Thursday, January 23, 2025

Kiểu chào của Hitler có nguồn gốc từ đâu?
NTV
Tác giả: Kai Stoppel
Vũ Ngọc Chi chuyển ngữ
21-1-2025
Tiengdan
22/01/2025

Lời người dịch: Sau lễ nhậm chức của Donald Trump, Elon Musk, CEO Tesla, đã duỗi cánh tay phải của mình ra hai lần khi nói chuyện trong một buổi ăn mừng tại  Capital One Arena. Cử chỉ này trông giống như kiểu chào của Hitler. Đặc biệt là ở Đức, kiểu chào của Hitler bị coi là phạm tội. Bài này nói về nguồn gốc lối chào kiểu này.

Đức Quốc xã không phải đã phát minh ra kiểu chào này. Nguồn: Picture alliance / akg-images
Ở Đức, việc giơ tay chào kiểu Hitler bị cấm. Trên đất nước này, cử chỉ đó rõ ràng gắn liền với hệ tư tưởng của Đệ tam Đế chế (thời kỳ Hitler nắm quyền). Nhưng thực ra nó phát xuất từ đâu? Cuộc tìm kiếm manh mối dẫn tới nước Ý. Nhưng cử chỉ này cũng phổ biến ở Hoa Kỳ trong một thời gian.

Kiểu chào bằng cách giơ cánh tay phải ra phía trước thường được gọi là kiểu chào Hitler. Tên chính thức vào thời Đức Quốc xã là “Lối chào của người Đức”. Đây là một trong những cử chỉ nổi bật nhất của chế độ Đức Quốc xã. Ở Đức, hành vi này bị cấm theo Điều 86a của Bộ luật Hình sự và có thể bị phạt tới ba năm tù. Một trường hợp nổi tiếng là ca sĩ nhạc pop Melanie Müller, năm 2024 đã bị phạt 80.000 euro vì chào theo kiểu Hitler.

Elon Musk chào kiểu Hitler trong một buổi ăn mừng Trump nhậm chức Tổng thống tại Capital One Arena. Ảnh chụp từ clip

Nhưng thật ra cử chỉ này xuất phát từ đâu? Khoảng năm 1925, kiểu chào này được Adolf Hitler áp dụng và từ năm 1926 trở thành bắt buộc trong Đảng Quốc xã. Người Đức Quốc xã không phải là người phát minh ra cách chào hỏi này mà họ sao chép từ người Ý. Nhà độc tài người Ý Benito Mussolini đã chính thức giới thiệu lối chào này vào năm 1922 và từ đó quy định cách người Ý nên chào nhau như thế. Trong lối chào này, cánh tay phải cũng duỗi ra.

Mussolini và những người theo chủ nghĩa phát xít của ông ta đã áp dụng kiểu chào này từ một nhóm du kích có tên là Arditi. Họ giới thiệu lối chào này thông qua ảnh hưởng của nhà văn Gabriele D’Annunzio, mà ông ta gọi nó là “Lối chào La Mã”. Điều này dẫn đến giả định rộng rãi ngày nay rằng lời chào này bắt nguồn từ kiểu chào quân đội ở La Mã cổ đại. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào về sự lan rộng của nó ở Đế chế La Mã trong nghệ thuật hay trong văn học cổ đại. Trong mối liên quan này, Cột Trajan ở Rome (*) được nhắc tới, bức tượng mô tả những người lính với cánh tay dang rộng.

Chỉ mới hình thành?

Trong cuốn sách “Roman Salute”, nhà sử học truyền thông Martin Winkler viết rằng, nguồn gốc thật sự của kiểu chào này nằm trong nền văn hóa đại chúng vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 ở châu Âu và Hoa Kỳ. Vào thời điểm đó, La Mã cổ đại là một chủ đề phổ biến và được sử dụng trong nhiều vở kịch và bộ phim lịch sử từ thập niên 1890 đến thập niên 1920. Cử chỉ này được coi là một hình thức chào hỏi phổ biến ở Đế chế La Mã. Kết quả là, người dân châu Âu và Hoa Kỳ phần lớn quen thuộc với hành động giơ cánh tay lên như một kiểu chào, Winkler viết. Có lẽ lối chào này chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng phong phú của các nhà biên kịch.

Nhân tiện: Có những lối chào rất giống nhau từ thời kỳ này, tuy nhiên, chúng không liên quan gì đến chủ nghĩa phát xít và sự điên rồ về chủng tộc: Ví dụ, lối chào Olympic, lần đầu tiên được đội tuyển Pháp thể hiện tại Thế vận hội Olympic vào đầu thế kỷ 20, và sau đó là các quốc gia khác. Ở Mỹ, kiểu chào Bellamy đã được sử dụng từ cuối thế kỷ 19, trẻ em ở trường lúc đó thường chào cờ Mỹ vào buổi sáng bằng cách giơ tay ra. Sau khi nó được Đức Quốc xã và phát xít sử dụng ngày càng nhiều từ thập niên 1930 trở đi, thì nó từ từ biến mất ở Mỹ.

Lối chào quốc kỳ kiểu Bellamy trong một lớp học ở Mỹ. Nguồn: Wiki

_______

(*) Ghi chú của Tiếng Dân: Cột Trajan ở Rome (Trajan’s Column in Rome) là cột chiến thắng có chiều cao 30 mét ở Rom, Italia. Công trình này tưởng niệm chiến thắng của hoàng đế La Mã Traianus trong chiến tranh chiến tranh Dacia hồi thế kỷ thứ 2.

Mời đọc thêm: ‘Cử chỉ tự nó nói lên tất cả’: Người Đức phản ứng với lối chào kiểu phát xít của Musk (Guardian). – Một nhà báo Đức viết về Elon Musk: “Lối chào kiểu Hitler là lối chào kiểu Hitler là lối chào kiểu Hitler” (The Hill).

No comments:

Post a Comment