Tuesday, January 21, 2025

Ủy Ban Châu Âu chuẩn bị thế nào để đối phó với tân tổng thống Mỹ Donald Trump ?
Thùy Dương
Đăng ngày: 20/01/2025 - 14:37Sửa đổi ngày: 20/01/2025 - 16:30
RFI

Donald Trump hôm nay 20/01/2025 chính thức trở lại Nhà Trắng, bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống Mỹ lần thứ 2. Cũng như nhiều nước như Trung Quốc, Mêhicô, Canada, Liên Hiệp Châu Âu đang chịu nhiều sức ép từ Donald Trump, ngay cả trước khi ông chính thức nhậm chức.

Ảnh tư liệu: Tổng thống Mỹ Donald Trump (P) gặp chủ tịch Ủy an Châu Âu Ursula von der Leyen, bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Davos, Thụy Sĩ, ngày 21/01/2020 AFP

Trong nội bộ Ủy Ban Châu Âu, hiện giờ có hai phe, với hai đường lối trái ngược nhau. Một bên là đường lối hòa giải, để « mua sự khoan hồng » của Donald Trump, theo tạp chí Pháp Le Point ngày 15/01. Bên kia là chủ trương được cho là mang tính phản công mạnh hơn.

Trên thực tế, vài ngày trước lễ nhậm chức của Donald Trump, Ủy Ban Châu Âu đã điều chỉnh chiến lược của Liên Hiệp. Đương nhiên, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula Von Der Leyen, mới là người ra quyết định cuối cùng và theo dự kiến bà sẽ công bố một số quyết định quan trọng tại Diễn đàn Davos chiều tối hôm nay 20/01, đúng ngày Donald Trump nhậm chức tổng thống Mỹ. Trước những tác động có thể dự báo từ cơn bão mang tên Donald Trump, Ủy Ban Châu Âu, cơ quan hành pháp của khối 27 nước, đang chuẩn bị phản ứng trên nhiều phương diện.

Trước tiên, một nguồn tin nội bộ Ủy Ban Châu Âu nhận định với tuần báo Pháp Le Point là không nên « pha trộn mọi thứ với nhau » như Mỹ có xu hướng làm. Ủy Ban Châu Âu dự định tách riêng hồ sơ nhạy cảm về việc áp dụng Đạo luật dịch vụ số (Digital Services Act - DSA) đối với mạng X và chủ nhân mạng xã hội này, tỉ phú Elon Musk, ra khỏi các cuộc đàm phán trong tương lai với chính quyền Trump. Đây được xem là phương cách ngăn chặn vị tỷ phú Mỹ, người thân cận với tổng thống Donald Trump, tranh thủ vụ xung đột pháp lý này để can dự vào một cuộc đàm phán ngoại giao tầm rộng hơn giữa Mỹ và Liên Âu. Nói một cách khác, cần tách vấn đề mang tên Elon Musk ra khỏi hồ sơ Donald Trump. Theo Le Point, đối phó với chủ nhân của Tesla, SpaceX, Starlink và mạng X, Ủy Ban Châu Âu không có quyền phạm sai lầm.

Về cơ bản, theo phân tích của các ủy viên châu Âu, chiến lược của Donald Trump là ồ ạt rút Mỹ ra khỏi lục địa châu Âu. Mọi tuyên bố trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump đều được Liên Âu nhìn nhận nghiêm túc : ông Trump có ý định thúc đẩy các nước châu Âu tự gánh trách nhiệm về quốc phòng của khối, đồng thời dọa gây chiến tranh thương mại để châu Âu phải nhượng bộ. Rõ ràng là Trump muốn giảm sự tham gia của Mỹ, đồng thời tối đa hóa lợi ích của Washington, tức là chi ít nhưng phải kiếm được nhiều hơn.

Trước viễn cảnh nói trên, hiện giờ có hai trường phái đang đối đầu nhau trong Ủy Ban. Theo nhiều thông tin Le Point có được, phương án được đa số ủng hộ là đường lối phòng thủ : lập danh sách các nhượng bộ có thể có, từ mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ cho đến mua thiết bị quân sự (chiến đấu cơ F-35) hay các thiết bị dân sự (đặt hàng tập đoàn máy bay Boeing), ngả theo một số lập trường của Hoa Kỳ trong hồ sơ Trung Quốc.

Dĩ nhiên, đại diện của các nước nhỏ ở Đông Âu, do quân đội yếu, nên ủng hộ giải pháp nói trên, họ cho rằng tham gia « trò chơi » của Trump tức là tự bảo vệ mình khỏi mối nguy mang tên Vladimir Putin. Nhưng ủng hộ lập trường của Mỹ đối với Trung Quốc thì chắc chắn sẽ phải trả giá, giống như Litva từng bị Bắc Kinh trả đũa. Tuy vậy, đối với các nước nhỏ ở Đông Âu và vùng Baltic, nguy cơ bị Bắc Kinh trả đũa vẫn ít tác hại hơn so với nguy cơ mất ô hạt nhân của Mỹ.

Trường phái thứ hai mang tính tấn công mạnh hơn, khuyến cáo Liên Hiệp chuẩn bị các biện pháp đáp trả trong trường hợp xảy ra chiến tranh thương mại với Mỹ và nhắm vào các lĩnh vực chiến lược của Mỹ. Ngoài ra cần củng cố, tăng cường quan hệ đối tác thương mại với các đồng minh khác như Mêhicô và Canada, những nạn nhân tiềm ẩn trong các cuộc tấn công thương mại của Hoa Kỳ.

Về cơ bản, có thể lập một « mặt trận » gồm các nạn nhân của Donald Trump để giảm sự lệ thuộc vào Mỹ, ví dụ thông qua mua khí hóa lỏng LNG từ Canada. Vấn đề là các giếng dầu của Canada mới chỉ đang ở giai đoạn dự án ở miền tây nước này. Ý tưởng lập mặt trận cũng nhằm chứng minh với Mỹ rằng Liên Âu có những giải pháp thay thế và sẽ không ngần ngại sử dụng. Giải pháp này cũng bao gồm việc mở rộng các hiệp định thương mại tự do đã ký với Canada và Mêhicô. Thế nhưng, nếu tiến hành chiến lược cứng rắn này, sẽ có một cái giá đắt mà nước Pháp sẽ phải chấp nhận : không thể ngăn chặn việc đa dạng hóa các hiệp định thương mại và sẽ phải chấp nhận thỏa thuận Mercosur, mà hiện giờ Paris đang phản đối gay gắt.

Theo nhận định của Le Point, khó khăn của Ủy Ban Châu Âu là làm sao vẫn duy trì được sự đoàn kết, thống nhất của khối trước Donald Trump. Các nước thành viên ở Đông Âu, đặc biệt dễ hứng chịu các mối đe dọa từ Nga, dĩ nhiên có xu hướng nhượng bộ Washington hơn. Chỉ những nước đầu tư mạnh vào quốc phòng mới có lập trường cân bằng hơn, trong đó có Pháp. Paris dĩ nhiên đi đầu nhóm các nước ủng hộ quyền tự chủ của Liên Hiệp Châu Âu.

Riêng chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Ursula Von der Leyen, coi sự thống nhất của khối 27 nước là ưu tiên hàng đầu, sẽ phải đưa ra quyết định rõ ràng sau khi chính quyền Trump công bố chính sách. Là một người có tư tưởng ủng hộ mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, bà Ursula Von der Leyen có xu hướng thúc đẩy một đường lối hòa giải. Nhiệm vụ của bà càng khó khăn hơn khi Trump rất có thể sẽ sẽ tìm cách khai thác sự chia rẽ giữa các nước thành viên Liên Âu, đặc biệt là về vấn đề ngân sách quốc phòng.

No comments:

Post a Comment