Tuesday, September 17, 2024

Cù Mai Công - Một góc nhỏ Trung thu Sài Gòn xưa
mardi 17 septembre 2024
Thuymy


Ba tôi lúc sinh thời kể: Hồi mới di cư 1954, không khí Trung thu của người Sài Gòn không rõ lắm, chủ yếu ở vùng Chợ Lớn. Mùa Trung thu, ba tôi phải chạy lên đại lộ Galliéni (nay là đường Trần Hưng Đạo) nối Sài Gòn - Chợ Lớn mua.

Thuở 1954-1960, vùng Ông Tạ còn nhiều nhà tranh, chưa có điện đóm, nước máy. Tối Trung thu, một số nhà như nhà tôi bày một chiếc bàn, đặt đèn dầu, kê vài chiếc ghế trước nhà, rủ mấy ông hàng xóm uống trà.

Trung thu thời đó, không rõ nơi khác ra sao, còn dân Bắc 54 Ông Tạ không chỉ ăn bánh Trung thu mà còn có cả hạt dưa, kẹo lạc, bánh cốm, mứt này nọ... Ba tôi bảo: “Đất lề quê thói” như ngoài quê (Bắc) mình phải giữ.

Trẻ con cũng có phần. Nhưng niềm vui thật sự của chúng ở ngoài đường, bên chúng bạn. Trẻ con xưa nhiều bạn lắm: bạn cùng lớp, bạn trong giáo xứ, bạn trong xóm… Xóm Đại Lợi của tôi chỉ chừng vài chục nhà nhưng cả trăm đứa nhỏ, hàng chục đứa cùng tuổi với tôi. Đèn Trung thu trong xóm ngoại ô đêm mùa Trung thu không điện đóm ấy khó mà quên được…

Sau 10 năm di cư, dến giữa thập niên 1960, nhiều nhà vùng Ông Tạ đã bắt đầu có “của ăn của để”. Mùa Trung thu, cả vùng rộn rã treo đèn, làm bánh tại chỗ bán. Ba tôi không cần phải chạy lên Chợ Lớn mà mua ngay khu ngã ba Ông Tạ. Bánh làm cơ bản theo kiểu Bắc xưa, nhưng không khô, có chút mềm hơn, ngọt hơn và bớt nồng. Bánh không chất này chất nọ nên chỉ để được vài ngày.

Khu ngã ba này, nhà nào ở dãy bên trái hướng về Sài Gòn mà bảo tôi nhớ thì bảo dốt tôi chịu. Nhưng có tiệm thì đố “tẩy não” tôi lẫn bao nhiêu dân Ông Tạ được, đó là tiệm bánh trà Phượng Hoàng cạnh một con hẻm. Cứ dịp Trung thu thì không ngày nào đi học về tôi không ghé đây một hồi. 

Chủ tiệm tên Viễn, xưa vốn đi bỏ bánh, dần dà mở hẳn cửa tiệm, làm đủ các loại bánh quê hương xứ Bắc, mùa nào thức nấy: cốm, xu xê, đậu xanh... Riêng mùa Trung Thu, tiệm bày một dãy bàn dài ra trước tiệm, quây vải lên trên cho thợ làm bánh dẻo, bánh nướng công khai cho bà con thiên hạ “lác mắt” chơi và tin tưởng chất lượng hàng hóa hơn.

Quanh đó bao giờ cũng có một đám trẻ há hốc mồm đứng chắp tay sau đít coi, thèm nhỏ dãi, nuốt nước miếng ừng ực. Trong đó lẽ nào vắng mặt mũi cái thằng tôi. Cả đám trẻ con túm lại, chen nhau có lúc muốn vặc nhau để giành chỗ.

Thợ nhồi bột nếp đã chín vào khuôn gỗ có tay cầm, thêm nhân này nọ rồi ấn chặt bột bao lấy. Xong, thợ gõ rất gọn khuôn gỗ: cạnh trái khuôn một cái, cạnh phải một cái, dộng tay cầm cái nữa. Bánh bung khuôn là úp ngược, gõ đánh cộp một cái, nguyên cái bánh dẻo văng lên bàn tay thợ chờ sẵn, nóng hổi, thơm ngọt ngào mùi hoa bưởi. Thằng bé tôi ôm cặp thầm giận cha dỗi mẹ: “Sao cứ bắt học hành làm gì cho mệt, thà làm thợ bánh Trung thu có mà sung sướng, ăn ngon cả đời...”. 

Bánh Trung thu xưa không ghi "thập cẩm một trứng", "hạt sen một trứng"... như bây giờ mà văn vẻ hơn. Ví dụ: "thập cẩm một trứng" là “Quần long tranh châu", hạt sen/đậu xanh một trứng" là "Thanh thiên vọng nguyệt"...

Hàng chục lò kẹo lạc ở Nghĩa Hòa, Nam Thái… vùng Ông Tạ cũng hối hả ra lò. Trẻ con Ông Tạ hay canh ăn chực mấy rìa kẹo thợ cắt thanh loại ra, cầm trên tay còn nóng ấm, tươi dòn, thơm mật.

Bên kia đường, ngay ngã ba ông Tạ, tiệm Tiến Thành, Lan Hương, rồi trên đường Thoại Ngọc Hầu, đoạn gần ngã ba... mấy tiệm bánh nữa cũng quây kệ ra vỉa hè làm bánh dẻo. Trên đầu thợ, có tiệm còn treo bán thêm đủ loại đèn Trung thu: “Đèn ông sao với đèn cá chép, đèn thiên nga với đèn bươm bướm...”. Nhiều tiệm tạp hóa cũng treo đầy đèn Trung thu, tối họ thắp nến sáng rực. 

Thật ra, nhiều đứa trẻ con chúng tôi thời đó thường tự làm đèn để chơi từ nửa tháng trước. Sau xóm Đại Lợi của tôi là xóm Bụi Tre (hiện tên xóm vẫn là Bụi Tre, thuộc khu vực trụ sở Ủy ban Nhân dân phường 3, Tân Bình), có nhiều bụi tre lớn của bà con người Nam bản địa cả trăm năm nơi đây trồng sau khu nghĩa địa trước rạp hát Đại Lợi. Trẻ con ra đó chặt tre về làm đèn thoải mái. Có bà con người Nam nơi đây thấy chúng tôi chân tay quờ quạng, xách mác ra: “Tụi Bắc kỳ con bây chặt tre kiểu này, coi chừng mấu tre văng đui mắt. Để chú Ba chặt giùm cho lẹ”.

Tre chặt về phơi vài nắng, chẻ nan, đan khung, cột kẽm thành con này con nọ, mua giấy bóng kính về dán, không có giấy bóng kính thì dán giấy màu cũng có cái đèn xách đi chơi với bè bạn. Hoặc tự đi lượm lon sữa bò, lon nước ngọt về đục lỗ, làm đèn xách đi, đẩy đi chơi. Tết của mình, đèn mình làm xách khoe cha mẹ, bạn bè, coi bộ cái đèn Trung thu của trẻ em xưa nó hồn nhiên và thật sự lung linh trong đêm quá chừng.

Ai là trẻ con thuở ấy không ngập tràn ký ức lung linh ánh nến tuổi thơ này?

CÙ MAI CÔNG 17.09.2024

No comments:

Post a Comment