VNTB – Nông sản Tàu giả hàng Việt – cơ quan chức năng rề ràMinh Hải
16.09.2024 10:59
VNThoibao
Những ngày đầu tháng 9/2024, UBND TP. Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng phối hợp với tổ liên ngành chức năng trong đó có Phòng Kinh tế và Công an TP. Đà Lạt phát hiện, xử lý hàng loạt cơ sở thu mua nông sản ở huyện Đơn Dương, Đức Trọng.
Các cơ sở này trước đó đã bôi đất đỏ vào khoai tây nhập khẩu từ Trung Quốc, rồi sau đó “phù phép” thành khoai tây Đà Lạt để tiêu thụ ở các chợ đầu mối và các tỉnh thành trong cả nước.
Theo cơ quan chức năng, vào khoảng tháng 5 hằng năm, nhà vườn trồng khoai tây ở Đà Lạt cơ bản đã thu hoạch xong mùa vụ. Vì vậy, để có nguồn khoai tây cung ứng ra thị trường, các đầu nậu thường nhập khoai tây từ Trung Quốc về để thế vào.
Theo trình tự, ban đầu khoai tây Trung Quốc bằng đường bộ chính ngạch hoặc tiểu ngạch qua các cửa khẩu ở Lào Cai, Quảng Ninh, Lạng Sơn…nhập vào Việt Nam, về tập kết tại kho dự trữ ở các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương. Tại đây, sau khi kiểm tra số lượng hàng hóa xong, các đầu nậu thường cho xé nhãn mác Trung Quốc, phân loại khoai tây rồi tiếp tục hành trình về đến Lâm Đồng.
Tại Lâm Đồng, khoai tây được rửa sạch trong bồn nước rồi rắc lên một lớp đất đỏ giả làm “bằng chứng” được trồng tại Lâm Đồng, phơi khô, đóng thùng. Và cuối cùng, khoai tây Trung Quốc đã được “phù phép” xong thành khoai tây Lâm Đồng.
Được biết, giá mỗi kilogram khoai tây Trung Quốc nhập vào khoảng vài ngàn đồng, thấp hơn rất nhiều so với khoai tây Lâm Đồng từ mười mấy ngàn cho đến 20.000 đồng.
Về chất lượng, dù có đủ hóa đơn chứng từ nhưng hầu hết khoai tây Trung Quốc được xếp vào loại hàng tạp nham, chỉ tiêu thụ ở chợ chứ hiếm vào được các siêu thị do liên quan đến hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Hiện tượng khoai tây Trung Quốc sau khi nhập vào Việt Nam được các đầu nậu “phù phép” thành khoai tây Lâm Đồng đã xuất hiện vào các năm 2012-2013. Cơ quan chức ở Lâm Đồng đã nhiều lần ra quân kiểm tra, tịch thu cũng như xử phạt nhiều trường hợp nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa cho thấy có dấu hiệu thuyên giảm.
Ngoài khoai tây, các mặt hàng nông sản khác của Trung Quốc như bắp cải, cải thảo hay su hào cũng có hành trình tượng tự được các cơ sở thu mua ở Việt Nam gắn nhãn mác Lâm Đồng hoặc một thương hiệu uy tín nào đó của Việt Nam.
Đáng kể là thời điểm cả thế giới bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, hàng hóa nông sản của Việt Nam bị dồn ứ tại các cửa khẩu phía Bắc do không thể xuất sang Trung Quốc trong khi hàng hóa Trung Quốc lại tràn ngập thị trường Việt Nam. Đây cũng là thời điểm bùng nổ việc rao bán-kinh doanh bằng hình thức online.
Các mặt hàng như nho Ninh Thuận, tỏi Lý Sơn, táo Bàng La (Hải Phòng)…thực chất là hàng Trung Quốc được gắn nhãn mác Việt Nam để qua mặt người tiêu dùng, rao bán kèm theo lời cam kết chất lượng và rẻ không nơi nào rẻ bằng.
Ví dụ nho khô Ninh Thuận được rao bán qua mạng xã hội hoặc sàn thương mại điện tử với giá từ 50.000-80.000 VND/kg trong khi chính các nhà vườn trồng nho ở Ninh Thuận cho biết, chỉ riêng nho tươi giá tại vườn đã là 60.000-70.000VND/kg, mà để có 1kg nho khô thì mất từ 5 đến 8kg nho tươi. Vậy lấy đâu ra nho khô Ninh Thuận để rao bán trên mạng mới mức giá đó?
Việc hàng hóa nông sản Trung Quốc gắn nhãn mác Việt Nam giúp cho việc kinh doanh của các đầu nậu được thuận lợi, thu được lợi nhuận khá lớn. Cũng vì điều này mà các chủ đầu nậu thường lách luật, đăng ký sai lệch thông tin ngành hàng để qua mặt cơ quan chức năng, hoặc giả nếu bị phát hiện xử lý hành chính, tịch thu hàng hóa thì bỏ luôn hàng hóa.
Đây là hành vi gian lận qua mặt người tiêu dùng Việt. Người tiêu dùng Việt sẽ khó nhận biết đâu là hàng thật hàng giả. Người có kinh nghiệm thì cũng chỉ nhận biết được vài ba mặt hàng chứ không thể biết hết hàng trăm mặt hàng. Đó là chưa nói việc hàng giả sẽ đi cùng với chất lượng giả và khó đảm bảo được độ an toàn thực phẩm.
Về phía nhà nông Việt, đây là hành vi có lợi cho một số ít người nhưng gây hại cho rất nhiều người. Dễ thấy nhất là hủy hoại thương hiệu Việt và giết chết nhà nông Việt. Nhà nông Việt dù cố gắng trồng trọt, cố gắng hạ giá thành sản phẩm ở mức thấp nhất cũng không thể cạnh tranh nổi hàng Trung Quốc gắn nhãn mác Việt. Quá nhiều trường hợp nhà nông Việt phải đổ bỏ hàng loạt những sản phẩm do chính mình đổ mồ hôi trồng ra.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao biết đó nhưng cơ quan chức năng Việt Nam lâu nay vẫn không thể xử lý dứt điểm hoặc đưa ra biện pháp kiểm tra, giám sát hiệu quả. Do chế tài còn nhẹ, chưa đủ răn đe hay là còn những lý do nào khác? Phải khẳng định đây là một vấn nạn nhức nhối mà nhà nông Việt đang đương đầu.
Một số ý kiến của đại diện cơ quan chức năng ở Việt Nam cho rằng, việc xử lý các mặt hàng Trung Quốc gắn nhãn mác Việt là vô cùng khó. Bởi, các đầu nậu sau khi nhập hàng về thường xé bỏ nhãn mác xuất xứ, cơ quan chức năng đến kiểm tra thường phải thu giữ hàng hóa để xét nghiệm, nếu phát hiện hàng hóa có hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng an toàn cho phép thì dễ xử lý.
Tuy nhiên, nếu hàng hóa có hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật trong ngưỡng cho phép thì lại rất khó xử lý, thậm chí còn phải đền bù thiệt hại. Bởi lẽ, các mặt hàng nông sản thường có thời gian khoảng vài ngày là xảy ra hiện tượng hư hỏng, trong khi thời gian chờ đợi kết quả xét nghiệm có khi từ 2 tuần cho đến 1 tháng.
Quá rề rà cho cách làm việc của cơ quan chức năng Việt Nam vô hình chung đã để những đầu nậu bất chính không ngừng thực hiện các hành vi hủy hoại thương hiệu Việt, giết chết nhà nông Việt. Nếu không khắc phục hoặc xử lý kịp thời thì nhà nông Việt sẽ mất niềm tin, sẽ là một tác hại rất lớn khiến ngành nông nghiệp Việt Nam khó thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
No comments:
Post a Comment