Saturday, September 28, 2024

Chiến tranh Liban : Israel từ chối thỏa thuận hưu chiến, tiếp tục thách thức các lằn ranh đỏ
Minh Phương
Đăng ngày: 27/09/2024 - 11:34
RFI

Cuộc xung đột tại Liban là chủ đề nóng được nhiều tờ báo Pháp số ra hôm nay, 27/09/2024, quan tâm, đặc biệt là trong bối cảnh hai nguyên thủ Pháp và Mỹ đang cố gắng thúc đẩy một thoả thuận hưu chiến ba tuần giữa Israel và Hezbollah để tránh châm ngòi cho cuộc chiến toàn diện tại khu vực Trung Cận Đông.

Những người ủng hộ Palestine diễu hành gần trụ sở Liên Hiệp Quốc để phản đối thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong phiên họp thứ 79 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ngày 26/09/2024, tại New York, Mỹ. AP - Julia Demaree Nikhinson
Quảng cáo

Cụ thể, theo Le Monde, trọng tâm của sáng kiến này là việc áp dụng nghị quyết 1701 cũng như việc hoàn thiện tuyến đường biên giới đất liền giữa Israel và Liban, cho phép thường dân ở cả hai bên được hồi hương. Nghị quyết 1701, được Liên Hiệp Quốc thông qua năm 2006, kêu gọi chấm dứt chiến sự và giải giáp tất cả các nhóm vũ trang, bao gồm cả Hezbollah, để cho phép triển khai quân đội Liban và Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Dù sáng kiến do Pháp và Mỹ đưa ra không đề cập tới cuộc xung đột với Hamas, nhưng cả hai nước đều muốn tận dụng cơ hội này để nối lại các cuộc thương lượng ngừng bắn tại dải Gaza và trao trả các tù nhân Israel-Palestine. Trong thông cáo chung đưa ra tối thứ Tư, 25/09, các nước Úc, Canada, Đức, Nhật Bản, Qatar, v.v cũng đã bày tỏ ủng hộ kế hoạch này.

Nhưng trái với mong đợi từ các quốc gia, chính phủ Israel gần như ngay lập tức bác bỏ khả năng tạm dừng cuộc tấn công. Nhật báo Le Figaro trích lời thủ tướng Benyamin Netanyahu, cho biết quân đội Israel sẽ tiếp tục cuộc chiến chống lại Hezbollah "với toàn bộ sức mạnh cần thiết". Ý định này của ông cũng được nhiều người trong chính phủ Israel ủng hộ. Le Monde trích lời bộ trưởng Tài Chính, Bezalel Smotrich, nhận định rằng cách duy nhất để giải quyết tình hình là "nghiền nát Hezbollah". Trong khi đó, một bộ trưởng cực hữu khác, Itamar Ben Gvir, đã đe dọa sẽ tẩy chay các hoạt động của chính phủ nếu Israel chấp nhận lệnh ngừng bắn tạm thời. Vẫn theo Le Monde, nếu như cuộc chiến tại Gaza gây chia rẽ dư luận Israel, do lo ngại cho sự an toàn của các con tin bị Hamas bắt giữ, thì cuộc xung đột tại Liban lại giúp đoàn kết người dân Do Thái và nâng cao sự ủng hộ với Benyamin Netanyahu. Nguyên nhân là vì cuộc xung đột với Hezbollah, lực lượng do Teheran hậu thuẫn, cho thấy sự can thiệp từ “kẻ thù lớn nhất của Israel” : Iran. 

Israel thách thức các lằn ranh đỏ

Le Monde nhận định, trước đó, chính quyền Biden đã liên tục thất bại trong nỗ lực thiết lập lệnh ngừng bắn tại Gaza. Và giờ hết lần này đến lần khác, Nhà Trắng lại chứng kiến lằn ranh đỏ của mình bị phá vỡ khi Israel tiến hành các hoạt động quân sự trong vùng lãnh thổ Palestine và Liban. Và rồi lại tới lần này, theo Le Figaro, tuyên bố mới đây của Netanyahu là sự từ chối thẳng thừng với tổng thống Joe Biden và nhiều quốc gia thuộc Liên Hiệp Châu Âu và Trung Đông.

Cũng nói về các lằn ranh đỏ, tờ Le Figaro phân tích Nhà nước Do Thái đang thách thức các giới hạn về luật chiến tranh. Trên thực tế thì các công ước Geneve không ngăn cấm chiến tranh nhưng vẫn đặt ra các nguyên tắc để giới hạn bạo lực. Mọi bên tham chiến phải phân biệt rõ ràng các mục tiêu quân sự nhằm bảo vệ dân thường. Tất cả những khái niệm này đều bị các nhóm vũ trang như Hamas hay Hezbollah phớt lờ, khi họ cố ý lẩn trốn trong dân thường để tránh các cuộc tấn công hoặc đẩy kẻ thù vào tình thế vi phạm đạo đức. Tuy nhiên, việc một bên vi phạm luật nhân đạo không có nghĩa là bên kia được phép làm điều tương tự. "Israel có quyền tự vệ trước một cuộc xâm lược, nhưng có nghĩa vụ phải làm như vậy trong khuôn khổ luật pháp quốc tế và luật nhân đạo quốc tế" tân ngoại trưởng Pháp, Jean-Noël Barrot, phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Charles Michel, cũng nhấn mạnh : "Tự vệ không có nghĩa là áp đặt một hình phạt tập thể" lên dân thường.

Tờ Le Figaro trích dẫn phân tích của bà Amélie Férey, chuyên gia về luật chiến tranh tại Ifri, chỉ trích Israel đã nhiều lần vượt qua giới hạn khi “không tôn trọng các nguyên tắc thận trọng trong chiến tranh”. Tuy vậy nhưng không phải ai cũng có cùng quan điểm này. Bà Julia Grignon thuộc viện nghiên cứu chiến lược IRSEM, Pháp lại cho rằng luật nhân đạo đã và vẫn đang bị vi phạm trên khắp thế giới. Và trong cuộc chiến mà chính quyền Netanyahu đang tiến hành, luật nhân đạo “không bị vi phạm nhiều hơn so với các cuộc chiến trước đó”. Bà cho biết : "Một số người nói rằng luật nhân đạo đang chết dần ở Trung Đông. Nhưng liệu nó có được tôn trọng ở Sudan hay không? Nó đã từng được tôn trọng ở Sierra Leone, Rwanda hay các nơi khác chưa? Điều khác biệt ở đây chỉ là truyền thông có phơi bày hay không thôi ".

Từ Mỹ tới Trung Quốc, nền hoà bình nào cho Ukraina ? 

Một chủ đề khác cũng được các tờ báo lớn của Pháp đặc biệt quan tâm, đó là hồ sơ Ukraina. Hôm qua, 26/09, tổng thống Volodymir Zelensky đã trình bày “kế hoạch giành chiến thắng” cho Ukraina với người đồng cấp Mỹ Joe Biden và phó tổng thống Kamala Harris. Phân tích cụ thể về kế hoạch này, nhật báo Le Monde cho biết Kiev vẫn đang nỗ lực tìm cách huy động phương Tây, đứng đầu là Hoa Kỳ, hỗ trợ quân sự và kinh tế cho cuộc chiến ở Ukraina. “Kế hoạch thắng lợi” còn nhằm mục đích củng cố mặt trận ngoại giao, nhất là với các nước phía Nam, với hy vọng “ép nước Nga của Vladimir Putin” chấp nhận đàm phán nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn lâu dài.

Trong khi đó, tờ Le Figaro lại phân tích về việc Zelensky lựa chọn thời điểm then chốt để đưa ra kế hoạch này. Theo đó, cuộc gặp tại phòng Bầu Dục này với nguyên thủ Hoa Kỳ là “chìa khoá cho chiến thắng của Ukraina” vì ba tháng tới sẽ mang tính quyết định với cuộc chiến của Ukraina chống quân xâm lược Nga. Giới chuyên gia tin rằng nếu phương Tây không có những hành động mang tính quyết định trong thời điểm này, thì cuộc chiến “trường kỳ” chống Nga từ mùa xuân năm 2022 sẽ nhanh chóng biến thành cuộc chiến “ngắn ngủi” với chiến thắng thuộc về Putin. Tất cả diễn ra ngay giữa chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, mà các cuộc thăm dò dự đoán là kết quả giữa Donald Trump và Kamala Harris sẽ rất sít sao.

Cả tờ Le Figaro và Les Echos đều đưa ra những phân tích về tương lai mờ mịt của Ukraina khi hai ứng viên trở thành chủ nhân của Nhà Trắng. Le Figaro nhắc lại lời hứa của cựu tổng thống Trump về việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraina “trong vòng 24h” nếu ông tái đắc cử bằng cách áp đặt một thoả thuận với Kiev. Còn Les Echos bổ sung thêm nhận định của ứng viên liên danh của Trump, J.D Vance rằng Donald Trump sẽ hướng đến giải pháp “biến đường phân chia biên giới hiện tại giữa Nga và Ukraina thành một khu vực phi quân sự”. Nhưng theo Les Echos, thoả thuận như vậy trên thực tế sẽ đồng nghĩa với việc Kiev phải nhượng lại cho Nga 20% lãnh thổ Matxcơva đã chiếm được, còn Nga thì không cần đưa ra bất kỳ khoản bồi thường an ninh nào cho Kiev, chẳng hạn như cho phép Ukraina gia nhập NATO.

Trong khi đó, ứng viên Dân Chủ Kamala Harris đã hứa sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraina nếu đắc cử. Nhưng theo Le Figaro, Hoa Kỳ cũng sẽ giảm dần các viện trợ và yêu cầu các đồng minh châu Âu “chia sẻ gánh nặng” để Washington có thể xoay chính sách sang trục châu Á, như những gì cựu tổng thống Barack Obama đã công bố.

Tuy nhiên, những mờ mịt về kết quả bầu cử tổng thống ở Hoa Kỳ không phải là vấn đề duy nhất mà Kiev đang phải lo ngại. Le Monde đánh giá là Ukraina còn phải đối mặt với khó khăn khác khi Trung Quốc và Brazil soạn thảo một bản kế hoạch hoà bình mới. Theo đó, “kế hoạch Trung Quốc” mong muốn “đóng băng cuộc xung đột” với mục tiêu là “không để Nga thất bại”. Các nhà phân tích nhận định Trung Quốc muốn thúc ép Zelensky nghe theo kế hoạch này, nếu vẫn muốn nhận được sự ủng hộ của các nước phía nam.

Kinh tế Trung Quốc : Chưa kịp phục hồi lại gặp thách thức mới 

Về thời sự châu Á, các báo Pháp đã phân tích về kế hoạch cải tổ kinh tế của Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh tổ chức họp bất thường. Nhật báo cánh tả Le Figaro trích lời các nhà lãnh đạo Trung Quốc, thừa nhận “những vấn đề mới đã xuất hiện”. Văn phòng chính trị của đảng Cộng Sản Trung Quốc còn bày tỏ mối quan ngại rõ ràng với nền kinh tế đất nước. Le Figaro nhận xét kinh tế Trung Quốc vẫn chưa phục hồi sau đại dịch Covid-19 thì lại phải đối mặt với khủng hoảng bất động sản, mức chi tiêu của các hộ gia đình suy giảm và tỷ trọng thương mại bị đe doạ khi các căng thẳng địa chính trị giữa Bắc Kinh với Hoa Kỳ và Liên Âu gia tăng.

Trước tình hình đó, chính quyền Tập Cận Bình dự định sẽ đưa ra những chính sách ở cấp độ “chưa từng có” kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Theo Les Echos, chính quyền trung ương đang chuẩn bị tung ra khoản vay bổ sung 2.000 tỷ nhân dân tệ (256 tỷ euro) để nhanh chóng thúc đẩy tiêu dùng hộ gia đình, tái cấp vốn cho chính quyền địa phương để hỗ trợ nền kinh tế và đặc biệt là thị trường bất động sản. Bắc Kinh cũng sẽ tung ra các gói an sinh xã hội khác, chẳng hạn như mỗi gia đình có hai con trở lên sẽ nhận được khoản hỗ trợ trị giá 800 tệ (102 euro) trên mỗi đứa trẻ. Le Figaro bổ sung thêm rằng Trung Quốc cũng dự định giảm lãi suất dự trữ bắt buộc và lãi suất cơ bản để hỗ trợ 4000 ngân hàng thường xuyên trong tình trạng khó khăn.

Pháp : Tân chính phủ tăng cường trục xuất người nước ngoài, dân chúng hoan nghênh  

Trở lại với thời sự nước Pháp, nhật báo Công giáo La Croix giành một bài viết để nói về việc tân bộ trưởng Nội Vụ Bruno Retailleau hứa phát triển “những vũ khí pháp lý” để tăng cường trục xuất người nước ngoài. Tuyên bố được đưa ra chưa đầy một tuần sau vụ bắt giữ một thanh niên người Maroc do tình nghi giết và giấu xác nữ sinh viên 19 tuổi Philippine Le Noir de Carlan trong một khu rừng tại ngoại ô Paris. Dù chưa thông báo rõ ràng về những “vũ khí pháp lý” mới này, nhưng theo La Croix, bộ trưởng cực hữu Retailleau đang xem xét những thay đổi “mang tính toàn diện”, có thể là về mặt hành chính, ngoại giao, hoặc thậm chí là tạo ra hẳn một điều luật mới.

Những lập trường cứng rắn của tân bộ trưởng nội vụ được dân Pháp khá ủng hộ, theo nhận định từ tờ Le Figaro. Dẫn kết quả của cuộc khảo sát của Odoxa-Backbone được công bố hôm thứ Năm, nhật báo cánh tả cho biết phần lớn người dân Pháp đồng tình với việc khôi phục tội cư trú bất hợp pháp (79%) và thắt chặt các điều kiện cấp giấy phép cư trú cho người nhập cư không có giấy tờ (78 %), bỏ viện trợ y tế nhà nước (AME) và thay bằng viện trợ y tế khẩn cấp (AMU) (69%).  Tờ báo kết luận : rất nhiều ý tưởng làm hài lòng những người ủng hộ các đảng bảo thủ Tập Hợp Dân Tộc và Những Người Cộng hòa.

No comments:

Post a Comment