Quan hệ thương mại Mỹ – Việt trong tầm ngắm, có thể điều chỉnh lại
Asia Sentinel
Tác giả: David Brown
Song Phan chuyển ngữ
14-1-2025
Tiengdan
15/01/2025
Một sân golf của Trump tại quê của Tô Lâm có thể giúp cho con đường trơn tru hơn
Quan hệ thương mại của Hoa Kỳ với Việt Nam sắp phải điều chỉnh lại. Nếu được xử lý tốt, nó có thể mang lại lợi ích to lớn cho cả hai nước – nhưng điều đó đòi hỏi sự tinh tế đáng kể hơn so với những gì Donald Trump và các cố vấn của ông đã thể hiện trong nhiệm kỳ đầu ông ta làm Tổng thống Hoa Kỳ.
Một năm trước, những người theo dõi Việt Nam đã cố gắng hiểu cách hai nước sẽ thực hiện ‘Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện’ (QHĐTCLTD) mà Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, đã thỏa thuận. Chắc chắn điều đó có giá trị tượng trưng: Trong hệ thống phân cấp quan hệ đối ngoại của Việt Nam, QHĐTCLTD đã nâng Hoa Kỳ lên cùng một thứ hạng cao nhất mà Hà Nội đã dành cho Trung Quốc từ năm 2008 và cho Nga từ năm 2012. Nhưng xét đến việc Ấn Độ (năm 2016), Hàn Quốc (năm 2022), Nhật Bản (cũng năm 2023) và Úc (năm 2024) cũng đã được tuyên bố là đối tác chiến lược toàn diện, có thể miễn chấp những người hoài nghi vì chất vấn liệu các QHĐTCLTD có giá trị thực chất hay không.
Hà Nội hy vọng, đổi lại Washington sẽ thừa nhận rằng Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế thị trường – mấy chữ kỳ diệu có thể sẽ thúc đẩy Hoa Kỳ hạ thuế đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam – ngay sau cuộc bầu cử năm 2024. Điều đó có vẻ không có khả năng xảy ra sau khi cử tri Hoa Kỳ chọn đưa Donald Trump trở lại Nhà Trắng. Năm 2019, Trump cáo buộc Việt Nam là “kẻ lạm dụng tồi tệ nhất” về thương mại với Hoa Kỳ, thậm chí còn tệ hơn cả Trung Quốc. Mặc dù chính quyền Trump đã bắt đầu quá trình trừng phạt Việt Nam vì cho rằng thao túng tiền tệ, nhưng chính quyền Biden đã hủy bỏ hành động này.
Trong khi đó ở Việt Nam, khi Tổng Bí thư Trọng sắp qua đời, một tướng cảnh sát là Tô Lâm đã giành được vị trí lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam. Lâm mang rất nhiều năng lượng vào công việc mới của mình. Ông Nguyễn Khắc Giang, người Việt và là nhà quan sát rất kỹ vấn đề, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á có trụ sở tại Singapore, đánh giá Lâm là người “thực dụng hơn là lý tưởng, tập trung vào phát triển kinh tế và ổn định chính trị hơn là các chiến dịch học thuyết”.
Lâm và tổng thống đắc cử Donald Trump đã có cuộc nói chuyện ngắn qua điện thoại sau khi việc tái đắc cử của Trump trở nên rõ ràng. Theo trang web của Đảng Cộng sản, “Trump bày tỏ sự tôn trọng đối với mối quan hệ Việt Nam và việc hợp tác kinh tế Việt – Mỹ, và muốn thúc đẩy hơn nữa điều này”. Lần này, có vẻ như lợi ích cá nhân của Trump có thể giúp ích cho lợi ích công của ông, Như David Hutt đã đưa tin trên báo The Diplomat vào ngày 9 tháng 11: “Vào ngày 8 tháng 10… Trump Organiztion, doanh nghiệp gia đình của ông đã ký một thỏa thuận với nhà phát triển bất động sản Việt Nam Kinh Bắc City Development để xây dựng một sân golf và khu nghỉ dưỡng trị giá US$ 1,5 tỷ tại tỉnh Hưng Yên của Việt Nam, ngay bên ngoài Hà Nội”.
Ông Hutt đưa tin, bản ghi nhớ đã được ký kết hồi tháng trước “bởi các quan chức của Trump Organiztion, Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên và Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc khi Lâm đang trên đường đến Hoa Kỳ tham dự Phiên tranh luận chung hàng năm của Liên Hợp quốc. Chính Trump đã tham dự lễ ký kết và ảnh chụp ông ta ngồi cạnh con trai Eric Trump và Đặng Thành Tâm, chủ tịch Kinh Bắc City và là một ông trùm có ảnh hưởng chính trị đáng kể”.
Với công việc đó hoàn tất, Trump Organiztion tuyên bố vào ngày 10 tháng 1 rằng công ty sẽ không ký kết các thỏa thuận mới với các chính phủ nước ngoài trong khi Trump còn tại nhiệm. Bây giờ, tùy Lâm và Trump xem liệu họ có thể làm sự rung cảm tốt đẹp của QHĐTCLTD Mỹ – Việt khớp với một kế hoạch mở đường cho sự hòa hợp thương mại song phương hay không.
Ngay từ đầu, đã có những trở ngại rất lớn
Trong nhiệm kỳ tổng thống Hoa Kỳ 2017-2021, Trump bị ám ảnh bởi thâm hụt thương mại song phương của Hoa Kỳ với các quốc gia cụ thể; Việt Nam là một trong số đó, ghi nhận mức thâm hụt lớn trong việc nhập khẩu hàng hóa sản xuất từ Trung Quốc và sự thặng dư dôi ra trong xuất khẩu sang Hoa Kỳ sau khi tăng giá trị cho những hàng hóa đó. Không lâu sau khi Trump đắc cử nhiệm kỳ tiếp theo, con trai ông và là cố vấn thân cận Eric đã trích dẫn rằng, Việt Nam “nằm trong những nước ‘trấn lột’ Hoa Kỳ” trong một đoạn video được trình chiếu tại một hội nghị kinh doanh ở Hà Nội. Vài ngày sau, dữ liệu thương mại của Hoa Kỳ cho thấy, thâm hụt song phương với Việt Nam là US$ 102 tỷ trong 10 tháng đầu năm 2024.
Hơn nữa, một số nhà quan sát có ảnh hưởng của Hoa Kỳ tin rằng China, Inc. đang được cho phép đánh tráo nguồn gốc các sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt là hàng điện tử trên đường gửi đến Hoa Kỳ đã được đóng gói lại ở Việt Nam. Bỏ qua lợi thế cạnh tranh của Việt Nam về chi phí sản xuất và lao động, họ chỉ ra thặng dư thương mại ngày càng tăng của nước này và cho rằng phần lớn hàng xuất khẩu của Việt Nam bao gồm các mặt hàng ngụy trang có nguồn gốc từ Trung Quốc.
. . . và bằng chứng Việt Nam đang ‘chơi sòng phẳng’
Trong khi đó, dữ liệu vi mô do các nhà phân tích của Harvard Business School tổng hợp cho thấy rằng, nhiều hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đã tạo thêm giá trị cho nền kinh tế Việt Nam thông qua các khoản đầu tư mới, tạo ra việc làm và tăng sản lượng. Nghiên cứu của Harvard kết luận rằng, giá trị gia tăng của hàng nhập khẩu này chỉ trở nên rõ ràng khi xem xét dữ liệu thương mại ở cấp độ công ty. Trên cơ sở đó, chỉ 1,8%, hay US $1,7 tỷ, hàng hóa có khả năng đã được ‘chuyển lộ trình’ một cách bí mật vào năm 2021.
Các phân tích gần đây hơn cho thấy, Hà Nội tăng cường sàng lọc đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc – khu vực hàng điện tử xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ thường có giá trị gia tăng tại chỗ là 30% trở lên và có thể được dán nhãn một cách chính đáng là “sản xuất tại Việt Nam”. Thách thức hiện nay là đưa những mặt hàng xuất khẩu này lên chuỗi giá trị, tức là vượt khỏi lắp ráp và đóng gói.
Một bản tóm tắt do Hội đồng Đại Tây Dương công bố giữa năm 2024, kết luận rằng, với tư cách là một “nền kinh tế kết nối” nối liền chuỗi cung ứng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, Việt Nam đang được cả hai cường quốc này săn đón —và nhận được đầu tư đáng kể. Đáng chú ý, ngoài sự hiện diện đáng kể của các công ty Trung Quốc đã ổn định tại Việt Nam để cung cấp linh kiện cho các công ty điện tử khổng lồ của Mỹ (ví dụ như Apple, Google và Intel), hơn một chục công ty Hoa Kỳ được báo cáo là đang thành lập các trung tâm R&D để bồi dưỡng tài năng địa phương trong lĩnh vực công nghệ điện tử và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Tiến về phía trước
Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, trước khi nhiều tháng trôi qua, Tổng thống Trump và Tổng bí thư Tô Lâm dường như buộc phải gặp nhau – và xung đột – về các vấn đề thương mại song phương. Hoặc, nếu trước đó, các quan chức thương mại cấp cao của cả hai nước được chỉ đạo gặp nhau, nghiên cứu, giải quyết các tranh luận và vạch ra tình hình hiện tại và hướng đi có thể xảy ra của quan hệ thương mại song phương, có lẽ có thể tránh được một thảm họa. Việt Nam sẽ khôn ngoan khi đưa ra một số nhượng bộ đối với các vấn đề nhạy cảm của Hoa Kỳ. Trong trường hợp đó, khả năng là công bằng, có thể là tốt, rằng lý lẽ thông thường sẽ thắng thế ở cả hai thủ đô.
________
Tác giả: David Brown là cựu viên chức ngoai giao Hoa Kỳ có nhiều kinh nghiệm ở Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam và trong việc điều phối chính sách năng lượng. Ông là cộng tác viên thường xuyên của Asia Sentinel
No comments:
Post a Comment