Tuesday, September 17, 2024

Mỹ điều tra sự gia tăng đột biến lượng uranium nhập từ Trung Quốc để ngăn chặn Nga lách lệnh cấm
Reuters
17/09/2024
VOA

Tổng thống Vladimir Putin.


Reuters có thông tin rằng chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang điều tra sự gia tăng đột biến lượng uranium được làm giàu nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ cuối năm 2023 trong bối cảnh có lo ngại các lô hàng này đang giúp Moscow lách lệnh cấm nhập khẩu nhiên liệu nhà máy điện từ Nga của Hoa Kỳ.

Các nhà lập pháp tại Hạ viện Mỹ đã thông qua lệnh cấm uranium được làm giàu của Nga vào tháng 12/2023 như một phần trong nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm phá vỡ khả năng tài trợ cho cuộc chiến của Nga với Ukraine của Tổng thống Vladimir Putin.

Theo dữ liệu từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, trong tháng đó, lượng uranium được làm giàu từ Trung Quốc nhập vào Mỹ đã tăng vọt lên 242.990 kg. Lượng nhập khẩu này rất đáng kể vì từ năm 2020 đến năm 2022, Trung Quốc không xuất bất kỳ lượng uranium được làm giàu nào đến Hoa Kỳ.

Vào tháng 5 năm nay, tháng mà ông Biden ký lệnh cấm, Trung Quốc một lần nữa xuất sang Hoa Kỳ một lượng lớn uranium – lần này tổng cộng là 123.894 kg.

Bộ Năng lượng Mỹ "cùng với các cơ quan liên quan khác đang theo dõi chặt chẽ việc nhập khẩu từ Trung Quốc để đảm bảo thực hiện đúng Đạo luật Cấm nhập khẩu uranium của Nga mới được ban hành", một người phát ngôn của bộ cho biết, trong một diễn biến trước đây chưa từng được ghi nhận.

Các quan chức Hoa Kỳ đang theo dõi việc nhập khẩu từ Trung Quốc và các quốc gia khác để "đảm bảo họ không nhập khẩu uranium của Nga như một phần của kế hoạch xuất khẩu vật liệu sản xuất trong nước mà nếu không họ sẽ sử dụng trong các lò phản ứng của riêng mình", người phát ngôn cho biết.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Bắc Kinh không ngay lập tức trả lời yêu cầu bình luận.

Nga là nước xuất khẩu uranium được làm giàu lớn nhất thế giới. Lượng nhập khẩu vào Mỹ từ nga tính đến tháng 7 năm nay đạt 313.050 kg, giảm 30% so với năm ngoái. Lệnh cấm này cho phép một số mặt hàng nhập khẩu từ Nga tiếp tục được nhập khẩu cho đến năm 2028 nếu có lo ngại về nguồn cung.

Bất kỳ hành vi nào nhằm lách lệnh cấm cũng có thể làm suy yếu nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm loại bỏ sự phụ thuộc vào nhiên liệu của Nga cho ngành công nghiệp điện hạt nhân của mình, vốn là ngành công nghiệp lớn nhất thế giới. Nó cũng có thể làm suy yếu các nỗ lực của chính quyền Biden nhằm khởi động chuỗi cung ứng uranium trong nước, vì lệnh cấm đã giải phóng 2,72 tỷ đô la tiền công quỹ để thực hiện việc này.

Theo dữ liệu do Ngân hàng Thế giới công bố, lượng nhập khẩu uranium được làm giàu của Nga vào Trung Quốc đã tăng vọt vào năm 2022 và 2023. Các nhà phân tích cho biết trong khi Trung Quốc đang xây dựng thêm nhiều lò phản ứng cần nguồn cung cấp uranium ổn định, thì nguồn cung từ Nga cũng có thể giúp nước này xuất khẩu nhiên liệu.

Việc nhập khẩu từ Trung Quốc là nguyên nhân gây lo ngại cho ngành công nghiệp uranium của Mỹ. Vào tháng 6, Centrus, một công ty đang phát triển năng lực uranium được làm giàu, đã công khai thúc giục cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) tăng thuế suất đối với uranium làm giàu từ Trung Quốc từ 7,5% lên 20%, và nói rằng những nỗ lực của chính công ty "có thể bị đe dọa bởi việc nhập khẩu uranium được làm giàu từ Trung Quốc".

Nhóm Các nhà sản xuất Uranium của Hoa Kỳ đã công khai thúc giục USTR tăng thuế suất lên tới 50%.

USTR, vốn đã hoàn tất việc tăng thuế đối với một số hàng hóa khác vào tuần trước nhưng không phải đối với uranium từ Trung Quốc, đã không ngay lập tức trả lời yêu cầu bình luận.

Jon Indall, cố vấn của trung tâm nghiên cứu quốc phòng và an ninh UPA có trụ sở ở London của Anh, cho biết nhóm của ông đã họp vào tháng 7 với Bộ Thương mại Hoa Kỳ về những lo ngại rằng việc nhập khẩu từ Trung Quốc là hành vi lách lệnh cấm đối với uranium của Nga.

"Chúng tôi lo ngại về việc Trung Quốc lách lệnh cấm", ông Indall cho biết.

No comments:

Post a Comment