Đoàn Hiếu Minh - Nịnh cũng là nghệ thuậtsamedi 18 janvier 2025
Thuymy
Em là con buôn cho nên việc khen ngợi cấp dưới, khen khách hàng đối tác, hay nịnh các bác là điều đương nhiên xảy ra như cơm bữa.
Sau nhiều năm nịnh nọt thì em thấy nịnh nó có hai
kiểu, đó là nịnh trực tiếp và gián tiếp.
Khi nghe các anh lớn nhưng tuổi gần em nói gì hay, thì em sẽ không bao giờ nói: "Anh nói đúng quá!", "Anh nói hay quá ạ!" Nói thế nó vừa thô, vừa không thật. Lúc đấy em sẽ nhổm hẳn người lên, hoặc vỗ đùi đánh "đét" một cái xong chửi thề: "Mẹ! Thế này thì chết mất thôi anh ạ!". Các ông anh vừa sướng, vừa thấy nó thật tình mà lại gần gũi.
Đối với các bác tuổi hơn em nhiều, khi các bác nói gì mà em thấy cần cổ vũ thì em có hai lựa chọn. Thứ nhất là im lặng, nhưng mắt không rời các bác cho dù nửa giây. Chăm chú lắng nghe đã là một cổ vũ rồi còn gì? Mình nói mà nó nghe như nuốt từng lời thì lại chả bằng cả chục câu nịnh ấy chứ!
Còn không thì em sẽ từ tốn nói: "Bác nói thế này thì em còn biết nói gì nữa!" Nội dung thì rõ ràng là chả khen và cũng chả chê, nhưng khi đã không biết nói câu gì nữa thì có nghĩa là bác nói vừa đủ, vừa đúng, vừa sâu rồi còn gì?
Còn nịnh gián tiếp thì khác. Nịnh gián tiếp thì bắt buộc phải dựa trên câu nói, sự việc có thật và câu nói, sự việc đó phải thật sự tốt đẹp. Lúc đấy thì phải dùng góc nhìn, phải dùng trí tuệ của mình để phân tích theo chiều hướng tích cực. Lời nói hay từ ngữ bề ngoài phải rất công tâm, nhưng lý luận thì phải nghiêng hẳn về các bác. Các bác có nghe được, có đọc được thì cũng sẽ nghĩ: "Thằng này nó hiểu ý mình, nó phân tích đúng thật!" Thế là việc nịnh thành công!
Nhưng có một kiểu nịnh mà em không tài nào làm được, đó là làm thơ! Đã phải nghĩ ý nịnh rồi, mà còn phải nghĩ thêm cách gieo vần sao cho nó không giống văn xuôi chấm xuống dòng là em chịu!
Trên đời này ai cũng đã từng nịnh ít nhất đôi lần, nhưng đã nịnh thì phải như không nịnh thì mới tài. Chứ hỏi theo kiểu sếp mà cũng phải tự đi đái à thì vứt!
ĐOÀN HIẾU MINH 17.01.2025
No comments:
Post a Comment