Sunday, January 19, 2025

Hữu Phú - Tận cùng của bi kịch!
dimanche 19 janvier 2025
Thuymy


Mấy ngày nay, đọc báo thấy nói về vụ án người chồng, người cha, người con giết sạch cả vợ, con, mẹ, rồi tự tử bất thành, trở thành kẻ sát nhân, vi phạm pháp luật… vì nghèo (lời khai ban đầu) mà không khỏi rùng mình, ớn lạnh, chạnh lòng!

Tôi đã từng nghèo, từng không có cái ăn mỗi ngày, mỗi bữa, từng cảm thấy vô vọng, bất lực, bế tắc, cùng cực… Và thú thật là cũng từng nghĩ đến cái ch.ết, từng muốn tự tử để tự giải thoát mình khỏi cuộc sống khốn khổ này. Tôi hiểu và tin rằng có những người sẽ chọn cái c.ết để chấm dứt cái nghèo!

Đã từng là người làm báo, viết báo, tôi biết rằng rồi sẽ có những luận điệu quy kết. Rằng kẻ giết người có biểu hiện, dấu hiệu của bệnh tâm thần, không khống chế được cảm xúc, suy nghĩ, hành vi… dẫn đến bi kịch gia đình.

Viết như vậy dễ hơn, quy kết vào cá nhân, gia đình dễ làm nhỏ vấn đề hơn là để vấn đề đó thuộc về xã hội. Chuyện của một nhà, của một người dễ giải quyết, dễ biến lớn thành nhỏ, nhỏ thành không… Chỉ cần một người chịu trách nhiệm là đủ, mà người đó lại là một gã tâm thần, nghèo mạt rệp, cô thân, cô thế.

Vấn đề sẽ, đã được làm nhỏ đi nhưng vẫn còn… vấn đề, là: Trong xã hội chúng ta đang sống, không chỉ có một vụ án mạng mà kẻ giết người khai rằng do quá nghèo, phải chọn cái chết để tự giải thoát cho mình và người thân.

Trong quá khứ đã từng có những vụ tương tự như vụ người mẹ tự tử để các con có tiền phúng điếu dùng chi dụng trong cuộc sống; người cha tự tử để gia đình bớt miệng ăn; người chồng cắm điện g.iết vợ trong bệnh viện vì không tiền đóng viện phí… Tức là nhiều vụ việc, nhiều bi kịch có xuất phát từ cùng một nguyên nhân là bởi nghèo nàn, bế tắc.

Đọc báo, lướt mạng xã hội tôi cũng thấy nhiều bài ca ngợi, mô tả, tường thuật những cá nhân thiện nguyện, những tổ chức từ thiện giúp đỡ người nghèo, những bếp ăn không đồng, những phần cơm từ thiện, chợ không đồng… Và cũng biết nước ta hiện chưa có bệnh viện không đồng (nhà thương thí), không có trường học không đồng (kể cả trường công lập).

Nhưng có Nghị định 168 với mức phạt vi phạm giao thông cao vượt ngưỡng thu nhập hàng tháng của nhiều người, nhiều gia đình, có khả năng là tiền đề đẩy những con người đó, gia đình đó vào hoàn cảnh bế tắc, cùng cực. Tôi cũng biết là xã hội ta có quá nhiều người nghèo, khoảng cách giàu -nghèo quá xa…

Từng là một nhà báo, tôi biết rằng: Không một cá nhân, tổ chức nào có thể giúp đỡ, sẻ chia, hỗ trợ được cho tất cả những người nghèo trong đất nước để bản thân, gia đình họ đừng lâm vào cảnh cùng quẫn, chỉ có Nhà nước với những Chính sách, quyền lực, tiềm lực, nhân lực của mình mới có thể làm được!

Tất nhiên, tôi thích đất nước ta cất cánh, vươn mình bước vào kỷ nguyên mới. Nhưng trước mắt là phải làm cho người dân thoát khỏi cái nghèo trên thực tế (không phải trên những báo cáo, số liệu thống kê), trên hiện trạng đã.

Ước gì tôi không phải đọc thấy những tin tức về việc những người dân phải tự mình tìm đến cái ch.ết để giải tỏa bế tắc của bản thân và gia đình!

HỮU PHÚ 19.01.2025

No comments:

Post a Comment