Phó thủ tướng Trần Hồng Hà thúc đẩy đưa máy bay COMAC do Trung Quốc sản xuất vào Việt Nam
2025.01.16
RFA
Máy bay C919 của COMAC bay tại Singapore Airshow ở Singapore hôm 20/2/2024
Roslan RAHMAN / AFP
Roslan RAHMAN / AFP
Phó thủ tướng Việt Nam Trần Hồng Hà hôm 15/1 yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải phải khẩn trương tìm cách tháo gỡ các vướng mắc để đưa máy bay COMAC do Trung Quốc sản xuất vào sử dụng ở Việt Nam. Trang tin Vietnam Plus thuộc Thông tấn xã Việt Nam loan tin vào cùng ngày.
Hãng máy bay COMAC thuộc nhà nước Trung Quốc được thành lập vào năm 2008 trong thời gian qua đã tìm cách thâm nhập vào thị trường Việt Nam nơi phần lớn các máy bay hành khách được sử dụng bởi các hãng hàng không là của Airbus và Boeing. Tuy nhiên, hãng đang gặp khó khăn trong việc bán máy bay cho các hãng hàng không nước ngoài do chưa qua được vòng chứng nhận ở Mỹ và EU, theo Reuters.
Hồi tháng 11 năm ngoái, mạng Báo Chính Phủ đưa tin Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với ông Ngụy Ứng Bưu - Phó Tổng Giám đốc thường trực Tập đoàn Máy bay thương mại Trung Quốc (COMAC). Tại cuộc gặp này, ông Ngụy Ứng Bưu “khẳng định COMAC rất coi trọng thị trường Việt Nam khi kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh, đặc biệt là ngành hàng không Việt Nam là một động lực của ngành hàng không khu vực.”
Cũng theo Báo Chính Phủ, tại cuộc gặp với ông Chính, ông Nguỵ Ứng Bưu cho biết, “COMAC đã và đang kết hợp với Hãng hàng không VietJet - hãng hàng không tư nhân lớn nhất của Việt Nam, trao đổi sâu về kỹ thuật nhằm tiến tới đưa máy bay của COMAC vào khai thác tại Việt Nam.”
Trong cuộc gặp mới đây với Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, ông Tan Wangeng, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Máy bay thương mại Trung Quốc (COMAC) được Vietnam Plus dẫn lời cho biết, “VietJet và COMAC có thể nghiên cứu phương án hợp tác với một hãng hàng không của Trung Quốc đang vận hành thương mại máy bay của COMAC để thử nghiệm trên một số đường bay... mà VietJet đang khai thác.”
Đáp lại, ông Trần Hồng Hà đã giao Bộ Giao thông Vận thải chủ trì, phối hợp với các cơ quan khẩn trương rà soát quy định pháp luật hiện hành, đề xuất, kiến nghị sửa đổi phù hợp với tình hình thực tế để tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình đưa tàu bay của COMAC vào khai thác tại Việt Nam, theo Vietnam Plus.
Một số diễn đàn ở Việt Nam và hãng tin nước ngoài vào tháng 4 năm ngoái lan truyền hình ảnh và thông tin về việc hợp tác của hãng hàng không tư nhân VietJet với COMAC. Một tấm hình lan truyền trên mạng vào tháng 4 cho thấy một buổi lễ ký thoả thận hợp tác giữa hai hãng và hình hai máy bay của COMAC là ARJ21 và C919. Tuy nhiên cả COMAC và VietJet lúc đó đều không đưa ra lời bình luận gì.
Vào tháng 12 năm ngoái, VnExpress đưa tin cho biết VietJet đang muốn thuê hai máy bay của COMAC để phục vụ đường bay từ Côn Đảo đến Hà Nội và TPHCM bắt đầu vào năm 2025.
Vào hồi đầu năm ngoái, COMAC đã đưa hai mẫu máy bay ARJ21 và C919 vào bay thử ở Việt Nam.
Hôm 2/3/2024, 50 hành khách Việt Nam đã bay thử nghiệm máy bay ARJ21 chặng TPHCM - Đà Nẵng.
Truyền thông Nhà nước dẫn lời bình luận của hai hành khách đã thử nghiệm chuyến bay với lời ca ngợi như chỗ ngồi rộng rãi, thoải mái dù máy bay nhỏ, vận hành êm, thiết kế thân thiện với người dùng.
Tuy nhiên, trong một dòng trạng thái giới thiệu về máy bay của COMAC do RFA đăng tải trên Facebook vào hồi đầu năm ngoái, nhiều người bày tỏ lo ngại về chất lượng và độ an toàn do máy bay của Trung Quốc.
“Chắc không ai dám đi” - một bình luận trên Facebook viết
“Yên tâm , ai đi máy bay này sẽ được mua bảo hiểm giá cao hơn máy bay airbus hay Boeing nhiều.” - một bình luận khác trên Facebook viết.
Theo Reuters, COMAC hiện không qua được vòng cấp chứng nhận của EU và Mỹ cho dòng máy bay C909 và C919. Reuters dẫn nguồn tin trong ngành công nghiệp hàng không nhận định rằng điều này đã cản trở những nỗ lực của hãng trong việc bán máy bay cho các hãng hàng không nước ngoài.
Hiện có ba hãng hàng không lớn tại Trung Quốc sử dụng máy bay COMAC là Air China, China Southern Airlines và Hainan Airlines.
Tin, bài liên quan
Tin Việt Nam
No comments:
Post a Comment