tuyên bố đóng góp tiền.

Việc này gây ra ít nhất ba hệ lụy như sau:

Hệ lụy thứ nhất, như ông Sơn đề cập tới, là việc lộ thông tin cá nhân của những người liên quan.

Hệ lụy thứ hai là những người ủng hộ ít có khả năng bị chỉ trích. Hiện tượng này không mới mà đã diễn ra nhiều năm nay.

Hệ lụy thứ ba là khả năng nhầm lẫn/giả mạo danh tính. Ví dụ, có một tài khoản với nội dung chi tiết ghi “… tap the ae rap xiec trung uong ung ho” (tạm dịch: … tập thể anh em rạp xiếc trung ương ủng hộ).

Với số tiền được đánh giá là “không nhiều” và cũng không rõ chính xác liệu đây có phải là Rạp xiếc Trung ương thật sự hay không, nhưng khi bản sao kê được công bố lên, Rạp xiếc Trung ương bị chỉ trích là chuyện có thật.

Sáng ngày 13/9, Nghệ sĩ nhân dân Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, đã khẳng định với phóng viên của báo VietNamNet rằng tài khoản đóng góp 10.000 đồng nói trên không phải của Rạp xiếc Trung ương.

Đây chỉ là một trường hợp, còn bao nhiêu trường hợp tương tự trong hơn 12.000 trang sao kê?


Nguồn hình ảnh,ảnh chụp màn hình
Rạp xiếc Trung ương đăng bài viết lên án điều mà họ cho là "bôi nhọ

10 tháng 9 năm 2024

10 tháng 9 năm 2024

8 tháng 9 năm 2024

Mục đích công khai sao kê là gì?

Theo báo Nhân dân, nguyên nhân MTTQ quyết định công khai là nhằm “bảo đảm tính minh bạch, giúp tất cả mọi người có thể theo dõi toàn bộ việc ủng hộ trong thời gian qua”.

Viết trên tài khoản Facebook của mình, Luật sư Lê Nguyễn Duy Hậu cho rằng ý định của MTTQ là “trong sáng”.

“Tuy nhiên, ngoài việc cần lưu ý rằng khá nhiều thông tin về số tài khoản và tên của người đóng góp (do họ ghi lại trong phần nội dung chuyển) đã bị công khai mà chưa chắc có sự đồng ý của đương sự, thì minh bạch trong các khoản chi về sau có tầm quan trọng không thua kém (nếu không muốn nói là hơn) minh bạch trong khoản thu."

Gần đây, MTTQ Hà Nội từng bị chỉ trích do chậm trễ trong việc giải ngân tiền từ thiện. Đêm ngày 12/9/2023, vụ cháy tại một chung cư mini nằm sâu trong ngõ 29/70 Khương Hạ (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã khiến 56 người chết.

Số tiền đóng góp của người dân gửi cho MTTQ lên tới 110 tỷ đồng vào thời điểm tháng 10, nhưng mới chỉ giải ngân được khoảng 6 tỷ, theo bài viết ngày 27/10/2023 trên VOV.vn

Bài viết này dẫn lời đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (Đoàn Hà Nội) khẳng định: “Việc chậm chi tiền hỗ trợ cho các nạn nhân là thiếu trách nhiệm”.

Tới ngày 31/10/2023, một bài viết trên Tuổi Trẻ Online dẫn thông tin từ Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh nói 130 tỉ đồng giúp nạn nhân vụ cháy chung cư mini sẽ được phân bổ trong tháng 11. Số tiền khi đó là lên thành 132 tỷ đồng.

Dưới bài viết, có người bình luận “nếu tháng 11 mới phân bổ tiền cho các gia đình bị nạn thì phải kèm lãi suất tiết kiệm của 132 tỷ mới đúng”.

Tới ngày 5/11/2023, tổng số tiền giải ngân là 130 tỷ 120 triệu đồng, theo báo Chính phủ. Số tiền còn lại là 2 tỷ 221 triệu đồng sẽ được sử dụng để xử lý các vấn đề phát sinh.

Hành động công khai sao kê lần này được cho là cách MTTQ trấn an những người nghĩ rằng việc chậm giải ngân sẽ tiếp tục diễn ra. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng nếu thực sự minh bạch trong thu chi, cần có kiểm toán độc lập.

Nếu không làm được điều đó, “thì đợt minh bạch này chắc chỉ có ích để bà con bốc phốt những người fake bill [làm giả số tiền đóng góp], vốn là chuyện không liên quan đến mục đích cứu người của từ thiện và không quá quan trọng trong thời điểm khó khăn này của người dân miền Bắc”, ông Hậu viết trên Facebook của mình.

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Cảnh tượng sau cơn lũ quét ở thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Ảnh chụp ngày 12/9

Có thể bị xử lý theo pháp luật

Tuy nhiên, việc “fake bill” không chỉ có vấn đề về mặt đạo đức, mà có thể liên quan tới cả mặt pháp lý.

Như đã nói ở trên, sau khi MTTQ công khai bản sao kê, nhiều người dùng mạng xã hội đã lên “soi” số tiền ủng hộ của các tài khoản.

Từ đó, họ phát hiện có những người đăng thông tin mình đã ủng hộ con số tiền lớn hơn gấp 10, thậm chí 100 lần, số tiền theo sao kê do MTTQ công bố.

Những trường hợp cá nhân muốn khoe khoang, “phông bạt” trên mạng thì hiện chưa có quy định bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, cá nhân đại diện cho nhiều người, hội nhóm hay tổ chức đứng ra kêu đóng góp mà có hành vi sửa đổi, giả mạo sao kê tiền ủng hộ với mục đích ăn chặn tiền từ thiện có thể bị pháp luật xử lý.

Theo báo Dân Trí, một người dùng mạng xã hội tên N.K.L đã thực hiện một phiên đấu giá một đôi giày trẻ em với mục đích gây quỹ giúp đỡ người dân bị ảnh hưởng do bão Yagi.

Kết thúc phiên đấu giá, số tiền quyên góp được là 8,5 triệu đồng. Sau đó, bà N.K.L tuyên bố sẽ ủng hộ thêm 1,5 triệu đồng cho tròn 10 triệu đồng rồi sẽ chuyển khoản tới MTTQ.

Tuy nhiên, sau khi MTTQ công bố sao kê, mọi người phát hiện ra việc bà N.K.L chỉ chuyển 100.000 đồng.

Sau khi vụ việc bị phát giác, bà N.K.L đã xin lỗi và chuyển lại đúng 10 triệu đồng tới MTTQ.

Hiện chưa thể biết được đây chỉ là trường hợp cá biệt hay có những trường hợp tương tự trong hơn 12.000 trang sao kê nói trên.

Tuy nhiên, nếu thực sự có việc ăn chặn thì tùy thuộc vào hành vi, cách thức chiếm đoạt mà có thể cấu thành những tội danh khác nhau.

“Có thể là tội tham ô tài sản hoặc tội lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản,” Luật sư Sơn cho hay.

Theo giải thích của ông Sơn, việc một cá nhân đứng ra đại diện tập thể đóng góp, nhưng lại đóng góp số tiền ít hơn đã thực thu mà không cho tập thể biết, sẽ phạm vào tội lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Chủ đề liên quan

Tin liên quan




No comments:

Post a Comment