Tuesday, September 17, 2024

VNTB – Khi nào Giáo Hoàng đến thăm Việt Nam?
Người Tân Định
18.09.2024 1:57
VNThoibao



(VNTB) – Cả Vatican lẫn chính quyền Việt Nam đều không đưa ra lý do cụ thể tại sao Đức Giáo Hoàng Francis không đến thăm Việt Nam trong chuyến tông du vào tháng 9 năm 2024.

 Trong chuyến tông du đến Thái Lan mấy năm trước, Đức Giáo Hoàng Francis có nói Ngài rất muốn đến thăm Việt Nam. Giữa năm nay, dậy nên lời đồn đoán Giáo Hoàng sẽ đến thăm Việt Nam vào mùa thu, nhưng cuộc tông du tháng 9, qua những nước Đông Nam Á cận kề Indonesia, Đông TimorPapua New Guinea, Singapore đã diễn ra, Đức Giáo Hoàng không ghé Việt Nam.

Khi có những tin về việc Đức Giáo Hoàng Francis có thể sẽ ghé thăm Việt Nam vào tháng 9 này, nhiều người đã nghĩ đây là điều không khả thi vì quá cận ngày.  Thêm vào đó, điều họ lo ngại hơn hết là sức khỏe của Ngài. Đức Giáo Hoàng Francis đã 87 tuổi và thường xuyên phải điều chỉnh lịch trình công du do các vấn đề sức khỏe. Chuyến thăm Thái Lan trước đây của Ngài đã diễn ra rất cẩn trọng. Tuy nhiên, dự đoán này đã sai, vì cuộc tông du liên tiếp mấy nước Đông Nam Á Châu vừa qua kéo dài đến 11 ngày, chứng tỏ sức khỏe của Ngài còn đủ, dù có vấn đề.

Vậy chỉ còn hai lý do. Hoặc có trở ngại vì ngoại giao giữa hai nước, hoặc vì tình hình của Việt Nam. Giáo triều Vatican từ hàng trăm năm nay luôn vững vàng và ổn định. 

Vatican và Việt Nam có một mối quan hệ khá phức tạp, nhất là từ sau năm 1975 sau khi Đảng cộng sản lên nắm quyền. Trong suốt nhiều thập niên, quan hệ giữa chính phủ Việt Nam và Giáo Hội Công Giáo có lúc căng thẳng, đặc biệt là do việc chính quyền kiểm soát tôn giáo và lo ngại Công giáo có những ảnh hưởng đến chính trị.

Những năm gần đây, quan hệ giữa Vatican và Việt Nam đã có phần cải thiện. Cuối năm 2023 Đức Giáo Hoàng chính thức bổ nhiệm vị Đại diện Tòa Thánh Vatican thường trú đầu tiên tại Việt Nam. Đây là một bước tiến đáng kể từ khi Khâm Sứ Tòa Thánh bị chính quyền Việt Nam đuổi đi vài ngày sau 30 tháng 04  năm 1975.

Từ sau khi Chủ Tịch Nước Võ Văn Thưởng ngỏ lời mời Đức Giáo Hoàng đến Việt Nam, Tòa Thánh đã tiến hành công tác ngoại giao với Hà Nội. Lần lượt các phái đoàn, từ Thứ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Miroslaw Wachowski đến Tổng giám mục, Ngoại trưởng Tòa thánh Vatican Paul Richard Gallagher đã đến Hà Nội để thúc đẩy mối quan hệ giữa Việt Nam với Tòa thánh Vatican.

Cho đến nay, gần một năm trôi qua, Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, Đại diện Tòa Thánh Vatican thường trú tại Việt Nam vẫn chưa được phía Việt Nam chấp thuận cho mở văn phòng và vẫn còn phải ở khách sạn.  

Một chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng đòi hỏi nhiều yếu tố khác ngoài việc nâng cấp quan hệ ngoại giao hay mong muốn của Đức Giáo Hoàng. Tổng giám mục Gallagher, ngoại Trưởng Vatican trả lời báo chí đã từng cho biết sẽ có dịp Đức Giáo Hoàng đến thăm Việt Nam nhưng vẫn còn cần thực hiện một vài bước nữa trước khi điều đó diễn ra.

Các yếu tố này có thể vì tình hình chính trị nội bộ và ngoại giao của Việt Nam. Hà Nội có thể muốn chuẩn bị kỹ lưỡng hoặc chờ đợi các điều kiện nội bộ ổn định hơn trước khi đón tiếp một nhân vật có tầm quan trọng lớn như Đức Giáo Hoàng.

Việt Nam đã có những thay đổi lãnh đạo quan trọng chưa từng có trong mấy tháng trước và việc ổn định chính trị nội bộ luôn là ưu tiên số một. Những thay đổi hoặc biến động trong hệ thống lãnh đạo có thể khiến chính phủ muốn tập trung vào các ưu tiên nội bộ thay vì tổ chức các sự kiện lớn như chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng.

Việt Nam từng hoãn chuyến thăm của Vua Hà Lan vào năm 2023, với lý do nội bộ. Tuy nhiên, trong trường hợp của Đức Giáo Hoàng Francis, chưa có thông tin cụ thể từ phía Việt Nam cho thấy rằng họ đã chủ động hoãn hoặc từ chối chuyến thăm của Ngài.

Một trong những vấn đề nhạy cảm giữa Vatican và Việt Nam là việc chính phủ quản lý các hoạt động tôn giáo. Chính phủ Việt Nam vẫn giữ quyền kiểm soát và giám sát chặt chẽ các tổ chức tôn giáo, bao gồm cả Giáo Hội Công Giáo, khiến mối quan hệ giữa hai bên không thể phát triển hoàn toàn tự do.

Vấn đề bổ nhiệm giám mục tại các địa phận Việt Nam cũng là một chủ đề nhạy cảm. Chính quyền Việt Nam đòi hỏi và có quyền phê duyệt các giám mục được Vatican chỉ định, điều này tạo ra xung đột về sự độc lập của Giáo Hội Công Giáo với chính phủ.

Mặc dù hai bên đã có các cuộc trao đổi tích cực, nhưng vẫn cần nhiều thỏa thuận chính thức trước khi mối quan hệ này được chính thức hóa và hoạt động ngoại giao trở nên ổn định hơn. Ngoài ra vẫn còn hàng ngàn cơ sở của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam bị chính quyền thâu tóm chưa trả lại, đặc biệt trong đó có Tòa Khâm Sứ tại Hà Nội [GN1] .

Việc bảo đảm an ninh và tổ chức cho hàng ngàn tín đồ Công giáo đón tiếp Ngài cũng là một yếu tố quan trọng hoặc việc phải tạo điều kiện cho các hoạt động tôn giáo, găp mặt Đức Giáo Hoàng cũng có thể làm chính quyền cảm thấy có thể gây ra bất ổn xã hội.

Việt Nam vẫn duy trì hệ thống chính trị độc đảng do, và nhà nước có sự kiểm soát nhất định đối với các hoạt động tôn giáo. Tự do tôn giáo vẫn là một vấn đề gây tranh cãi, đặc biệt khi Việt Nam cố gắng cân bằng giữa nhu cầu phát triển quan hệ quốc tế và kiểm soát nội bộ.

Mặc dù chính phủ đã có các bước cải thiện quan hệ với Vatican, nhưng còn có các hạn chế đối với hoạt động tôn giáo. Điều này có thể làm cho Việt Nam thận trọng hơn trước khi cho phép một chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng, lo ngại rằng chuyến thăm có thể tạo động lực cho các yêu cầu về tự do tôn giáo mà chính quyền chưa sẵn sàng đáp ứng.

Các viên chức Vatican không đưa ra lý do cụ thể tại sao Đức Giáo Hoàng Francis không đến thăm Việt Nam trong chuyến đi vào tháng 9 năm 2024, và chính quyền Việt Nam cũng vậy. Giáo dân Việt Nam  mong mỏi chính quyền sớm chấp thuận để Đức Giáo Hoàng có thể đến thăm con chiên của Ngài tại Việt Nam càng sớm càng tốt.

No comments:

Post a Comment