Thursday, January 23, 2025

Cố vấn Vua Tiếng Việt giảng không đầy đủ và thiếu chính xác…
Hoàng Tuấn Công
23-1-2025
Tiengdan

Vua Tiếng Việt (17/1/2025), Cố vấn chương trình, Tiến sĩ Văn học Đỗ Thanh Nga giải thích từ “giòn”:

“Cái từ này hơi cổ, chúng ta vẫn thường nghe dân gian có câu ca dao là Người xinh cái bóng cũng xinh/ Người giòn cái tỉnh tình tinh cũng giòn.

Giòn là một cái từ cổ để nói về nét đẹp mà nó thiên về cái chiều hướng tươi tỉnh, khoẻ mạnh và thường dùng cho phụ nữ ngày xưa. Tại vì lâu quá rồi chúng ta không dùng đến từ giòn, đúng không ạ. Đặc biệt là các bạn trẻ thế hệ từ 2000 đến bây giờ các bạn sẽ không biết giòn là cái gì…Nhưng mà giòn đã từng là một tính từ để nói về vẻ đẹp của con người và đặc biệt là vẻ đẹp của người phụ nữ…” (hết trích).

Cách đặt vấn đề của vị cố vấn về từ cổ “giòn” rất thú vị. Tiếc rằng, dù nói về “từ cổ” (không có gì khó) nhưng lại không giảng đầy đủ và chính xác về nghĩa cổ của nó.

Thứ nhất, từ “giòn” vốn không phải “là một tính từ để nói về vẻ đẹp của con người”, mà là chỉ về vẻ đẹp của cả con người và sự vật. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du viết “Tuyết in sắc ngựa câu giòn/ Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời”, thì “giòn” ở đây chính vẻ đẹp của sự vật chứ không phải “của con người” như vị cố vấn giảng giải.

Thứ hai, “giòn” vốn không phải chỉ nói về “vẻ đẹp của người phụ nữ”, mà còn là vẻ đẹp của các đấng mày râu. Bởi thế “Việt Nam tự điển” (Lê Văn Đức) mục “giòn” mới giảng nghĩa chung là “bảnh, xinh-đẹp”, và lấy ví dụ “Mồ cha đứa có sợ đòn/ Miễn là lấy được chồng giòn thì thôi”(*). “Chồng giòn” ở đây chính là người chồng đẹp, tốt trẻ trung khoẻ mạnh.

Ngay như câu ca “Ở nhà nhất mẹ nhì con/ Ra đường lắm kẻ còn giòn hơn ta” thì từ “giòn” ở đây cũng được hiểu theo nghĩa là đẹp, tốt nói chung chứ cũng không phải chỉ gắn với “vẻ đẹp của người phụ nữ” (do tình cờ chữ “giòn” gắn với “mẹ con” mà người ta tưởng như từ này chỉ riêng vẻ đẹp của phụ nữ).

Như vậy, cách giảng không đầy đủ và thiếu chính xác của vị cố vấn Vua Tiếng Việt là một kiểu dĩ hư truyền hư, dễ khiến khán giả hiểu sai lệch về từ “giòn” – một từ mà nghĩa của nó vẫn còn thấy trong các câu thơ văn cổ, và được sách vở chú thích rất rõ ràng.

_____

(*) Nguyên câu này trong bài ca dao:

Sáng ngày đi chợ Cầu Đông,

Xem một quẻ bói lộn chồng được chăng?

Thầy bói gieo quẻ nói rằng:

Lộn thì lộn được nhưng năng phải đòn.

Mồ cha đứa có sợ đòn,

Miễn là lấy được chồng giòn thì thôi!

No comments:

Post a Comment