Monday, September 16, 2024

Những cái khó của TBT — CTN Tô Lâm khi qua Mỹ
Trần Đông A
16/09/2024
VOA

Trong bối cảnh cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam có thể tận dụng sự quan tâm chiến lược của Mỹ và các đồng minh trong “khu vực Indo – Pacific” để củng cố quan hệ song – đa phương. Hình: Ông Tô Lâm hội kiến Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, 19 tháng Tám.


Ông Tô Lâm đến Hoa Kỳ sau nạn hồng thủy hiện vẫn đang tàn phá Việt Nam. Cơn bão kinh hoàng ấy để lại những sang chấn thật nặng nề. Tuy nhiên, “cơn bão Yagi” của lòng người vẫn còn ở phía trước.

Vượt qua các nhân tố gây nhiễu

Thiên tai như cơn bão Yagi vừa qua thật đáng sợ! Nhưng “những cơn bão của lòng dân” có thể còn đáng sợ hơn. Tổng Bí thư – Chủ tịch nước (TBT - CTN) và các vị lãnh đạo nên ưu tiên tập trung vào các nhiệm vụ đại sự, như lo bảo vệ chủ quyền và cải cách thể chế, hơn là những hành động mang tính biểu tượng. Việc này có thể được giao cho lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp. Được biết, TBT - CTN Tô Lâm đang chuẩn bị tham dự “Hội nghị thượng đỉnh tương lai Liên hợp quốc” và phát biểu tại thảo luận cấp cao của khóa họp 79 của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc (ĐHĐ/LHQ) là để đúc kết kinh nghiệm, đảm bảo cho quốc gia – dân tộc vượt qua những khó khăn về kinh tế, xã hội và môi trường có thể còn lớn hơn trong tương lai.

Khó khăn/thách thức đầu tiên TBT - CTN phải đối mặt, là tiến hành buổi Đối thoại chính sách tại Đại học Columbia, mà người điều phối là Giáo sư Nguyễn Thị Liên Hằng, Giám đốc Viện Weatherhead East Asian Institute (1). Buổi đối thoại nằm trong chương trình chính thức của ông Tô Lâm nhân dịp TBT - CTN dự kiến tham gia “Thượng đỉnh Tương lai LHQ” để tạo sự đột phá và thay đổi về tư duy, tăng cường cam kết và hành động. Thông tin Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) thăm Mỹ được chính ông Tô Lâm đề cập tại Hội nghị gặp mặt các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước sáng 15/8/2024, theo tờ Diplomat (2). Nhưng tại sao trước chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo, lại chỉ trích “người sẽ điều phối” cuộc Đối thoại với TBT - CTN? Theo trang mạng trelangblog.com, Giáo sư Nguyễn Thị Liên Hằng bị tố cáo là đã viết sách xuyên tạc lịch sử Việt Nam (3). Chưa dự đoán được, màn đối thoại sẽ diễn ra thế nào?

Khó khăn/thách thức thứ hai cũng cản trở không kém. Về phương diện Nhà nước, Bộ Quốc phòng đã cho hạ một video trên YouTube giăng tít “Trường Đại học Fulbright – Không để Cách Mạng Màu đổi màu giáo dục”. Tuy nhiên, trang mạng trelangblog.com, sau đó vẫn cho chạy tiếp bài “Vì sao Đại học Fulbright bị chỉ trích, tẩy chay?” Phê phán nhằm vào Đại học này chủ yếu xoay quanh lập luận, Fulbright đang đào tạo những người có tiềm năng lọt vào bộ máy công quyền của Việt Nam, từ đó biến đất nước ở Đông Nam Á này thành một quốc gia chư hầu của Mỹ. Bài viết không ngần ngại đặt thẳng câu hỏi: “Liệu Fulbright có thực sự là một công cụ của Washington nhằm thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam?” (4) Trong khi đó, chính Bộ Ngoại giao Việt Nam đã bác bỏ luận điểm hồ đồ này. Chiều 26/8, trả lời câu hỏi của phóng viên về hoạt động của Đại học Fulbright, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ: “Đại học Fulbright Việt Nam là thành quả của hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, nhất là trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao” (5). Diễn ngôn kiệm lời này liệu đã đủ để bác bỏ các luận điểm sai trái nói trong câu chuyện thứ nhất?

Chưa có những đột phá đáng kể

Khó khăn thứ ba là làn sóng bắt bớ và cầm tù các nhà đấu tranh cho dân chủ ở trong nước vẫn tiếp tục với cường độ cao. Cũng trong cùng ngày 10/9, Hà Nội liên tiếp tuyên án 6 năm tù giam đối với ông Hoàng Tùng Thiện, đồng sáng lập Đảng đoàn Việt Nam, kêu gọi đa đảng chính trị cho Việt Nam (6); và 7 năm tù giam đối với nhà báo độc lập – blogger Nguyễn Vũ Bình về tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 (7). Các điều luật 117 và 331 được Hà Nội sử dụng để kết án những người lên tiếng chỉ trích Chính phủ và ĐCS. Trên web dangdoan.org đã đề cập đến các quyền con người cơ bản, đồng thời kêu gọi đa nguyên chính trị. Trang web này cũng viết: “Hiểm họa, hay kẻ thù nguy hiểm nhất của nhân dân chính là cộng sản”; và kêu gọi thành lập đảng đối lập với ĐCSVN, lấy tên là “Đảng Lạc Hồng” và mời công dân Việt Nam đang sinh sống trong và ngoài nước cùng tham gia. Theo HRW, vào tháng 8 và tháng 9 này, Việt Nam đã kết án và tuyên án ít nhất 7 nhà hoạt động nhân quyền vì những lý do tương tự. Thống kê của Dự án 88, một tổ chức nhân quyền tập trung vào Việt Nam, cho biết hiện có 175 nhà hoạt động đang bị giam giữ tại quốc gia Đông Nam Á này.

Khó khăn thứ tư, tại phiên họp lần thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc diễn ra từ ngày 9 đến ngày 13/9, đại diện của Liên Hợp Quốc và Liên hiệp Châu Âu (EU) lên tiếng bày tỏ quan ngại về tình hình nhân quyền của Việt Nam. Việt Nam đã bị chỉ trích tại các diễn đàn này về những đàn áp nhân quyền, tuy nhiên, đại diện Việt Nam đã bác bỏ những cáo buộc ấy. Cao uỷ nhân quyền Liên Hợp Quốc, ông Volker Turk hôm 9/9 phát biểu tại phiên khai mạc, bày tỏ lo ngại về việc đàn áp các quyền của người dân ở nhiều nước trên thế giới, bao gồm các quyền tự do ngôn luận, lập hội, hội họp, tự do báo chí. Ông nhắc đến tên của Việt Nam trong số các nước có các hoạt động đàn áp. Vào ngày 10/9, Đại diện thường trú của Liên hiệp Châu Âu (EU) tại Geneva – Đại sứ Lotte Knudsen – phát biểu tại diễn đàn của Liên Hợp Quốc, bày tỏ “quan ngại sâu sắc về không gian ngày càng thu hẹp của xã hội dân sự ở Việt Nam và việc tiếp tục bắt giữ những người bảo vệ nhân quyền, các chuyên gia về quyền lao động và môi trường” (8). Đại diện EU kêu gọi Việt Nam đảm bảo các quyền tự do ngôn luận và lập hội cơ bản được bảo vệ để xã hội dân sự có thể tự do tham gia vào mọi khía cạnh phát triển.

Cái khó thứ năm là đánh giá chung của giới chuyên gia về bang giao Việt – Mỹ không thật khả quan. Sau một năm nâng vượt cấp quan hệ nhưng dư luận cho rằng, vẫn chưa có nhiều đột phá. Hẳn nhiên một năm thì thời gian tương đối ngắn. Và trong năm này, mỗi nước cũng có nhiều biến động về chính trị nội bộ. Việt Nam thì Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời. Bên Mỹ thì bước vào mùa bầu cử. Cho nên vẫn chưa có nhiều bước tiến đáng kể từ năm ngoái, Thạc sỹ Hoàng Việt nhận xét như thế hôm 11/9 (9). Hơn nữa, “Hội chứng Việt Nam” ở Mỹ những ngày này vẫn ẩn hiện theo hướng đối nghịch. Hôm 12/9, Dân biểu Hoa Kỳ Michelle Steel lên án việc Chính quyền của Tổng thống Joe Biden chưa nỗ lực để bảo vệ tự do tôn giáo ở Việt Nam. Bà Steel cho biết trong thông cáo “Chính quyền Biden liên tục từ chối ủng hộ tự do tôn giáo, sáu tháng sau khi bà kêu gọi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ liệt Việt Nam vào danh sách quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC) do quốc gia này vẫn tiếp tục đàn áp tôn giáo”. Hồi tháng 3/2024, bà Steel kêu gọi đưa Việt Nam vào danh sách CPC “trong bối cảnh Đảng Cộng sản Việt Nam gia tăng giam giữ các tù nhân lương tâm” (10).

Tác động từ “những bàn tay vô hình”

Những ngày này, Website của Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Đà Nẵng lại lăng-xê những “stt” quen thuộc: Chiêu bài “cách mạng màu” đã liên tiếp được các thế lực thù địch sử dụng và để lại hậu quả vô cùng nặng nề về chính trị, kinh tế, xã hội cho các nước bị cuốn vào kịch bản do chúng giăng ra. Việc chuẩn bị cho “cách mạng màu” của các thế lực thù địch thường được thực hiện thông qua các tổ chức phi chính phủ. Trung Quốc và Việt Nam đều là nước xã hội chủ nghĩa do ĐCS lãnh đạo, cần phải cảnh giác cao trước các thủ đoạn “cách mạng màu” của các thế lực thù địch (11). Tuyên bố chung Việt – Trung ngày 20/8 cũng viết: “Vào thời đại mới, hai bên sẽ không quên nguyện ước hữu nghị ban đầu, khắc ghi sứ mệnh chung, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và thúc đẩy hiện đại hóa phù hợp với tình hình mỗi nước…” Nhưng đây chính là cái con đường mà cựu Bí thư Đảng ủy Bộ Ngoại giao Nguyễn Đình Bin đã đề nghị TBT Tô Lâm nên sớm “chia tay” (12). Tuy nhiên, hai ĐCS vẫn nhất trí tăng cường trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm về chống can thiệp, chống ly khai, phòng chống “cách mạng màu”, cùng nhau bảo vệ an ninh chính trị và an ninh chế độ (13).

Đón đợi những biến chuyển lớn, giới quan sát hướng về chuyến thăm Mỹ sắp tới của tân TBT — CTN Tô Lâm với niềm hy vọng. Trong một bản tin hôm 12/9, trên cương vị Trưởng Văn phòng Thường trú tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Damien Cave thông báo nhật báo New York Times (NYT) sẽ mở văn phòng thường trú tại Việt Nam vào tháng 10 tới, trong nỗ lực mở rộng phạm vi đưa tin toàn cầu và thúc đẩy nền báo chí độc lập trên toàn thế giới. Nick Name “Nón lá” có lẽ đã nói thay cho thế hệ trẻ trước tin này: “Hy vọng giới trẻ Việt Nam nhìn thấy được những gì ở Việt Nam mà phóng viên báo The New York Times thấy… hoặc, có thể giúp nhà báo có thêm tài liệu nữa”. Công ty “NYT” mở lại văn phòng ở Sài Gòn sau gần 50 năm chắc chắn sẽ là một cột mốc. Văn phòng Công ty đa phương tiện, với hơn 170 tuổi đời khẳng định: “Một chương mới sẽ mở ra từ tháng 10 năm nay” (14). Chúng ta có quyền đón đợi những bình luận tổng hợp từ các bỉnh bút của “NYT” về sự kiện trọng đại liên quan đến chuyến thăm Mỹ của TBT — CTN Tô Lâm.

Giữa các hiệu ứng của “những bàn tay vô hình” đối với mối bang giao Việt – Mỹ, không thể không tính đến tam vị nhất thể “thiên thời – địa lợi – nhân hòa” vào kỷ nguyên tới. Trong bối cảnh quốc tế đang biến động, đặc biệt với sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam có thể tận dụng sự quan tâm chiến lược của Mỹ và các đồng minh trong “khu vực Indo – Pacific” (FOIP) để củng cố quan hệ song – đa phương. Nếu Việt Nam thực sự bước vào “khởi điểm lịch sử mới” như tuyên bố của chính ông Tô Lâm, thì “nhân tâm” ở các quốc gia bên bờ Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương này sẽ “đúc nên chữ đồng”, hợp tác sâu rộng hơn trong các lĩnh vực địa-chính trị và địa-kinh tế. Chuyến qua Mỹ của ông Tô Lâm không chỉ là phép thử quan trọng về năng lực ngoại giao nguyên thủ của tân Tổng Bí thư – Chủ tịch nước, mà còn là cơ hội để khẳng định vị thế mới của quốc gia trăm triệu dân giữa những thách thức to lớn về chính trị, kinh tế và nhân quyền. Liệu có thể kỳ vọng, chuyến thăm này sẽ mở ra những bước tiến mới trong bang giao Việt Nam – Hoa Kỳ, giúp hóa giải những mối quan hệ phức tạp và tạo dựng thêm nền tảng vững chắc cho hợp tác tương lai? Chúc Tổng Bí thư – Chủ tịch nước thành công trong sứ mệnh quan trọng này!

Tham khảo:

(1) https://weai.columbia.edu/content/lien-hang-t-nguyen

(2) https://thediplomat.com/2024/09/why-biden-should-welcome-vietnams-to-lam-to-the-white-house/

(3) https://www.trelangblog.com/2024/08/ai-hoc-fulbright-gs-nguyen-thi-lien.html

(4) https://www.trelangblog.com/2024/08/vi-sao-ai-hoc-fulbright-bi-chi-trich.html

(5) https://baochinhphu.vn/nguoi-phat-ngon-bo-ngoai-giao-len-tieng-ve-hoat-dong-cua-truong-fulbright-viet-nam-102240826224303093.htm

(6) https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-phat-6-nam-tu-doi-voi-nguoi-dan-ong-doi-da-dang/7780767.html

(7) https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-bo-tu-nha-bao-nguyen-vu-binh-7-nam-tu-toi-tuyen-truyen/7778524.html

(8) https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-criticized-for-human-right-records-at-un-meeting-09122024101032.html

(9) https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-us-relations-one-year-after-upgrading-relations-09122024150121.html

(10) https://www.voatiengviet.com/a/db-steel-len-an-chinh-quyen-biden-thieu-hanh-dong-cho-tu-do-ton-giao-o-viet-nam/7782200.html

(11) https://www.facebook.com/ChineseConsulateGeneralinDanang

(12) https://www.voatiengviet.com/a/nguyen-dinh-bin-van-nuoc-da-den-chua-/7772598.html

(13) https://www.voatiengviet.com/a/tam-bao-quat-cua-cac-thoa-thuan-viet-trung/7751679.html

(14) https://www.voatiengviet.com/a/the-new-york-times-cua-my-se-mo-lai-van-phong-o-sai-gon-sau-gan-50-nam-/7782256.html

  • 16x9 Image

    Trần Đông A

    Trần Đông A là bút hiệu một nhà báo đã nghỉ hưu tại Sài Gòn, với sở trường về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, ngoại giao Việt Nam và các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Các bài viết của Trần Đông A là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

No comments:

Post a Comment