Saturday, September 28, 2024

Vì sao Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông khó thành hiện thực
Bình luận của Hà Lệ Chi
2024.09.28
RFA

Tàu hải cảnh Trung Quốc đi qua tàu của tuần duyên Philippines khi tàu của Philippines thực hiện chuyến tiếp tế đến Bãi Sabina ở Biển Đông hôm 26/8/2024
Jam Sta Rosa / AFP


Trung Quốc kêu gọi hoàn tất COC

Ngày 15/9, người phát ngôn Hải cảnh (CCG) Trung Quốc Lưu Đức Quân cho biết Bắc Kinh hối thúc Manila ngừng thổi phồng tình hình và hợp tác với Trung Quốc để đảm báo sự nghiêm túc và hiệu quả của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) (1).

Phát biểu của ông Lưu Đức Quân được đưa ra ngay sau khi tàu tuần duyên Philippines MRRV-9701 rút khỏi Bãi cạn Sa Bin vào chiều 14/9 sau 5 tháng được triển khai tại đây.

Cũng trong ngày 15/9, Trần Tương Miễu (Chen Xiangmiao), Giám đốc Trung tâm nghiên cứu hải quân thế giới tại Viện Nghiên cứu quốc gia Nam Hải, cho rằng tại Hội nghị quan chức cấp cao lần thứ 22 về thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ở thành phố Tây An (Trung Quốc), các bên đã nhất trí tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học, tìm kiếm cứu nạn, thực thi pháp luật trên biển…, đồng thời nhất trí đẩy nhanh tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) một cách linh hoạt, sáng tạo, phấn đấu sớm đạt được COC (2).

Nhưng sự thực có phải như Trung Quốc nói không?
COC là gì?

Hai thập kỷ đã trôi qua kể từ khi ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). DOC là chốt chặn trong việc ổn định kịch bản Biển Đông đầy biến động và khéo léo xử lý các tranh chấp dai dẳng trong nhiều năm qua. Tuy nhiên DOC đã bộc lộ nhiều bất cập, và cả ASEAN và Trung Quốc đều tuyên bố là mong muốn COC sớm được ký kết.

Trong nỗ lực tìm kiếm sự yên bình trong khu vực, việc hiện thực hóa Bộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông là một khát vọng chung về sự hòa hợp giữa Trung Quốc và các đối tác ASEAN.

Bộ quy tắc ứng xử (COC) là một thỏa thuận then chốt được xây dựng tỉ mỉ giữa Trung Quốc và mười quốc gia ASEAN, vạch ra các chuẩn mực quản lý hoạt động trên Biển Đông. Kể từ khi các cuộc thảo luận về COC được khôi phục vào tháng 9 năm 2013, một loạt các nỗ lực cần cù đã được tiến hành để thúc đẩy quá trình kết tinh dứt khoát của văn bản quan trọng này. Khung COC, bắt đầu vào tháng 5 năm 2017, đã được tăng cường hơn nữa với việc công bố Văn bản đàm phán Dự thảo duy nhất của COC ở Biển Đông vào tháng 8 năm 2018. Sau đó, để tượng trưng cho cam kết hợp tác, Trung Quốc và ASEAN đã nhất trí vào tháng 7 năm 2023 sẽ bắt đầu một hành trình chung kéo dài ba năm, với nhiệm vụ kết thúc các cuộc đàm phán COC vào khoảng mùa thu năm 2026.

Indonesia, với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2023, đã đi đầu trong sáng kiến ​​quan trọng nhằm đẩy nhanh các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông, đạt được sự nhất trí từ tất cả các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc. Động thái mang tính đột phá này đã được Rolliansyah Soemirat, Giám đốc Hợp tác Chính trị và An ninh ASEAN, công bố trong một cuộc họp báo tại Jakarta vào ngày 9 tháng 1 năm 2024 (3).

Để đẩy nhanh các cuộc đàm phán COC, sáng kiến ​​của Indonesia đưa ra một bộ hướng dẫn toàn diện, đánh dấu một thời điểm lịch sử khi lần đầu tiên có các hướng dẫn thực tế cho COC. Các hướng dẫn này không chỉ nhằm mục đích đẩy nhanh quá trình đàm phán mà còn cung cấp tài liệu thực chất đảm bảo hiệu quả và tính thực tế của COC.

Trong thời gian giữ chức Chủ tịch ASEAN, Indonesia đã đạt được tiến triển đáng kể trong các cuộc đàm phán COC, đạt được lần đọc thứ hai hoặc các cuộc thảo luận trong vòng thứ hai. Sự phát triển tích cực này được coi là động lực quan trọng hướng tới việc đẩy nhanh thỏa thuận về bộ quy tắc ứng xử.

Indonesia cũng đã tổ chức các cuộc đàm phán về COC giữa ASEAN và Trung Quốc vào tháng 3, tạo tiền đề cho các cuộc thảo luận đang diễn ra. Là một phần trong cam kết của mình đối với tiến trình COC, Indonesia có kế hoạch tổ chức vòng đàm phán tiếp theo vào cuối năm 2024, đóng góp hơn nữa vào việc đẩy nhanh nỗ lực ngoại giao quan trọng này.

Lý do nào khiến COC vẫn xa vời?

Tuy nhiên, hồi tháng 5 năm nay, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết bản dự thảo đầu tiên của bộ quy tắc đã được hoàn tất nhưng vẫn cần phải đàm phán. Ông nói rằng: “Những vấn đề này không dễ giải quyết và thực sự, việc đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử chắc chắn sẽ nảy sinh những vấn đề về kết quả cuối cùng sẽ như thế nào và do đó, vì câu trả lời cuối cùng rất khó khăn nên việc đàm phán về bộ quy tắc cũng sẽ mất khá nhiều thời gian”. (4)

Nhiều nhà quan sát cũng có những ý kiến tương tự. Một số nhà phân tích cho biết kể từ năm 2017, họ đã nhiều lần nghe nói rằng một bộ quy tắc ứng xử sắp ra đời, nhưng nó chưa bao giờ đến từ những bên yêu sách thực sự bất đồng quan điểm với Trung Quốc.

Lý do đầu tiên, mọi người đều biết tham vọng của Trung Quốc đối với việc kiểm soát toàn bộ Biển Đông chưa bao giời phai nhạt. Mới đây, khi đề cập đến tình hình Biển Đông bên lề Diễn đàn Hương Sơn diễn ra ngày 12-14/9, Trung tướng Hà Lôi tuyên bố ông “hy vọng Biển Đông sẽ vẫn là một vùng biển hòa bình”, nhưng đồng thời khẳng định quân đội Trung Quốc sẵn sàng “đập tan mọi hành động thù nghịch” nhắm vào “lãnh thổ, chủ quyền, lợi ích trên biển”. (5)

Với giọng điệu hù dọa, Trung tướng Hà Lôi trực tiếp cảnh cáo Mỹ: “Nếu như ở hậu trường, Mỹ sử dụng những quân cờ, đẩy một số quốc gia lên tuyến đầu hay tự họ bước lên tuyến đầu thì Quân đội Trung Quốc “sẽ không ngần ngại” đáp trả đích đáng, “quyết tâm của Trung Quốc mạnh mẽ, không có gì lay chuyển được”, nhất là giờ đây Bắc Kinh “đã có những khả năng vững chắc, những phương tiện hiệu quả” để bảo vệ chủ quyền trên bộ và trên biển. Theo lời quan chức này, căng thẳng trong vùng biển này có thể được giải quyết hay không là tùy thuộc vào thái độ của Mỹ.
Nhiều người tham dự Diễn đàn Hương Sơn ghi nhận lời lẽ của Trung tướng Hà Lôi nhằm đáp trả việc Mỹ đã cảnh cáo Trung Quốc về những tham vọng của nước này ở Biển Đông. Thứ trưởng Quốc Phòng Mỹ Michael Chase là một trong số 500 đại biểu tham dự Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh.
Lý do thứ hai, tình trạng đối đầu căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông từ đầu năm 2023 tới nay vẫn chưa hề có dấu hiệu suy giảm, mà còn tiềm ẩn nhiều xung đột quân sự trực diện.

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. cho biết tình trạng pháp lý của tranh chấp đã được làm rõ qua chiến thắng của Philippines trước Trung Quốc trong phán quyết trọng tài năm 2016 tại The Hague, Hà Lan, tuyên bố vô hiệu các yêu sách lãnh thổ rộng lớn của Bắc Kinh ở Biển Đông. Tuy nhiên, điều đáng nói là Trung Quốc đã không chấp nhận phán quyết này.

"Thật không may là mặc dù luật pháp quốc tế đã nêu rõ ràng, các hành động khiêu khích, đơn phương và bất hợp pháp vẫn tiếp tục xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của chúng tôi", Marcos cho biết (6). Căng thẳng giữa hai bên vẫn tiếp tục gia tăng thì sao có thể tin tưởng để đàm phán về COC được. Một điểm đáng chú ý khác là trong khi ASEAN từ lâu đã khẳng định rằng một bộ quy tắc ứng xử phải có tính ràng buộc về mặt pháp lý, thì Trung Quốc chưa bao giờ chấp nhận lập trường quan trọng này.

Lý do thứ ba, “ASEAN vẫn khá chia rẽ vì những bên không yêu sách không thực sự đầu tư vào việc giải quyết hoặc thậm chí quản lý vấn đề này và sẽ không mạo hiểm làm Trung Quốc bất bình thay mặt cho các thành viên khác của mình. Điều này thực sự khiến các bên yêu sách — đặc biệt là Philippines và Việt Nam — thường phải đơn độc giữ vững lập trường trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc", Greg Poling, giám đốc Sáng kiến ​​Minh bạch Hàng hải Châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết. (7)

Luigi Joble, giảng viên tại Đại học De ​​La Salle, Philippines, cho biết thách thức như vậy — sự thiếu thống nhất giữa các lập trường khác nhau của các quốc gia thành viên — "thật không may, đã trở thành vấn đề dai dẳng trong các cuộc đàm phán của ASEAN với Trung Quốc về vấn đề này, bao gồm cả Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông kéo dài hàng thập kỷ”. (8)

Joble nói thêm rằng các rào cản đối với việc hoàn tất bộ quy tắc ứng xử đã gặp phải trong suốt các cuộc đàm phán của ASEAN. Điều này đã thúc đẩy một số quốc gia có yêu sách kiểm soát các thực thể đang tranh chấp, mặc dù vi phạm luật pháp quốc tế đã được thiết lập, hy vọng rằng những diễn biến như vậy sẽ ảnh hưởng đến kết quả của các cuộc đàm phán về bộ quy tắc ứng xử.

Campuchia - Quốc gia có mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc, luôn tìm cách làm hài lòng Bắc Kinh, đặc biệt trong vấn đề Biển Đông. Campuchia cũng như Lào, đều cảm thấy không có lợi ích gì ở Biển Đông so với các lợi ích mà Trung Quốc mang lại cho họ.

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, người đã phản đối áp lực phải đứng về một bên trong cuộc đấu tranh giành quyền lực trong khu vực, gần đây cũng cho biết: "Chúng tôi không có vấn đề gì với Trung Quốc” (9). Malaysia dưới thời của Anwar đang lựa chọn lợi ích kinh tế nên muốn kết thân với Trung Quốc, cho nên họ đã luôn giữ chính sách “ngoại giao im lặng” trong vấn đề Biển Đông.

Tóm lại, tiến trình của COC đã liên tục bị trì hoãn, mặc dù năm ngoái, cả ASEAN và Trung Quốc đều hứa hẹn trong 3 năm sẽ ký kết, nhưng chuyện thất hẹn này không phải chỉ đến một lần. Với sự căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc trên Biển Đông vẫn liên tục xảy ra, khó ai có thể tin là COC sẽ có thể kết thúc năm 2026 được.

______________

Tham khảo:

1. https://www.shine.cn/news/nation/2409155096/

2. https://m.nanhai.org.cn/review_c/795.html?fbclid=IwY2xjawFZHo1leHRuA2FlbQIxMAABHdnymZL97M420sA8fiUwSvr_Qt7qfYW4W9xu8dBNeAm_rsKL_Y-XeBJJNA_aem_TZGTvHs_-znWOiVyYKruMg

3. https://politicstoday.org/indonesia-south-china-sea-code-of-conduct/

4. https://apnews.com/article/asean-australia-singapore-china-sea-code-conduct-435007827e2195611d8a3c41f8d1ae4f

5. https://www.france24.com/en/live-news/20240912-china-will-crush-foreign-encroachment-in-south-china-sea-military-official

6. https://www.reuters.com/world/asia-pacific/philippines-will-push-back-against-china-if-maritime-interests-ignored-marcos-2024-03-04/

7. https://www.voanews.com/a/asean-aims-to-conclude-south-china-sea-code-of-conduct-by-2026/7653984.html

8. https://www.voanews.com/a/asean-aims-to-conclude-south-china-sea-code-of-conduct-by-2026/7653984.html

9. https://www.nst.com.my/news/nation/2024/05/1052511/anwar-malaysia-has-no-issues-china-unaffected-us-pressure

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

* Tác giả Hà Lệ Chi là một nhà nghiên cứu độc lập, đã tốt nghiệp ngành quan hệ quốc tế ở Úc. Hà Lệ Chi đã có thời gian làm việc tại Bộ Ngoại giao Việt Nam. hiện tác giả đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.


Tin, bài liên quan
Blog

No comments:

Post a Comment