Bi kịch của cái đầuVõ Xuân Sơn
17-9-2024
Tiengdan
Tối qua tôi nằm mơ một giấc mơ kỳ quái. Tự nhiên tôi không thấy chân tay mình ở đâu, chỉ còn lại mỗi cái đầu. Mà cái đầu ấy lại bị giao cho việc quản lý công việc cứu hộ, cứu nạn bão lũ.
Thật sự thì tôi rất là lúng túng. Đó giờ tôi quen làm việc bằng tay chân, thấy cái gì thì ứng phó với cái đó. Bây giờ không có tay chân, chỉ còn mỗi cái đầu, thì làm sao tôi có thể chèo thuyền đi cứu trợ, làm sao mang mì tôm đến cho đồng bào…
Cũng may, bụt hiện lên (mơ mà) và bảo: “Mi cần phải dùng cái đầu để nghiên cứu, hoạch định kế hoạch, rồi mới giao cho tay chân làm việc”.
Thế là tôi suy nghĩ và vạch ra kế hoạch, lập ra các ban bệ, mỗi ban bệ phụ trách một việc, từ dự báo, đến lên kế hoạch. Từ kế hoạch phòng tránh các tai nạn, các tác hại của bão, lũ lụt, đến khoanh vùng các khu vực để có thể dự đoán, lên kế hoạch ứng cứu cho từng khu vực. Rồi thành lập các đơn vị cứu hộ chuyên nghiệp, tập luyện kỹ càng từng phương án cứu hộ, cứu trợ…
Vừa lúc đó thì có một cơn bão lớn, có nguy cơ đổ bộ vô nước ta. Tôi lên kế hoạch bảo vệ nhà cửa, tài sản, cây cối… dự phòng các tình huống xấu ngay trong bão và kế hoạch xử lý từng tình huống. Rồi tôi lên kế hoạch cứu hộ, phân công cho các bộ phận túc trực và ứng cứu kịp thời.
Biết rằng sau khi bão quét, sẽ có một cái gọi là hoàn lưu bão, gây mưa lớn, khả năng ngập lụt, lũ quét, sạt lở cao, dựa trên việc khoanh vùng và kế hoạch trước đó, tôi lên kế hoạch cụ thể sơ tán dân, yêu cầu bên quân đội hỗ trợ trực thăng ứng cứu cho các vùng bị cô lập do lũ, sạt lở… gây ra.
Tôi cũng yêu cầu bộ phận cứu trợ phải nắm bắt tình hình từng khu vực, thông báo kịp thời nhu cầu cứu hộ của từng khu vực, nơi nào thiếu nước sạch, nơi nào thiếu thuốc men, nơi nào thiếu ăn, nơi nào thiếu quần áo… để có kế hoạch phân bổ ứng cứu. Kế hoạch là, nếu có nhiều người dân tham gia cứu trợ, thì bộ phận này phải định hướng cho họ, cần cứu trợ cái gì, ở đâu…
Rồi tôi lại tính đến sau khi bão qua, lũ rút, thì phải dọn dẹp tái thiết ra sao, kinh phí từ đâu… Cuối cùng thì tôi đã có một bản kế hoạch tổng thể và chi tiết dày cộp. Khi bão đến, cứ nhìn vô đó mà thực hiện. Nếu có phát sinh gì thì xem vô mục phát sinh, tìm đến mục các hướng giải quyết, để giải quyết phát sinh một cách phù hợp với tổng thể.
Thế rồi bão đến thật. Cái đầu tôi vô cùng kinh ngạc. Mấy cái tay, chân chúng không xem bản kế hoạch của tôi, chúng thực hiện theo kiểu chúng nghĩ, gặp đâu làm đó. Dân, ai tự cảnh báo, tự sơ tán thì sống, ai không tự cảnh báo, tự sơ tán được, thì tự chịu. Các đội cứu hộ thì cực kỳ vất vả, trèo đèo lội suối, mà hiệu quả chẳng được bao nhiêu. Đội drone thì mất hút. Trực thăng ra biểu diễn chút đỉnh rồi biến mất.
Buồn nhất là người dân nhiệt tình tham gia cứu trợ. Nhưng cái bộ phận nắm bắt tình hình từng khu vực, thông báo kịp thời nhu cầu cứu hộ của từng khu vực chẳng hiểu biến mất đâu, nên hàng cứu trợ chất đống, nhiều thứ làm ra không kịp dùng bị hư hỏng, lại phải tìm nhân lực để bỏ đi. Trong khi đó thì nhiều nơi thiếu thốn trăm bề.
Nói chung, mọi thứ cứ rối tung rối mù lên. Tôi kêu gọi, van vái mãi, bụt mới hiện lên, và bảo: “Ta chỉ bảo cho cái đầu, còn đầu phải điều khiển tay chân. Kêu ta làm chi?”. Tôi nhìn lại, cái đầu tôi đang bị đặt dưới đất, may mà chưa bị lũ quét. Trong khi tay chân thì múa may tưng bừng.
Vừa lúc ấy thì một tiếng nổ lớn vang rền, mặt đất rung chuyển. Một cơn lũ bùn đất đang ùn ùn đổ xuống. Tôi chỉ là cái đầu, không có tay chân, làm sao mà chạy. Khi bùn đất bắt đầu lấp lên đầu, lên mặt tôi, tôi ngộp thở quá và bừng tỉnh. Thì ra đó là mơ.
May mắn quá. Đó mà là thật thì tôi chết ngắc rồi. Mở Facebook ra xem. Hà Nội đến hôm nay vẫn chưa dọn xong cây đổ.
No comments:
Post a Comment