VNTB – Tô Lâm, Phạm Minh Chính đi xin đầu tưChánh Thành
28.09.2024 7:24
VNThoibao
Tài nguyên cạn kiệt nên phải coi khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu
Năm 2019, bà chủ tịch quốc hội lúc đó là bà Nguyễn Thị Kim Ngân từng nói rằng “ngân sách nhà nước như một dòng sông đã cạn”. Câu nói này cho thấy mối mọt trong bộ máy tham nhũng của đảng cộng sản cầm quyền đã hút cạn kiệt nguồn lực quốc gia, mà không thể tạo ra lợi ích gì từ tiền của dân. Cũng đúng thôi, với cơ chế cha truyền con nối, thì làm sao tuyển dụng được nhân tài phát triển tiềm lực đất nước!
Chiến lược phong tỏa chống dịch Covid năm 2020-2021 đã khiến cho các nhà đầu tư quốc tế cảm thấy bất an khi muốn làm ăn lâu dài tại Việt Nam. Từ đó rất nhiều tập đoàn lớn tìm cách rút khỏi Việt Nam để tìm nơi khác đặt nhà máy, phát triển cơ sở hạ tầng.
Cho nên những ngày qua, Tô Lâm và Phạm Minh Chính phải tất bật đi khắp nơi để kêu gọi đầu tư vào Việt Nam, với lời hứa xây dựng cơ chế chính sách thuận lợi để “đại bàng có thể yên tâm làm tổ ở Việt Nam”.
Trong chuyến đi Mỹ lần này, Tô Lâm dành khá nhiều thời gian để gặp lãnh đạo các tập đoàn công nghệ lớn. Bài phát biểu nào của tổng bí thư, chủ tịch nước Việt Nam cũng kêu gọi Hoa Kỳ đẩy mạnh hợp tác kinh tế – thương mại – đầu tư, đưa hợp tác khoa học – công nghệ, ưu tiên tìm kiếm đột phá trong các lĩnh vực mới như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi xanh; đi cùng với đó là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Còn trong nước thì Phạm Minh Chính cũng kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài gia tăng rót vốn vào Việt Nam tại phiên Đối thoại chính sách tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2024 lần thứ 5 (HEF) ngày 25/9. Ông Chính nhấn mạnh rằng khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, Việt Nam cam kết sẽ tạo “cơ chế thông thoáng, hạ tầng đang phát triển, con người và quản trị thông minh”. (1)
Có thể thấy phát triển khoa học công nghệ là chiến lược mới sau khi đã khai thác cạn kiệt rừng vàng biển bạc và tài nguyên thiên nhiên, bán rẻ sức lao động của người dân. Mặc dù đây là phương án cuối cùng để cứu vãn nền kinh tế, nhưng không dễ để thu hút các nhà đầu tư ngoại.
Tham nhũng và thiếu điện khiến đại bàng không dám làm tổ ở Việt Nam
Còn nhớ năm ngoái, Intel, nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới của Mỹ, đã tuyên bố ngừng khoản đầu tư trị giá 1 tỷ đô la vào Việt Nam để chuyển sang Ba Lan. Lý do mà hãng này đưa ra là vì tình trạng thiếu điện và quan liêu quá mức ở Việt Nam.
Việt Nam có hàng ngàn nhà máy thuỷ điện, nhiệt điện, điện gió, điện mặt trời nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu cung cấp điện ổn định của các tập đoàn điện tử. Thiếu điện là do cách vận hành rối rắm của những tập đoàn năng lượng nhà nước như EVN, PVN, TKV. Dù nguồn nhiệt điện, thuỷ điện, gió, hay mặt trời của Việt Nam là vô cùng dồi dào nhưng không thể tận dụng hiệu quả, đơn giản là vì nhóm con ông cháu cha tài ít tật nhiều đang nắm toàn quyền kiểm soát những tập đoàn năng lượng này.
Cú rút lui của Intel năm ngoái đúng ra là hồi chuông cảnh tỉnh để Việt Nam phải thay đổi chính sách về năng lượng và cơ chế quan liêu, nếu muốn thu hút đầu tư. Nhưng không! Tới tháng 5 năm nay, các quan chức Việt Nam lại kêu gọi nhà cung cấp Foxconn của Apple phải tự nguyện giảm 30% mức tiêu thụ điện tại các nhà máy lắp ráp của họ ở miền bắc để tiết kiệm điện.
Như vậy tức là Việt Nam vẫn chưa xử lý xong vấn đề thiếu điện. Chính vì vậy sau Intel là hàng loạt tập đoàn quốc tế khác phải nối đuôi nhau bay khỏi Việt Nam. Điển hình là LG Chemical cũng ngưng dự án sản xuất pin để chuyển sang Indonesia. Tập đoàn bán dẫn AT&S của Áo cũng đã khảo sát, dự kiến đầu tư, nhưng họ đánh giá rằng Việt Nam không đáp ứng được về yêu cầu hỗ trợ theo chi phí và lao động công nghệ cao không đạt tiêu chí, nên đã chuyển sang Malaysia.
Nhiều dự án khác cũng bị chững lại, gồm dự án sản xuất thiết bị y tế 500 triệu đến 1 tỷ USD tại Đồng Nai của SMC (Nhật Bản); hoặc dự án mở rộng đầu tư các thiết bị, linh kiện phụ trợ cho Apple, IBM, Sisco của Foxconn, Compal, Quanta (Đài Loan).
Hứa hẹn cho vui
Theo số liệu năm 2021 thì các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, tạo việc làm trực tiếp cho 4,6 triệu người, chiếm hơn 7% tổng số lao động của Việt Nam và hàng triệu lao động gián tiếp khác. (2)
Chính vì vậy thu hút đầu tư nước ngoài là chiến lược sống còn của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay nên phải ra sức kêu gọi đầu tư. Chuyến đi Mỹ của ông Tô Lâm đã nhận được nhiều lời hứa đầu tư vào Việt Nam, nổi bật nhất là lời hứa của Tim Hughes, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách quan hệ với chính phủ và kinh doanh toàn cầu của SpaceX, về kế hoạch đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam trong thời gian tới.
Tuy nhiên không phải cứ kêu là được, cứ hứa là làm. Có thể đây chỉ là một lời hứa như bao lời hứa khác. Còn nhớ năm ngoái chủ tịch Nvidia, ông Jensen Huang cũng tới Việt Nam và đánh giá cao tiềm năng và cơ hội của Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn và AI, đặc biệt là nguồn nhân lực của Việt Nam trong lĩnh vực này, coi Việt Nam là đối tác của Nvidia. Nhưng cuối cùng thì tháng 12/2023, Nvidia lại quyết định đầu tư xây dựng trung tâm AI trị giá 4.3 tỷ USD tại… Malaysia.
Hầu như các tập đoàn lớn đều đã tới Việt Nam, hứa hẹn, đánh giá cao, nhưng sau khi khảo sát thì họ lại chọn đầu tư vào Thái Lan, Malaysia, Indonesia chứ không bỏ tiền vào Việt Nam. Ngoài hai nguyên nhân chính ở trên là tham nhũng và thiếu điện thì Việt Nam còn mắc một vấn đề nữa là quy định phức tạp, cơ chế chính sách bất cập, giấy phép rườm rà, mỗi tỉnh một cách thực thi…
Các quan chức biết rất rõ điều này. Chính vì vậy ông Phạm Minh Chính đã nhiều lần hứa hẹn rằng sẽ “chỉnh sửa thể chế thông thoáng, tháo gỡ các vướng mắc, cản trở về thủ tục đầu tư, phân cấp, phân quyền cho địa phương nhiều hơn”… Nhưng nó cũng chỉ là lời hứa. Vì bản thân ông Chính không thể thay đổi được bộ não lề mề, quan liêu của 5 triệu đảng viên được.
Cá nhân không thay đổi được mà bây giờ muốn thay đổi cả quy trình, đổi mới cả cơ chế thì lại càng khó. Đổi mới toàn bộ như vậy thì chẳng khác nào thay đổi chế độ cộng sản bằng một chế độ khác, đó lại càng hy hữu, vì cộng sản có bao giờ chấp nhận đa đảng và dân chủ.
Cho nên các nhà đầu tư ở những nước phát triển họ cũng chỉ tới thăm, rồi hứa hẹn cho vui, chứ họ không có ngu mà rót tiền vào Việt Nam để nuôi bộ máy tham nhũng. Có chăng chỉ là những kẻ vụ lợi từ Trung Quốc, muốn dùng kinh tế để gài bẫy Việt Nam, biến nước ta thành thuộc địa kiểu mới, là sân sau cho chúng mà thôi!
__________________
Tham khảo:
(1) https://vnexpress.net/thu-tuong-keu-goi-nha-dau-tu-ngoai-tang-rot-von-vao-viet-nam-4797024.html
No comments:
Post a Comment