Chính phủ ra nghị quyết về bão Yagi, Bộ Công an vô hiệu hóa các hội nhóm lợi dụng cứu trợ để tập hợp lực lượng
2024.09.18
RFA
Người dân Hà Nội dọn dẹp sau bão hôm 13/9/2024NHAC NGUYEN / AFP
Chính phủ Việt Nam hôm 17/9 ban hành Nghị quyết số 143 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh,... trong đó đáng chú ý có nhiệm vụ cho Bộ Công an phải đấu tranh với các đối tượng lợi dụng cứu trợ từ thiện để tập hợp lực lượng.
Báo điện tử Chính phủ dẫn nghị quyết cho biết, bão số 3 (Yagi) là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền, gây ra thiệt hại ước tính sơ bộ trên 50 nghìn tỷ đồng, dự báo có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoảng 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đạt 6,8-7%.
Quan điểm của Chính phủ là chính sách, giải pháp hỗ trợ phải nhanh và hướng đúng đến những đối tượng bị ảnh hưởng; trình tự, thủ tục, điều kiện thụ hưởng đơn giản, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát và đánh giá.
Phạm vi, đối tượng hỗ trợ là người dân, người lao động, người yếu thế, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp tại các địa bàn bị ảnh hưởng bởi bão số 3, ngập lụt, lũ, sạt lở đất.
Thời gian hỗ trợ chủ yếu trong tháng 9 và tháng 10 năm 2024; một số chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh, doanh nghiệp có thể kéo dài, bổ sung nguồn lực thực hiện đến hết năm 2025.
Trong nhóm nhiệm vụ thứ hai về giải pháp trọng tâm về hỗ trợ khôi phục các hoạt động đời sống, xã hội để ổn định cuộc sống nhân dân, Chính phủ chỉ đạo sử dụng ngân sách Nhà nước dự phòng trong năm 2024 và ngân sách trung ương giao cho các bộ ngành thực hiện các công việc khác nhau như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, cơ quan và địa phương vận động các đối tác, nhà tài trợ để huy động các nguồn tài chính, hàng hóa viện trợ của các nước, các tổ chức quốc tế và thực hiện hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời cho người dân, địa phương bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, Bộ Công an được giao tới ba nhiệm vụ đó là tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là tại các địa bàn chịu ảnh hưởng bởi bão, mưa lũ; chỉ đạo lực lượng công an cơ sở chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường phối hợp, tham gia bảo đảm an sinh xã hội, an dân.
Cơ quan hành pháp Việt Nam cũng được giao phải tập trung đấu tranh với những người mà họ cho là "các thế lực thù địch, tổ chức phản động, đối tượng cơ hội" lợi dụng tình hình thiên tai, khắc phục hậu quả mưa lũ sau bão để hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, phát tán thông tin xấu độc.
Bộ cũng phải chủ động kiểm soát chặt chẽ không gian mạng, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin sai lệch gây hoang mang dư luận. Ngăn chặn, vô hiệu hóa các hội nhóm trên không gian mạng núp bóng danh nghĩa "hỗ trợ, cứu trợ, tình nguyện" để tập hợp lực lượng, kích động gây rối an ninh, trật tự, phát thông tin xấu độc, lừa đảo trên không gian mạng.
Thống kê sơ bộ tính đến ngày 17 tháng 9 năm 2024, cơn bão Yagi và các trận lũ lụt theo sau đã khiến ít nhất 329 người chết, mất tích, gần 2.000 người bị thương; khoảng 234,7 nghìn căn nhà, 1.500 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại...
Thời gian qua, nhiều người dân đã bị công an các tỉnh thành gọi lên xử phạt hành chính với số tiền 7,5 triệu đồng vì bị cho là đưa tin sai về cơn bão, vỡ đê...
Tin, bài liên quan
Tin Việt Nam
No comments:
Post a Comment