Trung Quốc dùng ‘quân bài Okinawa’ trước lập trường của Nhật về Đài Loan
Nguồn: Katsuji Nakazawa, “China moves to play ‘Okinawa card’ over Japan’s Taiwan stance,” Nikkei Asia, 12/09/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
18/09/2024
NghiiencuuQT
‘Trung tâm nghiên cứu Lưu Cầu (Ryukyu)’ có thể đảo ngược quan điểm của Bắc Kinh kể từ thời Mao.
Liệu chiến lược của Trung Quốc đối với Nhật Bản sẽ thay đổi đáng kể? Mối lo này chắc chắn đã nảy sinh sau khi một máy bay thu thập thông tin tình báo Y-9 của quân đội Trung Quốc vi phạm không phận Nhật Bản ngoài khơi tỉnh Nagasaki hồi cuối tháng 8.
Đến đầu tháng này, Trung Quốc lại tiếp tục thực hiện một động thái chưa từng có khác.
Một nhà nghiên cứu am hiểu quan hệ giữa hai nước nói với Nikkei rằng: chiến lược Nhật Bản của Trung Quốc hiện đã nhắm đến tỉnh Okinawa và họ “sắp thực hiện bước đi nguy hiểm đầu tiên.”
Vào ngày 03/09, Tinh Đảo Nhật báo, một tờ báo của Hong Kong, đưa tin rằng Đại học Hàng hải Đại Liên có kế hoạch mở “một trung tâm nghiên cứu Lưu Cầu” (Ryukyu trong tiếng Nhật) để tiến hành nghiên cứu về Okinawa. Quần đảo Lưu Cầu là tên gọi cũ của tỉnh cực tây của Nhật Bản, nơi từng là Lưu Cầu Quốc trong 450 năm, từ năm 1429 đến năm 1879.
Nếu được thành lập, đây sẽ là trung tâm nghiên cứu đầu tiên chuyên về Okinawa tại một cơ sở giáo dục đại học ở Trung Quốc. Trường đại học liên kết với quân đội này hiện có trụ sở đặt tại thành phố cảng Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc.
Nhiều bài đăng trên mạng xã hội Trung Quốc xác nhận rằng một cuộc họp đã được tổ chức vào ngày 01/09 nhằm chuẩn bị cho việc thành lập trung tâm nghiên cứu Lưu Cầu, với sự tham dự của hơn 20 nhà nghiên cứu đến từ các học viện hàng đầu của Trung Quốc, bao gồm Đại học Bắc Kinh, Đại học Phục Đán, Đại học Nam Kinh, và Đại học Vũ Hán cũng như Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, đơn vị trực thuộc Quốc vụ viện, tức chính phủ Trung Quốc.
Động cơ của Bắc Kinh đằng sau việc mở trung tâm nghiên cứu Lưu Cầu là gì? Tiêu đề của bài viết trên tờ báo Hong Kong nhắc đến “quân bài Lưu Cầu,” ẩn ý rằng Trung Quốc đang chuẩn bị đưa vấn đề về tình trạng của Okinawa như một phần của Nhật Bản trở thành vũ khí chính để cảnh báo Tokyo không can thiệp vào vấn đề Đài Loan, vốn được Bắc Kinh tuyên bố là vấn đề nội bộ. Động thái này diễn ra vào thời điểm Nhật Bản và Mỹ đang tăng cường hợp tác an ninh, trong đó đặc biệt chú ý đến khả năng xảy ra một cuộc xâm lược Đài Loan.
Dấu hiệu báo trước sự thay đổi này đã xuất hiện cách đây 11 năm, ngay sau khi Tập Cận Bình trở thành Chủ tịch Trung Quốc, trong một “sự điều chỉnh hướng đi” liên quan đến lập trường của Trung Quốc đối với Okinawa.
Vào ngày 08/05/2013, tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã xuất bản một bài viết tuyên bố rằng “đã đến lúc vấn đề Lưu Cầu chưa được giải quyết trong lịch sử nên được thảo luận lại.” Bài viết này được cho là dựa trên tiền đề của Bắc Kinh rằng Lưu Cầu Quốc là một chư hầu của Trung Quốc thời nhà Minh và nhà Thanh.
Đây là lần đầu tiên tờ Nhân dân Nhật báo kết luận rằng tình trạng của Okinawa là “chưa được giải quyết.” Bài viết thậm chí còn khẳng định, dù là gián tiếp, rằng Trung Quốc có chủ quyền đối với Okinawa. Diễn biến này đã khiến chính phủ Nhật Bản và tỉnh Okinawa phải sửng sốt.
Vào thời điểm đó, một số nhân vật liên quan đã tiết lộ những điều đã xảy ra ở hậu trường trước khi bài viết được xuất bản.
Họ nói rằng Ban Tuyên giáo của Đảng Cộng sản đã ban hành một chỉ thị thảo luận lại tình trạng của Okinawa, với mục đích làm suy yếu lập luận của Nhật rằng quần đảo Senkaku ở Biển Hoa Đông là một phần không thể tách rời của lãnh thổ nước này và thuộc về Okinawa.
Bài viết trên tờ Nhân dân Nhật báo xuất hiện chỉ vài tháng sau khi làn sóng biểu tình phản đối Nhật Bản lan rộng khắp Trung Quốc vào tháng 9/2012 nhằm phản đối việc Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo Senkaku, nơi mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là quần đảo Điếu Ngư.
Đáp lại chỉ thị của Ban Tuyên giáo, Hoàn cầu Thời báo, một tờ báo trực thuộc Nhân dân Nhật báo, thậm chí còn đăng một bài xã luận nói rằng Trung Quốc nên ủng hộ việc Okinawa giành độc lập khỏi Nhật Bản trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.
Từ đó đến nay, đề xuất thảo luận lại về tình trạng của Okinawa vẫn tiếp tục âm ỉ ở Trung Quốc.
Ít nhất một trong số những người có liên quan đến việc xuất bản bài báo năm 2013 của tờ Nhân dân Nhật báo vẫn đang giữ vị trí quan trọng, có ảnh hưởng đến hướng nghiên cứu Lưu Cầu của Trung Quốc. Bài báo và động thái gần đây nhằm mở trung tâm nghiên cứu Lưu Cầu có mối liên hệ chặt chẽ với nhau dù chúng xuất hiện cách nhau tận 11 năm.
Một bài viết được đăng trên trang nhất của tờ Nhân dân Nhật báo vào ngày 04/06/2023 cũng khiến một số người phải nhíu mày. Trong bài viết này, Chủ tịch Tập, người cũng là Tổng bí thư Đảng Cộng sản, đã nói chi tiết về lịch sử của quần đảo Lưu Cầu, nhắc đến nhóm người được gọi là “36 gia đình người Mân.”
Thuật ngữ này ám chỉ những người di cư từ tỉnh Mân, nay là tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc, đến Lưu Cầu vào cuối thế kỷ 14, trong những ngày đầu của triều đại nhà Minh. Ở Nhật Bản, nhóm này được gọi là “kume sanjuroku sei.”
Lịch sử của Đại học Hàng hải Đại Liên cũng cho thấy ý định chiến lược của Trung Quốc khi đặt trung tâm nghiên cứu Lưu Cầu tại đây.
Trên trang web của mình, trường đại học này tự giới thiệu là một tổ chức giáo dục được “quản lý bán quân sự” kể từ những năm 1960, nghĩa là trường không nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của quân đội nhưng vẫn có liên hệ chặt chẽ với quân đội. Để “phát triển trường đại học,” Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc (hiện đã bị giải thể và các chức năng của nó đã được chuyển giao cho Hải Cảnh Trung Quốc) đã tham gia cùng với Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Giáo dục.
Hải Cảnh Trung Quốc hiện đang trực thuộc Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân dân, nằm dưới sự chỉ huy của Quân ủy Trung ương, cơ quan ra quyết định quân sự hàng đầu của Trung Quốc, do Tập Cận Bình đứng đầu. Trong những năm gần đây, Hải Cảnh Trung Quốc thường xuyên xuất hiện trên các bản tin trang nhất khi các tàu của họ liên tục xâm phạm vùng biển Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku, và bắn vòi rồng hoặc va chạm với các tàu của Lực lượng Tuần duyên Philippines ở Biển Đông.
Nằm gần cảng hải quân Lữ Thuận và được biết đến nhiều hơn với tên gọi cũ là Cao đẳng Hàng hải Đại Liên, Đại học Hàng hải Đại Liên hiện đang là cơ sở giáo dục đại học hàng đầu của Trung Quốc về đào tạo thủy thủ và đã tuyển sinh nhiều sinh viên nước ngoài từ Sri Lanka, các nước châu Phi, cùng những nơi khác.
Trung Quốc đã nhấn mạnh nhu cầu trở thành “một cường quốc hàng hải” dưới thời của Tập, và Đại Liên đóng vai trò quan trọng trong việc theo đuổi mục tiêu đó. Tại một buổi nghiên cứu nhóm của Bộ Chính trị đầy quyền lực của Đảng Cộng sản vào ngày 30/07 vừa qua, Tập đã kêu gọi hiện đại hóa “phòng thủ biên giới, bờ biển, và vùng trời” của Trung Quốc để đảm bảo chúng “mạnh mẽ và vững chắc.”
Tuy nhiên, việc thảo luận lại tình trạng của Okinawa là hoàn toàn trái ngược với lập trường trước đây của chính phủ Trung Quốc.
Hồi những năm 1960, Mao Trạch Đông, nhà sáng lập nước “Trung Quốc mới” – tức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa – đã công nhận Okinawa là một phần của Nhật Bản và đã ủng hộ một cách rõ ràng việc Mỹ trả lại Okinawa cho Nhật Bản sau khi quản lý quần đảo này từ sau Thế chiến II đến năm 1972.
Nếu Trung Quốc đặt ra vấn đề về tình trạng của Okinawa một cách nghiêm túc trong thời Tập, họ sẽ thách thức quan điểm truyền thống của Đảng Cộng sản kể từ thời Mao. Và nếu động thái như vậy được xem là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đã sẵn sàng hướng sức mạnh quân sự hàng hải toàn diện của mình tới Okinawa, tình hình địa chính trị khu vực sẽ nhanh chóng trở nên căng thẳng.
Okinawa là nơi tập trung nhiều căn cứ quân sự của Mỹ theo các điều khoản của liên minh Nhật-Mỹ. Nếu Trung Quốc thay đổi lập trường về tình trạng của Okinawa, họ sẽ phải chuẩn bị cho cả một cuộc đụng độ với lực lượng Mỹ.
Trung Quốc rõ ràng đang chuẩn bị phản đối những gì họ xem là sự can thiệp của Nhật Bản vào vấn đề Đài Loan bằng cách nêu ra tình trạng của Okinawa. Nhưng việc chính trị hóa các nghiên cứu lịch sử theo cách như vậy là rất nguy hiểm và có thể phản tác dụng.
Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.
No comments:
Post a Comment