Saturday, September 28, 2024

VNTB – VNTB – Tây Nguyên: Máu và nước mắt ( bài 9)
Quang Nguyên
28.09.2024 8:55
VNThoibao



(VNTB) – Chỉ thị số 1 yêu cầu các tổ chức tôn giáo phải cam kết không cho phép tín đồ tổ chức hoặc tham gia biểu tình, bạo loạn và các tổ chức “phản động” như Tin lành Dega hoặc FULRO.

 Bài 9: Xoá bỏ Tin Lành Dega

Bài 1: Tây Nguyên và thú dữ.

Bài 2: Tây nguyên đang đi về đâu?

Bài 3: Buôn làng Tây Nguyên bị phá vỡ

Bài 4: Chính sách di dân tai hại lên Tây Nguyên

Bài 5: Người Thượng Tây Nguyên – Con Giun bị xéo mãi

Bài 6: Hai cuộc biểu tình 2001, 2004 tại Tây Nguyên

Bài 7: Đàn áp tự do tôn giáo tại Tây Nguyên

Bài 8: Đàn áp tiếp nối đàn áp

Các tổ chức tôn giáo bị buộc chặt chân tay khi phải gia nhập các tổ chức tôn giáo công cụ của chính quyền và phải xin phép hoạt động. Chính phủ tuyên bố thẳng thừng rằng tự do tôn giáo là một đặc quyền do chính phủ cho và cấp phép, chứ không phải là quyền cơ bản của con người.(*)

Đài Tiếng Nói Việt Nam lên tiếng, “Khi cái gọi là tôn giáo trở thành công cụ trong tay những kẻ xấu, nó phải bị coi là xấu xa và bất hợp pháp và phải bị loại bỏ.”

Luật ban hành năm 2005, Chỉ thị số 1, nêu rõ các yêu cầu cụ thể đối với các nhóm Tin Lành. Để ‘đăng ký’, nghĩa là để xin được phép hoạt động, họ phải nộp đơn cho chính quyền địa phương, cung cấp tên, ảnh và lý lịch của những người theo đạo. 

Các tổ chức tôn giáo phải cam kết không cho phép tín đồ tổ chức hoặc tham gia biểu tình, bạo loạn và các tổ chức “phản động” như Tin lành Dega hoặc FULRO. Chỉ thị số 1 củng cố lập trường chính thức lâu nay của chính phủ rằng Tin Lành Dega không phải là một tôn giáo hợp pháp.  Do đó chính quyền có cơ sở pháp lý để buộc những người Thượng theo đạo Thiên Chúa phải tham gia Hội Thánh Tin Lành Miền Nam Việt Nam nếu không sẽ phải đối mặt với các hình phạt hình sự.

Các tiêu chí đăng ký vô cùng hạn chế đã vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã tham gia. Các nhóm tôn giáo không đáp ứng các tiêu chí theo yêu cầu có thể bị từ chối cấp phép hoạt động. Trên thực tế, các nhóm không được cấp phép trở thành tổ chức bất hợp pháp và dễ bị chính quyền gây sức ép, đàn áp. 

Các cuộc đàn áp và hạn chế của chính phủ đối với những người Thượng Tin lành Dega đã tác động đến nhiều tín đồ Cơ đốc người Thượng cho dù là có theo đạo Tin Lành Dega hay không.

Chính quyền Việt Nam ép buộc người Thượng công khai bỏ đạo dù trong Nghị định 22 có quy định cấm việc cưỡng bức từ bỏ đức tin. 

Trong suốt năm 2010 và đầu năm 2011, hàng trăm người Thượng ở Tây Nguyên đã bị ép buộc từ bỏ Tin Lành trong các buổi ’làm việc’ riêng với công an hoặc chính quyền địa phương và phải ký các bản cam kết theo ý công an. 

Các phương tiện truyền thông nhà nước thường xuyên đưa tin về các buổi lễ công khai bỏ đạo (*). Trong một buổi lễ ngày 24 tháng 9 năm 2010, tại huyện Ia Suom, Gia Lai, 24 người đã “tự nguyện” cam kết từ bỏ Tin lành Dega và FULRO để hòa nhập với cộng đồng, theo một bài trên tờ Quân đội Nhân dân. Quan chức Gia Lai đã phối hợp chặt chẽ với bộ chỉ huy quân sự tỉnh, các già làng, bô lão và gia đình của những người “bất trị” để thay đổi họ.

Dưới đây là một số vụ những người dân thường bị gây sức ép, cưỡng bức buộc phải công khai từ bỏ tôn giáo của họ, hoặc bị quấy rối và cáo buộc có các hoạt động chính trị tại các buổi lễ tố cáo công khai trong năm 2010.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Chư Prông nói vào tháng 9 năm 2010, “Sau một cuộc đấu tranh, những kẻ cầm đầu phản động đã cúi đầu, thú nhận tội ác và tự nộp mình để xem xét trước nhân dân trong làng.”

Vào ngày 6 tháng 6 năm 2010, trong một buổi lễ phát động “phong trào quần chúng bảo vệ an ninh quốc gia” tại huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông, ông Y Brim và Y K Rum bị buộc công khai thú nhận đã ủng hộ Tin lành Dega và FULRO.

Ngày 12 tháng 7 năm 2010, phương tiện truyền thông nhà nước đưa tin 97 hộ gia đình, gồm 297 người, đã “tự nguyện” từ bỏ Tin lành Dega tại các làng Tok và Roh, huyện Chư Sê, Gia Lai.

50 người ở bốn buôn ở huyện Đức Cơ, Gia Lai đã bị triệu tập, bị kiểm điểm công khai vì tội “phá hoại an ninh trật tự” vào ngày 25 tháng 8 năm 2010. Sau khi buộc phải thừa nhận hành vi sai trái, 50 người dân này đã cam kết từ bỏ FULRO và Tin lành Dega.

Vào tháng 10 năm 2010, báo chí nhà nước đưa tin 567 hộ gia đình có liên quan đến Tin Lành Dega đã cam kết “từ bỏ” tôn giáo ở huyện Krong Pa, Gia Lai. Chủ tịch xã hàng ngày đến “thăm hỏi” gây áp lực với 15 hộ gia đình còn lại phải cam kết bỏ đạo.

Vào tháng 11 năm 2010, “Cuộc đấu tranh xóa bỏ Tin lành Dega” diễn ra ở các huyện Ia Grai và Đức Cơ ở Gia Lai.  Bộ đội biên phòng đập tan “các băng nhóm phản động” Tin lành Dega ở các khu vực biên giới và đưa ra kiểm điểm công khai.”

2010: Bất ổn nông trường cao su

Vụ đụng độ giữa người dân Chư Prong với công an, bảo vệ và công nhân công ty Cao Su Chư Prong kéo dài hơn 2 tháng từ 10/6 đến 26/8 với hàng trăm người liên quan. Người Thượng đụng độ với bảo vệ nông trường cao su ở huyện Chư Prông, Gia Lai (chi tiết, xem Phụ lục). 

Vì vậy chính quyền tăng cường tấn công vào Tin Lành Dega. Chính quyền quy kết Tin Lành Dega cùng với những người Thượng ở nước ngoài đã kích động tình hình bất ổn. Chính quyền đã tăng cường sự hiện diện của an ninh tại ba huyện biên giới Đức Cơ, Ia Grai và Chư Prông, và mở rộng truy tìm các lãnh đạo Tin lành Dega ‘ngoan cố.’

Phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc

Đầu năm 2010, chiến dịch loại bỏ “phản động” và đảm bảo an ninh trật tự ở Tây Nguyên đã gần đến ngày hoàn thành mục tiêu sau 3 năm. Vào tháng 4, phó giám đốc công an tỉnh Đắk Lắk đã báo cáo về thành công của chiến dịch trong việc đấu tranh chống lại các hoạt động tôn giáo bất hợp pháp và các nhóm “lợi dụng tôn giáo” để chống lại cách mạng. Ông cho biết công an đã đấu tranh ngăn chặn ‘Tin lành Dega’ phát triển trở lại.” 

Báo Gia Lai cho biết Chiến dịch đã vạch trần hàng ngàn đối tượng, trong đó có những đối tượng cung cấp căn cứ ngầm cho FULRO, thuyết phục 284 đối tượng ra đầu thú, và phá hủy 14 tổ chức giúp người dân chạy sang Campuchia. Tiếp nhận 229 người hồi hương [từ Campuchia], và xóa sổ gần 90 mạng lưới ngầm của những kẻ phản động FULRO và Tin lành Dega. Bắt giữ 45 người, trong đó có những người đã được thuyết phục đầu hàng. Xóa sổ 5 nhóm FULRO đang ẩn náu cũng như truy đuổi và bắt giữ những thủ lĩnh FULRO đã trốn vào rừng để tiếp tục gây rối. Tịch thu 106 điện thoại di động, thẻ SIM và một số tài liệu phản động.

Vào tháng 8, phương tiện truyền thông nhà nước đưa tin về một chiến dịch loại bỏ những người Tin lành Dega của công an ở huyện Krong Pa, Gia Lai. 

 “Chỉ trong một thời gian ngắn, Công an huyện Krong Pa đã kịp thời phát hiện ra tội phạm và triệt phá chúng; buộc tội phạm phải thú nhận đã âm mưu và sử dụng thủ đoạn để lợi dụng đạo Tin lành để hoạt động cho FULRO chống lại chính quyền. Chính quyền đã can thiệp kịp thời, ngăn chặn các âm mưu kích động biểu tình và bạo loạn trong huyện.” 

Ngày 25 tháng 8 năm 2010, công an đã bắt giữ bốn người Tin lành Dega hàng đầu ở Chư Prông: Ro Mah Hit, Kpuih Do, Kpa Thom và Ro Lah K’lanh vì tội kích động “cướp bóc và gây rối dân sự”. Theo Báo Gia Lai, công an đã phát hiện danh sách người tham gia hội họp hoặc quyên tiền cùng một số giấy tờ liên quan đến những người đang bị giam giữ cùng các đĩa VCD tuyên truyền về cái gọi “Tin lành Dega” và “Nhà nước Dega”. 

Chính quyền huyện Chư Prông đã huy động lực lượng dân phòng tại bảy xã và địa phương để giải quyết tình trạng Tin Lành Dega tái phát trong huyện và bắt giữ các “mục tiêu” chủ chốt. Báo Gia Lai dẫn lời ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Một số đối tượng lén lút hoạt động chống phá Nhà nước, trộm mủ cao su, cướp tài sản của nhân dân”.

Ngày hôm sau, 26 tháng 8, một vụ “gây rối” khác đã xảy ra tại Chư Prông, theo báo Gia Lai sau khi bảo vệ của công ty cao su bắt giữ một người “trộm” mủ cao su. Sau đó hơn 70 người Thượng từ 2 buôn đã đến công ty gây bạo loạn.

Lực lượng an ninh đã bắt giữ và giam giữ người dân ở Chư Prông vào tháng 8 và tháng 9 đồng thời phong tỏa một số huyện khác ở Gia Lai. 

Trong khi đó, chính quyền bắt đầu tăng cường các phiên tố cáo công khai tập trung vào những người theo đạo Tin Lành Dega bị cáo buộc có liên quan đến tình trạng bất ổn ở Chư Prông và các huyện biên giới giáp ranh là Đức Cơ và Ia Grai. 

Vào ngày 18 tháng 9, chính quyền tỉnh đã thông báo rằng Tin Lành Dega và FULRO đang “tích cực phục hồi” ở ba huyện Ia Gra, Chư Prông và Đức Cơ và lan rộng

Từ năm 2001, ít nhất 25 người Thượng đã chết trong tù, hoặc trại tạm giam của công an vì bị đánh đập hoặc bị bệnh trong thời gian ở tù, hoặc ngay sau khi được thả cho đi bệnh viện hoặc về nhà. 

Chính quyền đã bắt giữ Y Ben Hdok tại tỉnh Đắk Lắk vào cuối tháng 4 năm 2008 liên quan đến việc các cuộc biểu tình vào đầu tháng 4 tại Đắk Lắk và việc một số người trong buôn trốn sang Campuchia. Công an đã giam ông tại Buôn Ma Thuột, ba ngày mà không thông báo cho gia đình ông biết tin.

Ngày 1 tháng 5 năm 2008, công an thông báo cho vợ của Hdok rằng ông đã tự tử trong giờ nghỉ thẩm vấn và yêu cầu gia đình nhận thi thể tại bệnh viện. Người nhà của ông Hdok cho biết ông bị vỡ đầu, gãy xương sườn, chân và gãy cả răng.

Chính quyền đàn áp người Thượng rất dã man trên mọi mặt, từ tôn giáo đến đất đai và chính trị không dứt.

Ngày 20/9/2024 Cổng thông tin điện tử công an Quảng Bình còn đưa tin đã xóa bỏ được “Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyện” tại tỉnh uỷ Phú Yên.  Tỉnh đã thành lập tổ công tác gồm 14 cán bộ lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, vận động đấu tranh xoá bỏ giáo phái này.  Huyện uỷ, UBND huyện Sông Hinh ban hành và triển khai kế hoạch “Đấu tranh, ngăn chặn hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia của các đối tượng FULRO, “Tin Lành Đêga”, và Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyện”.

Báo cáo về tình hình tự do tôn giáo năm 2024 của USCIRF yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ liệt Việt Nam vào danh sách “quốc gia đặc biệt đáng quan ngại” hoặc các quốc gia đặc biệt quan tâm vì đã vi phạm tự do tôn giáo có hệ thống, liên tục và nghiêm trọng, theo định nghĩa của Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRFA) (***)

_________________

Tham Khảo:

(*) https://www.hrw.org/reports/vietnam0311vi_annex_0.pdf

(**)https://congan.quangbinh.gov.vn/xoa-bo-tin-lanh-dang-christ-tay-nguyen-o-song-hinh-ky-1/

(***)https://www.uscirf.gov/sites/default/files/2024-05/USCIRF%202024%20Annual%20Report.pdf

https://www.hrw.org/news/2002/04/23/vietnams-repression-montagnards

https://www.hrw.org/news/2011/03/30/vietnam-montagnards-harshly-persecuted      https://www.americamagazine.org/issue/773/signs/montagnard-christians-targeted-political-security-units

No comments:

Post a Comment