Vụn về Hưng Yên (Kỳ 7)Nguyễn Thông
28-9-2024
Tiengdan
Tiếp theo kỳ 1 — kỳ 2 — kỳ 3 — kỳ 4 — kỳ 5 và kỳ 6
Như đã kể, công trình đại thủy nông Bắc Hưng Hải được coi là dòng sông nhân tạo lớn nhất miền Bắc, suốt mấy chục năm trước khi đất nước thống nhất (1975). Đó là kết quả của ý chí “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”, “thay trời chuyển đất làm lại giang sơn” mà chính quyền luôn kêu gọi dân thực hiện. Cũng khiếp.
Lúc đầu, người ta (nhất là bộ máy tuyên truyền, báo Nhân Dân, đài Tiếng nói Việt Nam) gọi nó là kênh, kênh Bắc Hưng Hải, sau thấy phải xứng với quy mô, sự đồ sộ, hoành tráng của nó, gọi lại bằng tên kiểu Tàu, thành “đại thủy nông Bắc Hưng Hải”, còn dân thì cứ giản dị “sông đào”, “kênh Bắc Hưng Hải”.
Lúc còn bé, tôi chỉ biết nó qua bài học lớp 3 “Đại thủy nông Bắc Hưng Hải”, nhưng anh tôi đọc nhiều, biết nhiều, bảo rằng, nó là dòng sông nhân tạo lớn thứ nhì từ trước tới nay tại Việt Nam.
Thứ nhất là kênh/ kinh Vĩnh Tế ở miền Nam thời nhà Nguyễn. Kênh này do ông quan trấn thủ Nguyễn Văn Thoại (tức Thoại Ngọc Hầu) khởi xướng, chỉ huy dân đào đắp, chạy dài mấy chục cây số, kéo từ An Giang tới tận Kiên Giang, vừa là công trình thủy lợi (cấp nước tưới và thoát lũ lụt, nói ngắn gọn là tưới tiêu) cho đồng ruộng mấy tỉnh, vừa cho giao thông, và nhất là tạo tuyến phòng thủ bảo vệ biên cương, v.v..
Đào xong, ông Thoại xin vua đặt tên kênh. Vua quyết ngay, kênh Vĩnh Tế, tên bà vợ ông Thoại. Công nhận vua thế mới là vua. Vì vậy, nó có tên kênh Vĩnh Tế. Còn dân kính phục, biết ơn ông Thoại thì gọi bằng cả tên kênh Thoại Ngọc Hầu, kênh Nguyễn Văn Thoại. Đều là một. Yêu vợ, trọng vợ, nước nam ta nhất ông Thoại; cụ Tú Mỡ cũng không bằng, mấy anh tôi bảo vậy.
Lại nói, miền Bắc những năm ấy làm công trình thủy lợi nhiều lắm. Cái thì đào sâu vào đất, cái thì móc đất lên đắp hai bờ thành kênh. Đều gọi theo kiểu Tàu, lớn là đại thủy nông, vừa thì trung thủy nông, nhỏ thì tiểu thủy nông. May mà mà sự Tàu hóa mới chỉ dừng ở mức ấy hoặc mấy thứ lặt vặt, mặc áo đại cán chẳng hạn.
Ở huyện Kiến Thụy (TP Hải Phòng) quê tôi, những năm 60 có hai tuyến trung thủy nông. Một cái từ xã Hữu Bằng, qua các xã Thanh Sơn, Thụy Hương, Đại Hà, Tân Trào, bơm nước sông Đa Độ tưới cho cả nghìn hecta ruộng. Một cái lớn hơn lấy nước từ sông Văn Úc tưới cho vùng mấy xã Kiến Quốc, Du Lễ, Ngũ Phúc, Thạch Lựu… Đám chúng tôi, cứ sau buổi đánh dậm, mò cua bắt ốc, lại kéo nhau ra cống thủy nông tắm táp, nhảy thùm thùm.
Phải công nhận, những con kênh đê hoặc sông đào ấy thật kỳ vĩ, cứ tưởng sẽ còn mãi với thời gian, vậy mà cái trung thủy nông sông Đa Độ tôi vừa kể, giờ không còn chút dấu tích nào. Người ta đã san bằng, thay vào đó là nhà, nhà, nhà. Ruộng cũng ít hẳn, chỉ còn tí tẹo, cần gì tới thủy nông thủy niếc. Muốn gạo ăn, đã có Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, đủ nuôi cả nước. Để Nam Bộ buồn, có mà đói rã họng.
Đại thủy nông Bắc Hưng Hải cũng số phận tương tự. Bữa trước, một bác đọc xong mấy kỳ đầu, nhắn cho tôi, ông ơi, đại thủy ấy chỉ còn trong dĩ vãng thôi. Giờ nó là dòng nước đen ô nhiễm nặng, ở gần không chịu nổi. Mà bị người ta lấn lấp gần hết rồi, nhỏ hẹp như cái rãnh nước thải, cảnh “nước sông về/ tưới khắp ruộng đồng quê/ lúa ngô khoai tốt bội/ nỗi vui sướng tràn trề” chỉ còn trong ký ức đám U70 ngược về trước thôi. Kể cũng buồn.
Bắc Hưng Hải chảy qua ba tỉnh nhưng nhiều nhất trên đất Hưng Yên. Có nhẽ thế nên nó gắn với Hưng Yên nhiều hơn cả. Một trong những sự tích về Hưng Yên và Bắc Hưng Hải là chuyện bà Phạm Thị Vách. Bà Vách người Hưng Yên, nổi tiếng làm thủy lợi. Tuổi đôi mươi, bà đã [là] chiến sĩ thi đua toàn quốc (chính quyền cứ nói vống lên thế, thực ra toàn miền Bắc, làm chi mà toàn quốc).
Khi khởi công đại thủy nông Bắc Hưng Hải, bà Vách như cá gặp nước, có đất dụng võ, nổi bần bật. Cả nước, quên, cả miền Bắc học tập, noi gương. Báo chí, nhà văn, nhà thơ, kéo đàn kéo lũ về Hưng Yên gặp, viết ca ngợi bà trẻ. Cụ Hồ cũng vài lần gặp cháu Vách, tặng huy hiệu. Bà trẻ được phong anh hùng lao động, nổi tiếng chả khác gì anh hùng đánh Pháp Nguyễn Thị Chiên “tay không bắt giặc”.
(Chắc nhiều người còn nhớ: Hôm ấy, giặc đi càn đông. Chị Chiên cùng trung đội du kích đã phục sẵn. Tên quan hai Pháp lò dò đi vào trận địa. Bắn nó thì lộ, bọn giặc có thể bao vây lại ta. Chị xông ra, nhanh như cắt, giật khẩu tiểu liên chĩa vào nó, bắt hàng…).
Họ tuyên truyền, ca ngợi nữ thanh niên Phạm Thị Vách, nông dân ở Hưng Yên nhà rất nghèo, sống thiếu thốn cực khổ nhưng suốt ngày lăn ra đồng làm thủy lợi. Nhà thơ Xuân Thiêm (quê Hưng Yên) còn viết hẳn bản trường ca bốc chị lên tận mây xanh, trong đó có chi tiết chị Vách đào kênh lấn vào đất nhà một ông trung nông, ông này ra cản, chị Vách xốc tới, vật ông ngã lăn đùng, rồi cứ thế đào hùng hục. Ông kia chịu thua, giận nhưng khen chị Vách: “Về nhà mắng chó chửi gà/ Giỏi thay, con gái đàn bà mà ghê”. Chị được phong anh hùng lao động, cứ có đại hội, hội nghị gì long trọng là được xe từ Hà Nội rước về, ngồi hẳn trên đoàn chủ tịch, cạnh cả cụ Hồ.
Nhắc tới nhà thơ Xuân Thiêm, lại nhớ trong cuốn “Chân dung văn học” nổi tiếng của bác Xuân Sách có “bức” chân dung Xuân Thiêm: “Thơ ông tang tính tang tình/ Cây đa bến nước mái đình vườn dâu/ Thân ông mấy lượt lấm đầu/ Miếng mồi danh lợi mắc câu vẫn thèm”. Cùng là Xuân, Xuân viết về Xuân quá tài. Xuân Sách mãi đỉnh.
(Còn tiếp)
No comments:
Post a Comment